Ông đồ miệt vườn
- Thứ Bảy, 04 tháng Hai năm 2017 09:00
- Tác Giả: Anh Khôi
(Trích Giai phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu)
Gia đình ông Phan Văn Cử cũng ở Tầm Vu mừng thọ ông bằng ba cặp liễn đối do ông đồ Chinh vẽ. (Hình: Anh Khôi)
Ngày nay, hình ảnh ông đồ chỉ phổ biến ở phố thị, ở miền Trung và Bắc Bộ. Còn ở miền Tây sông nước, người dân sống thực tế, đi đám tiệc tặng nhau cặp gà, xị rượu, bao bánh bía. Nếu tân gia, mừng thọ long trọng, khách tặng chủ nhà tấm tranh giấy sơn thủy, mã đáo thành công hay phước lộc thọ tam đa mạ vàng.
Ngày Tết, gia chủ cũng trang trí nhà cửa bằng tranh thờ, hiếm và hầu như không ai tặng nhau câu liễn đối.
Giá rẻ cho một câu liễn
Người có nhu cầu làm đẹp bằng chữ hiếm; người có chữ, khéo tay để tạo ra liễn đối, thư pháp càng hiếm; người có gan sống bằng nghề bán chữ lại càng hiếm.
Ngay tại thành phố Tân An đô hội, anh em ông Nguyễn Huỳnh Triều và Nguyễn Huỳnh Long (chắt đích tôn nhiều đời của đức Tiền Quân Nguyễn Huỳnh Ðức) có tiếng tăm là nghệ nhân thư pháp.
Liễn đối của các ông được nhiều chùa trưng bày giới thiệu, thỉnh thoảng có người tìm đến “xin chữ” hoặc “đặt chữ” theo yêu cầu. Giá một cặp đối, liễn của họ khoảng từ một đến hai trăm ngàn đồng ($10). Thế nhưng, các ông vẫn xem chữ nghĩa là nghề tay trái, như thú chơi. Ông Triều kinh doanh, ông Long thì làm nông kiếm sống.
Ấy vậy mà ở xứ Tầm Vu, xưa là quận Bình Phước, nay là Châu Thành (Long An) hàng chục năm qua có “ông đồ” Ðỗ Tường Chinh, mỗi dịp Tết vẫn bày mực Tàu giấy đỏ, giấy vàng ở một góc chợ, tạo ra phong cách thần thái đặc biệt của cái chợ quê.
Không chỉ ngày Tết mà cả những ngày thường, ông Chinh cũng chỉ sống bằng mỗi nghề kẻ vẽ, chữ nghĩa. Cái tình và cái lãng mạn với cái đẹp chữ nghĩa của ông khó ai sánh nổi.
Chợ quê nghèo, người dân cũng nghèo, mỗi cặp đối, liễn của ông đồ Chinh bao gồm giấy mực lẫn công viết chỉ có 40,000 đồng (gần $2) nhưng vẫn không nhiều người mua. Mỗi buổi chợ Tết, chỉ bán vài ba cặp liễn. Có năm suốt cả cái Tết ông chỉ bán được 350,000 đồng (khoảng $15). Vậy nhưng ông chẳng lấy làm buồn.
Một khách hàng đặt phục chế tấm trướng của một ngôi miễu hoang viết bằng chữ Nho đã cũ, rách nát không còn nhận dạng được chữ. Ông phải cùng thầy Nguyễn Hữu Ðức, cử nhân Việt-Hán Ðại Học Văn Khoa và thầy Ba Tu, một đại đức ở địa phương hội ý, tra từ đối chiếu ba ngày trời mới suy ra là “Thất Nương Thánh Mẫu Miếu Bà Chúa Xứ” và mấy dòng lạc khoản. Cả công sức như vậy ông chỉ nhận có 70,000 đồng (hơn $3) vì thương khách nghèo mà lại có tâm.
Ông đồ Ðỗ Tường Chinh sung sướng mãn nguyện ngắm đôi liễn “Nhân sinh hữu tửu tu đương túy/ Nhất chích hà tàng đáo cửu nguyên” (Lúc sống có rượu cứ nên uống bằng say/ Bởi một giọt có giấu được xuống mồ khi đã chết đâu) mới viết xong. (Hình: Anh Khôi)
Ðất linh sinh kẻ có lòng
Như người giữ lửa, gieo hạt tình yêu cái đẹp của chữ nghĩa, ông vẫn kiên trì ra sức gieo trồng trên đồng đất cằn cỗi của mình. Ông bày thêm bàn để dạy các em thiếu niên viết thư pháp với giá rẻ đến không tưởng. Mỗi tấm liễn kích thước khoảng 15×60 cm cả giấy mực công hướng dẫn chỉ có 10,000 đồng (khoảng 50 cent).
Bù lại, ông thu nhận được là niềm vui, nụ cười đọng trên đôi mắt long lanh, rạng rỡ của những bé trai bé gái, cầm trên tay tấm thư pháp do chính mình viết lấy. Niềm vui ấy không chỉ ngân nga trong cái Tết mà còn đắm đuối theo các em nhiều năm tháng nữa. Chỉ có thể bằng tình yêu cái đẹp chữ nghĩa người ta mới có thể dành cả cuộc đời sống bằng không khí, hưởng thụ niềm vui tinh thần trong veo như vậy.
Ông đồ miền Tây ở Tầm Vu có lẽ không xuất hiện ngẫu nhiên mà kết hợp nhiều yếu tố lịch sử, địa lý. Tầm Vu là vùng đất địa linh nhân kiệt của miền Tây. Thủ Tướng VNCH Trần Thiện Khiêm, Ðô Trưởng Sài Gòn Ðỗ Kiến Nhiễu cùng sinh trưởng ở đây.
Là vùng đất khẩn hoang sớm, dân cư ổn định nên từ thời nhà Nguyễn nhiều ông đồ xứ Quảng mà dân gian lầm, quen gọi là ông đồ Huế vô đây dạy học. Từ năm 1875, Pháp xây trường tổng Dương Xuân để dạy chữ Quốc Ngữ và tiếng Pháp mang tính bắt buộc nhưng nhiều gia tộc vẫn cho trẻ em học chữ Nho vài năm gọi là khai tâm trước khi học trường nhà nước.
Năm 1946, lính Pháp càn, bắn chết một ông đồ, người dân địa phương lập mộ không biết tên gì nên chỉ ghi trên bia “Ông thầy Huế Ba” theo tên thường gọi. Nhờ truyền thống đó, một số gia tộc địa phương có truyền thống yêu chữ nghĩa, tạo ra nguồn khách hàng bé nhỏ.
“Ông đồ” Ðỗ Tường Chinh là hậu duệ của dòng họ Ðỗ Tường, điền chủ lớn nhất vùng này thời mới khẩn hoang. Ông sơ của ông là Ðỗ Tường Tự cùng anh ruột là Ðỗ Tường Phong xuất tiền mua vũ khí đạn dược từ bên Tàu tổ chức một cuộc khởi nghĩa tại địa phương. Ông Tự bị Pháp xử bắn tại Tầm Vu, ông Phong bị xử chém ở Tân An.
Ngôi nhà thờ họ Ðỗ Tường có đến 100 cây cột và kho lúa bị Pháp đốt phải cháy đến ba tháng mới tàn. Các thế hệ kế tiếp của dòng họ Ðỗ Tường đều theo khoa cử, chữ nghĩa. Ba ông Chinh là thầy giáo và các anh em của ông đều được học hành. Chị cả của ông học âm nhạc, ông học trung cấp Mỹ Nghệ Gia Ðịnh dở dang thì biến cố 1975 xảy ra. Ông về quê và từ đó đến nay, sống thanh bần bằng nghề duy nhất là chữ nghĩa…
‘Gàn’ đúng kiểu ông đồ
Áo dài mắc sau lưng, ông đồ Chinh cặm cụi vẽ thư pháp. (Hình: Anh Khôi)
Nhiều đàn em được ông Chinh đào tạo hướng dẫn vào nghề vẽ chữ nay phát triển thành doanh nghiệp quảng cáo trang trí phát đạt với các vật liệu mới như đèn hộp, đèn led. Họ sẵn sàng hỗ trợ ông phát triển theo hướng mới.
Với tay nghề của ông khi chuyển sang lĩnh vực này thu nhập sẽ tăng rất nhiều lần nhưng ông vẫn khăng khăng trung thành với cây cọ, bút lông. Có lẽ đây là thuộc tính “gàn” mà người ta vẫn cho là tính cố hữu của các ông đồ!
Thêm một cái “gàn” khác của ông, xu thế hiện nay, người ta thích những câu liễn theo khuynh hướng chúc việc tài lộc, danh phận, sự nghiệp thì nội dung câu đối của ông xem chừng vẫn bảo thủ với quan niệm tiêu dao của Lão Trang hoặc Tang Bồng Hồ Thỉ khí khái theo Nho gia Việt nên nói theo thời nay là không hợp khẩu vị thị trường.
Sống thanh bần lại gàn đúng kiểu ông đồ nên dù đẹp trai, nhân hậu, bạn bè ai quý thương nhưng ông lại bạc duyên. Sáu mươi lăm tuổi, 43 lần dạm hỏi ông vẫn còn là trai tân. Mỗi lần “tan vỡ” một kiểu khác nhau, trong đó có lần cách ngày cưới đúng một tuần, anh trai cô dâu từ ngoại quốc về bắt cô xuất cảnh.
Lần gần nhất năm 2007, người phụ nữ là cháu vợ người bạn thân kém ông 10 tuổi. Buổi sơ kiến, ông và nhạc gia tương lai nói chuyện tâm đầu ý hợp nhưng chờ mấy giờ giai nhân vẫn chưa tương kiến (có lẽ là do mắc cỡ). Khi được cha gọi, nương tử yểu điệu thục nữ ra giá bằng tuyên ngôn nảy lửa: “Tôi không thích ba điều: rượu trà, hút xách, đĩ điếm.” Nghe câu xướng này ông đồ Chinh tá hỏa ứng khẩu đáp ngay “Tôi thích cả ba điều: rượu chè, hút hít, trai gái.” Ðáp xong ông lễ phép từ giã “vị nhạc gia” hụt và ra đi không trở lại.
Trớ trêu, năm 2012, trong lần nằm viện Chợ Rẫy, có cô gái nuôi chị bệnh cùng phòng quý mến ông. Ngày ra viện, cô ghi địa chỉ trên miếng giấy nhét vào túi áo của ông. Khi xuất viện trả quần áo cho bệnh viện ông lại bỏ quên “tín vật” quan trọng này. Mấy năm sau, một người bạn có quen thân bệnh viện đã đưa ông đi định lục hồ sơ bệnh án cũ để tìm tung tích người xưa nhưng rất tiếc là bệnh viện chỉ còn lưu hồ sơ từ năm 2013.
Nhớ cô gái kể là có quày bán vải ở chợ Thái Bình, ông và người bạn đã mài mòn đôi dép ở chợ này nhưng cũng không thấy mặt. Ông chép miệng thở dài “Âu cũng là duyên phận!” Tôi cười hỏi, “Nếu hiện giờ có người hiểu, yêu tính nết của anh, anh có chấp nhận không.” Ông trầm tư rồi lắc đầu, “Già rồi! Phải chấp nhận duyên phận vậy thôi!”
Related news items:
Tin mới
- Nghề sửa quần áo ở Little Saigon: ‘Cứ rung đùi là có tiền’ - 26/02/2017 14:24
- Thân phận một phụ nữ Việt ở lậu trên xứ Mỹ - 25/02/2017 13:00
- ‘Gà đi bộ’ ở Little Saigon - 21/02/2017 21:14
- Kể chuyện ở tù - 21/02/2017 20:51
- Rươi ơi là rươi - 10/02/2017 21:04
- Sài Gòn của tôi, 50 năm trước - 10/02/2017 20:45
- Nạn cờ bạc, rượu chè ngày Tết - 08/02/2017 16:18
- Thực hư chuyện Việt kiều bị trộm hành lý khi về Việt Nam dịp Tết - 07/02/2017 02:24
- Ông Hai Ðúng, nghệ nhân hô bài chòi và hò bả trạo - 07/02/2017 01:45
- Mùa ốc lác - 02/02/2017 20:42
Các tin khác
- Tết miệt vườn ngày xưa - 25/01/2017 03:02
- Tân Sơn Nhất ‘gồng mình’ đón Việt kiều về ăn Tết - 18/01/2017 12:57
- Xung quanh lễ nhậm chức của Donald Trump - 18/01/2017 12:44
- Phù sa độc - 13/01/2017 03:24
- Tết của nông dân nghèo - 13/01/2017 03:12
- Hoa Tết không nở, nông dân lo bị thất thu - 13/01/2017 03:04
- Nhiều người vất vả tìm mua vé tàu xe về quê ăn Tết - 13/01/2017 02:55
- Phố núi Pleiku, đất thiêng đang khô cằn trơ trọi - 12/01/2017 02:30
- Sài Gòn có những căn ‘nhà siêu nhỏ’ - 08/01/2017 21:24
- Hè phố Sài Gòn, muôn màu cuộc sống - 05/01/2017 03:23