Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chống biến đổi khí hậu, lãnh đạo chính trị bị áp lực phải hành động

cop21-hollande-fabius-ban-ki-moon


Tổng thống Pháp François Hollande (G), Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (T) và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, tại COP21, Paris, 30/11/2015embre 2015.
REUTERS/Christian Hartmann

Hôm nay 30/11/2015, hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu do Liên Hiệp Quốc bảo trợ khai mạc tại Bourget, gần Paris.

 Trong số 150 nguyên thủ quốc gia và đại diện 195 nước tham dự có Tổng thống Mỹ Barack Obama, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Dưới áp lực của công luận toàn cầu và thịnh nộ của thiên nhiên, các cường quốc thải khí ô nhiễm bắt buộc phải hành động.
Chúng ta không họp mặt nhau tại Paris để bàn chuyện tào lao. Chúng ta gặp nhau để thông qua những quyết định có tính pháp lý trói buộc.

Tuyên bố trên đây của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, chủ tọa Hội nghị khí hậu COP21 và một lời xác quyết tương tự của Tổng thống Pháp François Hollande « phải xây dựng lại căn nhà đang bị cháy » cho thấy tương lai nhân loại đang đứng trước một bước định đoạt mà COP21 được các chuyên gia môi trường xem là cơ may cuối cùng cho nhân loại.

Vấn đề then chốt là phải ngăn chận nhiệt độ khí quyển tăng quá 2°C từ nay đến năm 2100, giới hạn tối thiểu để tránh tình trạng « không thể đảo ngược ».

Thật vậy, từ sau thất bại ở Copenhaghen năm 2009, nhiệt độ trên địa cầu đã tăng thêm 1°C. Nếu COP21 thất bại thì như các chuyên gia môi trường của Liên Hiệp Quốc nhiều lần báo động, không những hàng loạt đảo quốc trong vùng Thái Bình Dương bị xóa tên, 700 đảo lớn nhỏ của Indonesia sẽ biến mất và một chục thành phố lớn như New York, Luân Đôn, Bombay, Thượng Hải, Hải Phòng, cũng cùng chung số phận.

Nhưng với 2°C thì nước biển vẫn dâng cao 40 cm từ nay đến cuối thể kỷ, nhiều sinh vật bị diệt chủng.
Băng tan làm mực nước biển dâng cao còn gây hệ quả đồng lúa bị nước mặn xâm thực.

Không chờ đến cuối thể kỷ, cơn thịnh nộ của thiên nhiên đã biểu lộ qua các cơn bão lụt càng ngày càng dữ dội ở nơi này trong khi ở vùng khác bị hạn hán triền miên.

Ngay ngày hôm nay, Bắc Kinh và nhiều thành phố miền bắc Trung Quốc, bị khói mù bao phủ với nồng độ kỷ lục. Hàng năm, hơn 7 triệu người dân Hoa lục chết sớm vì ô nhiễm không khí.

Theo ước lượng của Liên Hiệp Quốc, trong số 20 triệu người trên thế giới bỏ làng bỏ xứ đi tỵ nạn hàng năm, cho dù vì chiến tranh hay nghèo đói thì cội nguồn biến đổi khí hậu vẫn là phần chính.

Trước thái độ thụ động và thiếu thiện chí của đa số lãnh đạo chính trị thế giới từ 25 năm nay, từ khi Nghị định thư Kyoto không có tính trói buộc ra đời năm 1992, áp lực quốc tế nằm trong tay xã hội công dân. Trong ba ngày trước COP21 khai mạc, 600.000 người trên toàn cầu đã thay nhau biểu tình gây sức ép đòi giới chính trị phải hành động.

Đối với Liên Hiệp Quốc, toàn thể xã hội công dân là « nòng cốt » của Thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu tại Paris. Công đoàn, phong trào thanh niên sinh viên bảo vệ sinh thái môi trường, phụ nữ bảo vệ đời sống là những « cột trụ » mới theo Liên Hiệp Quốc, trong trào lưu gây sức ép chính trị lên những quốc gia bị xem là « vô tâm nhất ».

Thật ra, không phải chờ đến Thượng đỉnh hôm nay mới bắt đầu các cuộc thương thuyết. Từ gần ba năm nay, rút tỉa bài học Copenhaghen, Pháp đã nỗ lực « thương lượng » hành lang với mục tiêu là đạt được một thỏa thuận có tính « pháp lý trói buộc ».

Tuy nhiên, vào ngày khai mạc đàm phán, khả năng thành công vẫn còn là ẩn số.

Đứng đầu thế giới gây ô nhiễm là Trung Quốc, với 24% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cam kết sẽ « chạm trần vào năm 2030 ». Hạng nhì là Hoa Kỳ, hứa hẹn sẽ giảm ít nhất 28% từ nay đến 2015. Hai nước này là thủ phạm thải ra 50% khí gây ô nhiễm. Liên Hiệp Châu Âu, là học trò có kỷ luật nhất, chấp nhận giảm đến 40% khí CO2 trong 15 năm tới. Ấn Độ tuy hứa hẹn bớt sử dụng than đá, nhưng dứt khoát không cam kết gì liên quan đến khí thải.

Trong khi đó, những đảo quốc Thái Bình dương hay Châu Phi gần như không gây ô nhiễm địa cầu nhưng lại lãnh hậu quả diệt vong trước tiên và hơn ai hết mong muốn hội nghị thành công.

Chấp nhận thỏa thuận trói buộc mang ý nghĩa gì ?

Trước hết các nước phát triển phải chấp nhận tiếp tục đầu tư tái cấu trúc công nghiệp chuyển qua năng lượng sạch, có kiểm chứng, với giá kinh tế đớn đau. Thứ hai là giúp các nước nghèo 100 tỷ đôla để khắc phục thiên tai và sử dụng năng lượng tái tạo.

Trong buổi lễ khai mạc COP21 hôm nay, Tổng thống Pháp nhấn mạnh « chính tại Paris mà tương lai địa cầu được định đoạt ». Còn nếu thất bại thì thủ phạm là ai ? Vài giờ trước, François Hollande cảnh báo : nếu COP21 thất bại thì đó là « lỗi của tất cả chúng ta nhưng trách nhiệm lớn nhất là những nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới ».

Switch mode views: