Ý và Pháp đọ sức trên hồ sơ thuyền nhân Tunisia |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Năm, 07 Tháng 4 Năm 2011 20:46 |
Bị hiện tượng nhập cư bất hợp pháp tràn ngập, chính quyền Ý đã nỗ lực đối phó Quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Pháp và Ý có nguy cơ xấu đi hơn nữa. Rôma hôm nay, 07/04/2011 xác nhận dự định cấp giấy tạm trú cho những người di cư bất hợp pháp vượt biển đến đảo Lampedusa, đa số là người Tunisia. Biện pháp của Ý đi ngược lại với chích sách của Pháp đối với dân nhập cư trái phép. Thuyền nhân Tunisia trên đảo Lampedusa của Ý (AFP) Quyết định của chính quyền Ý cho phép những người nhập cư dễ dàng vào Pháp và phần còn lại của Châu Âu một cách hợp pháp. Biện pháp đó đối nghịch hẳn với chính sách trục xuất ngay từ biên giới mà Paris đang áp dụng đối với người nhập cư trái phép. Hồ sơ thuyền nhân Tunisia nổi cộm kể từ ngày cách mạng Hoa lài bùng lên tại Tunisia. Ý là nước phải hứng chịu nhiều nhất làn sóng nhập cư mới đến từ Bắc Phi. Theo chính quyền Rôma, cho đến nay đã có hơn 25.000 người, lợi dụng tình trạng không còn bị kiểm soát, đã vượt biển qua Châu Âu và đổ bộ lên đảo Lampedusa của Ý, rất gần Bắc Phi. Bị hiện tượng nhập cư bất hợp pháp tràn ngập, chính quyền Ý đã nỗ lực đối phó, trước mắt là phải cung cấp lương thực và chỗ tạm trú cho số người này, và sau đó là tìm cách cho họ hồi hương. Ngay từ đầu, chính quyền Rôma đã kêu gọi các thành viên khác trong Liên Hiệp Châu Âu giúp đỡ để đối phó với tình trạng này, nhấn mạnh rằng vấn đề nhập cư bất hợp pháp hệ trọng đối với toàn Liên Hiệp chứ không riêng cho nước Ý. Lời kêu gọi của Ý tuy nhiên đã không được hưởng ứng, kể cả nước sát cạnh Ý là Pháp, nơi mà đa số những người nhập cư bất hợp pháp muốn đến. Không những thế, cảnh sát Pháp tại vùng Alpes Maritimes, sát biên giới Ý, còn được lệnh tăng cường kiểm soát, và trung bình trục xuất ngược về Ý khoảng 40 người Tunisia nhập cư bất hợp pháp mỗi ngày. Trên nguyên tắc, nếu không có giấy tờ hợp lệ người nhập cư vào châu Âu không được quyền đi lại tự do. Mặc dù việc kiểm soát biên giới một cách có hệ thống giữa các quốc gia trong khối bị Hiệp định Schengen nghiêm cấm, nhưng Pháp vẫn cho tăng cường các biện pháp kiểm tra và trục xuất tại vùng biên giới với Ý. Paris cho rằng mình có quyền làm điều này theo tinh thần một thỏa thuận song phương có hiệu lực từ tháng 9/2000. Chủ trương này đã bị cả Ý lẫn Ủy ban Châu Âu lên án, nhưng Pháp vẫn dửng dưng. Trước làn sóng người nhập cư bất hợp pháp đang dâng lên, và trong bối cảnh yêu cầu giúp đỡ của mình không được chiếu cố, Chính quyền Roma mới đây đã tìm được phương thức gây sức ép trên các đồng minh, đặc biệt là Paris. Nhân chuyến đi thăm Tunisia ngày 05/04 vừa qua, thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, đã ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác giữa ngành cảnh sát hai nước và dự trù việc cưỡng bức hồi hương những người Tunisia nhập cư trái phép. Mục tiêu của thỏa thuận này, theo lời Ngoại trưởng Ý Franco Frattini, là ‘’khóa’’ nguồn nhập cư trái phép vào Ý. Bên cạnh đó, thủ tướng Ý cũng đã chấp nhận điều kiện của phía tân chính quyền Tunisia là cấp giấy phép tạm trú cho người nhập cư bất hợp pháp. Vào hôm nay, bộ trưởng nội vụ Ý Roberto Maroni đã xác nhận quyết định cấp giấy tạm trú cho những người Tunisia vừa đặt chân lên đất Ý, cho phép họ tự do đi lại trong không gian Schengen. Theo các nhà quan sát, việc Ý cấp giấy phép tạm trú cho người nhập cư Tunisia sẽ mở cửa toàn bộ khu vực Schengen và nhất là Pháp, cho những người này. Theo ngoại trưởng Ý Franco Frattini, sẽ có ít nhất 18.000 người nhập cư Tunisia qua Pháp ngay lập tức. Ngoại trưởng Ý cũng công nhận là quyết định của Rôma sẽ làm cho trong quan hệ với Paris thêm căng thẳng. Phản ứng của Pháp rất tức thời. Bộ trưởng Nội vụ Claude Guéant vào hôm nay khẳng định là Pháp sẽ không để bị làn sóng người nhập cư Tunisia tràn ngập. Đối với ông, để có quyền tự do đi lại trong không gian Schengen, ngoài việc có giấy tờ cư trú hợp lệ, một người phải có giấy căn cước, và nhất là phải chứng minh được thu nhập. Theo bộ trưởng Pháp, nếu người có liên can không hội đủ các điều kiện, thì Pháp hoàn toàn có quyền trục xuất họ về nơi xuất phát, và đó là điều mà Pháp sẽ thực hiện. Ngày mai, 08/04, hai Bộ trưởng Nội vụ Pháp và Ý sẽ tiếp xúc với nhau tại Rôma để nêu lên vấn đề nhập cư trái phép. Mặt khác, một hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng được dự kiến vào ngày 26/04. Các cuộc họp được cho là sẽ rất căng thẳng nếu Ý xúc tiến quyết định được loan báo.
|