Pháp tìm một chiến lược quốc tế chống thánh chiến Hồi giáo
- Thứ Hai, 23 tháng Mười Một năm 2015 19:56
- Tác Giả: Tú Anh
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh, David Cameron tại buổi họp báo chung ở điện Elysée, Paris ngày 23/11/2015.
REUTERS/Eric Gaillard
Phải xảy ra một loạt thảm sát, các cường quốc mới hợp lực chống kẻ thù chung. Người đứng ra vận động một chiến lược chung là Tổng thống François Hollande.
Tổng tư lệnh tối cao quân đội Pháp bắt đầu một tuần lễ « việt dã » từ Washington đến Matxcơva, xen giữa hai cuộc hội kiến với lãnh đạo Anh, Đức tại Paris.
Sau loạt khủng bố chưa từng thấy trong lịch sử Pháp tại Paris ngày 13/11/2015 mà thủ phạm là tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech, Tổng thống François Hollande cam kết sẽ « tận diệt » nhóm thánh chiến này.
Nhưng để chiến thắng 30 ngàn tay súng của Daech đang kiểm soát một phần Irak và Syria, cần phải huy động một « liên minh rộng lớn và duy nhất ».
Lãnh đạo Pháp nỗ lực thuyết phục các đại cường với lập luận là nếu Daech đã chọn Pháp để tấn công thì các nền dân chủ trên thế giới cũng nằm trong mục tiêu của khủng bố.
Trong chiều hướng này, Paris đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ về quân sự, thúc giục Hội Đồng Bảo An thông qua (và đã được toại nguyện) một nghị quyết cho phép ''sử dụng mọi biện pháp cần thiết '' để đánh lại Daech trên chiến trường Irak và Syria.
Tuy nhiên, với tư cách là Tổng tư lệnh tối cao của quân đội một nước ''đang lâm chiến'' theo thuật ngữ của chính giới Pháp, Tổng thống François Hollande còn có một mục tiêu khác là lôi kéo các cường quốc vào cuộc chiến bên cạnh nước Pháp.
« Liên minh lớn duy nhất »
Trong bài diễn văn ngày 16/11/2015, Tổng thống Pháp phác họa một « đại liên quân duy nhất ».
Trong khuôn khổ cuộc vận động « việt dã » trong bốn ngày kể từ 23/11, tiếp Thủ tướng Anh tại Paris, bay sang Washington gặp Tổng thống Mỹ, trở về Paris thảo luận với Thủ thướng Đức rồi sau đó sang Matxcơva gặp Tổng thống Nga ngày 26/11, Tổng thống François Hollande muốn hoàn tất một chiến lược chung.
Cho đến nay, Nga can thiệp vào Syria nhưng theo một chiến lược riêng, yểm trợ cho quân đội Damas trong khi liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo hậu thuẫn cho lực lượng Kurdistan và phe nổi dậy do Tây phương vũ trang.
Trong liên quân Tây phương, không quân Anh chỉ thực hiện một vài phi vụ ở Irak còn Đức chỉ giới hạn ở vai trò huấn luyện và cung cấp thiết bị quân sự.
Tuy nhiên, từ khi xảy ra khủng bố tại Pháp, Luân Đôn có dấu hiệu thay đổi. Ngày 23/11/2015, tại Paris, Thủ tướng David Cameron tuyên bố cam kết « hậu thuẫn mạnh mẽ » Paris và cho Pháp sử dụng căn cứ không quân Anh tại đảo Chypres cũng như sẽ « tiếp xăng » cho chiến đấu cơ Pháp oanh kích Daech tại Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, từ Thượng đỉnh Đông Á ở Malaysia cho biết là sẽ « gây thiệt hại tối đa » cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Quân đội Nga và Mỹ đã trao đổi thông tin phối hợp oanh kích và đích thân Tổng thống Nga ra lệnh cho các hải thuyền trong Địa Trung Hải « hợp tác với đồng minh Pháp » mà lực lượng nồng cốt là hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle đã đến vùng hành quân.
Cũng phải nói rõ là Nga bắt đầu hợp tác với Tây phương từ khi an ninh Nga xác nhận chiếc máy báy dân dụng bị rơi tại Ai Cập hồi cuối tháng 10/2015 là do bị Daech gài bom « trừng phạt Nga » tham chiến tại Syria .
Nhiều chướng ngại phải vượt qua
Có lẽ phải chờ đến thứ Năm 26/11 tới đây, sau cuộc trao đổi Hollande-Putin tại Kremli mới có thể biết rõ hơn về dự án « Đại liên quân ».
Theo nhận định của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius : Daech là một con quỷ dữ có đến 30 ngàn chiến binh .
Nhưng lẽ nào một liên quân gồm Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác không thắng nổi hay sao ?
Nhưng Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Pierre de Villiers, cảnh báo không thể đạt được chiến thắng quân sự trong ngắn hạn.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng không thể thắng Daech nếu không dùng đến lục quân.
Vấn đề là chưa có quốc gia Tây phương nào, kể cả Pháp, sẵn sàng gửi quân tác chiến trên bộ.
Nếu sử dụng quân đội Syria tức là công nhận « tính chính đáng » của chính phủ Damas , tức rơi vào « kịch bản » của Nga ?
Số phận của lãnh đạo Bachar al-Assad, sớm muộn gì cũng nổi lên trở lại, gây bất hòa trong nội bộ « liên minh lớn » tương lai.
Thêm vào đó, giới phân tích không tin chỉ với sức mạnh quân sự có thể dẹp yên Daech, một tổ chức khủng bố « lắm bạc nhiều tiền » có tài khoản bạc tỷ cất giấu ở các thiên đường thuế.
Tin mới
- Trung Quốc điều chỉnh cách làm ăn để cắm chân lâu dài ở Châu Phi - 03/12/2015 22:03
- Trung Quốc phải trả giá đắt vì coi thường tòa quốc tế về Biển Đông - 02/12/2015 17:37
- Giá trị quốc tế thực sự của đồng tiền Trung Quốc lệ thuộc vào cải tổ - 01/12/2015 17:06
- Chống biến đổi khí hậu, lãnh đạo chính trị bị áp lực phải hành động - 30/11/2015 18:58
- Khủng bố Paris: Quyền tự do cá nhân trở thành nạn nhân ? - 29/11/2015 04:20
- Liên minh với Nga chống Daech, nhiệm vụ bất khả của Tổng thống Pháp - 27/11/2015 05:28
- Trục Matxcơva và Teheran tại Trung Đông - 25/11/2015 22:32
- Tập đoàn quân sự Thái Lan "xoay trục" qua Trung Quốc - 25/11/2015 19:49
- Indonesia : Bảo vệ rừng hay công nghiệp dầu cọ ? - 24/11/2015 20:00
- Chuyên gia Pháp: "Big data" không giúp chặn được các vụ tấn công khủng bố - 23/11/2015 23:41
Các tin khác
- Lớp kế thừa tập đoàn quân sự Miến Điện chấp nhận đổi mới chính trị - 19/11/2015 21:22
- Paris khôi phục hầu như toàn bộ sinh hoạt - 18/11/2015 21:15
- Khủng bố : Tình báo Pháp bị chỉ trích không tròn bổn phận - 17/11/2015 22:12
- Vì sao Pháp là mục tiêu tấn công khủng bố ? - 16/11/2015 20:05
- Thảm sát ở Paris: Kịch bản-ác mộng của cơ quan chống khủng bố - 15/11/2015 01:48
- Obama nêu bật vấn đề Biển Đông trong chuyến đi Châu Á - 13/11/2015 20:06
- Chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam để kéo Hà Nội trở về với Bắc Kinh ? - 09/11/2015 00:12
- Song song với quân sự, Nga mở mặt trận ngoại giao trên hồ sơ Syria - 23/10/2015 01:53
- Dù được Nga yểm trợ, quân đội Damas khó đảo ngược cán cân - 21/10/2015 04:44
- Pháp củng cố lợi ích chiến lược với các đồng minh Trung Đông - 14/10/2015 04:02