Nhiều người Cuba thất vọng sau một năm nối lại quan hệ với Mỹ
- Thứ Sáu, 18 tháng Mười Hai năm 2015 14:13
- Tác Giả: Trọng Thành
Chủ tịch Cuba Raul Castro (T) gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề thượng đỉnh Châu Mỹ tại Panama City trong không khí thoải mái ngày 11/04/2015.
REUTERS/Jonathan Ernst
Từ một năm trở lại đây, việc bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ - hai nước láng giềng thù địch thời Chiến tranh lạnh - đã diễn ra khá ngoạn mục trên bình diện ngoại giao, mang lại nhiều hy vọng.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người Cuba ở trong vào ngoài nước cảm thấy thất vọng trước những tiến bộ ít ỏi về phương diện kinh tế và nhất là về chính trị.
Về chủ đề này, nhà báo Paulo Paranague, phụ trách mảng Châu Mỹ Latinh của Le Monde, có bài « Nỗi thất vọng của nhiều người Cuba, một năm kể từ khi hai nước bắt đầu bình thường hóa quan hệ ».
Bài viết nhấn mạnh đến không khí « ảm đạm » về mặt kinh tế, với tăng trưởng 1,3% GDP, và tình trạng dậm chân tại chỗ về chính trị.
Phóng viên Le Monde tố cáo chế độ Cuba vẫn cố gắng kiểm soát « toàn bộ các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế, và tiếp tục cố gắng thu hút các khoản đầu tư lớn », trong khi khu vực các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục bị gạt sang bên lề.
Lĩnh vực tự do vẫn chỉ được dành riêng cho một số ít các nghề, trong đó không có nghề y, nghề luật sư và kiến trúc sư.
Thêm vào đó, các nghề tự do phải chịu các khoản thuế má nặng nề và bị kiểm soát hết sức ngặt nghèo.
Nhà nước tiếp tục chi phối việc thuê mướn nhân công theo hợp đồng lao động, một phần lương bổng của các nhân viên làm việc cho các hãng nước ngoài bị Nhà nước thu lại.
Nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Cuba vẫn do các kiều dân từ Hoa Kỳ gửi về, tuy nhiên « tiềm năng đóng góp tài chính của cộng đồng Cuba ở hải ngoại bị trở ngại do thái độ ngờ vực dai dẳng của chính quyền La Habana, vốn không chấp nhận cho người Cuba các quyền bình đẳng với người nước ngoài ».
Đàn áp không nới lỏng
Vẫn theo nhà báo Le Monde, trên phương diện chính trị, việc quan hệ bắt đầu bình thường hóa với Hoa Kỳ không khiến chế độ Cuba « nới lỏng đàn áp », « số lượng bắt bớ người đối lập gia tăng, các Phụ nữ Áo trắng – vợ của các tù nhân chính trị - cũng như nhiều nhà tranh đấu khác thường bị hành hung.
Kiểm duyệt và đe dọa gia tăng trong lĩnh vực văn hóa, điều cho thấy dường như bộ máy quản lý tư tưởng của đảng độc quyền lo sợ mất chỗ đứng. (…)
Các phương tiện truyền thông và công an chính trị hành động như thể là các thành lũy cuối cùng của chế độ ».
Trên phương diện internet, chỉ có « một thiểu số rất nhỏ có khả năng truy cập », tình trạng này « có thể làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài và dân mạng Cuba ».
Kết quả là, làn sóng người Cuba rời nước không suy giảm.
Theo luật của Hoa Kỳ, được gọi nôm na là quy định « chân khô, chân ướt » - theo đó người Cuba tị nạn bằng đường biển sẽ bị trục xuất về nước -, rất nhiều người chọn vượt biên trên bộ.
Mới đây « hàng ngàn người Cuba đã cố đến được biên giới nước Mỹ, thông qua một con đường dài, đi vòng từ Nam Mỹ lên Trung Mỹ.
Chính dòng người này đã làm bùng nổ xung đột ngoại giao giữa Nicaragua và Costa Rica, và một báo động về khủng hoảng nhân đạo đã được đưa ra ».
Giới tranh đấu chống chế độ Cuba lưu vong tại Hoa Kỳ vừa gửi một là thư đến Tổng thống Mỹ, khẳng định « chính sách mới » của Mỹ đối với Cuba « là một sai lầm đáng tiếc ».
Có 126 cựu tù nhân chính trị ký tên vào thư.
Không có quan hệ thương mại thực sự
Trong khi đó, đứng về phía chính quyền Cuba, một năm xích lại gần với Mỹ chưa cho phép hai bên có một « quan hệ thương mại thực sự », do việc lệnh cấm vận và một số giới hạn khác từ phía Hoa Kỳ vẫn được duy trì, như nhận định của bà Maria de la Luz B’Hamel, người phụ trách chính sách thương mại với Bắc Mỹ, thuộc Bộ Ngoại thương Cuba, khi trả lời phỏng vấn AFP.
Theo người phụ trách Cuba, trong các điều kiện hiện tại, đặc biệt với việc vận tải thương mại bị hạn chế, giao dịch tài chính bị hạn chế, quan hệ làm ăn giữa hai bên « không thể » phát triển.
Người phụ trách chính sách thương mại với Mỹ của Cuba nhấn mạnh đến tình trạng « thiếu hiểu biết rất lớn » giữa đôi bên về nhau, hệ quả của 50 năm cắt đứt quan hệ, cho dù nhiều tiến bộ đạt được trong thời gian gần đây.
Trong một thông điệp được phát đi hôm qua, nhân dịp một năm hai nước nối lại quan hệ, Ngoại trưởng Cuba hối thúc chính quyền Obama có những biện pháp mạnh hơn thúc đẩy quan hệ song phương, cho dù thẩm quyền dỡ bỏ cấm vận thuộc Quốc hội Mỹ, hiện thuộc kiểm soát của đảng Cộng hòa.
Về phía Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama tiếp tục chính sách cải thiện quan hệ với đảo quốc cộng sản.
Tổng thống Mỹ cho biết có ý định sẽ tới Cuba trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2017, tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng chuyến công du lịch sử này chỉ có thể diễn ra, nếu như có những tiến bộ thực sự về nhân quyền.
Ngày 17/12/2015, một lần nữa Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận Cuba, để cho phép công dân Mỹ có thể đầu tư và du lịch tại đảo quốc.
Trong khi chờ đợi một thay đổi lớn, cũng hôm qua, chính phủ Mỹ và Cuba đã thỏa thuận nối lại hàng không thương mại giữa hai nước sau hàng thập niên gián đoạn.
Tin mới
- Kinh tế Mỹ sáng sủa, tương lai toàn cầu kém xán lạn - 02/01/2016 05:44
- Ukraina khẳng định sự chuyển hướng sang phương Tây - 01/01/2016 21:32
- Trung Cộng, con cờ của tập đoàn tư bản tài chánh Mỹ gốc Do Thái - 31/12/2015 21:55
- Liệu Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành công ? - 31/12/2015 20:23
- Tranh chấp Biển Đông đẩy Việt Nam về phía Mỹ - 31/12/2015 18:45
- Biển Đông: Vai trò mập mờ của Úc - 30/12/2015 18:00
- Việt Nam: Càng ngán Trung Quốc, càng thân với Mỹ. - 29/12/2015 16:47
- Angela Merkel, nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015 - 28/12/2015 17:53
- Vì sao ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố không tái cử? - 24/12/2015 02:19
- Dân tộc “độc nhất vô nhị” không có người ăn mày. - 22/12/2015 02:23
Các tin khác
- Thái Lan vẫn là đồng minh thiết yếu của Mỹ - 16/12/2015 22:24
- Sau Irak và Syria, Daech mở rộng ảnh hưởng tại Libya - 15/12/2015 22:54
- Bị đánh bom nguyên tử, vì sao người Nhật lại cúi đầu kính trọng tướng Mỹ? - 12/12/2015 00:34
- Cải tổ quân đội Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xung đột - 11/12/2015 17:12
- Máy bay Sukhoi của Nga tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông - 10/12/2015 06:01
- Người quá cố Hồng Kông thiếu “nơi an nghỉ cuối cùng” - 09/12/2015 21:30
- Singapore xích lại gần Mỹ hơn trên hồ sơ Biển Đông - 08/12/2015 23:37
- Trung Quốc bành trướng hải quân với căn cứ ở Châu Phi - 05/12/2015 20:44
- Căng thẳng Mátxcơva-Ankara: Kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga thành nạn nhân - 04/12/2015 21:51
- Trung Quốc điều chỉnh cách làm ăn để cắm chân lâu dài ở Châu Phi - 03/12/2015 22:03