Bà Thatcher và ông Mitterrand lo ngại nước Đức thống nhất sẽ quá mạnh Văn bản do Bộ Ngoại giao Anh vừa công bố cho thấy mức độ phản đối của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher đối với tiến trình thống nhất nước Đức hồi 1989. Như tường thuật của biên tập viên BBC chuyên về châu Âu, Brian Hanrahan trong bài sau, bà Thatcher có đồng minh là Tổng thống Pháp Francois Mitterrand nhưng lại bị chính Ngoại trưởng của bà chống lại. Bức tường Berlin sụp đổ là thời điểm đem lại niềm vui cho đa số các phần của thế giới nhưng cũng bỗng chốc đặt ra vấn đề nước Đức thống nhất lên nghị trình chính trị quốc tế. Cuộc họp Thatcher -Mitterrand “Tổng thống Mitterrand nói viễn cảnh bất ngờ của việc hai nước Đức tái thống nhất đem lại một cú choáng cho chính người Đức - tác động của nó là biến họ trở lại thành những ngườo Đức xấu xa như trước.” Đó là phần ghi chép của cố vấn Charles Powell khi bà Thatcher dùng bữa ăn trưa với Francois Mitterrand, 20/01/90. Cả hai lãnh đạo Anh và Pháp đều lo lắng. Bà Thatcher sợ rằng sau khi thống nhất hai phần Đông và Tây, một nhà nước Đức lớn hơn sẽ trở nên quá mạnh. Ngay từ ban đầu bà đã bày tỏ sự thận trọng. Bà nói: "Chúng ta hết sức biết ơn những người từng sống bên kia Bức màn sắt vốn chưa bao giờ mất niềm tin vào tự do," "Nhưng nay là phần việc khó khăn để xây dựng nền dân chủ và chúng ta phải đợi xem điều gì sẽ xảy ra." Cố vấn đối ngoại cho bà Thatcher, Charles Powell, ghi lại niềm tin của nữ thủ tướng Anh rằng Tây Đức cần phải bị kiềm chế bởi các đồng minh. Cá nhân tôi có cảm tưởng rằng có những khác biệt giữa bà Thatcher và ông Douglas Hurd Ngoại trưởng Tây Đức Hans Dietrich Genscher Ngày 8/12 năm 1989, ông Powell viết: "Quan điểm của Thủ tướng là ...chúng ta không muốn bật dậy một ngày để thấy các sự kiện đi vượt qua cả sự kiểm soát và Đức thống nhất với tất cả các dự định và mục tiêu riêng của họ đối với chúng ta." Nhưng bà Thatcher, người thường có tác động mạnh đến các lãnh đạo châu Âu khác, lần này đã không thuyết phục được họ về quan điểm của bà đối với tiến trình hai nước Đức thống nhất, dù bà cũng đã lý luận rằng việc Đức thống nhất có thể sẽ làm yếu đi vị thế của lãnh đạo Liên Xô hồi ấy, ông Mikhail Gorbachev. Thậm chí chính Ngoại trưởng của bà, ông Douglas Hurd cũng không đồng ý. Ông Hurd nói: "Khi còn làm ngoại trưởng cho bà trong năm đó, sự tranh cãi duy nhất của tôi với bà chính là về vấn đề nước Đức. Bà tin rằng cần phải có một cơ chế kìm hãm." "Bà cũng thấy rằng một phần thì là vì lý do về chính nước Đức, một phần là phải làm sao không để ông Gorbachev bị nguy hại." Nhưng Bộ Ngoại giao Anh cho rằng không có hy vọng gì để ngăn cản quá trình tái thống nhất Đức. Thatcher 'bị cô lập' Dù bà Thatcher chống lại quyết liệt, cuối cùng ông Hurd đã hạ được sự chống đối. Thủ tướng Anh hồi đó lo ngại cho vị thế của lãnh đạo Liên Xô, Michail Gorbachev
Mười tuần sau đó, ông ghi lại trong nhật ký riêng về cuộc gặp với bà Thatcher: "Thái độ bài bác tính ích kỷ của người Đức thì vẫn còn, nhưng việc cố đấm để ngăn sự thống nhất (Đức) nay đã giảm đi nhiều lắm rồi." Ngoại trưởng Tây Đức, ông Hans Dietrich Genscher nhớ lại hình ảnh bà ngày càng bị cô lập: "Cá nhân tôi có cảm tưởng rằng có những khác biệt giữa bà Thatcher và ông Douglas Hurd," "Ông ta muốn giúp đỡ và có thái độ rất xây dựng." Còn Tổng thống Pháp Mitterrand thì có nói với bà Thatcher rằng ông đồng ý với bà nhưng không có cách gì để tính xem họ còn làm được gì. Vì thế ông Mitterrand thoái lui một cách lịch lãm khi Thủ tưứng Đức Helmut Kohl thúc đẩy cho tiến trình thống nhất diễn ra nhanh chóng. Khi sang thăm Tây Đức, ông Powell viết từ thủ đô Bonn như sau: "Họ rất chủ động và ông Mập ngồi ghế lái chính. Niềm phấn khích lớn không thể tả được. Giờ phút của nước Đức đã đến. Họ sẽ tự giải quyết số phận của mình." Patrick Salmon, sử gia tại Bộ Ngoại giao Anh là người tổng hợp các văn bản đối ngoại được công bố hôm thứ Sáu vừa qua về quá trình thống nhất nước Đức, nguyên văn là German Unification 1989-1990: Documents on British Policy Overseas Section III Volume VII. Ông nói rằng sự phản đối của bà Thatcher dù sâu nặng cũng đã không có tác động thực tiễn nào hết. "Bạn có thể nói rằng bà chỉ là thể hiện, phản ánh những gì người khác cũng cảm thấy nhưng không muốn nói ra.” Thực tế mà nói thì đã quá rõ là chẳng ai có thể cản trở được sức ép thúc đẩy cho một nhà nước Đức mới. Kể cả các chính khách Đức cũng không thể làm gì khác được, không nói là những người bên ngoài. Và nước Đức đã thống nhất trong vòng một năm vì lòng dân muốn thế. Khả năng đẩy sang một bên tất cả những lực cản quốc tế là biểu hiện đầu tiên của sức mạnh mới có của Đức. |