Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nghề sửa quần áo ở Little Saigon: ‘Cứ rung đùi là có tiền’


suaquanao 1
Bà Hà Nguyễn sửa áo cho khách, bên cạnh là hàng loạt chỉ may đặt riêng từ hãng. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

LITTLE SAIGON, California (NV) – Cũng làm nghề may nhưng họ không biến những tấm vải đơn điệu để cho ra các bộ quần áo đủ kiểu, mà họ dùng bàn tay khéo léo của mình biến những bộ quần áo từ bình dân đến hàng đắt tiền như Louis Vuitton, Gucci… trở nên hợp với vóc dáng của khách hàng theo kiểu “đo ni đóng giày.”

Nghề sửa quần áo ở Little Saigon tồn tại bền bỉ hàng chục năm qua đã làm đẹp cho biết bao người, trong đó có không ít nghệ sĩ nổi tiếng cũng chọn những cửa tiệm này để sửa trang phục diễn của mình.

Khi tôi đến tiệm sửa quần áo Liên Hương, góc đường Garden Grove và Cannery, Garden Grove, cũng là lúc ca sĩ Mai Tiến Dũng của trung tâm Thúy Nga đang được bà chủ tiệm Huệ Nguyễn đo quần áo để chỉnh sửa. Từng chiếc kim tây được ghim vào tay áo, hông áo, mông quần, ống quần… cốt làm sao để trang phục diễn của ca sĩ vừa vặn, “không một tí thừa” như lời bà Hà Nguyễn, em gái bà Huệ, cùng làm chủ cửa tiệm này, nói.

“Ngoài hát hay, Mai Tiến Dũng rất chăm chút bề ngoài, đó cũng là cách tôn trọng khán giả. Sửa đồ không thể đo người mà sửa được, mà khách muốn sửa cái gì, phải mặc đồ đó vào người, tôi nhìn sẽ biết chỗ nào cần sửa. Cứ thế mà dùng ghim để bóp lại những chỗ rộng, tay áo dài thì lên cho vừa… Phải ghim để khách hình dung được dáng áo quần sau khi sửa, sau đó tôi mới sửa theo cái ghim đó,” bà Hà giải thích.

Sửa mọi loại quần áo

Bà Hà cho biết: “Sửa quần áo không phải hàng hợp đồng, mà là hàng khách, nên không theo một mẫu cố định, mà theo hình thể của mỗi người. Vì vậy, vóc dáng mỗi người có chỗ nhỏ, chỗ to khác nhau nên phải làm theo hình thể của khách. Đặc biệt của sửa quần áo là như vậy. Trong khi hãng thì may theo một chuẩn nhất định, còn mình thì sửa đồ của hãng theo vóc dáng người mặc. Chẳng hạn, người có ngực nhưng eo lại nhỏ, thế thì phải bóp phần eo một chút, nếu không thì mặc thùng thình rất xấu.”

“Phải nói là người ta sửa mọi thứ, từ áo sơ mi, áo vest, váy, đầm, đồ cưới… thậm chí đồ lót cần giúp thì tôi cũng làm được. Xu hướng thời trang hiện nay thay đổi xoành xoạch, nên khi nhận những đồ của các hãng nổi tiếng, mình còn học được các kiểu may mới nữa. Chẳng hạn, đồ của hãng Louis Vuitton không những thiết kế đặc biệt mà còn may rất lắt léo, nên phải suy nghĩ một chút trước khi sửa. Đồ càng hàng hiệu càng khó, nó không đơn giản, nó cầu kỳ lắm. Vì khó hơn, thời gian làm lâu hơn nên tiền khách trả cho tôi đương nhiên phải tương ứng,” bà nói.

“Sửa quần áo không đơn giản là lên lai, bóp ống, lên tay… mà sửa tất tần tật. Mở tiệm mà chỉ lên lai đơn giản thì không có khách mấy. Bởi vì bây giờ người Việt mình qua đây đông lắm, nên họ sửa được những gì đơn giản ở nhà, như mẹ sửa cho con, bà sửa cho cháu. Nếu chỉ lên lai chắc tôi đóng cửa dẹp tiệm từ lâu rồi,” bà nói thêm.

suaquanao 2
Bà Huệ Nguyễn đo quần, còn bà Hà Nguyễn sửa áo vest cho ca sĩ Mai Tiến Dũng. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Tiệm Phi’s Alterations, góc đường Beach và McFadden, trong khu chợ Thuận Phát, Westminster, của ông Trần Công Phi tuy là một tiệm nhỏ nhưng có đến năm thợ thay phiên nhau nhận và sửa đồ cho khách.

“Thường khách đến tiệm để lên lai và sửa đồ vest nhiều. Tuần nào cũng mấy chục bộ vest, quần thì không tính nổi. Lên lai thì khách chỉ cần đi vòng vòng trong chợ chừng 15-20 phút thì lấy liền. Còn áo soiree thì chừng 2-3 tiếng, cũng có những áo cưới phải làm vài ngày mới xong,” ông cho biết.

“Tôi nhận sửa mọi loại quần áo. Đồ của hãng nào cũng vậy, làm như thường thôi. Cứ coi theo đúng nguyên bản mà sửa. Đồ rẻ tiền mình cũng làm ngần ấy công, mà đồ mắc tiền cũng làm ngần ấy công, chứ không phải thấy đồ mắc tiền thì lấy công cao. Phương châm của tôi là đẹp, rẻ, lẹ, và cần nhất đúng hẹn thì sẽ giữ được chân khách. Có lẽ vì vậy mà nhiều nghệ sĩ của trung tâm Thúy Nga như Bằng Kiều, Lương Tùng Quang, Hồng Đào… cũng chọn tiệm để sửa đồ,” ông giới thiệu.

Khiêm tốn hơn, tiệm Phương, góc đường Westminster và Magnolia, trong tiệm Launderland Water thuộc chợ Mỹ Thuận, Westminster, tuy nhỏ và chỉ một mình bà chủ tiệm Phương Nguyễn nhận và sửa đồ, nhưng bà làm việc không ngừng tay.

“Tôi không giới hạn gì từ khách, cái gì cũng làm hết, từ may đồ mới đến may áo gối, đương nhiên sửa đồ vẫn là chính. Nói chung, đến với nghề may thì làm cái gì cũng được hết. Chỉ trừ khách mua cái áo hay cái quần được giá rẻ, nhưng tiền khách sửa còn mắc hơn tiền mua, mà sửa lại thì đồ cũng không đẹp nên tôi mới bàn với khách đừng làm tốn tiền. Mặc dù tôi làm kiếm sống là chính, nhưng trong kiếm sống đó mình cũng phải có cái để khách hàng đi rồi cũng vui vẻ trở lại lần sau,” bà cho hay.

Nghe đến đây, bà Thúy Trần, cư dân Garden Grove, một khách hàng của tiệm, tiếp lời: “Cái này tôi xác nhận, tôi sửa quần áo ở đây hai năm nay và thấy chị Phương làm nhưng không vẽ vời. Đồ của khách thấy cần sửa chị mới nhận sửa, vì sợ khách mất tiền. Chị làm bằng lương tâm của mình. Trước đây tôi cũng sửa vài nơi nhưng giá cao, và họ làm hay nói quá về việc làm của mình. Còn ở đây, khách mang đồ đến còn nhờ bà chủ góp ý, nên chị Phương còn kiêm luôn tư vấn cho khách. Đặc biệt tôi phục chị ở chỗ, chỉ cần khách đến một lần thì lần sau chị không những nhớ tên khách mà còn nhớ cả đồ khách mang đến là gì.”

Nghề “làm dâu trăm họ”

Theo các chủ tiệm sửa quần áo, trước khi đi sửa, nếu quần áo chỉ giặt khô thì không nói, còn lại đều phải giặt và sấy trước. “Bởi vì có nhiều loại vải rút dữ lắm, nên giặt trước để giữa hai bên không hiểu lầm nhau. Tôi thường hỏi khách là đồ này có giặt máy chưa, nếu chưa thì mang về giặt để sửa cho chính xác. Có những cái tôi nhìn thấy khách mặc sẽ vừa khi đồ đã được giặt. Vì vậy, khách cứ giặt đi rồi tính sau,” bà Hà Nguyễn nói.

“Làm nghề này cũng như ‘làm dâu trăm họ’ vậy, khách hàng cũng người này người kia, có người khó tính, có người dễ. Chẳng hạn, sửa xong rồi thì có rắc rối, không phải do sửa bị hư, mà khi tôi dùng ghim để làm dấu những chỗ sẽ sửa thì lúc đó khách đồng ý, nhưng khi làm xong thì khách muốn chật hơn hay rộng hơn thì đó mới là vấn đề. Có thể khách không hình dung được khi tôi ghim kim, chứ sửa thì phải có kỹ thuật, không thể sai được.’

“Bây giờ phần lớn đồ rộng sửa vô. Cứ 20 người khách thì có một người muốn sửa ra, nhưng phải cho phép có vải thì mới sửa ra được. Đó là kiểu nối vải, tuy xấu nhưng họ mặc được thì thôi. Nối vải thường nối lưng quần nhiều. Chỉ may ở tiệm tôi đều đặt từ hãng mà không làm chỉ thường hay mua ở chợ. Do vậy mà chỉ rất bóng và đẹp. Chỉ jean cũng đặt ở hãng nên quần jean lên lai chỉ không khác chỉ của quần jean nguyên thủy,” bà nói thêm.

Nhận xét về tiệm, bà Theresa Hà, cư dân Anaheim, cho hay: “Hai cô có tay nghề rất cao, cái gì sửa cũng được, rất khéo và có trách nhiệm, không để khách phàn nàn, bởi vì có nhiều tiệm chỉ hứa rồi để khách đợi. Còn ở tiệm này, mặc dù 10 giờ 30 sáng mới mở cửa nhưng sáng sớm 6-7 giờ hai cô đã ra đây sửa, rất đúng hẹn với khách. Nói vui vui là ‘Cột gãy, trứng chim bể gì cũng làm lại được hết.’ Quần áo gì hai cô cũng làm được, mà giá cả lại phải chăng, chứ vô tiệm Mỹ là ‘chém đứt cổ’. Có lẽ vì vì vậy mà khách ở đây không chỉ là người trẻ, mà khách ngoại quốc cũng nhiều.”

suaquanao 3
Bà Phương Nguyễn với cả “núi” quần áo cần sửa. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Trong khi đó, bà Phương Nguyễn cho biết: “Sửa đồ cho khách chỉ là đẹp hay không đẹp theo ý mình muốn thôi. Nghề này nếu làm tám tiếng thì không đủ sống. Làm ít nhất một ngày phải mười mấy tiếng mới được. Nên khi về nhà tôi mang theo để làm vào buổi tối. Còn mỗi sáng cứ 4 giờ đều dậy để làm tiếp. Làm nghề này phải chịu làm nhiều giờ thì mới sống được.”

“Nhiều lúc vô tình may vô ngón tay thì có, chứ đồ của khách thì không hư. Nghề kiếm sống của mình mà,” bà cười nói.

Ông Trần Công Phi nhận định: “Tôi gặp vài trường hợp khách hàng đòi phải chọn chỉ may đúng với chỉ nguyên bản, nhưng làm sao mà có được. Làm nghề dịch vụ mà, khó có thể làm vừa lòng hết tất cả mọi người.”

“So sánh với Mỹ thì mình làm lẹ lắm rồi, không khi nào giao đồ cho khách cỡ một tuần lễ đâu, bởi vì những đồ đòi hỏi cần nhiều thời gian thì tôi còn mang về nhà làm đêm cho kịp. Khách hàng ở tiệm là người ngoại quốc cũng ngang ngửa với người mình, bởi vì so sánh giá Mỹ thì mình rẻ hơn một nửa. Chẳng hạn họ lên lai là $12 thì mình chỉ lấy giá $5,” ông nói.

Tâm huyết với nghề!

Đến nay, theo nhẩm tính của ông Phi, với 73 tuổi đời, ông có hơn 50 năm làm nghề may. “Lúc mới sang đây tôi cũng không nghĩ làm nghề nào khác mà bắt đầu từ nghề may. Vậy là năm 1976 tôi mở tiệm may Hoàng trên đường Brookhurst. Sau đó khi thương xá Phước Lộc Thọ khánh thành thì tôi là một trong những người đầu tiên kinh doanh trong đó, và mở tiệm may Văn Quân,” ông kể.

“Tiệm Văn Quân ở đó được 23 năm thì tôi sang tiệm vì tiền thuê cao quá, với lại tôi cũng muốn nghỉ hưu. Nhưng ở nhà chưa được bao lâu thì ngứa ngáy tay chân nên tôi xin vào làm ở một tiệm may của Mỹ. Thấy làm ở tiệm này mất tự do quá, nên tôi quyết định mở tiệm Phi’s nho nhỏ này ở chợ Thuận Phát. Vậy mà tới nay cũng bảy năm rồi,” ông tâm sự.

Tiệm Phi’s của ông có lẽ là tiệm duy nhất đưa bảng giá hẳn hoi. Tiệm mở cửa từ 8 giờ 30 phút sáng đến 6 giờ chiều mỗi ngày, trừ Chủ Nhật nghỉ.

suaquanao 4
Ông Trần Công Phi với 50 năm gắn bó cùng nghề may. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Theo bà Phương Nguyễn, bà đến với nghề may chỉ vì gia đình không có tiền cho đi học nên bà phải học lấy một nghề để mưu sinh. “Vậy mà học từ từ rồi tôi thấy thích hẳn nghề may. Từ năm 1990 học xong thì tôi ra tiệm luôn.”

“Tôi sang đây năm 2003, lúc đầu có đi học nail nhưng bị dị ứng, không học nữa. Sau đó tôi đi làm cho một tiệm áo cưới trên đường Bolsa. Nhưng làm mệt quá, cuối cùng tôi học nail trở lại để lấy bằng, thế mà lấy bằng thì không đi làm,” bà cười nói.

“Lúc đó tôi có cô bạn làm ở tiệm giặt khô và được rủ về làm cùng. Biết tôi biết may, cô nhận đồ của khách về cho tôi sửa. Sau đó cô khuyến khích tôi mở tiệm và đến nay tiệm mở cũng gần 10 năm. Trước khi mở tiệm, vợ chồng tôi có ra thành phố để xin giấy phép. Cũng mất gần hai năm tôi mới có được khách, cũng nhờ người này giới thiệu người kia,” bà kể.

“Nghề này giúp tôi rèn được tính kiên nhẫn, tỉ mỉ. Tuy nhiên, nghề may là nghề nghèo, nhưng sống được. Nghề này ở đâu cũng vậy, chẳng bao giờ đói, lúc nào cũng có việc hết. Bước vô nghề may thì ổn định, bình an, không phải lo lắng gì nhiều. Giàu thì không giàu, chỉ bình bình vậy thôi, vì làm nghề bình dân mà,” bà nói và cho hay tiệm không có giá cả từng loại mà tùy vào yêu cầu của khách. Tuy vậy, vẫn có giá cho những loại mà khách hay làm.

Với 20 năm trong nghề, trong đó tám năm mở tiệm tại đây kể từ ngày chị em bà Huệ Nguyễn và Hà Nguyễn đến Mỹ. “Nghề này phải làm suốt ngày. Tôi sang đây hồi gần 40 tuổi, mắt còn sáng trưng, mà làm mới 7-8 năm nay nhưng mắt đã loạn, bỏ kính ra không thấy đường. Người ta nói nghề này ‘rung đùi là có tiền’ mà sao tôi không thấy tiền đâu, chỉ biết ‘tai làm hàm nhai’ thôi,” bà Hà cười nói.

Bà Huệ cho biết: “Nghề này giống như nấu ăn vậy, bỏ hết tâm huyết vào thì món đồ mới đẹp. Còn nếu làm cho xong việc thì không cách nào đẹp hết. Đó là cái nghề, cái nghiệp mà người làm phải chịu. Làm bỏ công rất nhiều nhưng tiền không bao nhiêu. Nghề này không cách nào nhiều tiền hết, vì không có tiền tip, không thể tính bằng giờ bởi vì có những món đồ chỉ làm trong năm phút, nhưng có món đồ phải làm hàng giờ mới xong.”

“Tôi qua đây đã lỡ thời nên làm, chứ tôi không yêu nghề may như Hà. May cứ ngồi yên một chỗ làm, đầu không nặng, nhưng cực quá mà tiền cũng không ổn định,” bà kể.

“Rồi chị em tôi hợp tác mở tiệm này để kiếm tiền nuôi con ăn học, vì ít ra nghề sửa quần áo cũng đủ sống, và có thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng thú thật, kiếm tiền để sống bằng nghề này rất cực, phải cạnh tranh không chỉ với người mình mà cả người Mỹ, Nam Hàn…” bà cho biết.

Bà Hà nói thêm: “Khách của tôi ở đây ít khách Bolsa, mà khách ở xa tới, nhờ vậy mới sống được. Vì vậy chúng tôi chỉ biết cố gắng gửi hết tâm huyết vào sản phẩm để khách vui vẻ trở lại lần sau. Mùa này vắng, chứ vào mùa cưới thì rất bận rộn. Giá cả không biết chừng, vì phải nhìn đồ cần làm mới định giá được, chỉ có giá lên lai thì cố định $5.”

Theo các chủ tiệm, nghề sửa quần áo cũng có “ngày hạn.” Cứ vào sau Tết Âm Lịch, Tháng Tư khai thuế và Tháng Tám tựu trường thì khách sửa đồ chậm lại. Thời điểm đắt khách là từ Tháng Bảy đến Tháng Mười Hai, trong đó tháng đón Giáng Sinh là túi bụi vì vào mùa cưới.

Switch mode views: