Home Tin Tức Thời Sự Gặp lãnh đạo nổi dậy ở Miến Điện

Gặp lãnh đạo nổi dậy ở Miến Điện PDF Print E-mail
Tác Giả: Ko Ko Aung /Ban Miến Điện BBC   
Thứ Sáu, 11 Tháng 9 Năm 2009 16:33

Người Pao nói họ phải cầm súng để giữ gìn bản sắc văn hóa của riêng họ

Sau khi bay nửa vòng trái đất, cuối cùng tôi tới doanh trại của quân nổi dậy ở biên giới Thái Lan - Miến Điện trong cố gắng tìm kiếm nhà lãnh đạo bí hiểm của Quân Giải phóng Quốc gia Pao, Khun Thurein.

Tôi mất hàng tháng để chuẩn bị cho cuộc gặp với lãnh đạo quân nổi dậy, người mà chỉ có trong tay khoảng 100 quân, đã đương đầu với quân đội Miến Điện.

Những người theo ông Thurein đều từ một nhóm sắc tộc thiểu số nhỏ mang tên Pao. Họ có ngôn ngữ riêng, âm nhạc, truyền thống và trang phục riêng.

Nhưng họ nói rằng chính phủ Miến Điện đang hủy hoại văn hóa của họ. Đó là lý do tại sao Khun Thurein và quân lính của ông đã lau bụi súng và bắt đầu đấu tranh trở lại.

Trong một lần phục kích gần đây, lính của Khun Thurein nói họ giết 12 lính Miến Điện.

Người Pao là một trong số hơn 100 sắc tộc thiểu số ở Miến Điện. Hầu hết các sắc tộc này đều ký hiệp ước ngừng bắn với chính phủ Miến Điện cách đây hơn hai thập niên.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn của Pao với chính phủ, người Pao cảm thấy văn hóa của họ đang mất dần.

Trong khi chờ đợi gặp thủ lĩnh Khun Thurein, tôi quyết định tới thăm một vài điểm đóng quân của phe nổi dậy Pao ở bên trong Miến Điện.

Ông bị treo lên cây, bụng bị rạch toang, bộ phận sinh dục bị cắt và nhét vào miệng
Khun Tun Kyaw kể về cảnh cha ông bị giết
Tại một trong những điểm như vậy ở trên núi, tôi gặp Khun Tun Kyaw.

Ông nói ông thấy bố của ông bị quân đội chính phủ và dân quân ủng hộ chính phủ giết một cách tàn bạo hồi năm 1993.

Ông tả chi tiết cảnh bố ông ''bị treo lên cây, bụng bị rạch toang, bộ phận sinh dục bị cắt và nhét vào miệng, hai viên đạn ấn vào hai mắt''.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe những chuyện như vậy nhưng lần này tôi không còn biết nói gì.

Người tị nạn

Nhiều người Pao cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác là trốn sang Thái Lan qua đường biên.

Nhiều người cuối cùng vào trại tị nạn Ban Nai Soi nằm cách biên giới vài tiếng đồng hồ nếu đi xe hơi.


Nhiều người đã rời khỏi Miến Điện và sống trong trại tị nạn này ở Thái Lan
Một số người đã sống trong trại này tới 15 năm và một vài người nói họ vẫn nhớ Miến Điện.

Có thể một số người sẽ có ngày tìm được đường tới các nước khác nhưng họ sẽ không thể trở về Miến Điện.

Trong chuyến thăm tới trại của quân nổi dậy tôi cũng gặp Ma San Thu và được cô giải thích tại sao cô đi làm y tá cho quân nổi dậy.

Cô nói một em gái chín tuổi mà cô chữa trị đã bị lính chính phủ hãm hiếp.

Cô nói: ''Chúng tôi phàn nàn nhưng các nhà lãnh đạo không cho chúng tôi nói ra. Sự căm phẫn cứ tăng dần. Những chuyện như thế xảy ra rất thường xuyên và chúng tôi bắt đầu nghĩ tại sao chúng tôi không tự bảo vệ mình được.''

Lãnh đạo phiến quân

Quân đội Miến Điện chỉ mạnh bằng một phần của Đế chế Anh trước đây. Tôi tin rằng chúng tôi có thể thắng họ.
Khun Thurein
Khi đang nói chuyện với Ma San Thu tôi được gọi đi để gặp chính lãnh đạo của quân nổi dậy.

Trụ sở của ông ở ngày bên kia biên giới bên phía Miến Điện.

Tôi là nhà báo đầu tiên được Khun Thurein mời tới doanh trại và ông sốt sắng muốn đưa tôi đi thăm các nơi.

Khi chúng tôi ra khỏi trụ sở, ông giải thích với tôi rằng chính phủ Miến Điện đang cố gắng lập ra một ''văn hóa mono Miến Điện'' ở trong nước.

''Các tộc trưởng của chúng tôi muốn hòa bình và dân chủ. Họ muốn giải quyết các vấn đề chính trị qua con đường chính trị.

''Nhưng chúng tôi không bao giờ có cơ hội để giải quyết vấn đề qua con đường chính trị cả.

''Tôi nghĩ chính quyền Miến Điện muốn tiêu diệt chúng tôi.''

Ông nói ông ý thức được những rủi ro mà ông đang phải chịu.

Nhưng ông nói: ''Chúng tôi đã bị thực dân Anh thống trị cả trăm năm.

Ko Ko Aung gặp lãnh đạo Pao, Khun Thurein
''Chúng tôi đã chiến đấu với họ để đòi độc lập.

''Quân đội Miến Điện chỉ mạnh bằng một phần của Đế chế Anh trước đây. Tôi tin rằng chúng tôi có thể thắng họ.''

Vợ của Khun Thurein thừa nhận rằng bà rất lo ngại và không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Dù sao thì cũng chỉ cần một lần tấn công thành công của chính phủ là cũng đủ để tiêu diệt toàn bộ 100 quân của Khun Thurein.

Nhưng Khun Thurein nói: ''Tôi thà chết còn hơn là chịu buông vũ khí mà không có giải pháp chính trị nào cả.''