Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cảng cá lớn nhất miền Trung nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối


cangca thoquang
Biển tại cảng cá Thọ Quang rác thải la liệt tràn lan, mặt nước đủ các loại chai lọ nhựa. (Hình: Người Lao Động)

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Đủ các chất thải từ cơ sở chế biến thủy sản cùng hoạt động buôn bán của hàng ngàn tàu cá ngay tại cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà đã khiến nơi này ô nhiễm trầm trọng.

Theo tường thuật của báo Người Lao Động, ngay từ ngoài cổng cảng cá Thọ Quang nằm tại hai phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã ngửi thấy mùi tanh và hôi thối bốc nồng nặc.

Vào bên trong cảng cá, cảnh tượng không khác gì một bãi rác bị ứ đọng lâu ngày: rác thải la liệt tràn lan trên các bờ kè, mặt nước với đủ các loại chai lọ nhựa, hộp giấy, bao nylon, vỏ thuốc lá, vỏ lon bia, váng dầu từ các tàu, thuyền bám đen đúa đọng lại.

Ông Lê Công Huệ, một người dân ở địa phương, cho biết mỗi khi mưa gió, lụt lội, nhiều loại rác trôi ngập vào bờ kè và theo ống cống chảy thẳng xuống âu thuyền. Thế nhưng không thấy Cảnh Sát Môi Trường đến kiểm tra vì “chắc không có lợi ích gì nên không tới.”

Hàng ngày, người dân khu vực giáp ranh hai phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông phải “sống chung” với ô nhiễm. Đặc biệt là những ngày nắng nóng, mùi hôi thối của rác thải, tanh nồng của hải sản theo làn gió bay thẳng vào nhà dân.

Tin cho biết, cảng cá Thọ Quang bắt đầu hoạt động từ năm 2014, với diện tích hơn 80 héc ta là cảng cá lớn nhất miền Trung. Trung bình mỗi ngày, có hơn 1,000 tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định vào đây bán cá, lấy dầu và mua nước ngọt, đá lạnh, lương thực để tiếp tục ra khơi.

Mỗi ngày có khoảng 4,000 ngư dân miền Trung vào đây để giao dịch hải sản khiến các âu thuyền đang quá tải và là một trong những “điểm nóng” ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, quy hoạch khu công nghiệp thủy sản gần cảng cá Thọ Quang, quá trình sản xuất của nhiều cơ sở chế biến thủy, hải sản cùng với một số chợ cá thải chất thải ra đã biến nơi đây thành bãi rác của các doanh nghiệp.

Thế nhưng, nói với báo Người Lao Động, ông Mai Mã, giám đốc Công Ty Thoát Nước và Xử Lý Nước Thải Đà Nẵng, biện minh cho rằng từ Tháng Tư, 2017, khi Trạm Xử Lý Nước Thải Sơn Trà hoàn thành (với công suất 25,500 khối/ngày đêm) đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm nước thải cho âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. (Tr.N)

Switch mode views: