Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc điều chỉnh cách làm ăn để cắm chân lâu dài ở Châu Phi

CHINA-AFRICA-ZUMA

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma (T) tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - REUTERS /Sydney Seshibedi

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang công du nhiều nước Châu Phi, và hôm qua, 02/12/2015, ông đã đến Johannesburg, Nam Phi để dự Thượng đỉnh Trung-Phi lần thứ 6.

Diễn đàn hợp tác Trung - Phi mở ra từ ngày 04/12 đến 05/12 trong bối cảnh được giới quan sát ví von là tuần trăng mật giữa Châu Phi và Trung Quốc đã chấm dứt.

Nếu như cách đây vài năm, cái bóng kinh tế Trung Quốc còn phủ xuống khắp lục địa đen thì giờ đây dường như nó đang có xu hướng mờ dần.
Ngay trong quý đầu năm 2015, các đầu tư của cường quốc kinh tế Châu Á bỗng giảm xuống tới 40%.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều nước Châu Phi tỏ lo ngại phải trả giá đắt bởi bị lệ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên cho Trung Quốc. Do đó, tương lai hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Châu Phi sẽ là vấn đề chính được đưa ra thảo luận tại Thượng đỉnh lần này.

Từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã nhắm tới Châu Phi để thâu tóm nguồn dầu lửa, mỏ quặng, đẩy giá nguyên vật liệu cơ bản tăng vọt.
Nhưng giờ đây, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị chững lại, kéo theo giá nguyên vật liệu sụt giảm. Điều này đã tác động trực tiếp đến những quốc gia Châu Phi lâu nay bị lệ thuộc vào đối tác Trung Quốc.

Lấy thí dụ Zambia, quặng đồng chiếm 60% xuất khẩu của nước này chủ yếu được bán cho Trung Quốc.
Khi giá nguyên liệu sụt giảm, ngay lập tức Zambia rơi vào tình trạng khốn đốn, gần 4.000 lao động bị mất việc, đồng tiền bị mất giá tới 45% so với đô la Mỹ.  

Giờ đây, nhiều nước như Zambia, trông chờ diễn đàn Trung-Phi tìm ra giải pháp hợp tác mới khả dĩ cứu họ thoát khỏi sự lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên vật liệu cơ bản cho Trung Quốc.

Hôm qua, trong chuyến thăm Nam Phi của Chủ tịch Tập Cận Bình, hai nước đã ký 26 hiệp định trị giá trên 7 tỷ đô la Mỹ trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng cơ sở, thương mại ....  Điều này cho thấy, Trung Quốc đang chuyển sang hướng đầu tư đa dạng, bảo đảm cho sự hiện diện lâu dài ở lục địa đen.

Dầu sao, Trung Quốc vẫn luôn là đối tác hàng đầu của Châu Phi kể từ năm 2009. Một phần ba các dự án xây dựng ở nước ngoài của Trung Quốc được thực hiện tại Châu Phi.
Khối lượng trao đổi mậu dịch của Trung Quốc với lục địa đen vẫn tăng liên tục từ 10 tỷ đô la trong năm 2000 lên đến 300 tỷ trong năm 2015.

Hơn 2.500 doanh nghiệp Trung Quốc đã cắm chân ở lục địa này. Nhiều nước Châu Phi vẫn sẵn sàng ký với Trung Quốc các thỏa thuận đổi mỏ quặng lấy hạ tầng cơ sở.
Ở Algérie, Trung Quốc đã soán ngôi đối tác hàng đầu của Pháp, giành hầu hết các dự án trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Điều chỉnh chiến lược ở Châu Phi

Dự kiến tại diễn đàn Trung-Phi lần thứ 6, sẽ có nhiều thỏa thuận hợp tác và tín dụng được ký kết, nhiều phương thức làm ăn mới với Châu Phi sẽ được Trung Quốc thông báo.

 Theo tuyên bố của ông Trương Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trước ngày khai mạc diễn đàn, hợp tác Trung-Phi giờ đây cần phải được « cải thiện và biến đổi » sao cho sự hiện diện của Trung Quốc tại lục địa đen được đa dạng hóa và nhất là để các nước Châu Phi phát triển không bị thiệt thòi.

Tăng trưởng kinh tế Châu Phi không chỉ dựa trên nguồn bán nguyên vật liệu cơ bản mà còn phụ thuộc vào độ bền vững của các đầu tư nước ngoài.

Hơn một thập kỷ qua, đầu tư của Trung Quốc vào Châu Phi chủ yếu nhằm vào khai thác nguồn quặng mỏ và nhiên liệu.
Giờ đây muốn duy trì sự hiện diện lâu dài ở lục địa đen, Bắc Kinh phải mở ra hướng hợp tác mới hai bên cùng có lợi.

Switch mode views: