...ông Philipp Rösler, bộ trưởng trẻ tuổi của Bộ Y tế, một người gốc Việt, sẽ chính thức nhậm chức chủ tịch đảng FDP, và trở thành phó thủ tướng trong chính phủ Angela Merkel ...
Philipp Rösler, nhà chính trị gốc Việt, trở thành Phó Thủ tướng Đức
|
Lần đầu tiên, một người gốc Việt, ông Philipp Rösler lên làm phó thủ tướng Đức (AFP) |
"Đảng Tự do Dân chủ Đức bầu thủ lĩnh mới" là bài viết của Le Figaro nói về "ông Philipp Rösler, bộ trưởng trẻ tuổi của Bộ Y tế, một người gốc Việt, sẽ chính thức nhậm chức chủ tịch đảng FDP, và trở thành phó thủ tướng trong chính phủ Angela Merkel ». Như vậy, lần đầu tiên một người Đức gốc Việt được chọn làm thủ lĩnh một đảng chính trị tại nước này.
Ông Philipp Rösler năm nay 38 tuổi. Mới 9 tháng tuổi, ông đã được cha mẹ nuôi người Đức nhận về từ một trại trẻ mồ côi tại Việt Nam, trước khi chiến tranh Đông Dương kết thúc. Ông Philipp Rösler gia nhập đảng Tự do Dân chủ vào năm 1992. Ông hành nghề phẫu thuật tim mạch cho đến năm 2003, trước khi trở thành nghị sĩ của tiểu bang Basse-Saxe. Tiếp đó, ông trở thành bộ trưởng Kinh tế, rồi phó thống đốc cũng của bang này.
Trong cương vị của một bộ trưởng Y tế từ năm 2009, Philipp Rösler sống một mình tại Berlin, một cách đơn giản, ngay chính tại văn phòng làm việc của ông. Vẫn sống ở Hanovre cùng hai con gái sinh đôi, vợ ông liên tục gửi ảnh và các đoạn băng video cho chồng.
Le Figaro chú ý đến những thách thức rất lớn mà tân chủ tịch đảng Tự do Dân chủ Đức sẽ phải đối mặt, vừa với cương vị của chủ tịch đảng chính trị này và trong vị trí người phó của thủ tướng Angela Merkel.
Mang biệt danh « góa phụ đen », nữ thủ tướng Đức hoàn toàn không nương tay với các đồng sự, một khi họ trở nên « nguy hiếm » với bà. Philipp Rösler sẽ là phó thủ tướng thứ tư trong chính phủ Angela Merkel. Trong khi đó, đảng Tự do Dân chủ FDP đang ở trong giai đoạn nhận được sự ủng hộ hết sức thấp, với 3% số người thiện cảm, theo các điều tra dư luận mới đây, sau chiến thắng năm 2009 tại kỳ bầu cử quốc hội, với gần 15% số phiếu. Cựu chủ tịch đảng FSD Westerwelle đã làm hỏng rất nhiều hình ảnh của đảng, trên cương vị Ngoại trưởng Đức, với « tính cách hung hăng và thiếu nhạy cảm chính trị ».
Theo Le Figaro, ông Philipp Rösler có nhiều ưu điểm. Ông tỏ ra không phải là một người theo chủ trương « tự do » một cách giáo điều. Ông tự coi mình là một người « tự do - xã hội », có nghĩa là gần như một người chống lại trào lưu chính thống trong đảng này. Ông cũng công nhận rằng « sự đoàn kết liên đới là căn bản của chủ nghĩa tự do ». Trên cương vị bộ trưởng, Philipp Rösler đã điều hành bộ Y tế Đức với một cách thức hết sức thực tiễn, khiến cho bộ này gắn bó với xã hội hơn.
Nếu không có gì thay đổi, Philipp Rösler, nhà chính trị Đức gốc Việt sẽ chính thức nhậm chức chủ tịch đảng FSD vào ngày 13 tháng 5 tại Rostock.
Nhật Bản : Cá tại vùng biển Đông Bắc bị nhiễm xạ
Tiếp tục theo dõi các diễn biến tại Nhật Bản liên quan đến lây nhiễm hạt nhân hiện nay, Le Monde cho biết « tại khu vực phía đông bắc Tokyo, đã phát hiện thấy một số cá biển bị nhiễm phóng xạ », tiếp theo việc Tepco cho thải ra biển hàng nghìn tấn nước nhiễm phóng xạ nhẹ. Ngày thứ Ba 5/4 vừa qua, cách Fukushima 150 km về phía nam, tại vùng biển tỉnh Ibaraki, người ta đã đo được nồng độ phóng xạ cao hơn bình thường ở cá biến vừa được đánh lên. Hai chất phóng xạ được phát hiện là : cesium 137, với 526 Bq/kg, có nghĩa là nhiều hơn 26 becquerel so với tiêu chuẩn được chấp nhận, bên cạnh đó, chất iod 131 có nồng độ gấp đôi so với bình thường, tức 4.000 Bq/kg so với 2.000/kg. Tuy nhiên, iod 131 có chu kỳ bán rã rất ngắn, chỉ là khoảng 8 ngày.
Theo chính quyền địa phương tỉnh Ibaraki, hơn 95% hoạt động đánh cá tại khu vực này đã dược lệnh ngưng lại, cho đến khi thiết lập được bản đồ các vùng bị nhiễm xạ. Tỉnh Ibaraki có sản lượng cá lớn thứ năm tại Nhật, vào năm 2008, với gần 200 000 tấn hải sản. Hãng thông tấn Bloomberg đưa ra con số kể trên dựa vào các dữ liệu của chính phủ Nhật.
Việc quản lý nước làm lạnh lò phản ứng là một vấn nạn khó giải đối với Nhật Bản. Theo Tepco, hiện có khoảng 60 000 tấn nước bị nhiễm xạ đang được lưu giữ tại nhà máy Fukushima Daiichi. Lượng nước lớn như vậy trở ngại lớn cho việc sửa chữa. Hiện nay khoảng 1/5 trong số nước kể trên đang được đổ ra biển, một bộ phận khác được tích lại tại vị trí này, trong khi một bộ phận nữa được trữ lại tại một căn cứ hải quân Mỹ. Bên cạnh nước nhiễm xạ, một nỗi lo nữa đối với nhà quản lý Fukushima là khí hidrô. Khí này có thể nổ tung trong một số điều kiện nhất định.
Chính quyền Trung Quốc đè bẹp những mầm mống của Cách mạng Hoa Nhài
Vẫn tại Châu Á, « Bắc Kinh đè bẹp những mầm mống của Hoa Nhài » là tựa đề Libération dùng để tóm lại các diễn biến trong vòng hai tháng nay tại Trung Quốc. Tổng cộng hiện có 25 luật sư, nhà tranh đấu, người dùng blog bị giam giữ hoặc bị bắt mất tích. Đây là thông tin của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch. Khoảng từ 100 đến 200 người bị nhà cầm quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Theo thông tín viên của tờ báo có mặt tại Bắc Kinh, vụ bắt nghệ sĩ Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) chủ nhật vừa rồi cho thấy chính quyền Trung Quốc đang mở rộng đàn áp. Cho đến hôm qua (6/4), chính quyền chưa cho biết lý do ông Ngải Vị Vị bị bắt. Công an đang tích cực khám xét nhà của nghệ sĩ để tìm ra các chứng cớ nhằm kết tội ông.
Một luật sư đấu tranh cho dân chủ nổi tiếng khác là Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng) đã bị bắt đi biệt tích từ hai năm nay. Ông Cao Trí Thịnh trả lời phỏng vấn Associated Press, năm ngoái, đã cho biết ông bị các nhân viên an ninh tra tấn, bằng cách dùng tăm đâm thủng các bộ phận sinh dục. Một nguồn tin ẩn danh cho biết, chiến dịch đàn áp hiện nay tại Trung Quốc, được ra lệnh từ cấp cao nhất của đảng Cộng sản, với mục tiêu « giết gà để dọa khỉ », có nghĩa là gieo rắc nỗi sợ hãi trong xã hội, nhằm răn đe những người đấu tranh. Nhân vật số hai của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Ngô Bang Quốc (Wu Bangguo) tuyên bố, không chấp nhận đa đảng, không chấp nhận tam quyền phân lập.
Chính sách mới này của thượng tầng đảng Cộng sản Trung Quốc, bên cạnh việc mâu thuẫn với các đề nghị cải cách chính trị của đương kim thủ tướng Ôn Gia Bảo, còn hoàn toàn đối lập với chính sách của Bắc Kinh những năm 80, nhằm tách biệt đảng ra khỏi Nhà nước.
Theo Libération, sở dĩ nghệ sĩ Ngải Vị Vị bị bắt, chính là vì ông đưa ra những câu hỏi đúng. Năm ngoái, tờ New York Times đã trích dẫn chất vấn của Ngải Vị Vị về quan hệ đối tác mà Phương Tây dành cho Trung Quốc, cho phép nước này trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Ông viết : « Làm thế nào một Nhà nước dựa trên sự kiểm soát thông tin và ngăn chặn tự do ngôn luận lại có thể là một Nhà nước hùng mạnh ? Nếu như điều này thực sự xảy ra, thì phải chăng cũng có nghĩa là Nhà nước ấy sẽ hóa thành một con quái vật ? »
Gia đình người thanh niên Tunisia tự thiêu – người châm ngòi nổ cho cách mạng Hoa Nhài – khổ sở vì bị chỉ trích
Vẫn liên quan đến cuộc cách mạng Hoa Nhài, Le Monde hướng cái nhìn đến gia đình người thanh niên Tunisia Mohamed Bouazizi. Đây là người bán hoa quả rong 26 tuổi bất ngờ tự thiêu vào ngày 17/12 năm ngoái, vì quá đỗi phẫn nộ và tuyệt vọng. Hành động của người này đã châm ngòi cho cuộc cách mạng Hoa Nhài bùng nổ tại Tunisia và tiếp theo đó là các nước Bắc Phi và Cận Đông. Tiếp theo Mohamed Bouazizi, hàng chục người khác cũng tự thiêu, hoặc chuẩn bị tự thiêu để phản đối lại các chính quyền độc đoán.
Mohamed Bouazizi đã được tôn vinh. Bệnh viện nơi anh qua đời đã được đổi tên thành Mohamed Bouazizi. Một đường phố của Paris cũng sắp mang tên anh. Gia đình Mohamed Bouazizi thường xuyên đón tiếp các phóng viên trên toàn thế giới, và mới gần đây, ngày 23/3, tổng thư ký Liên hiệp quốc đã bày tỏ mong muốn được đến thăm gia đình Bouazizi.
Tuy nhiên, sự trân trọng của chính quyền Tunisia và toàn thế giới giành cho người quá cố không ngờ cũng để lại nhiều nỗi khố sở cho chính gia đình. Nhiều lời đồn đại và xì xào tại địa phương cho rằng, gia đình Bouazizi đã nhận nhiều khoản tiền lớn và các ưu đãi đặc biệt, khi trả lời phỏng vấn của báo giới. Sức ép tại địa phương khiến cả gia đình buộc phải tạm thời sơ tán.
Pháp : 26.000 tấn thực phẩm bỏ đi được phân phối lại cho các hoạt động nhân đạo
Để kết thúc chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu các nỗ lực trong lĩnh vực tiết kiệm thực phẩm phục vụ cho các hoạt động nhân đạo tại Pháp, là nội dung của phụ trương đặc biệt của Le Monde về chủ đề phát triển bền vững. Theo Liên đoàn Kinh doanh và phân phối của Pháp (FCD), năm 2009, đã thu thập được 26 000 tấn thực phẩm, từ các siêu thị, để đóng góp vào Ngân hàng thực phẩm là nơi phân phối lại nguồn thực phẩm này cho những người nghèo. Như vậy, lượng thực phẩm mà các siêu thị đóng góp chiếm 28% tổng số quà tặng cho các hoạt động nhân đạo.
Tuy nhiên con số này chỉ bằng chưa đầy 1/20 tổng số thực phẩm mà các siêu thị tại Pháp vứt bỏ hàng năm, có nghĩa là 560 000 tấn, tức 9kg/đầu người/năm. Số thực phẩm bị lãng phí kể trên là nằm ngoài số thực phẩm mà các cá nhân và gia đình không dùng đến, được tính là trung bình 13kg/người/năm.
Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Ngư nghiệp Pháp vừa bắt đầu tiến hành một nghiên cứu quốc gia để định lượng được một cách cụ thể thực phẩm đã bị lãng phí như thế nào trong xã hội.
Trang nhất các nhật báo Pháp
Tình hình tại Côte d’Ivoire thu hút sự chú ý của một số nhật báo Pháp hôm nay. « Laurent Gbagbo : Chúng tôi không bỏ chạy », là hàng tựa trên trang nhất Le Monde nói về thái độ cố thủ đến cùng của cựu tống thống Bờ Biển Ngà trước sức ép trong nước và quốc tế. « Những việc khẩn cấp tại Côte d’Ivoire », La Croix nhấn mạnh, ông Laurent Gbagbo dường như sắp ra đi ngày hôm qua, nhưng bốn tháng khủng hoảng đã làm trầm trọng thêm các thách thức mà tân tổng thống phải đối mặt.
Dưới hàng tựa « Ngân hàng Châu Âu BCE sẵn sàng tăng lãi suất tại Châu Âu », Les Echos chú ý thông báo về việc lãi suất của BCE sẽ có thể nâng lên mức 1,25% hôm nay, cùng với lúc đồng euro đạt đến mức giá cao nhất trong vòng 15 tháng qua, với 1 euro ăn gần 1,5 đôla và việc Bồ Đào Nhà chính thức đề nghị Châu Âu trợ giúp.
« Đặt lại vấn đề ‘‘Toàn cầu hóa’’, Mặt trận Quốc gia cực hữu FN thổi bùng lên cuộc tranh luận mới » là tựa trang đầu của Libération. Tờ báo cho biết thủ lĩnh của Mặt trận Quốc gia Marie-Le Pen muốn sử dụng quan điểm chống toàn cầu hóa như một điểm nhấn chính trị nhằm chia rẽ cả cánh tả, lẫn cánh hữu. Trong khi đó, « Khả năng tiêu thụ, việc làm, thuế : các đòn phản công của tổng thống Sarkozy » là một tựa chính của Le Monde trên tranh nhất. Le Monde cho biết chi tiết về một số các điều chỉnh, chính phủ đang soạn thảo, về chính sách kinh tế - xã hội, trong bối cảnh giá cả tăng vọt hiện nay.
« Bayrou chống lại dự thảo của đảng Xã hội », Le Figaro giới thiệu với độc giả phản ứng của người đứng đầu đảng MoDem, tức phong trào chính trị cánh trung, đối với dự thảo chính trị mà đảng Xã hội vừa công bố cách nay hai hôm. Còn L’Humanité chú ý đến hiện tượng « Tại trường học : các chỗ làm bị gạt bỏ ». Tờ báo lo ngại về chính sách giảm biên chế của chính phủ trong giáo dục tiểu học và mầm non. |