Quân nổi dậy Libya chuẩn bị xuất cảng dầu lửa |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Tư, 06 Tháng 4 Năm 2011 13:07 |
Ý và Qatar vừa chính thức công nhận chính quyền nổi dậy, tiếp theo Pháp là nước đầu tiên.
BENGHAZI, Libya (AP) – Lực lượng nổi dậy ở Libya hy vọng có thể xuất cảng dầu lửa qua sự trung gian của Qatar và chuyến tầu chở dầu thô đầu tiên từ miền đông Libya dự trù rời bến cảng Mars al Hariga vào cuối tuần này.
Dưới hỏa lực trọng pháo, quân nổi dậy hôm Thứ Ba đã buộc phải rút lui về phía đông sau 5 ngày giao tranh xảy ra dữ dội tại đây. Lãnh tụ đảng đối lập Công lý và Dân chủ Libya nói rằng việc Hội đồng Quốc gia Lâm thời, tức là tổ chức chính phủ của phía nổi dậy, cho đến nay vẫn chưa được sự ủng hộ chính trị từ Hoa Kỳ sẽ khiến cho “không thể nào hoàn thành mục tiêu buộc Moammar Gadhafi phải từ bỏ quyền lực”. Hadi Shalluff, luật sư quốc tế, nhận định như vậy và cho rằng chỉ có Hoa kỳ mới đủ khả năng hành động chống chế độ Gadhafi. Theo ông: “Nếu họ nghĩ rằng sự ủng hộ của Pháp, Anh, các nước Âu Châu có thể đủ đi đến kết quả thì đó là một điều sai lầm. Trong chính trị thực dụng cái mà họ cần tới là kẻ có sức mạnh và trong trường hợp này là Hoa Kỳ”. Ý và Qatar vừa chính thức công nhận chính quyền nổi dậy, tiếp theo Pháp là nước đầu tiên. Abdul Fatah Younis, chỉ huy trưởng lực lượng võ trang của phìa nổi dậy, phê phán NATO hành động quá chậm hoặc không có hành động gì cả để bảo vệ thường dân chống lại quân đội của Gadhafi. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Benghazi, Younis nguyên là bộ trưởng nội vụ Libya, phàn nàn: “Tôi hiểu sự trợ giúp của NATO nhưng làm chúng tôi bất mãn. Tôi đã tiếp xúc với các giới chức NATO hướng dẫn đánh vào những mục tiêu nào để bảo vệ thường dân, nhưng cho đến nay NATO chưa làm cái mà chúng tôi cần”. Younis đặc biệt nhấn mạnh tới tình trạng Misurata, dân chúng thành phố này đã bị quân của Gadhafi vây hãm từ 40 ngày. Theo Younis thì NATO phản ứng quá chậm. Ông nói rằng quân nổi dậy không có chiến xa, trọng pháo và khi cần chống trả đã yêu cầu NATO, nhưng nhiều giờ sau vẫn chưa thấy máy bay tới oanh kích. Ông cũng phàn nàn NATO không chấp thuận cho quân nổi dậy sử dụng các máy bay chiến đấu MiG và trực thăng đã chiếm được và sửa chữa. Thiếu tướng Mark van Uhm, tư lệnh hành quân NATO, nói rằng ông hiểu Misurata là ưu tiên số 1 nhưng quân Gadhafi đã dùng chiến thuật mới, phân tán và che dấu các chiến xa, đưa dân chúng ra làm bia đỡ đạn khiến NATO không thể nhận ra mục tiêu để tấn công. Tuy nhiên theo ông, NATO đã triệt hạ khoảng 30% lực lượng của Gadhafi và hôm Thứ Hai đã oanh kích những mục tiêu gần Misurata. Nhân sự CIA và những toán lực lượng đặc biệt của Anh đã có mặt trên đất Libya nhưng không rõ hiện nay đang làm những việc gì. Thường không bao giờ những hoạt động này được tiết lộ nhưng mọi người đều có thể dự đoán công tác của họ bao gồm từ thâu thập tin tình báo đến hướng dẫn các phi vụ oanh tạc và huấn luyện quân nổi dậy. (H.C.)
|