Xài điện solar, kinh nghiệm của người trong cuộc
- Chúa Nhật, 11 tháng Mười Hai năm 2016 09:00
- Tác Giả: Ngọc Lan & Đằng Giao/Người Việt
Chất lượng của những tấm "solar panel" rất quan trọng trong việc dùng điện solar (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
WESTMINSTER, Calif. (NV) – Khái niệm dùng điện sạch “solar” ngày càng trở nên phổ biến hơn, nhiều người biết đến hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, truyền thống xài điện do các công ty điện lực cung cấp từ bao lâu nay, như Southern California Edison (SCE), dường như đã trở thành… ‘hơi thở’ của người dân, mà những gì thuộc về thói quen thì khó mà thay đổi.
Chuyển qua solar, điện từ năng lượng mặt trời, thì chi phí như thế nào, tiết kiệm tiền được bao nhiêu, rồi những tấm solar đen đúa nằm chình ình trên nóc liệu có làm cho mái nhà mau hư không. Rồi ngộ nhỡ mấy tấm chào đón ánh mặt trời đó bị hư thì sao, sửa chữa thay thế trong bao lâu, rồi nhà có bị mất điện tối thui lui không… Bao nhiêu là câu hỏi chỉ mới nghĩ trong đầu đã thấy… phát mệt. Cho nên phần lớn mọi người cứ… trước giờ xài điện sao thì giờ cứ vậy, khỏi mất công.
Dẫu vậy, cũng có những người mạn dạn dấn thân (sau bao nhiêu lần lữa), liều thử, và thật là may mắn khi chưa thấy ai than vãn, ân hận về quyết định này.
Câu chuyện của người trong cuộc, những người đã chuyển và đang xài điện solar từ hơn một năm qua ít nhiều sẽ giúp cho những ai quan tâm đến tiện ích này có thêm sự hiểu biết trước khi quyết định chuyển đổi.
“Trả tiền điện chỉ còn một nửa, sao mà không thích!”
Một trong những người cảm thấy vô cùng hạnh phúc với quyết định đổi sang xài điện solar gần một năm qua là cô Trương Ngọc Bảo Xuân hiện ở thành phố Garden Grove.
Khi nghe người phụ nữ này cho biết là “vào những tháng Hè, tiền điện phải trả vào khoảng $600-$700/tháng” có lẽ ai cũng thót giật mình. Ngay gần trung tâm Little Saigon, thời tiết không thể xem là nóng như sa mạc Neveda, mà tiền điện lên đến mức đó cho một căn nhà ở của hai vợ chồng có tuổi cùng một “guest house” phía sau cho gia đình người con thì quả là khó chấp nhận.
Nhưng có cầm tờ hóa đơn tiền điện của nhà cô Xuân xem mới biết đó là sự thật. Vào năm 2015, tiền điện Tháng Tám là $520.40, Tháng Chín là $715.21, Tháng 10 là $632.50
Những tháng tiền điện thấp nhất mà gia đình này đóng cũng phải trên $200.
Theo lời giới thiệu của cô em gái, người đã sử dụng solar trước đó, cô Xuân tìm hiểu và quyết định chuyển sang xài solar từ Tháng 12, 2015.
Xài điện solar, kinh nghiệm của người trong cuộc
Hóa đơn tiền điện thay đổi đáng kể trước và sau khi dùng diện năng lượng mặt trời (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Công ty mà cô Xuân chọn gắn solar là Southwest Sun Solar và phương thức cô chọn là mua hẳn hệ thống solar bằng cách trả góp trong vòng 25 năm, với số tiền góp khoảng $245.00 mỗi tháng.
Ngoài số tiền phải trả góp cho công ty solar đó, thì mỗi tháng, hóa đơn tiền điện của nhà cô Xuân phải đóng là bao nhiêu?
Nếu Tháng Giêng, 2015 nhà cô Xuân trả hóa đơn điện cho SEC là $233.06, thì Tháng Giêng 2016 cô chỉ phải trả cho Edison số tiền là… 33 cents
Tháng Ba, 2015 hóa đơn điện nhà cô là $488.07, trong khi Tháng Ba, 2016, cô chỉ phải trả $9.87
Tháng Năm, 2015 cô trả tiền điện $274.61. Tháng Năm, 2016, số tiền cô trả cho Edison vừa chẵn $1.00
Với số tiền điện phải trả chỉ trong khoảng mươi cents đến trên dưới $10 mỗi tháng cho công ty điện SEC, cộng thêm số tiền trả góp cho công ty solar là $245.00, cô Xuân tính, “Xem như tôi chỉ phải trả chừng phân nửa số tiền so với khi không xài solar. Như vậy là quá sướng rồi còn gì. Đó là chưa kể sau 25 năm, hệ thống này được trả dứt, thì nó là của mình, không còn phải lo vụ tiền điện nữa.”
“Mua hệ thống solar là một sự đầu tư có lợi”
Đó là nhận xét của anh Phú Nguyễn, hiện sống ở Fountain Valley, người đã chuyển qua xài điện solar từ Mùa Xuân 2015.
Theo lời anh Phú, dù cũng đã có ý định chuyển qua solar từ vài năm trước, nhưng “gia đình tôi cũng như nhiều người khác là lười, ngại thay đổi, kế là sợ chuyển qua solar sẽ bị lệ thuộc vào những tấm ‘solar panel’ nghĩ khi nó hư thì làm sao, bán nhà thì thế nào, rồi không biết là nó có thực sự hữu dụng không.”
“Cho đến một hôm thấy có ông bạn chuyển qua xài solar, thấy tiết kiệm được nhiều tiền, rồi ổng làm hết các ‘research’ cho mình, rồi ổng cũng chỉ dẫn này kia nên vợ chồng mình quyết định phải đổi qua solar,” anh Phú nhớ lại.
Anh cho biết, “Trước đây, mỗi tháng nhà tôi trả tiền điện khoảng $200-$250, giá đó tương đối khá cao với một nhà không có hồ bơi, nhưng bù lại nhà có đến ba, bốn cái tủ lạnh.”
Giống như cô Xuân, anh Phú chọn phương thức mua luôn hệ thống solar. Tuy nhiên, anh Phú không chọn trả góp trong 20 năm, mà trả dứt luôn khi mua, với giá $19,000. Công ty anh chọn lắp đặt hệ thống Solar là Sun Run được giới thiệu tại Costco.
Sau khi lắp đặt hệ thống solar, từ Mùa Xuân 2015 đến nay, tiền điện mà anh Phú phải trả hằng tháng chỉ từ… “vài cents đến mười mấy cents.”
Bài toán kinh tế được anh Phú tính như sau: nếu xài điện của SCE, mỗi tháng anh trả $200-$250, và trong 5 năm qua, công ty SCE tăng tiền điện 5%-7%. Như vậy, trong 20 năm tới, số tiền điện anh phải trả vào khoảng $80,000. Trong khi đó, anh chỉ mất có $19,000 để xài điện solar trong 20 năm, và nhiều năm tiếp theo nữa nếu sau thời gian bảo hành những tấm solar panel vẫn còn hoạt động tốt.
Xài điện solar, kinh nghiệm của người trong cuộc
Những hộp cầu dao điện (electric panel) đôi khi được thay mới hoàn toàn miễn phí theo yêu cầu của thành phố. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Cũng trong bài toán đó, anh Phú tính thêm: “khi chọn trả trước toàn bộ số tiền để mua hệ thống solar, xem như trong 20 năm, mỗi tháng tôi chỉ tốn hơn $80 tiền solar. Còn nếu chọn trả góp trong 20 năm, thì mỗi tháng tôi phải trả cho công ty Sun Run khoảng $130-$140, vẫn rẻ hơn là trả tiền điện cho SCE đến cả trăm đô.”
Không dừng lại ở đó, anh Phú cho biết thêm, “Tiền trả hết một lúc $19,000 đó với tôi là đáng giá lắm, vì ngoài chuyện mình tiết kiệm được rất nhiều trong việc xài điện, thì khi công ty Sun Run xuống lắp đặt hệ thống solar, họ còn thay mới toàn bộ hộp cầu dao điện (electric panel) của nhà tôi. Đây là cái tôi cũng đã muốn thay vì nó quá cũ, những người thợ sửa nhà trước đây khi gắn thêm cái này cái kia vô, làm không đúng, nó bị rối loạn hết. Thay mới hộp cầu dao điện này cũng tốn vài ngàn lận, nhưng công ty solar làm mới hết và hoàn toàn miễn phí.”
“Tóm lại, chuyển qua solar, và trả trước số tiền mua hệ thống solar là một sự đầu tư có lợi,” anh Phú khẳng định.
“Dùng solar không lợi trước mắt cũng lợi đường dài”
Trong cách nhìn của nhà cung cấp điện solar, anh Hiệp Nguyễn, đại diện công ty Việt Solar, cho biết, “Xu hướng xài solar ngày càng nhiều. Lúc trước ai xài điện mỗi tháng trên $100.00 thì xài solar mới thấy có lợi. Nhưng hiện nay, bất kỳ ai gắn solar cũng đều có lợi. Tuy nhiên nếu khách trả tiền điện nhiều thì thấy cái lợi liền ngay trước mắt, còn gia đình nào trả ít, chừng $50-$60 tháng, thì cũng có lợi nhưng về đường dài chứ không phải thấy liền.”
Anh Hiệp phân tích thêm, “Với những người xài điện ít thì trong thời gian 10 năm đầu, họ trả tiền mua hệ thống solar cũng bằng tiền họ trả tiền điện cho SCE hằng tháng, không dưới $50. Tuy nhiên, sau thời gian trả hết tiền, thì hệ thống solar đó là của họ, cứ vậy họ xài, không phải trả thêm tiền điện nữa. Trong khi nếu không mua hệ thống solar thì họ cũng phải trả tiền điện cho SCE như vậy, mà giá điện lại lên mỗi năm, và phải trả suốt đời.”
Theo anh Hiệp, hiện nay có hai cách chính để sử dụng điện solar: cách thứ nhất là khách hàng làm chủ hệ thống solar panel, nghĩa là khách hàng mua hẳn hệ thống này bằng cách trả hết tiền ngay hoặc trả góp trong thời gian 10 năm, 15 năm, hay 20 năm. Cách thứ hai là hai công ty làm chủ solar panel, khách hàng chỉ xài và trả tiền cho công ty solar với giả rẻ hơn giá điện của SCE từ 25%-30%.
“Cách hai là cách phổ biến nhất hiện nay, vì phần nhiều khách hàng không muốn bỏ tiền ra mua hệ thống,” anh Hiệp cho biết.
Tuy nhiên, theo người đại diện của Việt Solar thì “người bỏ tiền ra trước bao giờ cũng có lợi hơn,” bởi chính phủ đang có chương trình hỗ trợ cho những người mua hệ thống solar bằng cách được bồi hoàn 30% tổng số tiền phải trả qua ‘Solar Investment Tax Credit’ (ITC).
“Giả sử khách mua hệ thống solar với giá $20,000, thì sẽ được chính phủ cho lại $6,000. Trong khi những người xài solar mà không muốn bỏ tiền mua hệ thống solar thì công ty solar sẽ được hưởng khoảng tiền này,” anh Hiệp giải thích.
Giá của hệ thống solar hiện nay dao động từ $10,000 đến $40,000, tùy theo nhu cầu sử dụng điện của mỗi nhà, theo anh Hiệp.
Không chỉ vậy, theo anh Hiệp, đối với những căn nhà muốn gắn hệ thống solar mà mái nhà không đạt tiêu chuẩn của thành phố, cần phải thay mới, thì chủ nhà cũng được hỗ trợ 30% số tiền thay mái mới.
Trả lời về sự băn khoăn của khách hàng khi phải mua bán nhà có gắn hệ thống solar, anh Hiệp nói một cách ngắn gọn, “Khi vào ở một căn nhà mà không phải trả tiền điện, ai lại không thích. Một căn nhà có hệ thống solar luôn có giá trị hơn so với những căn nhà khác.”
Chọn công ty cung cấp dịch vụ solar, điều tiên quyết khi chuyển sang dùng điện solar
Bằng kinh nghiệm bản thân, anh Phú Nguyễn, khách hàng dùng điện solar hơn một năm rưỡi qua, khuyên, “Điều quan trọng tôi muốn nhắc với những ai muốn chuyển qua solar là nên cân nhắc việc lựa chọn công ty gắn solar, chứ đừng nên chọn giá công ty này rẻ hơn công ty kia.”
“Khi quyết định chuyển qua solar có những vấn đề tôi thấy cần phải nghĩ và lo ở tương lai như, nếu có bán nhà thì sao, rồi những ‘solar panel’ hay hay ‘electric panel’ bị hư thì việc sửa chữa thế nào… Cho nên nếu mình chọn được một công ty lớn luôn có sự hỗ trợ 24/24, luôn có chuyên viên kỹ thuật sẵn sàng nói chuyện khi mình gọi đến, và họ có hẳn một trung tâm dịch vụ khách hàng để lo những thủ tục xin phép thành phố, hay chuyển đổi giấy tờ cho đúng khi bán nhà… thì mình sẽ rất yên tâm. Và đó là lý do để tôi chọn công ty Sun Run, một trong hai công ty solar lớn nhất của Mỹ, lại có Costco đứng sau lưng bảo đảm,” anh Phú nói.
Đây cũng là điều mà anh Hiệp Nguyễn của công ty Việt Solar muốn nhắn gửi, “Với bất kỳ ai muốn chuyển qua solar thì nên đi khảo sát ít nhất là hai, ba công ty để xem giá cả cũng như dịch vụ của họ. Hãy suy nghĩ, đọc và tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng, đừng nên làm một cách vội vã.”
Cũng nằm trong việc tìm hiểu công ty cung cấp dịch vụ solar, là việc khách hàng nên tìm hiểu về phẩm chất của loại solar panel mà công ty đó sử dụng, bởi “Chất lượng của những tấm panel khác biệt rất nhiều. Điều này rất quan trọng cho tất cả những ai bỏ tiền ra mua hệ thống solar,” anh Hiệp nói.
Với những ai có ý định mua hệ thống solar, bà Kim Phạm, đại diện công ty Solar Time, cho rằng, “Khi quyết định gắn một hệ thống năng lượng mặt trời, điều đầu tiên quí vị phải giao hẹn với người định giá là chỉ chọn đồ sản xuất tại Hoa Kỳ.”
Một hệ thống “solar panel” gồm hai phần quan trọng là “panel” (bảng hút năng lượng mặt trời) và “invertor” (bộ chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện). Có hai loại chuyển hóa là “string inverter và “micro-inverter”. “String inverter” rẻ tiền hơn “micro-inverter” nên khi định giá, nếu chọn “string inverter” thì giá thành dĩ nhiên thấp hơn.
“Nhược điểm của ‘string inverter’ là, vì nó nối kết với tất cả các ‘panel’ nên khi một ‘panel’ bị hư thì tất cả cùng không sản xuất được điện. Ngược lại, dù ‘micro-inverter’ đắt tiền hơn một chút nhưng nếu một ‘panel’ có bị hư thì tất cả những cái còn lại vẫn sản xuất điện như thường,” bà Kim giải thích.
Cũng theo bà Kim, “panel” và “inverter” không cùng thời hạn bảo hành, thường thì “inverter” chỉ bảo hành 10 năm, trong lúc “panel” có thể bảo hành đến 25 năm, “nên quí khách cần yêu cầu thời hạn bảo đảm này cho bằng nhau.”
“Quí khách nên yêu cầu có bảo đảm ‘labor’ luôn, vì có thể phần ‘part’ được bảo hành thay thế miễn phí nhưng tiền nhân công lại bị tính rất cao,” bà Kim nhắc thêm.
Related news items:
Tin mới
- Nguy hiểm vận chuyển pháo mùa Tết - 30/12/2016 16:29
- Tăng ca cuối năm - 30/12/2016 16:20
- Người vô gia cư ở Sài Gòn - 27/12/2016 20:32
- Dân Việt ‘rất thuần’ nên tiền trở thành rác - 26/12/2016 13:02
- Người Việt ở Thái Lan chuẩn bị Giáng sinh và năm mới - 24/12/2016 12:04
- Hiện tượng “Dưa leo” - 21/12/2016 18:24
- Hàng Việt mùa Noel - 21/12/2016 18:01
- Nhiều rừng cao su tan hoang vì cây cao su đột nhiên có giá - 20/12/2016 02:02
- Hàng Tết Trung Quốc đổ bộ sang Việt Nam - 15/12/2016 20:38
- Tâm sự nghề giác hơi, đấm bóp - 11/12/2016 22:31
Các tin khác
- Nghề nước mắm Nghệ An sau thảm họa Formosa - 08/12/2016 20:02
- Little Saigon: ‘Thương Về Miền Trung’ gây quỹ được hơn $619,000 - 06/12/2016 19:10
- Ngư dân bám biển - 02/12/2016 19:45
- Phản ứng về Quốc tang cho Chủ tịch Fidel Castro tại Việt Nam - 30/11/2016 19:49
- Việt Nam và Cambodia nhờ Pháp hỗ trợ phân định biên giới - 29/11/2016 02:56
- Cảm nhận của người Việt Nam tại Thái Lan trong dịp Lễ Tạ Ơn - 26/11/2016 21:32
- Sinh hoạt của người Mỹ gốc Việt trong Lễ Tạ Ơn - 24/11/2016 18:08
- Kế mưu sinh của phụ nữ biên giới phía bắc - 20/11/2016 21:49
- Phở chửi ở Sài Gòn Nhỏ - 18/11/2016 20:36
- Rau ở Lâm Đồng tan nát vì lũ - 17/11/2016 00:58