Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hè phố Sài Gòn, muôn màu cuộc sống

hangrong saigon 1
Gánh hàng quà vặt. (Hình: Duy Thức/Người Việt)

SÀI GÒN (NV) – Nếu chịu khó ngồi ngoài hè phố uống cà phê hay tán gẫu với anh xe ôm bên cạnh hẻm lớn, ta sẽ thấy cuộc sống muôn màu đang diễn ra.

Cuộc sống này khác hẳn với những tòa khách sạn, nhà hàng, quán bar… xa hoa. Mà trái lại từ sáng sớm đến tối mịt, ngược xuôi bên hè phố như đèn cù, toàn hình ảnh đầu tắt mặt tối những con người lam lũ buôn gánh bán bưng, tay xách nách mang đủ thứ hàng hóa.

Hiện có rất nhiều người đi bán như thế nhưng họ không chỉ từ miền Trung dải đất hẹp một bên biển, bên núi, mà còn từ miền Bắc đất chật người đông, miền Tây ngập mặn, cả trên cao nguyên khô hạn cũng rủ nhau xuống thành phố tìm đường mưu sinh.

Phụ nữ Bình Định hay gánh cả càn khôn trên hai đầu gióng. Cái đòn gánh láng trơn như từng được họ vuốt đầu côn trên sân tập võ ở quê nhà. Thật ra nhìn thúng ve chai lỏng chỏng chai nhựa, giấy cũ, mẹt bánh tráng vài quả cóc chín, ổi ương… thì chắc cũng chẳng du đãng nào thèm dòm ngó để họ phải dùng đến đòn gánh phòng thân.

Thế mà chủ nhân gánh hàng toàn thứ lặt vặt mỗi món vài ngàn đồng: bắp rang, kẹo đậu phộng, trứng cút luộc, bánh bao không nhân… lại nuôi nổi cả một gia đình cha mẹ, con cái dưới quê.

Trước cổng trường đại học, cao đẳng hay khu chung cư… luôn có gánh hàng này. Hằng ngày từ sáng sớm, những người phụ nữ đáp xe buýt từ chỗ trọ tụ tập một nơi hẹn trước ngoài đường, nhóm gần mười người bắt đầu xổ các gói hàng ra: gói bánh, gói kẹo, gói trái cây… chia nhau bày biện rồi mỗi người một gánh kẽo kẹt tỏa đi khắp nơi đến chiều xế mới về.

Vài người Phú Yên, Quảng Nam… đẩy chiếc xe đạp bắc mấy thanh gỗ làm giàn, cả yên sau và đòn dong treo buộc trên đó mấy chục phong cốm đủ loại như cốm gạo, cốm dừa, cốm nếp… vốn là đặc sản quê hương quen thuộc. Không thì biết mua bán thứ gì giữa chốn thị thành mông mênh này. Cứ thế đi rong phố phường hay dừng trước công trường bán cho công nhân như món quà vặt ăn chơi lúc nghỉ tay.

Tôi gặp có đến năm sáu người Bình Định vào Sài Gòn đi bán cốm như thế. Một người đàn ông trung niên mặc mưa nắng dãi dầu đạp xe đi bán cốm từ sáng đến chiều. Mỗi ngày họ kiếm lời độ năm mươi ngàn. Khi bán hết lại đạp xe quay về Gò Vấp để lấy thêm hàng.

Một chị bán cốm cho biết: Cách đây vài năm có một ông ở Bình Định vào Sài Gòn, mở lò nấu cốm ở Gò Vấp bán rất chạy. Từ đó bà con ở Phú Yên và Bình Định kéo vào, mỗi người một xe đạp thồ lấy cốm ở đó đi bán. Thông cảm hoàn cảnh đồng hương khó khăn nên lò cốm cho gối đầu, lấy hàng trước mang đi bán, trả tiền sau.

hangrong saigon 2
Các thứ bánh cốm miền Trung. (Hình: Duy Thức/Người Việt)

Món cốm một thời lỗi mốt, quê mùa vì bị các loại bánh ngoại quốc lấn át, nay lại dần dần quay lại thấp thoáng hè phố, là món ăn chơi cho người nghèo.

Đứng ngoài lề đường một lúc nhìn thấy bao cảnh đời đi qua. Bên kia đường là trường tiểu học. Buổi sáng rất đông xe đẩy bán từng bịch cơm, hộp mì, nui giá bình dân mười, mười lăm ngàn, ngoài ra còn xe bán hủ tiếu gõ, nước giải khát. Xe bán thức ăn ngoài đường hừng đầy bụi bặm, khói xe… Do vấn đề vệ sinh thực phẩm bị kêu gào quá nên ít ra thức ăn bây giờ còn được đặt trong hộp xốp, đỡ hơn lúc trước hàng rong có một xô nước, nhúng vào đó rửa đủ thứ chén dĩa suốt buổi.

Trước kia hàng ăn trước cổng trường là xôi, bánh mì… và một món tưởng chừng dành cho ăn vặt hoặc nhậu là phá lấu lại thường thấy ở cổng trường tiểu học. Thế nhưng nay ít thấy bánh mì mà thay bằng pizza bình dân lèo tèo trên mặt vài lát xúc xích của ông Cà Mau thọt chân. Mì Ý là mì gói rưới lên lên một thứ nước sốt là từ nguyên liệu gì không rõ của chị Quảng góa chồng nuôi bầy con bốn đứa.

Từ xa có một anh chàng bán kẹo kéo miệng dẻo đeo rao vang lên. Anh ta vừa kéo cái vỉ đựng kẹo to như cái ụ đất lớn vừa rao ơi ới. Lũ trẻ con ùa tới chẳng phải vì thích ăn kẹo mà chỉ muốn ngắm người bán kéo dài cây kẹo rồi ngắt gọn bằng một chiếc khăn lông ẩm.

Đây là anh bán kẹo kéo theo lối xưa. Còn xe kẹo đời nay có thùng có loa, người hát ăn mặc điển trai, cà vạt đầy đủ, mang giầy bóng lưởng. Họ mở loa to thu hút đám đông, tân nhạc có, cổ nhạc cũng có, thanh niên có, thiếu nữ có, hát ca om sòm khu phố, đôi khi trẻ con diễn các trò ảo thuật. Khách vãn rồi họ mới mang thùng chở loa kéo nhau đi nơi khác.

Trò này một thời gian hết lạ, chẳng ai muốn mua cây kẹo tí teo mắc quá, nếu muốn nghe hát đã có xe bán đĩa nhạc hát vang đầu xóm cuối xóm. Sau này kẹo kéo hết bán ban ngày nữa mà chuyển sang ban đêm. Rất lạ là họ chỉ bán hàng ở một nơi có vẻ chẳng liên quan gì đến kẹo là các quán nhậu lề đường.

hangrong saigon 3
Đĩa nhạc lậu bán rong. (Hình: Duy Thức/Người Việt)

Cũng quần áo tươm tất đầy dáng vẻ ca sĩ, một người cầm micro đứng dưới đường hát, người khác cầm kẹo đi từng bàn mời. Dù bia rượu ngả nghiêng, thế mà vẫn nhiều người mua kẹo. Thật ra chủ yếu không phải mua kẹo mà là một cách trả tiền cho ca sĩ giúp vui. Đôi khi khách nhậu không muốn nghe hát mà mượn micro tự hát rống lên. Trường hợp này thường được trả tiền khá hậu hĩ coi như tiền thuê micro. Một số người làm nghề bán kẹo kéo chỉ để thỏa mãn niềm đam mê ca hát, mỗi tối đứng cầm micro đứng hát trước mặt quán tưởng chừng mình là ca sĩ hát cho khán giả là những bợm nhậu đang ngồi nâng chén chẳng ai lắng nghe trong quán kia. Vài người trong số đó thoát ra làm ca sĩ hát hội chợ hoặc tham dự các cuộc thi hát chẳng bao giờ lọt vào được vòng trong.

Mua đĩa nhạc về nghe còn hơn.

Từ rất lâu, nhạc bán rong khiến nhiều nhà sản xuất và ca sĩ đau đầu khi đĩa nhạc chưa ra bao lâu thì đĩa lậu đã inh ỏi đầy ngoài phố với giá rẻ mạt: mười ngàn, năm ngàn một đĩa. Trong tiệm có đĩa nào xe rong có đĩa đó. Thậm chí chỉ cần cho biết cần đĩa nào nếu không có, chủ nhân chiếc xe rong hẹn vài ba ngày nữa sẽ quay lại có ngay.

Dân nghèo than thở nếu không có chiếc xe rong bán đĩa đó làm sao họ được nghe nhạc. Số khách bình dân này không phải là ít. Cứ vài ngày lại thấy anh bán nhạc người Hà Nam dạo qua hát đĩa mới là biết thị trường này sôi động thế nào.

Thỉnh thoảng có người ve chai chạy xe đạp qua thu mua đồ cũ trong đó băng đĩa cũ với giá vài ngàn đồng cả chồng đĩa mới hiểu sao nhạc lậu bán ra với giá rẻ mạt. Đĩa mua của xe bán rong nghe qua thời gian có thể các thêm tiền đổi đĩa mới. Kiểu mua bán linh hoạt như vậy thì khó mà dẹp nổi các xe bán đĩa rong này.

Từ căn nhà ngoài phố ra tới vỉa hè là mấy lớp buôn bán. Tiệm may đẩy mấy cô mannequin ra đứng xếp hàng trước mặt tiền. Một chiếc xe nhỏ bán cà phê nước ngọt ai mua xách ly đi vì không có chỗ ngồi, tấm bạt trải dưới đất bày chục trái khóm dưới quê gửi lên, xe thuốc lá sát ngoài rìa bán thêm áo mưa, khẩu trang. Ông sửa dù, mài dao đi qua, bà bánh tiêu đi lại. Anh bán chiếu rảo khuất bóng, chị bán nhang trờ tới… và suốt ngày là vé số.

Mấy hôm nay đã sang cuối năm cận Tết nhưng áp thấp nhiệt đới, xả lũ thủy điện khiến miền Trung khốn khó vẫn oằn mình trong lũ lụt. Sau cơn thiên tai này, lại tiếp tục từng dòng người đổ xuống miền Nam, tràn vào Sài Gòn, gia nhập vào cuộc sống vất vả tất bật trên hè phố…

Switch mode views: