Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dân Việt ‘rất thuần’ nên tiền trở thành rác


nhamay dam ninhbinh
Nhà máy Ðạm Ninh Bình, một trong bảy dự án trị giá hàng ngàn tỉ nhưng đã mất hết vốn và đang sinh thêm nợ. (Hình: VietNamNet)

HÀ NỘI (NV) – Dân chúng Việt Nam lặng thinh trước tin chính phủ Việt Nam “bổ sung” thêm bảy dự án vào danh sách các dự án trị giá hàng ngàn tỉ nhưng đã mất hết vốn và đang sinh thêm nợ.

Tính ra danh sách này nay đã là 12 và tất cả đều do Bộ Công Thương làm chủ đầu tư.

Tháng trước, chính phủ Việt Nam công bố danh sách năm dự án sau khi ngốn hết 30,000 tỉ thì hết thuốc cứu.

Năm dự án đó bao gồm: Nhà máy Ðạm Ninh Bình (Ninh Bình) do Tập Ðoàn Hóa Chất (Vinachem) làm chủ đầu tư. Sau khi ngốn hết 12,000 tỉ đồng, từ 2013 đến nay, mỗi năm nhà máy Ðạm Ninh Bình lỗ thêm khoảng 2,000 tỉ đồng và vì vậy đã tạm ngưng hoạt động.

Dự án thứ hai là nhà máy xơ sợi Ðình Vũ (Hải Phòng) do Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Sau khi ngốn hết 7,000 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất xơ sợi Ðình Vũ không hoạt động vì nếu ráng vận hành sẽ gây thiệt hại trầm trọng hơn.

Dự án thứ ba là nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) do Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất cũng đang trong tình trạng tương tự không hoạt động sau khi ngốn hết 2,200 tỉ đồng để tránh thua lỗ lớn hơn. Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất chỉ là một trong ba nhà máy sản xuất ethanol được xem là “trọng điểm quốc gia” do PVN làm chủ đầu tư.

Dự án thứ tư là công trình mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Thái Nguyên) do công ty gang thép Thái Nguyên (TISCO), trực thuộc Bộ Công Thương làm chủ đầu tư. Công trình này này ngốn hết 8,000 tỉ đồng rồi bỏ dở suốt mười năm qua. Tập Ðoàn Xây Lắp Luyện Kim Trung Quốc (MCC) – nhà thầu chính đang đòi chủ đầu tư thanh toán 1,200 tỉ đồng do vi phạm hợp đồng.

Dự án thứ năm là nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An) do công ty phát triển công nghiệp và vận tải thuộc Tổng Công Ty Xây Dựng Công Trình Giao Thông làm chủ đầu tư. Sau khi ngốn hết 3,000 tỉ đồng, công trình này bị bỏ hoang suốt mười năm qua vì không thể vận hành.

Khi được yêu cầu giải trình trước Quốc Hội Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Công Thương chỉ cho biết là cả năm dự án đều đã hoặc đang được thanh tra và vì nhiều lý do nên chưa thể đề cập chi tiết về vấn đề trách nhiệm. Lúc đó, bộ trưởng Công Thương Việt Nam thú nhận, “còn một số dự án khác tiềm ẩn nguy cơ không hiệu quả, mất vốn đầu tư từ nguồn lực của nhà nước cũng như của xã hội.”

Nay, chính phủ Việt Nam chính thức loan báo, bảy dự án: Ðạm Hà Bắc, Ðạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, Liên doanh khai thác mỏ Quý Sa, nhà máy gang thép Lào Cai cũng đang trong tình trạng như năm dự án đã kể. Ông Vương Ðình Huệ, một trong các phó thủ tướng Việt Nam, xác nhận, cả bảy dự án cũng thua lỗ trầm trọng do các quyết định đầu tư hoặc sai lầm trong quản lý.

Ông Huệ chỉ tiết lộ dự án nào cũng đã ngốn hàng ngàn tỉ của công quỹ chứ không cho biết chi tiết về thiệt hại của từng dự án, cũng như tổng số thiệt hại.

Giống như tháng trước, đại diện chính phủ Việt Nam không hề đề cập đến trách nhiệm cá nhân của giới lãnh đạo. Giống như tháng trước, đa số dân chúng Việt Nam chỉ thở dài, rồi tiếp tục móc túi trả các khoản thuế, phí mỗi ngày một cao để chính phủ Việt Nam trả nợ. (G.Ð)

Switch mode views: