Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chủ máy gặt thất thu, vì sao?


gatlua bangtay
Vụ hè thu muộn không mấy sáng sủa khiến người nông dân nghĩ đến việc tự gặt bằng tay. RFA photo

Tình trạng máy gặt ngày càng dư thừa ra so với diện tích ruộng đang ngày càng hẹp lại ở các tỉnh miền Trung đang làm những chủ máy gặt lo lắng vì thua lỗ. Có thể nói rằng hầu hết các chủ máy gặt ở các tỉnh miền Trung đều thua lỗ trong vụ lúa hè thu năm nay bởi lượng máy gặt quá nhiều, phải tranh nhau từng đám ruộng để kiếm tiền bù lỗ. Máy gặt thua lỗ nhưng thu nhập người nông dân không những không khá hơn mà còn tuột dốc so với các vụ mùa trước.

Máy gặt Trung Quốc quá nhiều

Một chủ máy gặt tên Trúc, người Quảng Ngãi, đang đánh máy gặt ở các cánh đồng Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, chia sẻ: “Máy gặt bây giờ không ăn nữa, diện tích ít quá mà máy gặt thì ngày càng nhiều. Riêng mình sáu cái máy gặt giờ muốn đắp chiếu rồi, chừng 20% diện tích ruộng bị bỏ hoang và số còn lại thì manh mún, chín không đều nên khó khăn lắm. Giờ máy gặt không ăn nữa rồi!”..

Theo ông Trúc, năm nay lượng máy gặt quá nhiều, những nhà có tiền thi nhau sắm máy gặt để kiếm sống đã khiến cho mỗi mùa gặt trở nên lộn xộn, một cánh đồng nhỏ có đến cả chục máy gặt xúm vào. Sở dĩ có chuyện khó khăn như vậy là vì diện tích đất canh tác nông nghiệp miền Trung bị thu hẹp đáng sợ trong thời gian gần đây.

Giải thích thêm, ông Trúc nói rằng hầu hết những cánh đồng mà nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Trung Quốc nhắm đến đều là cánh đồng tốt nhất, cho mùa bội thu. Vì lẽ, những cánh đồng này ít bị ngập lụt, đất đai màu mỡ, khí hậu tốt và có diện tích rộng. Người ta nhắm đến những cánh đồng tốt để dễ cải tạo, tránh bị ngập lụt và trồng cây xanh chung quanh cũng dễ vì đất đai vốn sẵn màu mỡ.

Và khi diện tích đất màu mỡ dần rơi vào tay các nhà đầu tư, người nông dân nhận được một ít tiền đền bù để tìm phương cách làm ăn khác. Đương nhiên, khoản tiền đền bù ấy chẳng thấm vào đâu so với sự trượt giá ngày càng mạnh của đồng tiền Việt Nam. Đặc biệt với khoản đền bù có khi mỗi mét vuông đất mua chưa được hai tô phở, khoản tiền nhỏ nhoi ấy nếu không biết sử dụng thì nguy cơ thiếu đói sẽ chẳng bao lâu đã tới.

Phần đông nông dân chuyển loại hình làm ăn sau khi nhận đền bù đất bằng cách lục lọi thêm tiền đã tích lũy mấy mươi năm nay từ việc nuôi con heo, con gà, bán mớ rau để gom góp lại mua chiếc máy gặt, cầu làm giàu về sau. Và với khoản tiền ít ỏi có được chỉ có máy gặt Trung Quốc mới có thể nằm trong tầm ngắm của người nông dân vì giá cả tương đối thấp của nó.

Nhưng người nông dân không lường trước chuyện hỏng hóc, trục trặc của máy Trung Quốc, chỉ mới vận hành chưa hết mùa gặt đầu tiên thì máy gặt do Trung Quốc sản xuất đã đổ bệnh. Tiền thay phụ tùng có khi còn cao hơn tiền gặt thuê cả mùa. Và khi mua máy gặt do Trung Quốc sản xuất, xem như tiền mất tật mang.

gatlua maygat
Những thửa ruộng eo óc, manh mún là cơ hội gỡ vốn của những chiếc máy gặt đời cũ. RFA photo

Hiện tại, theo ông Trúc, số lượng máy gặt Trung Quốc bán cho nông dân Việt Nam đã hỏng hóc và nhà nông phải trùm mền qua mùa vì càng ra đồng càng thua lỗ đã chiếm con số khá cao. Với người nông dân nghèo, việc ki cóp vốn liếng để mua một chiếc máy gặt, sau đó đắp mền và chẳng làm ăn gì được, nhìn tiền vốn hoen gỉ theo thời gian thì quả là chuyện khủng khiếp.

Đó là chưa muốn nói đền tương lai của những chủ máy gặt chịu cảnh đắp mền cũng sẽ bị trùm mền u ám vì ruộng thì không còn mà tiền vốn giắt lưng cũng đã sạch sành sanh sau khi dồn mọi thứ để đầu tư vào chiếc máy gặt. Có thể nói rằng với người Việt Nam nói chung, mỗi khi nhà đầu tư nào đó xuất hiện trên quê hương, điều đó cũng đồng nghĩa với hàng loạt chiếc cuốc, chiếc thúng, mũng, nong nia phải xếp xó và đất đai không còn. Cơ hội duy nhất cho người trẻ là đi làm công nhân cho khu công nghiệp đó với mức lương có khá hơn làm ruộng rất ít nếu gạo không tăng giá.

Một hecta lúa có đến năm chiếc máy gặt chạy đua

Một chủ máy gặt khác tên Vĩnh, người Quảng Ngãi, chia sẻ thêm: “Có lẽ là khó, mặc dù không đến nỗi lỗ nhưng mua máy về gặt một mùa thôi, sau đó bán, mua tiếp máy mới. Làm như vậy mới giữ được thương hiệu của mình. Và phải luân phiên tìm nguồn các cánh đồng để gặt, xong nơi này là đến nơi khác ngay chứ xong vụ ở đây xong mà đắp chiếu chờ mùa sau thì không ăn, thua trắng…!”.

Theo ông Vĩnh, hiện tại, có nhiều cánh đồng rộng chỉ vài hecta nhưng có tới bốn hoặc năm chiếc máy gặt đua nhau gặt lấy gặt để. Và có làm hết công suất thì mỗi ngày, một máy gặt cũng không thể thu được trên một triệu đồng vì các đám ruộng quá nhỏ, hơn nữa, trong một cánh đồng vài hecta kia chỉ có vài sào hoặc một nửa lúa đã chín, có thể gặt, diện tích còn lại cũng phải chờ vài ngày hoặc đôi ba tuần và lại tiếp tục cạnh tranh để kiếm mỗi ngày cho được một triệu đồng trên mỗi máy.

Mà với nghề gặt lúa thuê, đầu tư một chiếc máy từ một trăm triệu đồng đến vài ba trăm triệu đồng để đợi suốt ba tháng ròng mới làm việc trong một tháng và chính xác là làm việc trong khoảng hai mươi ngày. Mỗi ngày kiếm được tiền tươi chừng một triệu đồng, có khi không tới. Sau đó, trừ đi khoản tiền xăng dầu, tiền thay phụ tùng hỏng hóc và tiền công của một thợ lái, một người phụ, lãi ròng mà dân gặt lúa thường gọi là “tiền héo” còn chừng ba trăm ngàn đồng. Có thể nói là lỗ không kịp vuốt mặt!

Trong khi đó, máy gặt mỗi ngày một hiện đại hơn, chiếc ra sau có tính năng vượt trội chiếc trước, chỉ cần hai năm là các máy gặt đã trở nên lỗi thời, cổ lỗ, hết cơ hội tung hoành trên các cánh đồng để hái ra tiền. Ông Vịnh tỏ ra lo lắng sau khi thú thực với chúng tôi là ông đã đầu tư gần mười lượng vàng để mua chiếc máy gặt mà ông đang lái nhưng gần hai năm nay, ông chỉ mới sắm lại được ba lượng vàng. Mà máy của ông cũng đã bắt đầu lỗi thời so với những chiếc mới nhập từ Nhật.

Với đà này, chừng hai năm sau rất có thể máy gặt của ông Vĩnh cũng nằm xếp xó. Hiện tại, ông cũng thấy hết hy vọng gỡ được vốn bởi vì người nông dân thu nhập rất thấp, họ buộc phải đắn đo so giá trước khi gọi máy gặt. Giá lúa chỉ dao động từ bốn ngàn hai trăm đồng đến năm ngàn hai trăm đồng đã không giúp người nông dân trả hết các khoản nợ do mua phân, thuốc và dịch vụ nông nghiệp trong suốt quá trình canh tác.

Có thể nói rằng đối với các chủ máy gặt nói riêng và với các nông dân nói chung, mùa lúa hè thu muộn là một mùa lúa buồn và chứa nhiều lo âu!

Switch mode views: