Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bỏ xứ tìm việc sau thảm họa Formosa

tranthibau
Bà Trần Thị Bậu, một người có con đi xuất khẩu lao động. RFA photo

Thảm họa môi trường Formosa khiến nhiều ngưởi sống nhờ vào biển ở khu vực miền Trung mất kế sinh nhai. Khi không thể kiếm sống bằng những nghề truyền thống như đi biển, làm muối hay buôn bán hải sản, nhiều người phải tìm đường ‘bôn ba’ nơi xứ khác để tồn tại và giúp đỡ gia đình.

Không còn nguồn sống

Kỳ Hà, một trong những xã có hai nghề truyền thống lâu nay là sản xuất muối và đi biển; thế nhưng khi vào vụ muối hằng năm sau thảm họa môi trường Formosa tất cả đều im ắng, người dân không biết làm gì kiếm sống. Chị Nguyễn Thị Vân một cư dân Kỳ Hà cho chúng tôi biết công việc trước đây và hiện nay:

"Ở đây đàn ông nghề biển, đàn bà nghề muối, bây giờ thất nghiệp hết. Chồng chị về đây làm bóng mực nhưng hai tháng rồi vẫn chưa có gì làm hết, ở nhà 15 ngày rồi phải vô Bình Thuận làm."

    Ở đây đàn ông nghề biển, đàn bà nghề muối, bây giờ thất nghiệp hết. Chồng chị về đây làm bóng mực nhưng hai tháng rồi vẫn chưa có gì làm hết, ở nhà 15 ngày rồi phải vô Bình Thuận làm."
    - Chị Nguyễn Thị Vân

Lâu nay những thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng… là những miền đất hứa cho nhiều người từ thôn quê không thể bám vào đồng ruộng để sống. Nay những nơi đó cũng là điểm đến cho những ngư dân miền Trung sau thảm họa Formosa.

Ông Linh ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh cho biết có đến 3 người con phải bỏ xứ đi làm cầu đường tại Sài Gòn:

"Môi trường biển không còn phải đi xa quê.”

Trong những biện pháp mà cơ quan chức năng Việt Nam đề ra sau khi xảy ra thảm họa môi trường Formosa khiến người dân không còn kế sinh nhai, đó là đưa đi xuất khẩu lao động. Trong thực tế, trước khi Nhà nước triển khai, nhiều người dân phải vay tiền để đưa người thâm ra nước ngoài làm việc. Bà Trần Thị Bậu, một người có con đi xuất khẩu lao động cho biết:

“Từ khi thảm họa xảy ra không có công việc gì hết. Cô vừa mới phải vay ngân hàng với lãi suất cao để lo cho đứa con đi làm việc tại Malaysia được hơn 01 tháng. Con cô qua đó hiện vẫn chưa có việc để làm mặc dầu lúc đi đăng ký nghành Hàn xì, lãi suất cô vẫn phải trả hàng tháng.”

Chính phủ làm ngơ

Lý do phải vay tiền cho con đi lao động xa và chuyện quan tâm của cơ quan chức năng cũng được bà Bậu trình bày:

"Chính phủ không hỗ trợ cái chi hết, vay thậm chí lãi còn cao hơn nữa. Chính quyền làm ngơ, dân chúng tôi bức xúc lắm rồi. Đối với chính phủ VN thì tiền đầy bồ là được chứ họ không quan tâm đến dân. Dân chết dở, sống dở mặc kệ. Họ thuê công an, côn đồ, hàng trăm con chó Bẹc-giê bảo vệ cho Formosa..."

Chị Phượng, một người dân cùng xã cho biết:

"Nhà nghèo quá phải cho con đi lao động xuất khẩu. Mỗi tháng được 7 triệu, gửi về nhà mỗi tháng 5 triệu."

Nhưng cũng có những người không biết vay đâu ra khoản tiền mấy chục triệu để cho con đi xuất khẩu lao động. Bà Trần Thị Huệ chia sẻ:

    Chính phủ không hỗ trợ cái chi hết, vay thậm chí lãi còn cao hơn nữa. Chính quyền làm ngơ, dân chúng tôi bức xúc lắm rồi.
    - Bà Bậu

"Không có việc gì làm, con tôi muốn đi xuất khẩu lao động lo cho gia đình nhưng tôi không biết làm sao vay ra tiền cho con đi. Đi phải hàng trăm triệu chứ không ít...

Thật sự tôi không muốn cho con đi nhưng vì không có việc gì làm. Con phải đi làm kiếm sống nuôi gia đình."

Có thể nói hiện nay, từ trẻ em cho tới người già ở Kỳ Hà không hề có việc gì để kiếm ra tiền. Ngày còn bình yên, học sinh sau mỗi buổi học đều có thể kiếm ra tiền nhờ bắt cua, mò ốc hay phụ ba mẹ làm muối để kiếm tiền. Nhưng nay đến những người lao động đều trắng tay.

Ước mơ của người dân nơi đây nghe ra vô cùng đơn giản nếu nhà nước đồng hành với dân. Bà Trần Thị Bậu bày tỏ:

"Nhà nước làm sao phải đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam để chúng tôi có nghề nghiệp, con cháu chúng tôi sinh sống sau này. Chúng tôi không cần tiền của họ."

Truyền thông Nhà nước loan báo về chương trình bồi thường cho những đối tượng bị tác động bởi thảm họa môi trường Formosa; theo đó đến cuối năm nay sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, nhiều người dân thuộc diện được nêu đến cuối tháng 11 nói vẫn chưa nhận được gì, cũng như nếu bồi thường chỉ 6 tháng thì nay họ sẽ sống ra sao!

Switch mode views: