Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nghề nước mắm Nghệ An sau thảm họa Formosa


nuocmam formosa
(Ảnh minh họa, lấy từ Video)

Biển ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân, diêm dân mà cả những người sống bằng nghề làm nước mắm.

Cá chết, hết nguyên liệu

Những người chuyên nghề làm nước nắm ở Nghệ An cho biết để có được một lô nước mắm thành phẩm cần trải qua hai công đoạn chính; đó là tuyển cá, rồi ướp cá và ủ từ 1 năm đến 1 năm rưỡi.

Tuy nhiên nguồn nguyên liệu chính cho dây chuyền chế biến đang trở nên khan hiếm sau khi hàng trăm tấn cá chết trắng dọc theo ven biển các tỉnh miền Trung mà nguyên nhân được chính thức thừa nhận do hóa chất độc hại mà nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh thải trực tiếp ra biển.

Giới khoa học cho rằng tác hại của những hóa chất không chỉ gây hại cho sinh vật biển và con người hiện nay mà chúng còn lắng xuống nằm trong lớp trầm tích đáy biển cho nên hậu quả sẽ tiếp tục lâu dài trong nhiều chục năm tới.

Nguồn nguyên liệu cá và muối để chế biến thành nước mắm bị ô nhiễm khiến nhiều người tiêu dùng lo sợ loại sản phẩm nước mắm sẽ được đưa ra thị trường trong năm tới.

Chị Kiều, chủ một cơ sở sản xuất tại một làng nghề nước mắm được nhiều người biết  ở huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, nói về tình trạng khan hiếm nguyên liệu:

“Cá về ít hơn, không có cá mua nhiều, cá về ít không có cá để làm.”

Những người trong nghề sản xuất nước mắm như chị Kiều cho biết hiện đang trụ được là nhờ vào số cá của năm trước làm ra. Chứ chưa hộ nào dùng cá của năm nay ủ.

Nỗi lo nhiễm độc vẫn còn đó

Hơn 4 tháng sau khi xảy ra thảm họa môi trường, Bộ Tài Nguyên- Môi trường chính thức công bố báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa thiên- Huế.

Theo đó các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực nằm trong giới hạn qui chuẩn Việt Nam, đạt qui chuẩn đối với các vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

Ông Thanh, một người làm nước mắm tại khu vực Quỳnh Lưu, Nghệ An sau khi nghe được báo cáo của Bộ Tài nguyên- Môi trường, vẫn tỏ ra không yên tâm:

“Theo dõi đài có nói con cá nổi làm nước mắm được an toàn. Nói vậy thì biết vậy chứ không biết làm thế nào, mình có kiểm định đâu. Có anh nào về kiểm định coi nước mắm, con cá đâu. Còn đây hầu hết làm cá là cá nổi hết, mà lặt vặt trong bờ cá chết hết rồi, lấy đâu mà đánh. Phải ra khơi mới đánh được. Đánh ra ngoài 80 lý, 100 lý.”

Mỗi khi hàng hóa khan hiếm thì giá cả lại tăng, người dân xã Quỳnh Ngọc cho biết hiện mức giá dao động từ 50-100 nghìn đồng với 1 lít nước mắm.

Cũng theo lời kể của ông Thanh, tại thời điểm xảy ra vụ việc cá chết hàng loạt, nhiều người dân biết chuyện đã nhanh tay mua nhiều nước mắm dự trữ cho gia đình đã khiến cho trên thị trường tiêu thụ nước mắm lúc bấy giờ tăng mạnh:

“Thời điểm hồi cá chết thì hình như họ bán được nhiều, ngày 50- 70 triệu, hàng trăm triệu, có gia đình mua vài trăm lít bởi vì nước mắm cũ từ năm ngoái hồi chưa bị ảnh hưởng Formosa, là con cá từ năm 2014.”

Điều này cũng được chị Kiều, một người sống bằng nghề làm nước mắm trong vùng, chia sẻ:

“So với năm ngoái thì năm nay bán được nhiều hơn do họ mua để dành sang năm vì hợ sợ cá bị hư.”

Một nghịch lý được nêu ra là Nghệ An không được xếp vào danh sách các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa môi trường biển mà Formosa gây ra; tuy nhiên theo người dân địa phương thì thực tế chứng minh họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề; thậm chí  còn lớn hơn so với Hà Tĩnh bởi Nghệ An có nhiều cảng biển lớn và các hộ chuyên đầu tư thuyền công suất lớn nhiều hơn.

Trong số này có những người chuyên theo nghề sản xuất nước mắm, một thứ nước chấm truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm của người Việt.

Switch mode views: