Củ tỏi và thân phận người Lý Sơn
- Thứ Bảy, 24 tháng Mười Một năm 2018 02:06
- Tác Giả: RFA
Tỏi Lý Sơn còn tồn đọng hàng trăm tấn mặc dù sắp sang vụ mới. RFA
Vài năm trở lại đây, ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi phát triển bộc phát, ngoài đèo Eo Gió ở Nghĩa Hành, thác Trắng ở huyện Minh Long, đảo Lý Sơn được nhắm đến như là điểm mạnh du lịch của tỉnh này. Và có thể nói rằng phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái trên đảo Lý Sơn khá thành công. Đây cũng là niểm hi vọng cho rất nhiều gia đình ngư dân bám biển lâu đời, chịu sóng chịu gió, chịu hiểm nguy và không ít người đã trả giá bằng tính mạng. Chuyển đổi ngành nghề từ đánh bắt sang đánh bắt phục vụ du lịch hoặc bỏ hẳn đánh bắt sang phục vụ du lịch là lựa chọn của rất nhiều ngư dân Lý Sơn.
Tỏi Lý Sơn: giả và thật!
Ngành nông nghiệp với cây tỏi làm chủ lực cũng nhanh chóng bắt nhịp phục vụ du lịch, bán cho khách vãng lai với giá tương đối cao và nguồn cung luôn luôn không đủ cầu trong vài năm. Thế rồi mọi chuyện đột ngột thay đổi trong vài tháng trở lại đây, cụ thể là từ khi các quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trở nên “êm đềm” hơn, người Trung Quốc được lái xe sang Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc được thông quan mạnh hơn và hàng tiểu ngạch từ hai phía Việt – Trung cũng tăng động. Củ tỏi Lý Sơn từ chỗ nổi tiếng lành tính, thơm ngon trở thành mối nghi ngại của người tiêu dùng bởi không thể phân biệt đâu là tỏi Lý Sơn, đâu là tỏi Trung Quốc, người nông dân Lý Sơn điêu đứng vì tỏi thật tỏi giả. Hiện tại, ở Lý Sơn sắp sang mùa trồng tỏi nhưng tỏi của vụ trước vẫn tồn đọng hàng trăm tấn.
Một khi củ tỏi Lý Sơn bị đánh phá, bị mất giá trị, sẽ có nhiều giá trị liên đới bị mất đi. Mà một khi đã mất đi dưới sức ép lòng ham muốn, lòng tham, sự bất chấp thì sẽ không bao giờ tìm lại được.
Một nông dân trồng tỏi tên Nguyên, ở Đảo Lớn, chia sẻ: “Tỏi đẹp hồi xưa là 80 ngàn đồng mỗi ký, bữa nay còn có 40 ngàn à, rớt dữ lắm, khó sống lắm, nhưng mà đỡ cái là còn có hành nó bù qua chứ tỏi vậy khó sống lắm. Trước phơi qua xong thì tỏi đẹp được 75 ngàn một ký chứ giờ còn có 40 ký thì chết a, người nông dân chết a, bữa nay Lý Sơn khổ lắm, lý do là điêu đứng tỏi, ứ đọng như nhà tôi đã là mấy trăm ký đây. Mà may cũng có du lịch, ở đâu có du lịch thì ở đó tiến bộ hơn chứ, họ rinh đi một mớ rồi chứ không có du lịch thì khổ nữa…!
Ông Nguyên than thở rằng hiện tại, chuyện củ tỏi Lý Sơn tưởng như đơn giản nhưng thực ra, ông cảm nhận một mối nguy hiểm khó lường. Bởi trước đây người Lý Sơn yêu biển đảo, yêu chủ quyền đất nước bao nhiều thì bây giờ, cũng chính những con người khốn khó từng vào sinh ra tử ấy lại thấy yêu tiền bấy nhiêu. Tiền khiến cho nhiều người bất chấp. Hơn nữa, đã làm du lịch thì khách hàng luôn là Thượng Đế, mà khách du lịch Trung Quốc luôn chiếm con số rất cao trong các lượt khách thăm Việt Nam nói chung và thăm đảo Lý Sơn nói riêng. Một khi đã chấp nhận xem người Trung Quốc là Thượng đế thì cũng đồng nghĩa với việc các Thượng Đế sẽ tìm cách tác oai tác quái trên đảo này.
Mỗi ngày chỉ có vài chuyến tàu du lịch ra vào đảo, đều qua cửa an ninh và được kiểm soát gắt gao. Vậy tại sao tỏi Trung Quốc có thể vượt 15 hải lý để vào đảo và đóng vai tỏi Lý Sơn với giá rẻ bèo, cuối cùng, củ tỏi Lý Sơn mất uy tín trên thị trường và mất cả đầu ra. Người nông dân Lý Sơn điêu đứng?
Du lịch hái ra tiền, nguy hiểm cũng cao hơn…
Một người làm kinh doanh du lịch trên đảo Lý Sơn, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Du lịch về phát triển kinh mà, đồng ý có những thứ phải thay đổi chứ. Như Hội An thì dù muốn dù không, cái thay đổi của Hội An là theo xã hội, tiến bộ còn Lý Sơn thì thay đổi vì nếu không cứ theo cái đà cù lần là đi xuống thôi nên buộc nó thay đổi, khác xưa nhiều chứ. Còn chuyện tỏi, hành thì tệ quá, căn bản là do biến động thị trường, chứ một số tỏi ở trên đất liền mang ra đảo bán thì chẳng đáng gì nhưng do biến động thị trường kinh quá, đọng, ứ đọng, nhất là thị trường Trung Quốc, nó ăn nhiều, nó nhập nhiều, nó nhập về quá mức luôn, nó ép!”
Củ tỏi gắn liền với đời sống cư dân Lý Sơn. RFA
Vị này chia sẻ thêm rằng nếu với đà hiện tại, nghĩa là người ta thi nhau làm du lịch, lấy lợi nhuận làm kim chỉ Nam và bất chấp mọi chuyện… thì nguy cơ người Trung Quốc núp bóng một nhà đầu tư nào đó vào thao túng các diện tích đất vàng trên đảo Lý Sơn không phải là chuyện tưởng tượng mà đó phải là sự thật. Hiện tại, có một tập đoàn kinh tế nổi tiếng đã vào thao túng toàn bộ bờ biển Lý Sơn để xây dựng du lịch. Và theo vị này, với mức độ thao túng như vậy, đến một lúc nào đó các dự án này đi vào hoạt động thì cơ may hái ra tiền từ du lịch của người dân Lý Sơn sẽ teo tóp trở lại. Đó là chưa muốn nói đến các chuyến tàu đặc cách chỉ chở khách Trung Quốc vào thăm Lý Sơn.
“Lo chứ, sợ chứ… ví như vừa rồi có một tập đoàn FLC đó, nó định mở ra Lý Sơn, quy hoạch ngoài này, dân Lý Sơn phản ảnh, sợ lắm! Làm gì thì làm nhưng Trung Quốc đứng sau thì dân đả đảo. Lý Sơn làm gì thì làm cũng có truyền thống là ngày xưa ông bà đi giữ đảo vậy mà giờ Trung Quốc nó lấy Hoàng Sa rồi, tức giữ lắm mà không biết làm sao. Giờ nhiều khi cán bộ tham nhũng, ăn hối lộ rồi cái gì vào cũng có Trung Quốc đứng đằng sau thì dân bức xúc lắm, ghét ghê lắm! Nói chung là nếu để bọn nó núp bóng vào, tương lai nếu mà để nó thay thế thì mất đảo (Lý Sơn) luôn á!”
Ông nhấn mạnh thêm, sở dĩ ông không nhắc đến khách các nước mà chỉ nói đến khách Trung Quốc bởi hai chữ này là nỗi ám ảnh lâu dài của người Lý Sơn. Đã có không biết bao ngư dân vì chén cơm manh áo, và vì cả chủ quyền biển quốc gia đã đương đầu sóng gió, hiểm nguy để đánh bắt, giữ ngư trường Hoàng Sa thần thánh. Và cũng từng có một hải đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn thề không bao giờ để mất Hoàng Sa. Thế nhưng mọi chuyện trở nên khôi hài một khi đồng tiền phá sạch mọi thứ.
Củ tỏi Lý Sơn bị điêu đứng trên thị trường, nông dân Lý Sơn tuyệt vọng, câu chuyện ấy không đơn giản là câu chuyện kinh tế. Ông cho rằng sâu xa bên trong mùi vị, màu sắc và giá trị của củ tỏi Lý Sơn cũng là mùi vị dân tộc, màu sắc lòng yêu nước, quyết tâm giữ nước và giá trị trung kiện của nhiều thế hệ. Một khi củ tỏi Lý Sơn bị đánh phá, bị mất giá trị, sẽ có nhiều giá trị liên đới bị mất đi. Mà một khi đã mất đi dưới sức ép lòng ham muốn, lòng tham, sự bất chấp thì sẽ không bao giờ tìm lại được.
Related news items:
Tin mới
- Hoa Kỳ hoan nghênh Thái Lan điều tra vụ mất tích của nhà báo Trương Duy Nhất - 10/02/2019 15:04
- Du khách: ‘Tết ở Việt Nam đáng sợ, người ta uống rượu quá nhiều’ - 05/02/2019 01:29
- Mâm cơm ngày Tết của bà con dân tộc có gì đặc biệt? - 02/02/2019 01:16
- Công an ngăn chặn, đánh người tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa - 19/01/2019 17:46
- Dân biểu Úc và Giám mục Úc gốc Việt lên tiếng về vụ Lộc Hưng - 14/01/2019 00:24
- Khai thác Bán đảo Sơn Trà ra sao? - 02/01/2019 03:05
- Làng mai Bình Định và những nỗi lo - 26/12/2018 22:18
- Các nông gia trồng cây Giáng Sinh vất vả đối phó với sự tràn lan của cây nhân tạo - 12/12/2018 01:27
- Tại sao có tóc bạc và đầu hói? - 05/12/2018 00:29
- Thoi thóp làng du lịch Chăm An Phú, An Giang - 29/11/2018 21:07
Các tin khác
- Bà Aung San Suu Kyi bị Amnesty International thu hồi giải thưởng - 13/11/2018 20:09
- Chợ thuốc Nam ở vùng cao - 01/11/2018 23:04
- Kiếm sống nơi biên giới phía Nam - 28/10/2018 19:08
- Nhà mồ Ba Chúc, tội ác của ai? - 22/10/2018 12:13
- Các tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng về việc Mẹ Nấm - 18/10/2018 17:09
- Cảng cá lớn nhất miền Trung nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối - 13/10/2018 21:54
- Chết theo kế hoạch, tử hợp quy trình! - 08/10/2018 00:40
- Tổng thống và thời đại vàng son của nhà giàu ở Hoa Kỳ - 08/10/2018 00:31
- Casino Tà Mâu và vùng biên giới phức tạp - 03/10/2018 10:36
- Trung thu nào cho trẻ vô gia cư? - 28/09/2018 21:53