Đà Nẵng: Quán cơm ‘giá bèo’ của những tấm lòng nhân nghĩa
- Thứ Hai, 20 tháng Ba năm 2017 09:00
- Tác Giả: Tr.N
Những suất cơm 1,000 đồng làm ấm lòng người lao động nghèo giữa cuộc sống bon chen. (Hình: Báo Lao Động)
ĐÀ NẴNG (NV) – Có nhiều điều độc đáo tại quán cơm giá chỉ 1,000 đồng đầu tiên tại Đà Nẵng, do một doanh nhân lập ra nhưng ông không muốn tên tuổi xuất hiện trên truyền thông.
Hơn hai tháng nay, ở đường Đỗ Ngọc Du, quận Thanh Khê, nhộn nhịp hẳn lên với việc khai trương quán cơm 1,000 đồng dành cho những lao động nghèo. Câu chuyện được báo báo Lao Động, ngày 16 Tháng Ba, kể lại qua bài ký sự.
Hỏi sao lại là 1,000 mà không phải 2,000 hay nhiều hơn như nhiều địa phương khác đã làm, ông chủ quán chỉ tay vào tấm băng rôn phía trước: “Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá tả tơi,” nên 1,000 đồng cũng là quá nhiều.
Quán cơm mở cửa từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều từ Thứ Hai đến Thứ Sáu hàng tuần. Mỗi ngày, quán phục vụ từ 100-120 suất cơm cho người bán vé số, ve chai, phụ hồ cho đến công nhân, học sinh nghèo.
Vừa móm mém ăn, cụ Nguyễn Văn Hòa (87 tuổi), ở quận Thanh Khê vừa gật gù: “Đĩa cơm có 1,000 đồng, mà bữa nào tui ăn cũng thấy ngon miệng và no. Trước nay cũng gặp một vài nơi bán cơm từ thiện rồi, nhưng chưa chỗ nào bán rẻ như ở đây cả.”
Chủ quán là một người đàn ông 34 tuổi, kiên quyết không cho biết tên thật và nghề nghiệp, bảo “chỉ cần viết bí danh N.H.P là được” kể về lý do thành lập quán cơm 1,000: “Thời sinh viên, tôi từ Long An lên trọ học ở quận Tân Bình, Sài Gòn.”
Ông P. kể, “Hồi đó nhà tôi nghèo đến mức nhiều lúc không còn tiền để ăn cơm hàng ngày dù đã tiết kiệm hết sức. Tôi và các bạn cùng phòng vẫn còn nhớ có lần biết tin có một quán cơm từ thiện nhưng ở xa quá, tận bên Thủ Đức nên không thể đi ăn được dù bụng rất đói. Từ lúc đó, tôi đã mơ ước làm sao có những quán cơm từ thiện như thế ở khắp nơi để những sinh viên nghèo như chúng tôi không phải lo chuyện ăn uống mà chuyên tâm học hành.”
Quê Long An, học ở Sài Gòn nhưng sao lại mở quán cơm ở tận Đà Nẵng? Ông P cười cười: “Đơn giản vì tôi có duyên gặp và lấy vợ người Đà Nẵng và chọn Đà Nẵng để lập nghiệp.”
Ông P. kể, “Hồi mới cưới vợ mượn chiếc xe Dream cũ của bố vợ đi làm. Đến trưa đang về thì xe hết xăng mà trong túi không còn một đồng. Những tưởng phải dắt bộ mười mấy cây số về nhà nhưng vừa đi một đoạn thì có một dì đến bảo tôi đi mua xăng và trả tiền giúp tôi. Sau lần ấy, ý nghĩ về một quán cơm thiện nguyện cũng như sẽ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn quanh mình nếu có điều kiện trong tôi lại trỗi dậy và mạnh mẽ hơn cả hồi còn sinh viên.”
Rồi cũng đến lúc ông P. ăn nên làm ra, có của ăn của để và việc mở quán cơm thiện nguyện. “Đầu tiên là địa bàn. Tôi quan sát thấy khu vực này có nhiều người lao động nghèo kiếm sống. Cùng lúc, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ biết ý định mở quán cơm giúp người nghèo của tôi nên đã gợi ý cho tôi thuê căn nhà của mình với giá rẻ, thế là tôi mở quán cơm.”
Từ ngày có quán cơm, nỗi lo về bữa cơm của những người lao động nghèo quanh khu vực được giảm đi đáng kể. Bà Trương Thị Kim Ánh (39 tuổi), quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, bán vé số nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học nói: “Mỗi ngày bán nhiều nhất cũng lời chừng 100,000 đồng. Để tiết kiệm chi phí, tối tôi ngủ lại ở đại lí vé số và từ khi có quán cơm này, trưa nào tôi cũng ghé lại ăn, tiết kiệm được 14,000 đồng để ăn cơm/ngày.”
Mà cách mua bán ở quán cơm này cũng lạ lắm. Mọi người đến đây gọi cơm, ăn xong thì tự giác bỏ tiền vào chiếc thùng đặt ở một góc của quán. Người có ít thì bỏ 1,000 đồng theo đúng giá niêm yết, người có nhiều thì 2,000 đồng, 5,000 đồng tùy tâm.
Cũng có những nhà hảo tâm, thỉnh thoảng đưa cả gia đình đến ăn rồi trả gấp 100 lần giá niêm yết.
LHQ thúc Việt Nam đối phó nạn xâm hại tình dục trẻ em
“Để có được quán cơm này, còn có sự động viên, giúp đỡ về tinh thần và vật chất của các đồng nghiệp, bạn bè rất lớn. Một mình tôi không thể nào làm được. Ngay cả hai chị cấp dưỡng là Trần Thị Kim Phượng (49 tuổi) và Trần Thị Thương (58 tuổi) cũng tình nguyện về giúp quán và chỉ nhận tiền công 100,000 đồng/ngày sau khi nghỉ làm công việc cũ với mức lương 7 triệu đồng/ người/ tháng.”
Từ những cơn đói thắt lòng thời còn ngồi trên giảng đường đại học, chàng sinh viên quê Long An đã nuôi ý tưởng sẽ mở một quán cơm từ thiện, để chia sẻ bớt nỗi lo toan cơm áo với những người nghèo. Và một ngọn nến nhân ái đã được thắp lên, với sức lan tỏa ngày một lớn, nhân lên những ngọn nến khác trong cộng đồng, lung linh, ấm áp tình người. (Tr.N)
Related news items:
Tin mới
- Hơn 139,000 người ký kiến nghị thư chống Formosa - 23/04/2017 23:54
- Người dân cùng lúc chống cưỡng chế đất, bị đàn áp từ Bắc đến Nam - 21/04/2017 19:36
- Dân Little Saigon say mê với buổi thuyết trình ‘Tiền Cổ Việt Nam’ - 18/04/2017 16:39
- Hà Nội: Dân bắt giữ 30 cảnh sát cơ động, đòi trao đổi thả người, trả đất - 17/04/2017 19:04
- Chuyện nông dân nhờ sinh viên bán dưa hấu - 13/04/2017 20:15
- Người "sống" ở nghĩa trang - 05/04/2017 19:42
- Giáo dân bao vây, trụ sở huyện Lộc Hà – Hà Tĩnh thất thủ - 03/04/2017 19:00
- Blogger Mẹ Nấm được Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump vinh danh - 29/03/2017 19:52
- Ẩn họa mới: Ðồng bằng sông Cửu Long đang ‘chìm’ dần - 27/03/2017 00:18
- “Không thể tin là sự thật!” - 27/03/2017 00:04
Các tin khác
- Phá sản với cây chanh dây - Vì sao? - 13/03/2017 15:34
- ‘Nghiện’ Facebook, làm sao ‘cai’? - 13/03/2017 00:24
- Việt Nam: ‘Tập Hợp Quốc Dân Việt’ kêu gọi biểu tình ngày Chủ Nhật - 11/03/2017 15:00
- Kỳ Anh: Ô nhiễm mọi mặt - 08/03/2017 20:53
- Biểu tình đòi Formosa rút khỏi Việt Nam - 05/03/2017 21:19
- Nghề sửa quần áo ở Little Saigon: ‘Cứ rung đùi là có tiền’ - 26/02/2017 14:24
- Thân phận một phụ nữ Việt ở lậu trên xứ Mỹ - 25/02/2017 13:00
- ‘Gà đi bộ’ ở Little Saigon - 21/02/2017 21:14
- Kể chuyện ở tù - 21/02/2017 20:51
- Rươi ơi là rươi - 10/02/2017 21:04