Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tính Khôn Vặt Của Người Việt

weelchair

Phi trường Hong Kong là trạm chuyển tiếp cho nhiều chuyến bay từ Việt Nam sang góc đông bắc của Mỹ.

Ngồi trước mặt vợ chồng tôi trong phòng chờ ở phi trường Hong Kong là một ông bà già người Việt. Hai bác chắc ngoài 80 tuổi là ít. Họ có thể từ Việt Nam trở lại Mỹ sau một chuyến viếng thăm.

Bác trai trông còn khỏe nhưng bác gái rất yếu. Khuôn mặt bác gái xanh xao, hốc hác và thân thể bọc xương. Bác dựa vào vai bác trai nhưng chắc không phải vì âu yếm mà chỉ vì quá yếu. Đôi mắt bác lim dim như muốn ngủ.

Phụng cứ nhìn bác gái hoài. Thấy thương bác chi lạ. Tôi thầm trách bác như trách mẹ mình “đi chi nữa vậy không biết! ” nhưng rồi tự nhủ phải có một lý do gì đó.

Bác trai đặt trước một chiếc xe lăn có người đẩy để đưa bác gái lên máy bay. Xe lăn là phương tiện thông dụng dành cho những người già yếu hay thương tật ở chân không đi đứng được một mình.
Những người ngồi xe lăn được ưu tiên lên máy bay. Không chỉ riêng cá nhân họ mà cả gia đình đi chung chuyến cũng được ưu tiên theo.

Giờ lên máy bay đến. Tôi rất ngạc nhiên không chỉ riêng bác gái mà có khoảng hơn chục chiếc xe lăn được đưa đến. Tuyến đường có rất đông hành khách Mỹ và các nước khác nhưng tất cả xe lăn đều dành cho hành khách gốc Việt.
Những người khách xe lăn rời chỗ ngồi, thoăn thoắt bước lên xe thật tự nhiên và nhanh chóng như đã dùng dịch vụ này trước đó nhiều lần.

Trong số hơn chục người ngồi trên xe lăn ai cũng trông mạnh khỏe hơn bác gái. Bác bịnh quá, không chen lấn được nên là người lên xe lăn cuối cùng.
Máy bay hạ cánh. Khi chúng tôi bước ra khỏi cửa máy bay. Một hàng xe lăn dài xếp gần kín lối ra đang chờ.

Những người khách gốc Việt cùng đi với chúng tôi lại nhanh chóng ngồi lên. Những người khách ngồi xe lăn và gia đình họ được đưa đến một lối riêng dành cho những người tật nguyền hay quá già yếu để được ưu tiên xét giấy thông hành.

Tôi không thấy bác gái. Có lẽ bác quá yếu nên phải ngồi chờ khách xuống bớt. Những người bịnh, yếu đuối và thật sự cần dịch vụ xe lăn như bác gái phải chịu thiệt thòi, chờ đợi trong lúc những người lạm dụng dịch vụ lại được ưu tiên nhanh chóng.
Tôi bay đường bay quốc nội và quốc tế rất nhiều. Chuyến bay nào cũng có một hai chiếc xe lăn nhưng ít khi thấy cả đoàn người Việt lên xe lăn như đi diễn hành ở trạm Hong Kong.

Có lần tôi đọc đâu đó chuyện một người Việt dùng dịch vụ xe lăn ở phi trường. Người đó kể một cách hãnh diện như đã phát hiện ra một bí mật chưa ai từng khám phá.
Nhưng người kể quên rằng dịch vụ xe lăn là một phần của đạo luật Air Carrier Access Act được Quốc Hội Mỹ thông qua và ban hành năm 1986 trong đó buộc các hãng máy bay phải có phương tiện xe lăn cho những người tật nguyền.

Đừng quên, đạo luật nào cũng luôn có các biện pháp chế tài và hình phạt dành cho những người vi phạm, lạm dụng và gian dối.
Các hãng hàng không biết rõ nhưng họ không muốn làm ồn ào những chuyện có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hành khách.

Dù chưa bị bắt hay bị khám phá tội giả bịnh hay giả tật nguyền những người lạm dụng dịch vụ xe lăn cũng nên nghĩ tới những người thật sự cần được ưu tiên như bác gái mà chúng tôi gặp.
Có vé trong tay rồi chờ một chút như mọi người khác có sao đâu. Không thể tới nhanh hơn hay sớm hơn vì cùng một chuyến bay.

Những người khôn vặt, thật ra cũng bịnh nhưng không phải ở chân mà ở trong suy nghĩ hẹp hòi.


Switch mode views: