Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người Sài Gòn và chuyện học tiếng Hoa


SÀI GÒN (NV) - Nhờ lịch sử đấu tranh giành độc lập của người Việt, quá trình Hán hóa đã không thể hoàn thành,dù cho đã “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu.”

hoctienghoa 1

Trung Tâm Hoa Văn Thương Mại dành cho người Việt tại Sài Gòn.
(Hình: Văn Lang/Người Việt)

Khi người Pháp đến cai trị Việt Nam, dựa trên bảng chữ cái La-Tinh người Việt có chữ quốc ngữ dùng cho đến ngày nay. Đồng thời cũng đoạn tuyệt với văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa.

Nhiều người Việt vẫn còn lầm tưởng tiếng Hoa đồng nghĩa với tiếng Trung Quốc, và nó là một thứ ngôn ngữ duy nhất, thống nhất.

Kỳ thực, tiếng Hoa có 6 nhóm ngôn ngữ chính (không kể đến tiếng nói của những sắc tộc thiểu số). Những ngôn ngữ chính đó là: Tiếng Quảng (Quảng phủ), tiếng Triều Châu; Phúc Kiến; Hải Nam, Hẹ và tiếng Quan Thoại.

Tiếng Quan Thoại là thứ tiếng sử dụng nhiều nhất tại Trung Hoa đại lục (Trung Cộng), và Trung Hoa dân quốc (Đài Loan). Tiếng Quan Thoại còn được gọi là tiếng Phổ Thông. Ngôn ngữ này có khoảng trên 1 tỷ người Hoa sử dụng, chưa kể số người trên khắp thế giới sử dụng tiếng Quan Thoại như một ngôn ngữ thứ hai trong giao dịch văn hóa, thương mại.

Tiếng Quảng (Quảng phủ) là ngôn ngữ lớn thứ hai trong Hoa ngữ. Phần lớn Hoa kiều hải ngoại là người gốc Quảng; như tại Việt Nam có tới 80% người Hoa là người gốc Quảng.

Ngôn ngữ nói của Trung Hoa tuy khác nhau, nhưng về mặt chữ viết thì thống nhất, cho tới trước khi Cộng Sản lên nắm quyền tại đại lục.

Chữ viết trước kia của người Hoa còn gọi là chữ Hán, viết đầy đủ gọi là chữ phồn thể, viết tắt, tức lược giản bớt một số nét gọi là chữ giản thể. Việc viết tắt (giản thể) có từ cả ngàn năm trước khi Trung Cộng nắm quyền nhưng không phổ biến, vì không đẹp và cũng không phản ánh đúng tinh thần tượng hình của chữ nghĩa Trung Hoa.

Khoảng năm 1960, nhận thấy có quá nhiều người Hoa mù chữ, Mao xếnh xáng ban hành lệnh trên toàn đại lục bắt buộc dùng chữ giản thể để phổ cập chữ Hoa và tiếng Quan Thoại cùng đồng thời được dùng như một ngôn ngữ chính tại hầu hết các trường học ở đại lục.

Tại Đài Loan, Tưởng Giới Thạch ban hành lệnh, bất kỳ ai bàn về việc sử dụng chữ giản thể sẽ lập tức bị bắt ngay. Vì chính quyền Quốc Dân Đảng Đài Loan sợ rằng, dùng chữ giản thể người Hoa ở Đài Loan sẽ bị mất gốc. Vì toàn bộ sách y học, tư tưởng triết lý,văn chương... của người Hoa trước kia đều chỉ dùng chữ phồn thể. Hơn nữa, ngày đó Quốc Dân Đảng Đài Loan vẫn hằng mơ giấc mơ sẽ có ngày “quang phục quê hương.”

Cũng giống như Đài Loan, tất cả Hoa kiều hải ngoại khắp nơi trên thế giới và Hoa kiều tại Sài Gòn vẫn dùng chữ viết phồn thể để bảo tồn bản sắc Trung Hoa.

Ngày nay, các trung tâm Hoa ngữ trên thế giới hầu hết đều dạy tiếng Quan Thoại và dùng chữ giản thể để viết (vì dễ viết cho người ngoại quốc).



hoctienghoa 2Một lớp tiếng Hoa -Thương Mại, thưa thớt học viên tại Sài Gòn.
(Hình: Văn Lang/Người Việt)


Một số nơi có dạy thêm tiếng Quảng và dùng chữ phồn thể để viết (như Sài Gòn). Ngoài 70 triệu người tại Quảng Châu-Trung Quốc, phần đông Hoa kiều hải ngoại nói tiếng Quảng thì phải kể tới Hong Kong nơi tiếng Quảng là ngôn ngữ chính thống - mẹ đẻ; và thêm cả Ma-Cao.

Sài Gòn là một thành phố giao thương và năng động bậc nhất Việt Nam. Do vậy các trung tâm ngoại ngữ đêm đêm sáng đèn với đông đảo học viên chăm chỉ tới lớp là lẽ đương nhiên.

“Phồn thực” nhất là các trung tâm Anh ngữ, với gần 600 trung tâm.

Trung tâm Hoa ngữ thì chỉ bằng khoảng 1/15, tức là có 15 trung tâm Anh ngữ thì mới có 1 trung tâm Hoa ngữ.

Trung tâm tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật thì cơ sở càng khiêm nhường hơn.

Tiếng Nga thì “tuyệt tích giang hồ” tại Sài Gòn. Tiếng Pháp thì chỉ còn “đồn trú” tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

Trong một lần đến tìm hiểu tại một trung tâm Hoa ngữ tại Sài Gòn,chúng tôi tình cờ gặp cô H. Hỏi thăm, chúng tôi được biết cô H đang học tiếng Quan Thoại. Càng ngạc nhiên hơn khi cô H cho biết cô đang là học sinh trung học (High School) tại Hoa Kỳ. Trong lần nghỉ hè về Việt Nam lần này, cô quyết định đi ghi danh học tiếng Hoa.

Hỏi lý do học tiếng Hoa, thì cô H cho biết tại lớp học của cô bên Hoa Kỳ, chỉ có 4 người Mỹ gốc Á. Ba người kia là người Hoa, họ thường chơi riêng với nhau và nói với nhau bằng tiếng Hoa. Nên cô H muốn học tiếng Hoa, để xem nhóm người Hoa kia nói gì với nhau.

Tương tự, chị T là một nhân viên xuất nhập khẩu của một hãng giày Tây Ban Nha, có quan hệ làm ăn với cả Trung Hoa dân quốc Đài Loan và Trung Hoa đại lục. Khi giao dịch những người Hoa kia nói tiếng Anh,nhưng khi bàn riêng công việc với nhau họ nói tiếng Hoa. Chị T rất tức, nên quyết định đi học tiếng Quan Thoại với ý định muốn nghe xem những người kia nói với nhau chuyện gì.

Khác với những học viên học tiếng Anh tại các trung tâm Anh ngữ ban đêm, xuất phát từ nhiều trình độ rất khác nhau. Học viên tiếng Hoa thường có căn bản rất tốt, đa phần họ đều đã tốt nghiệp đại học, sử dụng thành thạo tiếng Anh, và đều làm cho văn phòng công ty nước ngoài. Tiếng Hoa với họ là ngoại ngữ thứ hai, sau khi đã có văn bằng tiếng Anh.

Trường hợp khác là của cô L, hiện đang làm ở phòng xuất nhập khẩu của công ty SamSung Hàn Quốc. Cô L cho biết, hơn 10 năm trước cô học trường Kinh Tế Khoa Quản Trị Kinh Doanh tại Sài Gòn. Trường bắt buộc sinh viên ngoài phần học ở trường phải có thêm bằng C tiếng Anh và bằng B của một ngoại ngữ bất kỳ. Thế là ngày ấy cô L phải đăng ký học thêm tiếng Hoa, vì lý do kinh tế, vì lúc đó tiếng Hoa đóng học phí nhẹ hơn so với bất kỳ ngoại ngữ nào.

Sau 3 năm chăm chỉ lui tới trung tâm Hoa ngữ đêm. Cô L đã có bằng C tiếng Quan Thoại và gần đây cô thu xếp đi học thêm tiếng Quảng Đông.

Một lần sau giờ làm, cô L ở lại văn phòng coi lại bài vở trước khi tới lớp tiếng Quảng buổi tối. Tình cờ ông sếp người Nam Hàn có việc trở vô văn phòng, bắt gặp cô đang nghe đĩa học tiếng Hoa, ông ta trợn tròn mắt: “Sao không học tiếng Hàn mà đi học tiếng Hoa?”

Trả lời câu hỏi trên với chúng tôi, cô L cho biết:  Sẵn trớn đã học tiếng Hoa thì học luôn, giờ mà trở qua tiếng Hàn nữa thì “rối!”

Tiếng Hoa dạy cho người Việt ở Sài Gòn là tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông. Dạy bằng tiếng Việt và viết chữ giản thể, do giáo viên người Việt hoặc người Việt gốc Hoa đứng lớp.

Tiếng Hoa dạy cho người Hoa thì dùng tiếng mẹ đẻ, như người Hoa nói tiếng Quảng thì giảng bằng tiếng Quảng, nói tiếng Triều Châu thì giảng bằng tiếng Triều Châu... Chữ viết dùng chữ phồn thể, giáo viên đứng lớp là người Hoa vùng Chợ Lớn.

Lớp học tiếng Quan Thoại bao giờ cũng đông gấp cả chục lần tiếng Quảng Đông. Lý do vì tiếng Quan Thoại có thể nói chuyện được với cả tỷ người. Hơn nữa người Hoa hải ngoại dù là gốc Quảng Đông hay Triều Châu... nếu là người có học đều đương nhiên phải biết tiếng Quan Thoại.

Học tiếng Hoa ở Sài Gòn có thể được ví như những lớp học võ. Vì hiếu kỳ, vì thích thú qua những phim bộ Hong Kong, Đài Loan mà người ta ghi danh đi học. Nhưng theo đuổi chừng một, hai khóa đầu đã nhiều học viên “oải” quá nên đành bỏ cuộc. Càng lên lớp cao thì học viên càng thưa thớt. Giống như truyện kiếm hiệp của Kim Dung, quần hùng võ lâm thì đông đảo, còn cao thủ võ lâm thì lúc nào cũng như... sao buổi sớm.

Switch mode views: