Phí tổn của khủng hoảng toàn cầu |
Tác Giả: BBC |
Thứ Hai, 14 Tháng 9 Năm 2009 20:45 |
Người dân tại các nước giàu chịu thiệt hại nặng vì khủng hoảng tài chính Các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phải chi ra trung bình 10 ngàn dollar/đầu người trong nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng tài chính trong năm vừa qua. Các tính toán mới của đài BBC, dựa trên số liệu của IMF cấp cho các bộ trưởng tài chính G20, cho thấy các nước lớn chi tổng số là 10 ngàn tỉ dollar. Anh Quốc và Hoa Kỳ chi nhiều nhất, trong số đó Anh chi tới 94% GDP, so với mức 25% tại Mỹ. Con số này tương đương với việc Anh chi 30 ngàn bảng/đầu người và Hoa Kỳ là 10 ngàn dollar/đầu người. Dĩ nhiên, đa phần số tiền hỗ trợ kinh tế này là dưới hình thức các khoản đảm bảo cho hệ thống ngân hàng, và khi hệ thống ngân hàng thoát khỏi khủng hoảng thì các chính phủ sẽ thu lại hầu hết - chứ không phải toàn bộ - tiền mà họ bỏ ra. Tuy nhiên, có một số cách thức khác để đo lường mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, vốn đưa thế giới rơi vào tình hình suy thoái lần đầu tiên trong 60 năm. Các cách đo lường khác đều cho thấy mức độ thiệt hại và chỉ ra rằng các nước giàu nhất chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất - đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh Quốc với các lĩnh vực tài chính khổng lồ, vốn là tâm điểm của cuộc khủng hoảng. Người ta ước tính lĩnh vực tài chính tư được xóa các khoản nợ trị giá tới 4 tỉ dollar, mà 2/3 trong số đó là các khoản thua lỗ của các ngân hàng quốc tế lớn, như Citigroup hay RBS. Rất nhiều chuyên gia cho rằng sẽ mất nhiều năm, nếu không nói nhiều thập niên, trước khi lĩnh vực cho vay quay trở lại trạng thái trước khủng hoảng. Việc giảm cho vay là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm, cùng với sự sụt giảm lòng tin sâu sắc vào các thị trường tài chính. Người ta dự đoán kinh tế thế giới sẽ suy giảm ở mức 2.3% trong năm nay - tương đương với việc mất gần một ngàn tỉ dollar, chia đều cho mọi công dân nhưng đặc biệt tác động mạnh tới những người mất công ăn việc làm.
|