Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tăng ca cuối năm


congnhan tangca
Công nhân một công ty trong giờ tăng ca. RFA photo

Tăng ca đem lại thêm thu nhập cho người công nhân, tuy nhiên có những lúc công việc quá nhiều khiến họ ngại ngần khi nhà máy yêu cầu làm thêm.

Đối với người công nhân đồng lương chỉ đủ sống thì hầu như ai cũng muốn có thêm việc để làm ngoài 8 tiếng hưởng lương thông thường. Vào trước những dịp lễ tết cần thêm hàng bán ra thị trường, nhà máy phải yêu cầu công nhân làm thêm. Cô Hương, một công nhân may mặc trong khu công nghiệp Bình Tân, cho biết:

“Tại vì gần tết cho nên công ty này tăng ca nhiều lắm. Tăng ca cho tới 9h tối. Rồi ngày thứ 7 này là ở lại cho tới 5 giờ rưỡi. Chủ Nhật là phải đi làm rồi đó, đi làm từ 7 giờ rưỡi cho đến 4 giờ…”

Một công nhân khác, anh Thương, nói rõ mong muốn có việc làm thêm để tăng thu nhập nhằm chi tiêu trong dịp tết âm lịch sắp đến:

“Do công ty lệnh, có lịch tăng ca thì tăng ca thôi. Tết tăng ca nhiều nên được thưởng nhiều hơn. Muốn tăng ca nhiều để có nhiều tiền tiêu tết… Tăng ca là…làm bình quân mỗi ngày 8 tiếng, tăng ca thêm 4 tiếng nữa là 8 rưỡi  về. … 7 rưỡi sáng làm tới 8 rưỡi về.”

Tuy nhiên có những công ty đến dịp tết âm lịch lại là lúc không còn nhiều việc cho công nhân làm. Công nhân ở một công ty làm hạt điều cho biết:

    Do công ty lệnh, có lịch tăng ca thì tăng ca thôi. Tết tăng ca nhiều nên được thưởng nhiều hơn. Muốn tăng ca nhiều để có nhiều tiền tiêu tết…
    - Anh Thương

“Ít lắm, gần tết thì hông có tăng ca. Hàng thì xuất đi ít…nói chung làm đều đều.”

Theo luật lao động thông thường thì giờ tăng ca của công nhân được trả nhiều hơn so với giờ làm thông thường trong khoảng thời gian 8 tiếng; tuy vậy có nơi mức tiền lương làm cho những giờ tăng ca không có gì khác như lời cô Hương:

“Tăng ca là tết hay lễ gì nó cũng vậy thôi à, chứ nó không tính thêm đâu, quy định là 1 tiếng 15 ngàn thôi.”

Những bữa cơm vỉa hè vội vàng, để cho kịp giờ tăng ca. Một chị công nhân làm việc ở một công ty gần nơi chúng tôi ngang qua, đang vội vàng vào làm cho đúng giờ.

Ở cách đó không xa, những công nhân thuộc công ty đồ da dụng NamiLux đã hết giờ làm và đang trên đường về sau một ngày dài làm việc.

Thường khi không tăng ca, sau một ngày làm việc, công nhân ghé chợ tạm gần nhà máy mua vội ít thức ăn về tự nấu ăn. Còn khi phải tăng ca họ được nhà máy cho ăn ở căng tin.

Đa phần công nhân ở những khu công nghiệp là dân nhập cư từ nơi khác đến. Quanh năm, suốt tháng lo làm với mong muốn có chút dư giả để gửi về cho gia đình dưới quê hay chi dùng cho bản thân. Nếu may mắn nữa thì có thể dành dụm chút ít cho lúc ‘trái gió, trở trời’...

Tăng ca có thể nói là cơ hội duy nhất để những công nhân nghèo có kiếm được số tiền giúp đáp ứng những mong muốn nhỏ nhoi như thế của họ. Tuy nhiên, tình trạng ‘no dồn, đói góp’; tức khi thì không có việc, lúc phải lao động quá sức khiến chuyện ‘tăng ca’ trở nên gánh nặng cho người công nhân.

Cuối năm, đối với nhiều người là thời điểm để mua sắm, vui chơi, nhưng đối với một số công nhân thì lại là thời điểm làm việc nhiều hơn. Có nơi đến cận Tết mới được nghỉ.

Switch mode views: