Song song với quân sự, Nga mở mặt trận ngoại giao trên hồ sơ Syria
- Thứ Sáu, 23 tháng Mười năm 2015 01:53
- Tác Giả: Thanh Hà
Vladimir Putin và Bachar Al Assad tại Matxcơva, 20/10/2015.
REUTERS/Alexei Druzhinin/RIA Novosti/Kremlin
Nga bước lên tuyến đầu để giải quyết khủng hoảng Syria. Ba tuần lễ sau khi can thiệp quân sự tại Syria, Tổng thống Vladimir Putin tiếp Tổng thống Bachar Al Assad tại điện Kremli bất chấp phản đối kịch liệt của các nước phương Tây và thông báo mở cuộc họp bốn bên về Syria tại Vienna vào ngày mai.
Bốn nước tham dự gồm Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út, nhưng không có Iran.
Trong chuyến xuất ngoại đầu tiên từ năm 2011 tới nay, tại Matxcơva tối hôm 20/10/2015, Tổng thống Syria Bachar Al Assad không quên tỏ lòng « biết ơn sâu sắc » đối với nước Nga vì không có sự can thiệp của Matxcơva « khủng bố tiếp tục hoành hành trong khu vực ».
Sau khi tiễn ông Assad về nước, Tổng thống Putin đã lập tức điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Quốc vương Ả Rập Xê Út để thông báo về nội dung trao đổi giữa lãnh đạo của Matxcơva và Damas.
Báo chí Matxcơva đồng loạt ca tụng « chiêu vô cùng ngoạn mục » của ngành ngoại giao Nga.
Thứ nhất việc tiếp đón lãnh đạo Syria tại thủ đô nước Nga cho phép Tổng thống Vladimir Putin nhắc lại với thế giới Matxcơva là một đồng minh của Damas.
Đây là một thông điệp rõ ràng, Matxcơva nhắn gửi tới cả Hoa Kỳ lẫn các nước Hồi giáo Sunni, như Thổ Nhĩ Kỳ hay Ả Rập Xê Út, cả hai cùng muốn sang trang thời đại Bachar Al Assad.
Nga luôn chủ trương duy trì Bachar Al Assad trong tiến trình đàm phán để giải quyết khủng hoảng Syria.
Ngược lại cả Ankara, Ryad lẫn phương Tây đều muốn ông Assad phải ra đi. Washington cực lực chỉ trích Matxcơva nghênh tiếp lãnh đạo Damas, người đã không ngần ngại « sử dụng vũ khí hóa học chống lại nhân dân Syria ».
Về phía Pháp, cho đến hôm qua Paris vẫn chủ trương Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực.
Mục tiêu thứ nhì mà Nga hướng tới là Iran. Matxcơva thông báo mở cuộc họp tại Vienna để tìm một « giải pháp chính trị » cho khủng hoảng Syria với sự hiện diện của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỹ và Ả Rập Xê Út nhưng Iran thì không.
Theo giới phân tích, sự vắng mặt của Iran vừa cho phép Tổng thống Putin tạm thời giảm thiểu tầm ảnh hưởng của Teheran đối với Damas.
Đồng thời việc không mời Iran đến dự cuộc họp Vienna cũng là một cử chỉ hòa hoãn đối với hai nước Hồi giáo Suni là Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út, khi biết rằng, cả Ankara lẫn Ryad cùng xung khắc với Teheran.
Mũi tên thứ ba mà ông Putin nhắm tới là Hoa Kỳ. Nga muốn đứng ngang hàng với Mỹ. Matxcơva chứng minh là cùng với Washington giải quyết một cuộc khủng hoảng kéo dài. Nga Mỹ đã đồng ý chia sẻ không phận Syria để tránh xảy ra mọi sự cố đáng tiếc.
Mọi người còn nhớ, vào tháng 9/2013 Matxcơva và Washington đã cùng nhau đòi Damas hủy vũ khí hóa học, tránh để nổ ra chiến tranh cho Syria.
Về câu hỏi số phận của Tổng thống Syria đi về đâu trên bàn cờ quốc tế đó ?
Có một số ý kiến cho rằng, dù tiếp đón trọng thể Bachar Al Assad nhưng không nhất thiết là Nga giữ Bachar Al Assad lại bằng mọi giá.
Việc Tổng thống Putin điện đàm với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Quốc vương Ả Rập Xê Út có thể hiểu như là một tín hiệu báo trước Matxcơva đang dàn xếp để Tổng thống Syria ra đi êm thắm, miễn là quyền lợi của Nga tại Syria và trong khu vực Trung Đông được bảo đảm.
Tin mới
- Indonesia : Bảo vệ rừng hay công nghiệp dầu cọ ? - 24/11/2015 20:00
- Chuyên gia Pháp: "Big data" không giúp chặn được các vụ tấn công khủng bố - 23/11/2015 23:41
- Pháp tìm một chiến lược quốc tế chống thánh chiến Hồi giáo - 23/11/2015 19:56
- Lớp kế thừa tập đoàn quân sự Miến Điện chấp nhận đổi mới chính trị - 19/11/2015 21:22
- Paris khôi phục hầu như toàn bộ sinh hoạt - 18/11/2015 21:15
- Khủng bố : Tình báo Pháp bị chỉ trích không tròn bổn phận - 17/11/2015 22:12
- Vì sao Pháp là mục tiêu tấn công khủng bố ? - 16/11/2015 20:05
- Thảm sát ở Paris: Kịch bản-ác mộng của cơ quan chống khủng bố - 15/11/2015 01:48
- Obama nêu bật vấn đề Biển Đông trong chuyến đi Châu Á - 13/11/2015 20:06
- Chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam để kéo Hà Nội trở về với Bắc Kinh ? - 09/11/2015 00:12
Các tin khác
- Dù được Nga yểm trợ, quân đội Damas khó đảo ngược cán cân - 21/10/2015 04:44
- Pháp củng cố lợi ích chiến lược với các đồng minh Trung Đông - 14/10/2015 04:02
- Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào khủng hoảng - 12/10/2015 23:38
- Nga can thiệp tại Syria : Cơ hội hòa bình hay thêm dầu vào lửa ? - 08/10/2015 19:01
- Thủ tướng Đức giữ vững lập trường trên hồ sơ nhập cư - 05/10/2015 22:29
- Chương trình của Mỹ huấn luyện phiến quân Syria : Bại nhiều hơn thắng - 04/10/2015 00:00
- Vatican vẫn là một « cường quốc ngoại giao » ? - 01/10/2015 22:56
- Mỹ siết chặt hàng ngũ với khối dân chủ Châu Á - 30/09/2015 21:07
- Chủ tịch Trung Quốc tìm hậu thuẫn kinh tế trước khi gặp Obama - 22/09/2015 20:19
- “ Tứ trụ triều đình” sau Đại hội XII sẽ gồm những ai? - 22/09/2015 15:24