Triển lãm Xe hơi Paris 2018 : Thách thức nào với xe chạy điện châu Âu ?
- Thứ Tư, 03 tháng Mười năm 2018 23:10
- Tác Giả: Trọng Thành
Chủ tịch liên minh xe hơi Renault-Nissan-Mitsubishi, ông Carlos Ghosn (tổng giám đốc Renault) giới thiệu với báo giới mẫu xe điện mới Renault K-ZE, cho thị trường Trung Quốc, Triển lãm Paris trước khai mạc, ngày 1/10/2018.
ERIC PIERMONT / AFP
Triển lãm Xe hơi Paris lần thứ 120 khai mạc hôm qua, 02/10/2018.
Điểm đáng chú ý của Triển lãm lần này là có rất nhiều mô hình xe hơi chạy điện hay kết hợp điện xăng được giới thiệu.
Cuộc đua từ bỏ xe chạy xăng dầu, để chuyển sang loại năng lượng được coi là ít tổn hại cho môi trường dường như đang có dấu hiệu tăng tốc.
Tuy nhiên đây là một cuộc đua đầy bất trắc.
Hai thách thức hàng đầu là khả năng dự báo tương lai và quyết tâm từ phía chính quyền.
Tại triển lãm lần này, công chúng ở Pháp sẽ có dịp chứng kiến một làn sóng chưa từng có các mô hình xe điện, trong bối cảnh áp lực chống ô nhiễm, khí thải gây hiệu ứng nhà kính (1), khiến các nhà sản xuất xe hơi truyền thống ngày càng mất khách.
Hãng Renault đã mở màn tối thứ Hai với trương mục « Cuộc cách mạng điện ».
PSA giới thiệu mô hình DS3 Crossback e-Tense 100% điện và concept-car Peugeot e-Legend, cũng toàn chạy điện.
Mercedes tung ra mô hình xe chạy điện mới EQC, chiếc xe không dùng năng lượng xăng dầu đầu tiên của hãng ô tô Đức.
Về phần mình, Citroen giới thiệu DS7 Crossback e-Tense rất được trông đợi.
Nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc GAC Motor, lần đầu tiên xuất hiện tại Paris, cũng cho biết nóng lòng nhìn thấy các xe hơi Trung Quốc chạy trên đường phố châu Âu.
Tương lai khó dự báo
Sự lên ngôi của xe chạy điện là điều rõ ràng, thế nhưng vấn đề trước hết với các nhà sản xuất là rất khó dự đoán một cách chính xác về tương lai của xe chạy điện hay động cơ lưỡng hợp điện xăng trong những năm tới.
Đối với ông Guillaume Crunelle (2), một phụ trách của hãng Deloitte, thì làn sóng xe điện sẽ là điều « không thể tránh khỏi ».
Vị chuyên gia này cho biết, sẽ có gần một nửa số xe mới, được bán ra thị trường thế giới, vào năm 2030, sẽ là xe chạy điện, trong đó hai phần ba là 100% điện, còn một phần ba là điện- xăng hỗn hợp.
Tốc độ phát triển mạnh mẽ này sẽ để lại một hệ quả lớn. Đó là giá thành sản xuất sẽ nhanh chóng hạ thấp, đến mức rẻ hơn so với xe hơi xăng dầu, chỉ trong vòng năm năm tới.
Tuy nhiên nhiều người khác, như ông Flavien Neuvy, giám đốc của Observatoire Cetelem de l'automobile, thì tỏ ra dè dặt hơn nhiều.
Theo chuyên gia này, trong thời điểm hiện nay, thật khó mà dự đoán trước được chính xác sự biến đổi của thị trường trong vòng 5 hay 10 năm tới.
Tương lai ngành xe hơi đầy bất trắc. Nếu căn cứ vào xu thế hiện nay, vị chuyên gia nói trên dự đoán xe chạy điện và động cơ hỗn hợp chỉ đạt 3% thị trường tại Pháp và châu Âu vào năm 2020.
Trả lời AFP, ông Didier Leroy, phó chủ tịch Toyota (ông Leroy là công dân châu Âu duy nhất có mặt trong ban điều hành tập đoàn xe hơi Nhật), tỏ ra tin tưởng trong vòng vài năm trước mắt, mô hình xe hỗn hợp điện-xăng sẽ phát triển rất nhanh, và nhìn chung sẽ có nhiều tiến bộ về công nghệ, cho phép sử dụng xe chạy điện thuận lợi hơn, như trọng lượng ắc quy giảm, điện dự trữ dùng được lâu hơn, hay thời gian nạp điện giảm xuống.
Chính vì vậy, xe chạy điện sẽ ngày càng hấp dẫn với người sử dụng ở đô thị.
Trong khi đó, theo ông Yves Bonnefont, lãnh đạo công ty DS automobile, thị trường xe hơi điện « tăng mạnh hay chững lại » phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp hỗ trợ của chính quyền.
Mà đây chính là một ẩn số rất lớn.
Trung Quốc, kẻ dẫn đầu
Dù lưỡng lự thế nào trước tương lai của xe chạy điện, các nhà sản xuất xe hơi Pháp và châu Âu nói chung đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ phía Trung Quốc, nhưng mặt khác thị trường Trung Quốc cũng là một cơ hội lớn cho xe điện.
Trước Triển lãm Xe hơi Paris khai mạc ít hôm, một nghiên cứu của France Stratégie, một cơ sở nghiên cứu về chiến lược trực thuộc thủ tướng Pháp (3), cho thấy tương lai của xe hơi điện thế giới phụ thuộc rất nhiều vào sự trỗi dậy của thị trường xe hơi điện tại Trung Quốc.
Hiện tại Trung Quốc đang dẫn đầu về sản lượng xe điện thế giới, với gần 800.000 chiếc bán ra năm 2017.
Lượng xe hơi điện của Trung Quốc chiếm đến 60% xe loại này bán ra trên thị trường thế giới, nhưng hiện tại vẫn chủ yếu chỉ để phục vụ khách hàng trong nước.
Về mặt số lượng, Trung Quốc cũng có 7 nhà sản xuất hàng đầu thế giới về xe điện trong số 10 công ty hàng đầu thế giới (hãng Renault của Pháp là công ty xe hơi lâu đời duy nhất có mặt trong tốp 10).
7 nhà sản xuất Trung Quốc đều chỉ nổi tiếng với thị trường trong nước.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đang có chính sách riết ráo để phát triển xe hơi điện, qua hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất cho phép ra đời nhiều công ty mạnh, để chiếm lĩnh trước hết thị trường quốc gia, nhờ nhiều hậu thuẫn về tài chính.
Hiện tại, Bắc Kinh đang chuyển qua giai đoạn hai, được coi là « bước ngoặt chiến lược » hiện nay, với mục tiêu thúc đẩy các công ty trong nước vươn ra ra thị trường thế giới (theo dự đoán của France Stratégie, trong vòng 10 đến 20 năm tới, sẽ có ít nhất một trong các công ty Trung Quốc trở thành đấu thủ lớn trên sân chơi quốc tế, như NIO - thành lập năm 2014, được mệnh danh là Tesla Trung Quốc).
Các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc buộc phải cung cấp các loại xe chạy điện, với giá cả thấp hơn xe chạy xăng dầu.
Nhà nước cũng rút dần trợ cấp, để chuyển vốn đầu tư sang cho các cơ sở hạ tầng phục vụ xe điện, đặc biệt là các trạm nạp.
Kể từ năm tới, các nhà sản xuất xe hơi tại Trung Quốc sẽ buộc phải tuân thủ hai định mức.
Thứ nhất là phải bảo đảm số xe điện bằng 10% so với xe chạy xăng.
Tỉ lệ này sẽ được nâng dần, với 12% vào năm 2020.
Định mức thứ hai là lượng khí thải CO2. Công ty vi phạm sẽ bị phạt tiền, hoặc ngừng sản xuất các loại xe gây ô nhiễm nhất.
Hãng Volvo Thụy Điển, thuộc sở hữu của công ty Geely Trung Quốc, mới đưa ra tuyên bố sẽ ngừng sản xuất hoàn toàn xe chạy xăng, diesel, kể từ năm 2019.
Nghị Viện Châu Âu, nơi quyết định tốc độ
Chính sách chuyển mạnh sang xe hơi điện của Trung Quốc, vừa là một áp lực, nhưng cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất châu Âu.
Hiện tại, Bắc Kinh đang gỡ bỏ dần một số rào cản cho đầu tư nước ngoài.
Tập đoàn Mỹ Tesla vừa ký một thỏa thuận sản xuất 500.000 xe hơi, gần Thượng Hải.
Tập đoàn Đức Volkswagen chuẩn bị đầu tư 15 tỉ đô la, và hướng đến mục tiêu sản xuất 1,5 triệu xe điện tại Trung Quốc.
Một số công ty Pháp, như PSA, Valeo hay Renault, đang nỗ lực cho ra các sản phẩm với giá tương đối thấp, để chinh phục giới trung lưu Trung Quốc.
Renault cho ra mắt tại Triển lãm Paris lần này chiếc K-ZE, sản phẩm liên doanh với công ty quốc doanh Trung Quốc Dongfeng, có khả năng chạy liên tục 250 km.
Xe có giá khoảng 8.000 euro, được lắp đặt tại Trung Quốc, trước mắt bán tại thị trường địa phương vào năm tới 2019, và dự kiến sẽ xuất sang Ấn Độ.
Về phía châu Âu, theo nhiều nhà quan sát, triển vọng của ngành xe hơi điện có lẽ được quyết định nhiều hơn tại một nơi ít được chú ý của công luận.
Tại Nghị Viện Châu Âu hôm nay, 03/10/2018, đúng vào lúc Triển lãm Xe hơi Paris vừa mở ra, các nghị sĩ châu Âu sẽ phải đưa ra các quy định mới về khí thải xe hơi (4).
Châu Âu dự kiến sẽ khắt khe hơn, ví dụ như các hãng xe sẽ buộc phải sản xuất 20% xe không khí thải hoặc phát rất ít, ngay từ năm 2025.
Có nghĩa là không để chậm chân so với Trung Quốc.
Ghi chú
1. Đối với nhiều nhà môi trường, việc chuyển sang xe điện chưa hẳn là một giải pháp ngay lập tức cho bài toán khí hậu, cũng như môi trường toàn cầu nói chung, bởi nhiều lý do, trong đó có việc các kim loại hiếm được sử dụng để chế tạo ắc quy đòi hỏi nhiều năng lượng, gây ô nhiễm, thậm chí còn hơn cả xe truyền thống (mời xem thêm : « ''Kim loại hiếm'' : Hiểm họa với nhân loại thế kỷ 21 »).
Đó là chưa kể đến nguồn năng lượng nào được sử dụng để tạo ra điện (nếu là năng lượng hóa thạch thì coi như « hòa cả làng »), hay khâu xử lý phế thải.
Tuy nhiên, bên cạnh việc trước mắt giúp ích rất hiệu quả cho việc giảm khí thải ngay trong các thành phố, hiện đã quá tải vì ô nhiễm không khí, việc lựa chọn xe hơi điện hay lưỡng hợp điện xăng – với những khả năng tương đối hạn chế của nó so với xe truyền thống – cũng là một cơ hội giúp con người hiện nay suy xét lại về phương thức vận chuyển, đi lại của chính mình (Aurélien Schuller, văn phòng tư vấn chuyển đổi năng lượng Carbone 4).
Mà, thay đổi lối sống, lối tiêu thụ, chính là động lực cho cuộc chuyển đổi sang một xã hội thực sự tôn trọng môi trường - sinh thái.
Mời xem thêm quan điểm phản đối xe chạy điện của nhà hoạt động Stéphane Lhomme trong bài « Xe hơi diesel hết thời ? », RFI, 21/11/2017.
2. La Croix, 02/10/2018.
3. Mạng Actu-environnement.com, ngày 01/10/2018.
4. Bất chấp lobby quyết liệt của nhiều tập đoàn xe hơi, Nghị Viện Châu Âu hôm 3/10/2018 đã thông qua mục tiêu giảm khí thải CO2 40% trước năm 2030 (cao hơn mục tiêu 30% của Ủy Ban Châu Âu đưa ra hồi năm ngoái, nhưng thấp hơn đòi hỏi 50, thậm chí 60%, từ phía các hiệp hội bảo vệ môi sinh), với các xe hạng nhẹ, và mục tiêu 20%, ngay từ năm 2025. Châu Âu dự kiến sẽ ra quyết định cuối cùng trước cuối năm nay.
Tin mới
- Ngoại trưởng Mỹ công du châu Á, trở lại Bình Nhưỡng gặp Kim Jong Un - 06/10/2018 13:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-10-2018 - 05/10/2018 19:03
- Pháp điều tra về vụ lãnh đạo Interpol mất tích - 05/10/2018 18:32
- Lầu Năm Góc : Bắc Kinh là mối nguy lớn cho an ninh Mỹ - 05/10/2018 18:25
- Tấn công tin học : Mức độ lợi hại của tình báo quân đội Nga - 05/10/2018 16:34
- Phó TT Pence tố cáo Trung Quốc gây hại cho Mỹ trên mọi mặt - 05/10/2018 12:50
- Hai nhà hoạt động chống bạo lực tình dục được giải Nobel Hòa Bình 2018 - 05/10/2018 12:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-10-2018 - 04/10/2018 22:36
- Yemen: Phương Tây gián tiếp "tiếp tay" Ả Rập Xê Út giết thường dân? - 04/10/2018 15:36
- Kavanaugh "vướng nghiệp" thời niên thiếu - 04/10/2018 14:15
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-10-2018 - 03/10/2018 20:54
- Pháp tố Iran chủ mưu một vụ đánh bom hụt gần Paris - 03/10/2018 14:26
- Khai mạc Triển lãm xe hơi Paris - 02/10/2018 17:36
- Hai giám mục Trung Quốc đầu tiên đến Vatican dự hội nghị - 02/10/2018 16:44
- Nobel Vật lý 2018 : Vinh danh phát kiến đột phá trong lĩnh vực laser - 02/10/2018 16:28
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-10-2018 - 02/10/2018 16:08
- Google và 4 cuộc "cách mạng" trong ngành tin học - 02/10/2018 14:09
- Vụ Trịnh Xuân Thanh : Slovakia khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ - 02/10/2018 13:54
- Canada và Mỹ đạt thỏa thuận thương mại tự do mới - 01/10/2018 22:05
- Sóng thần tại đảo Sulawesi: Indonesia chấp nhận trợ giúp quốc tế - 01/10/2018 20:36