Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Rau ở Lâm Đồng tan nát vì lũ

lu raucai
Cải xanh trước ngày lũ đến. RFA

Trong lúc miền Trung bị ngập lụt từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… thì cao nguyên Lâm Đồng cũng bị ngập lụt xả lũ hồ Đơn Dương. Trong đó, huyện bị ngập nặng nhất là huyện Đơn Dương. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng vốn dĩ là tỉnh chuyên về cây cà phê, cây chè và một số loại cây cao sản khác, chỉ có huyện Đơn Dương và thành phố Đà Lạt là nơi trồng rau nhiều nhất. Hay nói cách khác, đây là vựa rau của cả miền Trung. Nhưng, việc xả lũ lại tác động trực tiếp và nặng nề nhất đến Đơn Dương và Đà Lạt.

Rau củ quả bị hư hại nặng


Bà Truyện, cư dân xã Tân Thành huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, chia sẻ: “Huyện Đơn Dương này nè, nhưng bên chị không ngập, phía bên kia đường mới ngập. Bên này không dính dáng gì ngập lụt hết nhưng bên kia đường thì thiệt hại quá nhiều, nhà kính, lưới hư hết, cầu đường bị hư, thiệt hại nặng lắm!”

    Bên này không dính dáng gì ngập lụt hết nhưng bên kia đường thì thiệt hại quá nhiều, nhà kính, lưới hư hết, cầu đường bị hư, thiệt hại nặng lắm!
    -Bà Truyện

Theo bà, hiện tại ở huyện Đơn Dương đang có một chuyện hết sức khôi hài, nghĩa là cách nhau một con đường, bên này đường vẫn đang kéo ống tưới cây vì thiếu nước, mưa không đáng kể, mà những cây mưa lẻ như vậy càng làm cho rau củ quả đang trồng dễ bị dập vì axit trong nước mưa, chính vì vậy, sau trận mưa, bà con phải kéo ống ra tưới cây.

Bên này đường thi nhau tưới cây thì bên kia đường, nước ngập đến nửa nhà, có nơi ngập đến mái hiên, rau củ quả chìm trong biển nước. Và cả một vựa rau Đơn Dương, Lâm Đồng trở thành một vựa nước. Trong khi đó, mùa tháng Mười, tháng Mười Một là mùa rau chủ lực, có thể mang lại lợi nhuận cao  nhất trong cả năm.

Vì mùa tháng Mười, tháng Mười Một là mùa rau đặc biệt, không giống với bất kỳ mùa rau nào khác, hầu như trên cả nước chẳng có nơi nào có thể trồng được rau, các vựa rau củ quả ở Tuy Hòa, Phú Yên, Hội An, Đại Lộc, Quảng Nam, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, Ba Đồn, Lệ Thủy, Quảng Bình và các vựa rau ở Sapa, Bắc Hà, Lào Cai, các huyện ngoại ô Hà Nội đều trong tình trạng ngập úng, không có rau để cung cấp cho thị trường. Lúc này, chính rau củ quả ở các vựa rau Đơn Dương, Đà Lạt, Lâm Đồng và Đắk Lắk sẽ bước ra thị trường cả nước, tuyên chiến với rau củ quả Trung Quốc.

lu hattieu
Những hạt tiêu vớt vát. RFA

Mà một khi rau ở các vựa rau này bị hư hại, thị trường rau củ quả trên cả nước sẽ bị tê liệt, rau củ quả Trung Quốc có cơ hội thả sức tung hoành trên thị trường Việt Nam. Có một thực tế là bấy lâu nay, rau củ quả Việt Nam vẫn còn giữ được một góc an toàn bởi các vựa rau Việt Nam vẫn còn trụ lại được, nhất là vào mùa khan rau tháng Mười, tháng Mười Một. Chính các vựa rau Việt Nam đã chiếm một phần không nhỏ thị trường Việt Nam đã đẩy được một phần rất ;lớn rau Trung Quốc không thể bén mảng tới bếp ăn người Việt có quan tâm đến nguồn cung cấp rau.

Nhưng với đà hiện tại, các hồ thủy điện thi nhau xả đập khắp miền Trung và các làng trồng rau đều chìm trong biển nước thì hơn bao giờ hết, đây là cơ hội để rau củ quả Trung Quốc tràn lan và độc chiếm thị trường Việt Nam. Hơn nữa, không bao lâu sắp tới đây, rau củ quả Trung Quốc được nhập sang Việt Nam miễn thuế 100%. Như vậy cũng đồng nghĩa với tương lai của nông dân Việt Nam bị cả ba mũi dùi tấn công, một mũi dùi thủy điện xả đập trong mùa rau chủ lực, một mũi dùi miễn thuế cho rau củ quả Trung Quốc do nhà nước đâm và một mũi dùi giá thành rất rẻ bèo, màu sắc hấp dẫn và đầy độc tố của rau củ quả Trung Quốc.

Rau bị ngập úng, thất thu nặng nề


Chị Nguyên, một nông dân ở xã Ninh Gia, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: “Qua cái mùa mưa vừa rồi và xả lũ thì bà con bị hư hại nhiều, bà con bên thấp thì bị, cao thì đỡ hơn. Cả huyện gần như bị hơn ¼ huyện. Những người làm lagim bị thiệt hại nhiều lắm, gần như bị hết. Trồng cái hàng này y như đánh bạc vậy đó, được mùa này mất mùa nọ huống gì bị lụt nữa. Như người đi buôn còn bị, nhiều người bỏ ra cả tỷ đồng, hoặc có nhà đầu tư cả mấy trăm triệu, rồi ướt là hư hết, xả lũ một cái là họ bị hết.”

Chị Nguyên cho biết thêm, hiện tại đang là vụ trồng cà rốt, cà chua và các loại su hào, xà lách của huyện Đơn Dương. Trận ngập úng tuần trước đã nhấn chìm toàn bộ các vườn trồng rau ở huyện này. Và những loại rau củ quả bị nhấn chìm đều hư hại toàn bộ, không sống sót một mống nào. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc gia đình chị cũng như hàng trăm gia đình nông dân khác thất thu ngay trong vụ rau chủ lực. Bởi theo kinh nghiệm mọi năm, nếu vụ rau tháng Mười, tháng Mười Một không thành công thì coi như cả năm chỉ đủ thu nhập để mua gạo, chi phí hằng ngày.

    Qua cái mùa mưa vừa rồi và xả lũ thì bà con bị hư hại nhiều, bà con bên thấp thì bị, cao thì đỡ hơn. Cả huyện gần như bị hơn ¼ huyện. Những người làm lagim bị thiệt hại nhiều lắm, gần như bị hết.
    -Chị Nguyên

Vụ rau Tết không phải là vụ rau chủ lực của các vựa rau trên cả nước bởi vụ rau này hầu hết tất cả mọi nông dân đều có thể trồng được nên giá thành thấp, người nông dân chỉ đủ thu nhập để mua sắm Tết, khó mà dư được để tích lũy.

Với tình trạng hiện tại, mỗi gia đình bị thất thu ít nhất cũng ba chục triệu đồng, có gia đình bị mất lên đến hai, ba trăm triệu đồng. Và chắc chắn các nông dân trồng rau củ quả ở Đơn Dương và một số nông dân ở thành phối Đà Lạt sẽ bị lâm nợ sau đợt lũ này. Vì người nông dân vốn có thu nhập rất thấp so với các nhóm ngành nghề khác. Một khi muốn đầu tư trái vụ phải tăng cường vốn để mua lưới, mua một số nông cụ đặc biệt để đảm bảo cây trong vườn không bị mưa nặng hạt, không bị ngập úng.

Nhìn chung, các nông dân ở Đơn Dương và Đà Lạt, Lâm Đồng đã hoàn toàn thất thu trong vụ này, đặc biệt là họ thất thu sau khi tự vận động tạo quĩ để ủng hộ đồng bào vùng lũ ở Lệ Thủy, Ba Đồn, Quảng Bình và Hương Khê, Hà Tĩnh.

Và có một điều đặc biệt nữa là hầu hết các nông dân ở Đơn Dương, Đà Lạt, Lâm Đồng đều kêu gọi các đoàn từ thiện và cứu trợ đừng đến chỗ của họ vì họ còn trụ được mà hãy dồn hết những món quá đó đến Bắc miền Trung, nơi những trận lũ do thủy điện gây ra hoành hành và cái đói, cái lạnh cũng đang tác oai tác quái.

Ngoài ra, các nông dân Đơn Dương cũng kêu gọi những người dân chịu thiệt hại nơi vùng lũ do xả đập thủy điện hãy cùng đồng hành khiếu kiện thủy điện. Bởi đã quá nhiều lần thủy điện gây thiệt hại khiến cho nông dân điêu đứng nhưng thủy điện chưa bao giờ có một sự đền bù thỏa đáng, thậm chí họ vẫn hành xử với nông dân theo kiểu “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi!”.

Switch mode views: