Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

5G : Pháp, lá chủ bài của Hoa Vi để chinh phục châu Âu

huawei france
Xếp hàng chờ cửa hàng Hoa Vi ở Opera Garnier Paris Pháp mở cửa, ngày 06/03/2020 REUTERS/Charles Platiau



Hoa Vi vừa rầm rộ khai trương một cửa hàng ngay tại khu tam giác vàng Paris.
Trước đó cũng tập đoàn viễn thông Trung Quốc này thông báo dự án xây dựng nhà máy đầu tiên của Hoa Vi ở hải ngoại và địa điểm được chọn là nước Pháp.

Hoa Vi đang trong tầm ngắm của Washington, liệu Paris có thể giúp tập đoàn Trung Quốc này phá được vòng vây của Mỹ và đẩy mạnh những nước cờ tại châu Âu ?

Sau Milano, Madrid và Barcelona hay Vacxava, Hoa Vi vừa mở thêm một cửa hiệu cao cấp tại khu sang trọng bậc nhất của Paris.
Đối diện với nhà hát Opéra Garnier là logo khổng lồ của tập đoàn Trung Quốc.

Cách đó không xa là tủ kính của hãng điện thoại Mỹ Apple. Trải rộng trên 850 mét vuông, có lối vào uy nghi và những kệ trưng bày có nét rất « Pháp » với nào là smartphone, máy tính bảng, màn hình tivi, máy tính cá nhân để bàn, và cả bàn chải đánh răng, đồng hồ kết nối …

Chủ tịch Hoa Vi đặc trách khu vực châu Âu Walter Ji không giấu diếm : cửa hàng vừa được khai trương trên đường Capucine phải là « tủ kính » của tập đoàn và báo trước là cuối 2020 hay đầu năm 2021, một cửa hàng thứ nhì « cùng standing » với của Paris sẽ được khai trương tại thành phố Lyon.

Cuối tháng 02/2020, vào lúc Trung Quốc còn bị tê liệt gần như hoàn toàn vì dịch Covid-19, phó tổng giám đốc Hoa Vi tại Pháp rầm rộ thông báo ngay tại thủ đô Paris kế hoạch « mở nhà máy Hoa Vi đầu tiên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, đầu tư trước mắt là 200 triệu euro, đem lại 500 công việc làm trên đất Pháp và trong tương lai nhà máy có khả năng sản xuất ra tới 1 tỷ euro trang thiết bị điện tử một năm ».

Một trong những mục tiêu của dự án là « đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng, giảm thiểu rủi ro dây chuyền cung ứng bị gián đoạn ».

Mở rộng địa bàn tại Pháp

Tập đoàn do ông Nhậm Chính Phi sáng lập đang tăng tốc đầu tư vào Pháp trong bối cảnh dưới áp lực của chính quyền Trump, điện thoại Hoa Vi sẽ kém hấp dẫn trước nguy cơ không còn có thể sử dụng hệ điều hành Android của Google.

Nhưng quan trọng hơn nữa là từ tháng 05/2019 Washington viện lý do an ninh đòi cấm cửa Hoa Kỳ với tập đoàn bị cho là gần gũi với đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Không chỉ có thế. Chính quyền Trump liên tục vừa dụ, vừa dọa các đồng minh của Mỹ, đứng đầu là châu Âu, loại Hoa Vi ra khỏi danh sách các nhà cung cấp mạng 5G. Thị trường mạng 5G châu Âu mới là mục đích Hoa Vi nhắm tới.

Trong bối cảnh đó giới quan sát cho rằng, kế hoạch thiết lập « nhà máy sản xuất đầu tiên của Hoa Vi ngoài lãnh thổ Trung Quốc » là một màn « mỹ nhân kế » để Hoa Vi thuyết phục Pháp, thành viên quan trọng bậc nhất trong Liên Hiệp Châu Âu, về chiến lược phát triển mạng viễn thông thế hệ mới trên Lục Địa Già.
Trước mắt, dự án của Hoa Vi tại Pháp mới chỉ được biết qua vài ba con số như phó tổng giám đốc Hoa Vi tại Pháp vừa nêu.

Không có thêm thông tin về thời điểm dự án sẽ được khởi động cũng như về địa điểm Hoa Vi sẽ chọn để mở nhà máy.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, vùng Alsace, miền đông bắc nước Pháp có nhiều triển vọng, nhưng về mặt chính thức tập đoàn Trung Quốc chưa đưa ra một quyết định nào.

Tại Paris, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire đã vội vã cải chính là « chiến lược bắt rễ vào Pháp của Hoa Vi không mảy may làm thay đổi chính sách của Pháp trong việc phát triển mạng điện thoại 5G, và mục tiêu bảo vệ an toàn và an ninh mạng » khi chọn các nhà cung cấp.

Cần nhắc lại là sau Anh Quốc, Liên Âu, Pháp chính thức tuyên bố không loại Hoa Vi ra khỏi danh sách các nhà thầu đồng thời nâng cao « khả năng phòng thủ ».
Tuy nhiên, Cơ quan đặc trách về hệ thống an ninh và thông tin của Pháp ANSSI chuẩn bị ra quyết định về vị trí cụ thể của Hoa Vi trong toàn cảnh viễn thông thế hệ mới tại Pháp.
Lập trường chính thức của Bruxelles là không nghe theo Mỹ để cấm Hoa Vi nhưng « tập trung bảo mật mạng 5G ».

Phương tiện để « hút » thông tin

Theo quan điểm của chuyên gia Gilles Babinet, cố vấn về công nghệ kỹ thuật số cho viện nghiên cứu Montaigne của Pháp, nếu dầu hỏa là mạch sống của thế kỷ 20 thì thế kỷ 21 là thời đại của data tức là những dữ liệu được vận chuyển qua mạng di động không dây.

Đồng thời chuyên gia Pháp lưu ý rằng, data được ví như xe hơi còn mạng viễn thông là xa lộ. Đường càng rộng, càng tốt, xe chạy càng nhanh.
Nhưng không có gì cấm cản nhà cung cấp mạng « đột nhập » vào hệ thống 5G của bất kỳ một quốc gia nào vào bất cứ thời điểm nào. Chuyên gia Gilles Babinet nêu đích danh Trung Quốc :

« Đặc điểm của hệ thống 5G là cho phép kết nối tất cả những dữ liệu ở khắp mọi nơi. Điều đó vừa phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đồng thời mở ra viễn cảnh bùng nổ những vật dụng kết nối.

Theo nghiên cứu, chỉ trong vòng từ 5 cho đến 7 năm nữa, sẽ có khoảng 100 tỷ đồ vật kết nối, chứa đựng không biết bao nhiêu những dự liệu ở bên trong. Những vật dụng kết nối này được đặt trong những nhà máy, trong những dây chuyền sản xuất...
Trong tương lai, mỗi nhà máy sẽ có từ 1 đến 2 triệu vật dụng kết nối và tất cả sẽ dùng mạng 5G.

Nhà thiết kế mạng bất kỳ lúc nào cũng có thể đột nhập hệ thống hạ tầng cơ sở để trích xuất những dữ liệu cần thiết. Không có gì cấm cản Trung Quốc có thể làm chuyện đó.
Mọi người còn nhớ, năm 2015 khi Nga mở chiến dịch tấn công tin học vào nhà máy điện của Ukraina, tất cả mọi hoạt động tại quốc gia này đều đã bị chựng lại ».

Mạng 5G không chỉ liên quan tốc độ vận chuyển các dữ liệu hay thông tin. Ở đây còn đặt ra vấn đề an ninh mạng như chuyên gia Babinet vừa giải thích.
Ông báo trước nguy cơ một thiết kế mạng lập ra những « ngõ thoát hiểm » và những dữ liệu cần bảo mật cũng có thể bị thất thoát bằng những « cánh cổng thoát hiểm đó » :

« Bất kỳ một nhà cung cấp hạ tầng cơ sở mạng nào khi thiết kế mạng viễn thông, cũng đều dự trù những "ngõ thoát hiểm".
Chỉ có nhà cung cấp đó mới biết được những ngõ thoát hiểm được đặt ở đâu và cũng chỉ có họ mới có chìa khóa để kiểm soát những ngõ thoát hiểm ấy.
Nói cách khác, các nhà mạng biết hết tất cả các ngõ ngách mạng viễn thông của khách hàng.
Hiện tại trên thị trường có ba công ty cung cấp mạng 5G đó là Hoa Vi, Nokia và Ericsson.

Khác biệt ở đây là Hoa Vi rất gần gũi với chính quyền Trung Quốc và ở Trung Quốc không có gì bảo đảm cho tính độc lập của Hoa Vi với Bắc Kinh.
 Do vậy, nhiều quốc gia, đứng đầu là Mỹ, cho rằng chúng ta không thể tin tưởng vào Hoa Vi, trao trọn từ kinh tế cho đến những lĩnh vực mang tính chiến lược, và cả những dữ liệu về y tế, xã hội … cho một đại tập đoàn mà chúng ta biết rằng tập đoàn đó lại có quan hệ mật thiết với một chế độ toàn trị ».

5G cho phép xử lý khối dữ liệu lớn hơn và nhanh hơn và được coi là yếu tố cơ bản cho việc phát triển các công nghệ kết nối mới.
Hoa Vi hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Liên Hiệp Châu Âu ý thức được rằng lợi ích kinh tế và địa chính trị là hai mặt của cùng một đồng tiền.

Ngày 10/10/2019 Bruxelles nêu bật một số « đe dọa có thể nhắm vào hệ thống mạng 5G », « khả năng của một số quốc gia hay các nhà cung cấp mạng tiến hành các đợt tấn công liên tiếp và tinh vi đe dọa đến an ninh » mạng điện thoại di động của châu Âu.
Dù vậy Liên Âu không dám mạnh tay gạt hẳn Hoa Vi khỏi chiến lược phát triển mạng viễn thông đời mới.

Cuối tháng Giêng 2020, Liên Hiệp Châu Âu ra thông cáo kêu gọi các thành viên « đưa ra những các hạn chế liên quan đến nhà cung cấp được coi là có rủi ro cao », tránh dùng các trang thiết bị của các nhà cung cấp thuộc diện này trong những lĩnh vực « quan trọng và nhậy cảm ».
Thông báo không chủ trương « cấm » Hoa Vi tham gia vào mạng 5G của châu Âu.

Cũng chuyên gia Gilles Babinet viện Montaigne- Paris giải thích với RFI vì sao từ Anh cho đến Pháp và cả Liên Hiệp Châu Âu cùng lấn cấn vì Hoa Vi :
« Ở cương vị của một Nhà nước, chúng ta đang đứng trước một mâu thuẫn rất lớn. Một bên là những cơ hội về kinh tế rất lớn khi phát triển hệ thống 5G.
Uy tín, hình ảnh của một quốc gia càng được tô điểm thêm với mạng viễn thông thế hệ mới.
Trong trường hợp của Anh Quốc chẳng hạn, thì đây là một cơ hội rất lớn. Nhưng bên kia là những tính toán về địa chiến lược.

Luân Đôn vùa chia tay với châu Âu đang cần có những điểm tựa mới. Nước Anh trông đợi nhiều vào việc đẩy mạnh thêm nữa quan hệ với Hoa Kỳ nhưng đồng thời cũng không thể làm phật lòng Trung Quốc nếu cấm cửa Hoa Vi.
Cần nhắc lại rằng Hoa Vi đã bắt rễ được vào châu Âu là nhờ đã hợp tác với tập đoàn viễn thông British Telecom của Anh cách nay đã 15 năm ».

Không có lửa sao có khói ?

Thái độ thận trọng của phương Tây đối với Hoa Vi không phải là vô cớ. Mọi người con nhớ sáng lập viên tập đoàn này xuất thân từ quân đội.
Quỹ đầu tư tài trợ cho Hoa Vi trực tiếp được đặt trong tay đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Về mặt kỹ thuật, trong quá khứ nhiều lần trang thiết bị của Hoa Vi đã gặp sự cố và tập đoàn này đã mất nhiều tháng để điều chỉnh và khắc phục được những sự cố đó.

Pháp không là cổng vào duy nhất

Thực ra trước Paris, Hoa Vi từng đem những dự án bạc triệu ra để chiêu dụ châu Âu.
Năm 2019, tập đoàn viễn thông Trung Quốc đã đề cập đến ít nhất năm trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Lan, Anh, Pháp Đức và Ba Lan.

Vào lúc Hoa Vi thông báo dự án đầu tư 200 triệu euro tại Pháp, tờ báo mạng của Mỹ Politico, nổi tiếng là thân cận với Nhà Trắng, trích dẫn lời một đại diện của Hoa Vi tại châu Âu đã không vòng vo tuyên bố :
 « Không có chuyện một công ty đầu tư cả tỷ bạc vào một quốc gia khi biết trước là sẽ bị chính quyền nơi đó hắt hủi ».

Pháp không là cổng vào châu Âu duy nhất của Hoa Vi.
Tháng 3/2019 Hoa Vi trực tiếp gửi thư yêu cầu thủ tướng Mark Rutte triệu tập một cuộc họp để bàn về những dự án đầu từ của tập đoàn viễn thông Trung Quốc, về « vai trò trong tương lai của Hoa Vi » tại Hà Lan.

Cũng tập đoàn Trung Quốc này có dự án thành lập một trung tâm an ninh mạng tại Ba Lan. Có điều như bộ trưởng Ba Lan đặc trách về công nghệ kỹ thuật số, Marek Zagorski, cho biết : phía Trung Quốc chỉ nêu lên vấn đề nhưng chưa đưa ra bất kỳ một thông cáo chính thức nào.

Trước mắt để giành được thị trường 5G của châu Âu bằng mọi giá, Hoa Vi từ cuối 2018 đã khánh thành một trung tâm nghiên cứu về an ninh mạng tại Bonn - Đức, và một trung tâm thứ nhì tại ngay thủ đô của Liên Hiệp Châu Âu là Bruxelles cách nay đúng một năm.

Ở hậu trường công tác lobby của Hoa Vi tại các cơ quan chính thức của Liên Hiệp Châu Âu và tại mỗi nước thành viên trong khối châu Âu cũng đang hoạt động « rất hiệu quả »!

Switch mode views: