Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Làng mai Bình Định và những nỗi lo


mai binhdinh 1
Một vườn mai đang được tạo dáng Bonsai ở Bình Định. Photo: RFA

Nói về làng trồng hoa mai, có thể nói rằng Việt Nam chỉ có ba làng mai lớn, đó là làng mai Bình Định với qui mô hàng ngàn hecta, làng mai Thủ Đức với qui mô hàng trăm hecta và làng mai Hội An với qui mô vài chục hecta. Trong đó, mai Hội An nổi tiếng đẹp, quí nhưng lại hiếm, mai Thủ Đức thì chỉ đủ cho thị trường miền Nam, chỉ có mai Bình Định là bao phủ thị trường từ miền Trung ra tận miền Bắc. Và nếu như xứ An Nhơn, Bình Định trước đây nổi tiếng với nhiều làng nghề như lò rèn, nuôi ngựa, làm nón ngựa, trồng mai… theo thời gian, hầu hết các làng nghề đều mai một, cầm cự qua ngày thì chỉ có làng mai ngày càng phát triển và được xem là mô hình nông nghiệp thông minh bởi hiệu quả kinh tế rất cao của nó.

Trồng mai như nuôi con


Nói về nghề trồng mai, nông dân Nguyễn Văn Minh, ở huyện An Nhơn, Bình Định, chia sẻ: “Mai nó ra hoa xong rồi nó cho ra hột, rồi mới lấy ươm rồi mới trồng. Mai ra 5 lá, 6 lá mới trồng được. Tiết tháng 4 trồng mới ngon.”

Ông Minh nói thêm là nói về nghề trồng mai, sự cực nhọc chẳng khác nào nuôi con nhỏ, phải hái từng hạt mai, phơi khô với lượng nắng vừa phải và đợi đủ ngày đủ tháng sau khi phơi khô, ủ cho hạt mầm nhú ra một chút mới ươm ra đất. Khi cây mai con được vài tháng tuổi thì bắt đầu trồng vào chậu và nuôi cây như thể nuôi đứa trẻ, sáng, trưa, chiều, tối đều có mặt trong vườn mai để chăm sóc, xem màu từng chiếc lá để dự đoán sức khỏe của cây. Một cây mai muốn bán ra thị trường phải tốn ít nhất bốn năm thì mới trổ hoa. Nhưng cây mai trổ hoa chưa chắc đã bán ra thị trường được nếu như dáng không đủ vững. Thường thì người ta bán ngoài thị trường những cây mai từ 4 tuổi đến 6 tuổi. Đó là mai chưng Tết thuần túy, chỉ lấy hoa chứ ít quan tâm đến dáng dấp theo kiểu bonsai.

    Những cây trên 5 năm như cành, vết sẹo, chi tiết đầy đủ… đẹp mới chơi được, phải bố trí thêm cái chậu nữa mới chơi được, cốt không cũng 10 triệu, tốn cái chậu cũng 5 triệu… quá trình lên thì cũng phải mất ít nhất 20 triệu… - Trần Văn Tý

Chia sẻ về mai bonsai, ông Trần Văn Tý, một nông dân trồng mai chia sẻ: “Nói về cây mai bonsai coi cho được, quá trình tạo được rất là khó. Thì phải lựa cây cho nó khỏe, cốt cách cho khỏe, hoa đẹp rồi ghép vào chơi. Quá trình cũng phải mất 4 đến 5 năm trở lên mới tạo ra cây bonsai đẹp được. Những cây trên 5 năm như cành, vết sẹo, chi tiết đầy đủ… đẹp mới chơi được, phải bố trí thêm cái chậu nữa mới chơi được, cốt không cũng 10 triệu, tốn cái chậu cũng 5 triệu… quá trình lên thì cũng phải mất ít nhất 20 triệu…”

Một cây mai bonsai có tuổi đời ít nhất cũng phải 10 năm. Và giá một cây mai bonsai trên thị trường dao động từ 20 triệu đồng đến hàng tỉ đồng, tùy thuộc vào độ tuổi và dáng dấp. Thường thì với nông dân, mỗi cây mai bonsai được bán trung bình 1 triệu đồng trên 3 tuổi. Nhưng qua 10 tuổi thì cách tính khác đi, ví dụ như cây mai 100 tuổi có thể bán với tiền tỉ. Nhưng cả hàng ngàn hecta mai của hơn một ngàn gia đình trồng bán trên đất An Nhơn chỉ có giỏi lắm vài ba cây mai có tuổi thọ từ 100 năm trở lên. Và đương nhiên các chủ vườn gọi đây là “cụ mai”, xem như của gia bảo, chẳng bao giờ bán ra thị trường.

Đây cũng chính là điểm khác biệt của làng mai bởi ai cũng muốn giữ gia bảo, giữ nghề nên luôn có ý cầu tiến và ham học hỏi. Và cũng có lẽ vì thế mà làng mai ngày càng phát triển, hầu như mọi nông dân trồng mai ở An Nhơn đều biết và thuần thục việc ghép cành tạo ra những chậu mai Tết đẹp, bán ra thị trường với giá cả phải chăng.

Ông Sơn, một người trồng mai chia sẻ: “Thời gian mà mình trồng cây nó kéo nhựa lên đều một chút ghép mới tốt. Chứ ghép sớm quá không kịp kéo nhựa thì nó bị ngột mắt, tốt nhất là khi nó kéo mạnh nhựa lên rồi mình ghép vô mới dễ ghép. Như mai muốn đẹp thì mình ghép mai thôi chứ không ghép được với thứ cây khác.”

Những nỗi lo


Ông Nguyễn Hùng, chủ một vườn trồng mai ở Bình Định chia sẻ: “Bây giờ mà nói một sào mai thu nhập thì từ khi trồng đến khi thu mất khoảng 4 năm. Như mình trồng vườn 1000 cây thì đến năm thứ tư thì mới thu nhập, được khoảng 200 triệu, 300 triệu một năm. Như mai chơi hoa thì tiêu thụ cả nước còn mai bonsai thì tập trung chơi cho miền Trung hoặc miền Nam. Sắp tới đây thì còn đi ra miền Bắc nữa, vì vừa rồi cũng đã đưa ra miền Bắc được rồi.”

Ông Hùng chia sẻ thêm là thường niên, chừng giữa tháng 11 âm lịch thì các nhà vườn sẽ có các nhà buôn từ các tỉnh đến thăm thú, chọn cây và đặt cọc, đến giữa tháng Chạp thì cây bắt đầu chuyển đi các tỉnh. Và mai Bình Định trong vài năm trở lại đây đã có mặt trên các tỉnh miền Bắc, đây là niềm vui lớn của người nông dân vì đầu ra cho nông sản quyết định cho việc trồng trọt kéo dài nhiều năm của họ.

mai binhdinh 2
Một góc vườn mai ở Bình Định Photo: RFA

Nhưng ông Hùng cũng tỏ ra lo lắng bởi thời tiết năm nay ít mưa, nắng ấm liên tục, điều này dễ dẫn đến việc cây mai sẽ trổ nụ sớm, ước chừng đầu tháng Chạp đã đơm bông và rất khó để giữ hoa lâu tàn nếu trời vẫn cứ nắng. Mà với nhà vườn, việc ép cây mai nở sớm 5 ngày, 10 ngày thì có thể làm được, nhưng giữ không cho mai nở sớm là việc ngoài khả năng, nếu có giữ chăng thì cũng được chừng 3 đến 5 ngày là cùng, sau đó nếu không để mai nở tự nhiên ngoài ánh sáng thì lá sẽ vàng, hoa sẽ thối.

Ông Phú, một nông dân trồng mai khác chia sẻ: “Cây mai thì lặt trước Tết khoảng một tháng, tùy theo giống nữa, lạnh thì mình lặt sớm, nắng thì mình lặt muộn hơn chút nhưng ép quá cây cũng mất sức, để nó nở tự nhiên thì tốt hơn.”

Ông Phú cũng cho hay rằng đây không phải lần đầu những người trồng mai như ông mới tháng 10 đã bắt đầu nơm nớp lo sợ. Còn nhớ cách đây 4 năm, mai ở xứ ông nở trước Tết hơn cả tháng vì lụt lớn đi qua, những cây mai hoặc là chết đi hoặc ngâm mình trong nước bị rụng hết lá, cây ra nụ sớm và nở sớm mặc cho người trồng hoa làm đủ mọi cách. Rồi ba năm trước, do lạnh quá, mai ngậm búp không nở kịp Tết, hai năm trước, mai lại nở rộ trước Tết không bán được nhiều vì trời quá nóng.

Ông nói rằng suy cho cùng thì người làm nông bao giờ cũng khổ, bởi người tính không bằng trời tính. Ông chỉ cầu mong những ngày sắp tới đây trời sẽ lạnh hơn chút để có thể hãm mai nở đúng vào dịp Tết, để gia đình ông cũng như những người trồng mai khác thu được chút lời sau bao năm bỏ công chăm sóc và cũng để họ có thể giữ được nghề trồng mai không bị mai một như những nghề lâu năm khác ở xứ An Nhơn.

Switch mode views: