Một mảnh đời hát rong
- Thứ Tư, 09 tháng Chín năm 2015 09:47
- Tác Giả: Duy Thức
SÀI GÒN (NV) - Tôi nghe có tiếng hát rất to vọng từ ngoài hẻm, nhưng không phải những giọng ca từ đĩa hát của chiếc xe ba bánh xếp chặt hàng ngàn đĩa nhạc đủ loại cứ khoảng một tuần đảo qua một lần. Trước đây người ta vẫn gọi là nhạc kẹo kéo vì thường bán chung với loại kẹo này.
Người bán vé số hát rong trên đường mưu sinh. (Hình: Duy Thức/Người Việt)
Nay đĩa nhạc bán riêng, còn anh bán kẹo kéo chuyên hát nhạc sống ngoài đường, trước các quán nhậu tối. Cũng chẳng hiểu sao mấy que kẹo kéo lại bán chạy ở các bàn nhậu.
Đây cũng là nhạc sống vì tiếng đàn điện bỗng ngân chói tai suốt con hẻm dài ở khu phố đông, và nhất là cất lên ngay sau đó một giọng hát khá nồng nàn thật ấm dù qua chiếc loa hơi rè. Vẫn là những bản nhạc bolero buồn buồn quen thuộc bấy nay. Điệu nhạc này dễ hát, dù ở bến xe hay trên đường phố, đám đông ai nghe cũng hiểu và cảm được ngay những tâm tình chứa chan trong đó. Giọng hát cứ cất lên vang vang vừa kịp hết bài này đã nối theo bài khác, có khi nửa vời hay vài đoạn u trầm đã chuyển như một liên khúc không ngưng.
Đó là hình ảnh của người bán vé số ngồi trên chiếc xe lăn. Dáng người đậm chắc như một nông dân quen làm việc chân tay, gương mặt tròn đen của người suốt ngày dang nắng ngoài đường, dường như có râu quai hàm nhưng đã cạo lưa thưa, anh ta không nói gì, nhưng ngước mắt nhìn quanh ra vẻ mời chào.
Chiếc xe lăn của anh ta xem chừng được trang bị khá đầy đủ khi có bộ gọng căng tấm vải mỏng giống như mái cyclo che lấy bóng mát trên đầu, chiếc micro được gắn vào gọng bên, đưa ra ngay miệng để hai tay rảnh khảy cây guitar điện trước ngực có dây quàng qua cổ, hộp loa nhỏ đặt ngay ngắn sau lưng.
Xưa kia hát rong thường là hành khất, nhất là hành khất mù ưa đi theo cặp. Một người đàn người hát, người sáng dắt người mù lần hồi khắp nơi.
Thế nhưng trên xe lăn của người đàn ông này, một tấm ván mỏng gắn ngay trên tay lắc làm mặt bàn, kẹp đầy các tờ vé số xòe rộng thành hình tròn như những cánh hoa nhiều màu sắc.
Anh ta không hát rong xin tiền như thường thấy mà bán vé số. Người bán lãnh vé từ đại lý rong ruổi đi bán, mang trả vé dư vào 4 giờ chiều mỗi ngày, ăn hoa hồng một ngàn đồng mỗi tờ. Công việc đơn giản này thu hút đông đảo người già, trẻ em, phụ nữ, tàn tật... là những người nghèo không biết nghề chuyên môn nào cả, không chút vốn liếng, chỉ trông cậy vào đôi chân, bỏ sức đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày bán cho hết xấp vé. Gần như là những người nghèo khổ đều cầm vé số đi bán. Cả thành phố người đi bán vé số quá đông vì người dân chẳng còn biết đặt hy vọng vào đâu ngoài những tờ vé rủi nhiều hơn may.
Chiếc xe lăn này, hàng ngày lắc đi cũng bằng ấy chiều dài đường của những người bán cuốc bộ.
Quả thật nghe âm thanh là lạ, nhiều nhà đang đóng cũng mở cửa ra đứng nhìn. Vài người nhìn ngóng về phía ấy lắng nghe bài ca. Và thế là một, hai người tiến đến chiếc xe lăn. Tính hiếu kỳ thường thấy có lẽ họ mua tờ số nhằm lại gần để nhìn rõ người bán hơn là thực sự muốn mua số.
Bán được ngay một lúc mấy tờ vé số nên anh ta nghỉ ngơi, trò chuyện một chút cho vui lòng khách hàng chứ không cần đàn hát nữa.
Anh ta trả lời khi được hỏi về quê quán:
- Quê tôi ở Đồng Tháp.
Dường như khi hỏi tới thì té ra tới 99% người bán hàng rong đều là dân nhập cư từ khắp nơi đổ về. Từ miền Bắc vào, từ miền Tây lên, từ cao nguyên xuống, thậm chí từ Cambodia qua. Thực tế, chính dân thành phố chẳng chịu khó bán rong mấy. Nếu muốn bán vé số, họ trụ yên ổn tại một chiếc bàn nhỏ bé trên lề đường đông đúc đón dòng xe cộ chạy ngang qua dễ ghé, kèm tủ thuốc lá bày thêm áo mưa vào mùa mưa, khẩu trang và găng tay vào mùa nắng, hoặc một thùng móp bán nước ngọt, nước sâm ướp lạnh góc đường chứ ít lội bộ. Trên bước đường tha hương, bao giờ dân xa xứ cũng chăm chỉ, nhẫn nại hơn dân địa phương rất nhiều.
Anh bán vé số tiếp lời:
- Trước kia gia đình tôi làm ruộng nhưng không ăn thua mấy. Năm được không bù nổi cho năm thất. Sau đó tôi bị tai nạn xe cộ, phải cắt bỏ cả hai chân. Nhà cửa ruộng vườn bán cả, dốc hết vào việc chữa trị.
Chút nhà cửa ruộng vườn nếu có, thường sẵn sàng dẫn đến tán gia bại sản khi người nghèo sa vào tai nạn, bệnh hoạn. Tiền ăn còn lần hồi từng bữa huống hồ mua bảo hiểm y tế. Chẳng ai chú ý đến khoản chi xem chừng xa xỉ này cho tới khi buộc phải bước chân vào bệnh viện. Vả bảo hiểm không chi hết, ngoài thuốc men còn ăn uống, đi lại và thêm người nuôi bệnh đi theo săn sóc khiến số tiền dành dụm ít ỏi bốc hơi mau chóng.
Khi chữa xong thì hai chân đã gãy, túp nhà và mảnh ruộng nhỏ bay hết, hai kẻ trắng tay từ Đồng Tháp dắt díu nhau bỏ quê hương lên Sài Gòn bán vé số kiếm sống. Hai mẹ con mướn căn phòng trọ giá rẻ ở bến xe miền Đông nơi đông đúc khách vãng lai thuận tiện cho việc mưu sinh.
Tôi hỏi:
- Anh có vợ con gì không?
Anh ta nhếch mép, chỉ xuống hai chân nói:
- Như vầy mà vợ con gì. Cô bạn thấy tôi gặp tai nạn nặng, bình thường đã kiếm ăn khó khăn huống hồ tàn tật, tương lai thấy mờ mịt nên cô bỏ đi lấy chồng. Bây giờ chỉ có bà mẹ già đau yếu sống cùng tôi thôi.
Chân cụt nên khó len lỏi chào mời, khó cạnh tranh với người lành lặn. Thật ra trước kia, anh ta đậu chiếc xe mép đường rồi lần xuống đất, bằng cách hai tay nắm chặt hai chiếc ghế đẩu, anh di chuyển vào tận bên trong các quán để mời mua vé số. Tuy nhiên đường xá ngày càng chật chội, xe đậu không thuận tiện và nghe nói lỡ gặp tên nghiện đang lên cơn thì chiếc xe lăn cũng chẳng từ nên sau này, anh ta đã nghĩ ra cách bán hàng mới bằng cách đàn hát qua mic và loa. Thật ra không phải ai cũng sẵn tài lẻ để kiếm ăn theo kiểu này đâu.
Lựa vị trí đông, anh kiếm chỗ dừng xe, bắt đầu dạo đàn và cất tiếng hát lôi cuốn sự chú ý kéo người nghe tới gần. Những bài hát quá đỗi quen thuộc tới mức những người đứng xung quanh đều nhớ ra ngay tên bài hát, thậm chí nhận biết luôn ca sĩ nào thường hay hát bài này.
- Anh học đàn ở đâu?
Anh nói mau:
- Tôi vốn nhà làm ruộng, không học hành nhiều nên chỉ mua sách tự mò mẫm học đàn. Trước kia tôi thỉnh thoảng tụ tập bạn bè hàng xóm đàn hát chơi. Không ngờ có ngày lại thành nghề kiếm ăn.
Anh ta móc bên ghế ra một đĩa nhạc, loại đĩa lậu bán đầy ngoài đường với giá mười ngàn đồng và giải thích:
- Tôi có một máy cát sét cũ. Tôi nghe đĩa nhiều lần và bắt chước luyến láy giống như vậy. Giọng ca nào tôi cũng bắt chước được khá giống.
Anh ta tiếp tục:
- Thay vì những người khác hoặc chỉ đàn hát hoặc chỉ bán vé số thì tôi kết hợp cả hai. Giống như một cách rao hàng đặc biệt vậy.
Đúng là khi nghe có tiếng đàn điện và giọng hát từ xa, người ta đã biết ngay anh bán vé số đang tới gần, khác với hàng bán đĩa rong để quảng cáo đĩa mới, luôn dồn dập nhiều loại nhạc, nhiều giọng ca thời thượng khác nhau.
Một người đang chọn vé nhận xét:
- Giọng hát của anh khá hay, nghe truyền cảm lắm. Sao anh không ráng đi hát đám cưới hay đám ma, chắc là có thể kiếm khá hơn bán vé số, lại đỡ nắng mưa? Ở xứ ta, một số ca sĩ vốn cũng xuất thân từ đi hát đám cưới rồi về sau từ từ gặp may mới trở nên nổi tiếng thành sao.
Anh ta phá lên cười:
- Không đơn giản như vậy đâu. Dù hát ở đâu cũng phải có nhóm, có bầu đứng đầu rủ rê nâng đỡ nhau. Các ông bầu bà bầu quen biết rộng rãi mới dễ kiếm “sô” cho nhóm. Nhưng dù quen biết và hát được thì tôi cũng không thể chen chân vào các nơi ấy vì tàn tật. Hát đám cưới cần vẻ ngoài bắt mắt và quần áo đẹp đẽ. Hát đám ma thường vào tối khuya không cần y phục lắm nhưng chỗ đó dường như chỉ dành độc quyền cho những người đồng giới.
Hát rao thêm vài lần nhưng đã vãn, không còn khách mua vé số, anh ta dừng đàn, gạt chiếc mic sang bên, lắc chiếc xe di chuyển tiếp về phía cuối hẻm, ở đó có lối thông sang một con hẻm khác.
Cứ đi đều đặn như thế không quản nắng mưa, cứ mỗi ngày số tiền kiếm được khoảng trăm ngàn cũng đủ cho hai mẹ con ăn ở qua ngày. Vừa đủ không dư. Nếu gặp cơn hoạn nạn đành chịu vì chẳng còn đường nào xoay xở. Đó cũng là số phận chung của nhiều người bán rong.
Related news items:
Tin mới
- Chủ máy gặt thất thu, vì sao? - 19/09/2015 15:42
- 'Cuộc chiến' mang tên 'bia' ở Sài Gòn - 19/09/2015 10:43
- Little Saigon: 'Share phòng' và những rắc rối với hàng xóm - 18/09/2015 19:05
- Bao giờ nông dân Việt mới hết khổ vì trái cây Trung Quốc - 16/09/2015 15:53
- Chợ quê nay còn đâu? - 15/09/2015 16:43
- Trung Quốc giành cả lồng đèn Trung Thu trên đất Việt - 13/09/2015 15:02
- Nông thôn ô nhiễm - 09/09/2015 23:46
- Phố bỗng thành sông - 09/09/2015 23:40
- Chàng trai Thái đi tìm cô gái Việt từng đoạt HC Vàng SEA Games (Kỳ 2) - 07/09/2015 10:18
- Chàng trai Thái đi tìm cô gái Việt từng đoạt HC vàng SEA Games - 06/09/2015 16:44
Các tin khác
- Thất nghiệp và nghèo đói làm gia tăng đội ngũ cửu vạn - 05/09/2015 14:38
- Bánh Trung Thu Trung Quốc - 03/09/2015 19:44
- Dân tộc H'mong ngay nay - 03/09/2015 19:39
- Sài Gòn, cầu Mống nên thơ - 01/09/2015 19:53
- Người Sài Gòn và chuyện học tiếng Hoa - 01/09/2015 19:41
- Người lao động nghèo bị ám ảnh bởi công việc không an toàn - 30/08/2015 22:43
- Nắng hạn miền Trung - 30/08/2015 22:37
- Xe thồ cùng với xe ôm - 28/08/2015 17:19
- Lan man về Bộ Giáo dục Hoa Kỳ - 24/08/2015 20:18
- Hải sản giả là gì? - 24/08/2015 10:17