Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Indonesia : Bảo vệ rừng hay công nghiệp dầu cọ ?




Một góc rừng bị đốt gần Palangkaraya, trung tâm đảo Kalimantan, Indonesia, ngày 28/10/2015.REUTERS/Darren

  Phá hủy 40 % diện tích rừng nhiệt đới trong 70 năm là cái giá Indonesia phải trả để trở thành nhà vô địch sản xuất dầu cọ.

Là nguồn thải khí carbon lớn thứ 5 của thế giới do đốt phá rừng, Jakarta ráo riết thương lượng với quốc tế để được đền bù thỏa đáng khi chấp nhận giảm mức phát thải làm hâm nóng trái đất.

Trong gần 5 tháng liên tiếp, hai đảo Sumatra và Kalimantan chìm trong khói mù do mùa mưa chậm đến khi nông dân bắt đầu đốt rừng lấy đất canh tác.
Hơn một chục người chết vì hỏa hoạn, khoảng nửa triệu người bị tác động do các bệnh về đường hô hấp.

Nhiều nước láng giềng của Indonesia như Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Singapore bị vạ lây.
Vừa do mùa hạn kéo dài, vừa do diện tích đốt phá rừng ngày càng lớn, các đám cháy trong mùa khô 2015 đã vượt ngoài kiểm soát của Indonesia đến nỗi Jakarta phải huy động quân đội cứu hộ và phải cầu cứu quốc tế giúp đỡ.

Phá rừng "có hệ thống"

Indonesia là một trong ba lá phổi của hành tinh, cùng với Brazil ở châu Mỹ La Tinh và Congo ở châu Phi, nhờ có diện tích rừng nhiệt đới phủ lên 60 % lãnh thổ.
Nhưng chỉ trong hơn nửa thế kỷ, các chính quyền liên tiếp tại Jakarta đã dễ dàng hy sinh nguồn tài nguyên đó để phát triển công nghiệp gỗ và công nghệ sản xuất dầu cọ.

Indonesia phá rừng nhiệt đới nhanh hơn Brazil. Ảnh vệ tinh của Cơ quan không gian NASA cho thấy trong năm 2012 chẳng hạn, 840 ngàn hecta diện tích rừng nguyên sinh của Indonesia bị phá hủy để lấy đất trồng cọ.
 Cùng thời điểm diện tích đốn rừng của Brazil chỉ bằng phân nửa so với tại Indonesia.

Còn theo thẩm định của nhiều tổ chức bảo vệ môi trường, thì mỗi năm có từ 40 ngàn đến 200 ngàn hecta rừng Indonesia bị xóa sổ. Kèm theo đó một số sinh và thực vật bị khai tử.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, trong hai năm 2010-2012 Indonesia đã « đánh mất » 6 triệu hecta rừng nguyên sinh.
Đây là một diện tích tuơng đương với một quốc gia như Ai Len.

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, nhà địa lý học Frédéric Durand, giảng dậy tại đại học Toulouse 2, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Á Châu IRASIA, trở lại với truyền thống đốt phá rừng của nông dân Indonesia để lấy đất canh tác, một biện pháp ngày càng được thực hiện ở quy mô lớn.
Kèm theo đó là hiện tượng khói mù, gây ô nhiễm không khí :

« Từ thập niên 1980 Indonesia đã dùng phương pháp đốt rừng để lấy đất canh tác ở quy mô lớn. Thời điểm đốt rừng diễn ra gần như cùng lúc với mùa hạn El nino hoành hành tại các nước trong vùng Đông Nam Á.
Ở đây tôi muốn nói là trước kia, nông dân Indonesia vẫn có tập quán đốt rừng nhưng đó là trường hợp của những người du mục.
Họ dựng nhà ở một nơi, sống tại đó một vài năm rồi lại tiếp tục hành trình đi nơi khác sinh sống.

Từ hơn ba thập niên qua, diện tích rừng bị đốt ngày càng lớn. Người ta đốt rừng chủ yếu để lấy đất trồng cây cọ và chỉ một, hay hai năm sau là có thể bắt đầu thu hoạch.
Dầu cọ là một trong những sản phẩm xuất khẩu quan trọng đối với Indonesia. Cùng với cách mở rộng diện tích đất trồng cọ này, thì các nhà sản xuất còn được hưởng lợi khi họ đẵn cây. Dịch vụ mua bán gỗ rất có lời.

Năm 1940, 60 % diện tích Indonesia là rừng rậm. Tỷ lệ đó ngày nay rơi xuống chỉ còn có 25 %. Trong có bẩy thập niên, 40 % diện tích rừng của Indonesia bị xóa sổ.
Ngay cả thống kê của bộ Tài nguyên và Lâm nghiệp Indonesia cũng phải ghi nhận chỉ còn có một nửa diện tích của Indonesia là rừng, và trong số đó chỉ có 50 % là rừng rậm ».

Khói mù và thiệt hại kinh tế

Năm nay, do mùa khô kéo dài, khói từ các đảo Sumatra và Kalimantan bao phủ lên cả nhiều nước láng giềng sát cạnh, mà đứng đầu là Malaysia và Singapore.
 Theo nghiên cứu của đại học Mỹ Colombia, năm nay khói và bụi mù do đốt rừng của Indonesia nghiêm trọng như hồi năm 1997-1998. Khi đó thiệt hại vật chất ước tính lên tới hơn 9 tỷ đô la.

Theo lời giáo sư Frédéric Durand đại học Toulouse 2, nạn đốt phá rừng tại Indonesia ngày càng thêm nghiêm trọng do thái độ đồng lõa của các chính quyền liên tiếp, cấu kết với các tập đoàn sản xuất, các công ty khai thác gỗ.

Ngày nay, chính quyền của tổng thống Joko Widodo ý thức được là đã đến lúc cần phải thay đổi, nhưng Jakarta vấp phải sự chống đối từ phía chính quyền địa phương, khi họ trực tiếp quản lý các nguồn tài nguyên lâm nghiệp. Hơn nữa, Jakarta không thể bỏ rơi ngành sản xuất dầu cọ :

« Trong quá khứ, đặc biệt là dưới thời đại tổng thống Suharto, đã có sự cấu kết, nếu không muốn nói là đồng lõa, giữa các nhà cầm Indonesia với các đại tập đoàn khai thác lâm nghiệp.

 Chính quyền Jakarta vào những năm 1960 đã nhắm mắt làm ngơ và bán rẻ rừng cho các công ty Indonesia cũng như các tập đoàn ngoại quốc. Kể từ những năm 1980 trở đi, chính sách tái định cư dân số Indonesia là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng đốt, phá rừng để lấy đất canh tác.
Jakarta muốn qua đó khuyến khích cư dân đến lập nghiệp tại những vùng đất còn hoang sơ, giảm bớt mật độ dân số cho đảo Java.

Thế rồi gần với chúng ta hơn, tức là khoảng 10 hay 15 năm trở lại đây, các nhà sản xuất đua nhau mở rộng diện tích trồng trọt để trồng những loại hoa màu cho phép nhanh chóng thu hoạch.

Cây cọ là một trong những giống này. Tuy nhiên, dưới thời tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono và hiện nay là chính quyền của tổng thống Joko Widodo, Indonesia bắt đầu ý thức được những tai hại do biện pháp đốt, phá rừng gây nên.
Bụi mù và khói liên tục thải ra trong nhiều tuần lễ liên tiếp, thậm chí là trong nhiều tháng ròng rã như năm nay chẳng hạn, góp phần làm hâm nóng trái đất.

Không thể đo lường được một cách chính xác lượng khí carbon từ các đám cháy phun ra nhưng chính vì những đám cháy đó mà Indonesia trở thành quốc gia gây ô nhiễm thứ ba trên toàn thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ.

 Do vậy, các nhà lãnh đạo ở Jakarta chờ đợi nhiều ở thượng đỉnh về khí hậu Paris. Indonesia đang mặc cả với quốc tế, để giảm lượng thải khí CO2 đổi lấy viện trợ. Jakarta sẵn sàng tỏ thiện chí với điều kiện là phải được đền bù thỏa đáng. Đừng quên rằng, dầu cọ là nguồn thu nhập ngoại tệ đứng hàng thứ ba của toàn quốc, chỉ sau có dầu hỏa và khí đốt ».

Về mặt môi trường, phải chăng Indonesia là nạn nhân đầu tiên của chính khói mù tự mình thải ra ? Nhà địa lý học Frédéric Durand trả lời :

« Đương nhiên là Indonesia phải lãnh hậu quả ô nhiễm không khí khi sử dụng biện pháp đốt phá rừng ở mức quy mô như hiện tại.
Tuy nhiên, khó để thẩm định rằng bụi và khói như vậy là nguyên nhân gây ra bao nhiêu phần trăm ô nhiễm cho quốc gia này.
Trong thời gian vừa qua, khi mà các vụ cháy rừng lên đến đỉnh điểm, có những ngày các vụ cháy rừng của Indonesia phun khói tương đương với cả nền kinh tế của Hoa Kỳ.

So sánh đó cho thấy tầm mức của vụ việc nguy hại tới chừng nào. Dù vậy tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng Indonesia và các quốc gia chậm tiến lân cận là những nạn nhân đầu tiên của hiện tượng trái đất bị hâm nóng.

 Bởi trước hết thiên tai có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, bất luận đó là Mỹ hay Philippines. Hơn nữa lập luận này nguy hiểm ở chỗ, nó tạo cơ sở cho các nước công nghiệp phát triển để mặc các nước nghèo tự khắc phục hậu quả thiên tai, hay cùng lắm thì sau một trận bão lớn gây nhiều thiệt hại về vật chất và nhân mạng, thì các nước giàu khi đó mới chụi bỏ tiền giúp quốc gia bị nạn tái thiết ».

Trở lại trường hợp cụ thể của nạn cháy rừng Indonesia, phải nói là trong suốt mùa hè và cho đến tận đầu mùa thu năm nay, không chỉ có Indonesia ‘lãnh đủ’, mà tất cả các nước láng giềng lân cận cũng bị vạ lây.

 Từ Singapore đến Malaysia, từ Thái Lan đến Philippines đều đã bị ‘ngạt thở’. Một số các địa điểm du lịch của Thái bị khói mù đến nỗi du khách không dám ra biển tắm.
Philippines phải tạm đóng cửa trường học ở một số nơi… Nói chung là các hoạt động kinh tế và một số các sinh hoạt hàng ngày tại nhiều vùng đã bị xáo trộn

ASEAN có thể làm gì để gây áp lực với Indonesia ?

Từ năm 1995, Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã bắt đầu gia tăng áp lực đòi Indonesia chấm dứt, hay ít ra là kiểm soát chặt chẽ hơn các vụ đốt phá rừng để lấy đất canh tác. Bởi vì những vụ cháy lớn, như từng xảy ra hồi năm 1994 và 1997…, đã gây nhiều thiệt hại kinh tế cho các nước lân bang.

Năm 2002, ASEAN đề nghị một cơ chế giám sát và can thiệp trong trường hợp cháy rừng.
Nhiều thành viên trong khối, như Brunei, Thái Lan, Malaysia hay Singapore, đã đồng ý về nguyên tắc hoạt động đó. Riêng Indonesia thì mới chỉ đặt bút ký vào văn bản này hồi tháng 12/2014.

Vào lúc nạn cháy rừng dâng lên đến đỉnh điểm hồi tháng 9 vừa qua, Jakarta vẫn từ chối nhờ quốc tế hỗ trợ. Mãi đến khi chẳng đặng đừng, Indonesia mới cầu cứu các nước bạn.
 Điều đó đủ cho thấy vấn đề cháy rừng nhậy cảm tới mức độ nào đối với công luận Indonesia.

Thái độ giả dối

Nạn cháy rừng của Indonesia bị nhiều nước láng giềng chỉ trích. Singapore và Malaysia đã có những lời lẽ gay gắt với Jakarta, do nền kinh tế của hai quốc gia này bị tác động nhiều hơn cả.

Có điều các tập đoàn khai thác dầu cọ tại Indonesia đều do vốn của Malaysia và Singapore đầu tư. Malaysia không còn rừng để đốt nên đã "xuất khẩu" công nghiệp dầu cọ sang Indonesia.
 Rừng bị đốt tại các đảo Sumatra và Kalimantan đều do các tập đoàn Singapore và Malaysia làm chủ.

Vậy có hy vọng Indonesia ngưng biện pháp đốt phá rừng để giảm hiệu ứng lồng kính làm hâm nóng trái đất ?
Nhà địa lý học Frédéric Durand không tỏ ra mấy lạc quan và nhấn mạnh đến thái độ rất thực tế của Indonesia trước Hội nghị khí hậu Paris 2015 :

« Cá nhân tôi, tôi khá bi quan về kết quả hội nghị khí hậu COP21. Có nhiều khả năng thỏa thuận Paris sẽ là một thỏa thuận tối thiểu, ít hy vọng đem lại những bước tiến cụ thể về mặt giảm khí thải CO2.
Đông Nam Á chờ đợi quốc tế huy động được 100 tỷ đô la như đã hứa.
Theo chỗ tôi biết, chúng ta còn rất xa mục tiêu 100 tỷ đô la như đã đề ra từ hội nghị khí hậu COP15 tổ chức tại Copenhagen, năm 2009.

Bên cạnh đó, ai cũng biết, Ấn Độ và Trung Quốc là hai khách hàng lớn nhất mua dầu cọ của Indonesia và một số người nêu lên câu hỏi : Liệu rằng các nước giàu, có nhiệm vụ phải giúp Indonesia để rồi Indonesia chủ yếu phục vụ cho hai thị trường lớn Ấn Độ và Trung Quốc hay không ?

Theo tôi, chúng ta khó có thể chấp nhận luận điểm này, bởi vì nếu so sánh mức thải khí CO2 theo đầu người, thì với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc thải ra 10 tỷ tấn carbon một năm.
 Trong lúc đó Mỹ thải thải ra 5 tỷ tấn, nhưng chỉ với 319 triệu dân. Như vậy, xét về tỷ lệ khí thải CO2 theo đầu người, thì Trung Quốc chỉ đứng hàng thứ 59 trên thế giới.
Điều đó cũng có nghĩa là các nước công nghiệp phát triển không nên 'dậy đời' nhiều quá ».

Switch mode views: