Sài Gòn, cầu Mống nên thơ
- Thứ Tư, 02 tháng Chín năm 2015 09:50
- Tác Giả: Nguyễn Đạt
Sài Gòn, với dòng sông tạo nên bến Bạch Đằng, và một hệ thống kênh rạch chảy qua nhiều quận huyện của thành phố, đã hình thành những cây cầu lớn nhỏ từ bao đời nay. Từ trung tâm Sài Gòn qua quận 9 hay huyện Thủ Đức, sẽ đi qua cầu Văn Thánh, cầu Sài Gòn, cầu Rạch Chiếc. Hoặc lối khác, cũng qua hai, ba cây cầu: Cầu Bình Triệu, cầu Bình Lợi...
Cầu Mống nhìn từ phía quận 4, Sài Gòn.
Tới hôm nay, hầu hết những cây cầu trong và ngoài Sài Gòn đã được xây dựng lại. Những cây cầu mới đều là cầu bê-tông, lòng cầu tráng nhựa, không có nhịp cầu. Lòng cầu đều là đoạn nối liền với mặt đường hai bên cầu; nhịp cầu hay thành cầu chỉ là hàng lan can thấp hoặc lưng chừng.
Những cây cầu nổi tiếng và lâu đời như cầu Bông, cầu Sắt, cầu Kiệu... không còn mang nét dáng thuở trước. Dù sao vẫn có vài cây cầu, như cầu Tân Thuận, khi xây dựng mới vẫn có nhịp cầu, như một niềm vui đối với người qua lại khi nhìn thấy cây cầu. Nhất là đêm xuống, hình dáng nhịp cầu nổi lên trong ánh đèn thắp sáng.
Cầu Chữ Y, sau khi xây dựng mới, không còn vẻ đẹp xưa. Nhiều người dân Sài Gòn tỏ ý lo ngại, chẳng biết khi xây dựng mới cầu Nhị Thiên Đường nay mai, cây cầu cổ kính này có còn giữ lại được nét đẹp trước đây hay không. Nói chung, những cây cầu khi xuống cấp, hư hỏng, tất nhiên phải xây dựng mới. Và mục đích của việc xây dựng những cây cầu là phục vụ giao thông. Có lẽ ngành chức năng về xây dựng cầu cống của nhà nước không hề quan tâm tới hình dáng, vẻ đẹp của cây cầu.
Riêng cầu Mống, cây cầu bắc ngang kênh Tàu Hũ, nối quận 4 (vùng Khánh Hội ngày trước) với quận 1 trung tâm thành phố, là cây cầu đặc biệt nhất của Sài Gòn. Cầu Mống không có chức năng, mục đích như những cây cầu khác tại thành phố, nghĩa là không phải cây cầu phục vụ giao thông, với các loại xe cộ, phương tiện giao thông, mà là cây cầu dành riêng cho người đi bộ.
Nhiều người vẫn thích thú với cây cầu cổ xưa của Sài Gòn này.
Cầu Mống được xây dựng rất sớm tại Sài Gòn, cùng thời điểm xây dựng cầu Quay Khánh Hội. Trong thời kỳ miền Nam còn là thuộc địa của Pháp, cầu Mống được một công ty vận chuyển hàng hải Pháp là công ty Messageries maritimes xuất vốn, và công ty xây dựng Levallois Perret, tức công ty Eifffel, thi công xây dựng. Do vậy lúc đầu cây cầu này mang tên công ty Mesageries maritimes. Công ty có biểu hiệu đầu con ngựa, nên người dân Việt Nam gọi cây cầu này là cầu công ty Đầu Ngựa.
Tên chính thức của cây cầu do người Việt Nam đặt là cầu Móng Vĩnh Hội. Có người cho rằng, do cầu này là cây cầu đầu tiên được xây dựng có trụ móng, nên đã được gọi là cầu Móng Vĩnh Hội. Mang tên cầu Móng, nhưng hầu hết bà con lại gọi là cầu Mống. Nhà văn Sơn Nam giải thích: do cây cầu có hình dáng vòng cung, giống như cầu vòng mống trời, nên người ta gọi là cầu Mống. Cũng theo nhà văn Sơn Nam, tòa nhà Ngân Hàng Quốc Gia của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, tức Banque de l'Indochine (Ngân Hàng Đông Dương) trước đó, được xây dựng sau khi Cầu Móng Vĩnh Hội hoàn thành và đã được sử dụng.
Chúng tôi còn nhớ thuở trước, ở khu vực cầu Mống có hai khung đường cho các loại xe giao thông qua lại giữa Vĩnh Hội-Bến Vân Đồn và Bến Chương Dương. Bờ kênh Tàu Hũ dưới dạ cầu Mống, phía bến Chương Dương có khuôn viên hoa cỏ thơ mộng, những cặp tình nhân thường đưa nhau tới đây tình tự.
Từ thuở đó, chúng tôi đã thú vị nhìn ngắm cây cầu sắt do người Pháp thiết kế, với thành cầu uốn cong, những khoảng trống và khoảng sơn đen tuyền, nối quận 1 và quận 4. Chân cầu Mống nằm chênh chếch công viên Diên Hồng, đối diện đường Công Lý, nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Người ta gọi là công viên Diên Hồng vì phía sau công viên là hội trường Diên Hồng, trụ sở Thượng Nghị Viện của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Cầu Quay Khánh Hội đã bặt bóng trên kênh Tàu Hũ từ bao giờ, nay nhắc tới hầu như ít người nhớ được hình dáng cây cầu này ra sao. Chúng tôi thường nói với nhau, Sài Gòn cũng còn chút may mắn, là cây cầu mang tên cầu Móng Vĩnh Hội, hay cầu Mống cũng vậy, còn tồn tại. Có thể nói, cầu Mống là cây cầu duy nhất ở Sài Gòn, đã tự ngắm mình dưới lòng nước của con kênh Tàu Hũ lịch sử của Sài Gòn-Bến Nghé, suốt thời gian dài hàng thế kỷ.
Chiều chiều, chúng tôi thường đi ngang cầu Mống, bao hoài niệm xa xưa thức dậy bâng khuâng. Chúng tôi từng nghĩ, trong muôn vàn cái đáng tiếc của Sài Gòn hôm nay, may sao còn một chút gì an ủi: Cầu Mống là chút gì an ủi đó.
Ngồi trên bờ khuôn viên trồng cỏ mượt mà, ngắm cầu Mống in bóng xuống dòng kênh Tàu Hũ nước chảy xuôi dòng, nhớ lời Nguyễn Đình Toàn khi nhà văn còn ở Sài Gòn, “Làm sạch những dòng kênh, xây dựng những cây cầu đẹp đẽ, những chiếc du thuyền tương tự những 'gondola' hoạt động, Sài Gòn có thua gì một Venice của Âu Châu.”
Chúng tôi thì mường tượng, giá như những đôi tình nhân ở Sài Gòn mang ổ khóa để treo móc trên thành cầu, vứt chìa xuống dòng kênh, cầu Mống cũng sẽ diệu kỳ như chiếc cầu treo móc ổ khóa tình yêu trên sông Seine của Paris một thuở.
Related news items:
Tin mới
- Chợ quê nay còn đâu? - 15/09/2015 16:43
- Trung Quốc giành cả lồng đèn Trung Thu trên đất Việt - 13/09/2015 15:02
- Nông thôn ô nhiễm - 09/09/2015 23:46
- Phố bỗng thành sông - 09/09/2015 23:40
- Chàng trai Thái đi tìm cô gái Việt từng đoạt HC Vàng SEA Games (Kỳ 2) - 07/09/2015 10:18
- Chàng trai Thái đi tìm cô gái Việt từng đoạt HC vàng SEA Games - 06/09/2015 16:44
- Một mảnh đời hát rong - 06/09/2015 16:24
- Thất nghiệp và nghèo đói làm gia tăng đội ngũ cửu vạn - 05/09/2015 14:38
- Bánh Trung Thu Trung Quốc - 03/09/2015 19:44
- Dân tộc H'mong ngay nay - 03/09/2015 19:39
Các tin khác
- Người Sài Gòn và chuyện học tiếng Hoa - 01/09/2015 19:41
- Người lao động nghèo bị ám ảnh bởi công việc không an toàn - 30/08/2015 22:43
- Nắng hạn miền Trung - 30/08/2015 22:37
- Xe thồ cùng với xe ôm - 28/08/2015 17:19
- Lan man về Bộ Giáo dục Hoa Kỳ - 24/08/2015 20:18
- Hải sản giả là gì? - 24/08/2015 10:17
- Chủ vườn cây Lái Thiêu, ‘bà đỡ’ cây trái Việt trên đất Mỹ - 18/08/2015 19:54
- Vấn đề an toàn điện ở VN - 15/08/2015 15:20
- Rau xanh và người nông dân Tây Bắc - 15/08/2015 15:10
- Hoàn cảnh người dân Lai Châu sau trận lũ lụt - 15/08/2015 14:59