Nga can thiệp tại Syria : Cơ hội hòa bình hay thêm dầu vào lửa ?
- Thứ Năm, 08 tháng Mười năm 2015 19:01
- Tác Giả: Trọng Thành
Biểu tình lên án Nga không kích tại Syria, bên ngoài lãnh sự quán Nga tại Santa Monica, California, Hoa Kỳ, 06/10/2015.REUTERS/Lucy Nicholson
Đầu tháng 10/2015, Nga mở màn chiến dịch không kích Syria, với mục tiêu chính thức "chống khủng bố".
Can thiệp quân sự của Matxcơva mang lại cơ hội cho hòa bình hay chỉ đổ thêm dầu vào lửa ?
Cục diện nào cho Trung Cận Đông với can thiệp Nga ?
Xung đột tại Syria năm 2011, chuyển thành nội chiến, sau các đàn áp đẫm máu của Damas chống lại người biểu tình.
Với sự xuất hiện của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Irak, mùa hè 2014, lò lửa chiến tranh Syria có xu hướng lan ra toàn khu vực.
Các cuộc không kích của Hoa Kỳ và đồng minh cho đến nay chỉ ngăn chặn, nhưng không tiêu diệt được IS.
Can thiệp Nga được nhìn nhận như thế nào ?
Chương trình Tạp chí Địa chính trị của RFI hôm 03/10/2015, có cuộc tọa đàm về chủ đề này với một số chuyên gia và nhà ngoại giao Pháp.
Khách mời gồm có các ông Didier Billion, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IRIS, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông, nhà ngoại giao Yves Aubin de la Messuzière, Chủ tịch hiệp hội giáo dục hải ngoại Pháp (Mission Laïque Française), cựu đại sứ Pháp tại nhiều nước Ả Rập và Phi Châu, nhà sử học Kader A. Abderrahim, chuyên gia về Bắc Phi và Hồi giáo chính trị (IRIS), giảng viên Viện chính trị học Paris, và nhà báo Christophe Ayad, phụ trách ban quốc tế nhật báo Le Monde.
Can thiệp trước hết để cứu chế độ Assad
Trước hết, nhà ngoại giao kỳ cựu Yves Aubin de la Messuzière cho biết nhận xét của ông về mục tiêu chiến dịch can thiệp quân sự Nga, về mặt chính thức, là để « chống chủ nghĩa khủng bố » :
« Trước hết cần đặt câu hỏi về mục tiêu can thiệp quân sự của Nga tại Syria. Rõ ràng chủ yếu là để bảo vệ sự tồn tại của một chế độ đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Về điều này, chúng ta đã có một số dấu hiệu.
Hồi tháng 8 vừa qua, Bachar al-Assad kêu gọi những người trong tuổi nghĩa vụ tham gia quân đội, và hứa tha thứ cho các quân nhân đào ngũ.
Điều đáng chú ý là, trong số những người tị nạn Syria tới Châu Âu, có nhiều người thanh niên không muốn nhập ngũ.
Một dấu hiệu khác là, trong một cuộc họp mới đây tại Matxcơva, với sự tham gia của nhiều giới chức, sĩ quan Syria, phía Syria mong muốn được cứu giúp.
Một dấu hiệu quan trọng nữa là sự hiện diện của một số đơn vị chiến đấu thuộc lực lượng Pasdarann, tức Vệ binh cộng hòa của Iran tại Syria.
Chiến dịch này sẽ đi đến đâu ? Với một quy mô như vậy, và thời gian kéo dài vài tháng như được tuyên bố, tôi cho rằng mục tiêu của Nga là để cho phép Bachar al-Assad chiếm lại được một phần lãnh thổ bị mất.
Đó là mục tiêu trước mắt. Còn mục tiêu chiến lược khác là nước Nga muốn tái khẳng định vị trí trung tâm trong cuộc chơi ngoại giao quốc tế, nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Mục tiêu này chắc chắn không thể sớm đạt được, vì nhiều lý do.
Tại Syria, Nga không đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ, như một số người nhìn nhận, vì Syria đối với ông Obama không phải là ưu tiên.
Hoa Kỳ làm mọi cách để tránh đụng độ với Nga. Mặt khác quan điểm của Hoa Kỳ là củng cố hiệp định hạt nhân với Iran, do đó, về nguyên tắc không có vấn đề với Teheran ».
Dù vẫn còn hy vọng Matxcơva hướng các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng « khủng bố » Nhà nước Hồi giáo, nhiều giới chức và chuyên gia cho rằng can thiệp của Nga là một « chiến lược sai lầm ».
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong chuyến công du Châu Âu đầu tháng (L’Expression hôm 06/10/2015) tuyên bố : « Nga đã làm trầm trọng thêm cuộc nội chiến, khi đặt nguyên tắc tìm giải pháp chính trị cho xung đột vào tình trạng bất khả thi ».
Ngược lại, chuyên gia về địa chính trị Tunisia Mahdi Taji (African Manager, ngày 06/10/2015) cho rằng can thiệp của Nga có khả năng hiệu quả hơn Hoa Kỳ và các đồng minh.
Ủng hộ can thiệp Nga cũng là lập trường của Ai Cập, một quốc gia hiếm hoi trong khu vực (ngoài trục Shia do Iran lãnh đạo) lên tiếng theo hướng này.
Nga lấn tới khi Hoa Kỳ lui bước
Can thiệp quân sự của Nga tại Syria vừa khai màn, có vẻ như bất ngờ với nhiều người, nhưng thực ra nằm trong một lô gic chung là cựu siêu cường lấn tới, mỗi khi Hoa Kỳ và các đồng minh lui bước. Nhà báo Christophe Ayad nhận xét :
« Chủ trương của Nga là trở lại những nơi nào mà Hoa Kỳ rút lui. Mà những nước nào bất đồng với Hoa Kỳ ? Có Ai Cập của Sissi : Ai Cập không chấp nhận được thái độ quá thân thiện của Washington với phong trào Huynh đệ Hồi giáo.
Tổng thống Ai Cập để cảnh báo Mỹ, đã nối lại với ông Putin. Hai lãnh đạo Nga và Ai Câp có nhiều quan điểm, về nền dân chủ chẳng hạn.
Vấn đề cũng tương tự với trường hợp Ả Rập Xê Út. Riyad có rất nhiều bất đồng với Hoa Kỳ. Riyad bắt đầu có những đối thoại dồn dập với Nga, tôi cho rằng Syria là một chủ đề chính.
Phản ứng của Ả Rập Xê Út trước can thiệp quân sự của Nga vừa rồi gây ngạc nhiên, vì Ả Rập Xê Út vốn có một thái độ hết sức căng thẳng, khi đối diện với các quyền lợi của Iran.
Nga bắt đầu có những can dự nhiều mặt, lắt léo tại khu vực này. Có thể nói chúng ta trở lại với thời kỳ trước 1979, hay trước 1991 ».
Nga tìm kiếm giải pháp chính trị nào ?
Can dự mạnh mẽ về quân sự của Nga liệu có đi liền với một giải pháp chính trị ? Vị trí nào dành cho chính quyền Bachar al-Assad trong tính toán của Nga, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Cận Đông Didier Billion phân tích :
« Trước hết tôi xin trở lại với những điều vừa được ông Yves Aubin de la Messuzière vừa trình bày, Nga chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực để khẳng định ví trí trung tâm trong cuộc chơi. Tôi xin nêu một ví dụ.
Năm 2013, sau thời điểm vũ khí hóa học được sử dụng tại ngoại ô thủ đô Damas, chúng ta nhớ rằng nước Pháp của Tổng thống Hollande đã muốn tiến hành can thiệp bằng không quân.
Vào lúc đó, Pháp hoàn toàn trơ trọi, sau sáng kiến mang tính chất chính trị của Nga, của Ngoại trưởng Nga Lavrov.
Chúng ta có thể phê phán thái độ của Nga, nhưng đây là một đòn ngoạn mục về mặt chính trị và ngoại giao, phối hợp với Ngoại trưởng Mỹ Kerry.
Với nhiều thí dụ khác, ta có thể thấy, Nga không bao giờ ngừng can thiệp vào khủng hoảng Syria, và cũng có thể vào khả năng tìm được giải pháp cho khủng hoảng Syria, cho dù bất hạnh thay, đó không phải là một việc sẽ sớm xảy ra. Đấy là điều thứ nhất.
Thứ hai là, Matxcơva đã khai thác được lợi thế về thời gian. Vào thời điểm họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Putin có một bài diễn văn gây ấn tượng, sau 10 năm vắng bóng. Và như thể là ngẫu nhiên, ngày hôm sau, Hạ viện Nga đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết cho phép can thiệp không quân.
Mục tiêu của Nga là gì ? Để bảo vệ chế độ của Bachar al-Assad ?
Tôi cho rằng, đến một lúc nào đó, Nga sẽ không cần đến Assad nữa. Từ nhiều tháng nay, tôi tin như thế.
Hiện tại, Nga ủng hộ Bachar al-Assad, bởi vì Nga sợ "sự trống rỗng quyền lực", sợ toàn bộ các cơ chế sụp đổ, là hỗn loạn nối tiếp hỗn loạn.
Tôi không tin rằng Nga sẽ ủng hộ Bachar al-Assad tới cùng. Matxcơva sẽ ủng hộ ông ta cho đến khi nào có một giải pháp chính trị, điều này hiển nhiên là hết sức phức tạp.
Sở dĩ Nga ủng hộ Bachar đến nay, vì không có giải pháp nào khác.
Lịch trình của Nga hiện nay là tái khởi động tiến trình đàm phán chính trị, kể cả với việc dựa vào các biện pháp quân sự ».
Assad diệt hết những ai có khả năng thay thế
Việc loại bỏ Tổng thống Assad là điều kiện bắt buộc cho mọi giải pháp chính trị đối với Syria, theo quan điểm của đa số các nước Phương Tây, tiêu biểu là Pháp, khi coi Bachar al-Assad là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tuy nhiên, gần đây, với tình trạng chiến tranh kéo dài, lực lượng Nhà nước Hồi giáo mở rộng ảnh hưởng, bắt đầu có một số ý kiến cho rằng cần phải đàm phán với cả lãnh đạo độc tài Syria về một khả năng « chuyển tiếp chính trị » (như quan điểm của Thủ tướng Đức).
Trước và kể từ khi khủng hoảng bùng phát, Nga vẫn được coi là một đồng minh thân thiết của chế độ Assad, tuy nhiên, trong trường hợp giải pháp Assad bị cự tuyệt hoàn toàn, liệu Matxcơva có thể chấp nhận một chế độ Syria mới không có nhà độc tài Assad ?
Về vấn đề này, nhà báo Christophe Ayad lý giải :
« Tôi cho rằng chính quyền Nga buộc phải ủng hộ Bachar al-Assad. Điều đó có nghĩa là Nga không có tình cảm, hay mối liên hệ thân thiết gì với Tổng thống Syria. Bachar al-Assad không trưởng thành tại nước Nga, ông ta không được đào tạo tại Nga như nhiều cán bộ đảng Baas trước đây.
Tuy nhiên, Bachar al-Assad lại rất cần cho nước Nga. Tổng thống Syria đã nhiều lần làm cho người Nga hiểu rằng, nếu ông ta ra đi, thì toàn bộ chính quyền Syria cũng sụp đổ. Không có ông ta, chế độ Syria cũng không còn.
Nga không thể hy vọng có được một nước Syria trong tương lai được lãnh đạo bởi một người thân Nga, mà không có Bachar.
Tổng thống Assad đã tiêu diệt hết những thành viên trong chính quyền Syria nào có khả năng thay thế ông ta. Tôi xin nêu một ví dụ.
Năm 2012 hoặc 2013, Matxcơva mời một nhà đối lập Syria thuộc hệ phái Alaouit, tức cộng đồng tôn giáo của Tổng thống Assad.
Đây là một người khá được tôn trọng trong cộng đồng, một người từ Kandahar, tức là từ khu vực đầu não của chế độ. Người này đã có chuyến đi tới Matxcơva.
Khi trở lại Damas, với một thứ thư ủy nhiệm, với khuyến nghị kiểu như hãy trao đổi với Assad, các ông sẽ tìm ra giải pháp.
Người cầm thư ủy nhiệm ngay lập tức mất tích trên đường từ sân bay về. Người ta biết ông ta đã được đưa tới nhà tù quân sự Matzé. Kể từ đó, không còn ai nghe tin gì về ông ấy nữa.
Tôi cho rằng thông điệp của Bassar với Nga rất rõ. Nếu các vị muốn tìm người thay tôi, sẽ không có đâu ! »
Can thiệp của Nga khiến tình hình "thêm phức tạp"
Cuộc can thiệp bằng không quân đã mang lại cho chế độ Damas một nguồn sinh lực mới. Tổng thống Syria Bachar al-Assad dường như đặt toàn bộ hy vọng vào thắng lợi của chiến dịch đang do Nga tiến hành, dự kiến sẽ kéo dài ít nhất ba đến bốn tháng nữa.
Nhật báo Pháp Journal du Dimanche (ngày 04/10/2015), dẫn lại một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Iran Khabar của ông Assad, theo đó, Tổng thống Syria tuyên bố sẵn sàng rời bỏ chức vụ, nếu « điều này là giải pháp ».
Theo một số nhà quan sát, hiện còn quá sớm để nói đến ưu thế của Nga, nhưng can thiệp của Nga rõ ràng đang buộc các nước trong khu vực xác định lại vị trí của mình.
Ả Rập Xê Út là một ví dụ tiêu biểu, khi quốc gia này, một mặt dè dặt trong tuyên bố chính thức về chiến dịch không kích, mặt khác nhiều thế lực Ả Rập Xê Út có khả năng gia tăng viện trợ cho các nhóm thánh chiến tại Syria. Nhà ngoại giao Yves Aubin de la Messuzière nhận xét :
« Cần nhấn mạnh một điều là ông Putin đã tạo ra trên thực tế một liên minh khác, một liên minh theo hệ phái Shia.
Hơn nữa liên minh này lại được điều phối từ Bagdad, thủ đô Irak, với sự tham gia của Iran, chính quyền Damas, và cả lực lượng Hezbollah.
Nga hiện diện tại Syria từ hơn nửa thế kỷ nay, nhưng quan hệ với Irak không phải là như vậy.
Có một nguy cơ đối đầu giữa liên minh nói trên với liên quân Sunni, do Ả Rập Xê Út lãnh đạo. Một liên minh bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Chúng ta thấy rõ rằng Nga tấn công vào một số vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, trong đó có một cơ sở dường như là quan trọng, nhưng đồng thời không quân Nga cũng nhắm cả vào lực lượng Quân đội Syria Tự do, được Châu Âu và Hoa Kỳ hỗ trợ, và các nhóm Al-Nosra, gồm các lực lượng Hồi giáo thánh chiến, được các thế lực thuộc hệ phái Sunni hậu thuẫn công khai, đặc biệt là Ả Rập Xê Út, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính ở đây, xung đột có thể leo thang. Chúng ta có thể đoán biết trước được khả năng ba quốc gia nói trên sẽ viện trợ quân sự nhiều hơn nữa cho các nhóm vũ trang Hồi giáo triệt để tại Syria.
Một câu hỏi khác cũng cần đặt ra là : Liệu can thiệp của Nga có kích động phong trào thánh chiến Hồi giáo, khi mà trong hàng ngũ thánh chiến có hàng nghìn người Nga và Tchetchenia.
Trong năm vừa qua, liên quân đã tiến hành tổng cộng khoảng 7.000 vụ không kích, với kết quả cụ thể là kiềm chế được đà tiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, khiến tổ chức này không mở rộng được.
Nhưng việc Nga can thiệp quân sự, dẫn đến khả năng xung đột leo thang, khiến tình hình trên thực địa, vốn đã hết sức phức tạp, sẽ còn trở nên phức tạp hơn ».
Chuyên gia về Cận Đông Didier Billion lưu ý, cuộc can thiệp của Nga diễn ra trong bối cảnh chế độ Iran cũng đang trong giai đoạn biến chuyển mạnh, với nhiều xu hướng, đặc biệt là sự giằng co giữa một bên là lực lượng bảo thủ độc đoán với nhóm muốn mở ra với Phương Tây, tiêu biểu là Tổng thống Rohani.
Nhà sử học Kader A. Abderrahim thì hướng công chúng đến trường hợp của quốc gia Bắc Phi Libya, nơi lực lượng Nhà nước Hồi giáo đang mở rộng ảnh hưởng, trong bối cảnh hai chính phủ, một được quốc tế công nhận, một không, đang tiếp tục đối đầu trên chiến trường.
Nhà sử học cũng nhấn mạnh đến vai trò chính trị và ngoại giao đặc biệt của Pháp trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình, tại một địa bàn được coi là ít phức tạp hơn so với Syria.
"Bạo lực tôn giáo" triền miên hay một nhà nước dân chủ, thế tục cho Syria ?
Trước can thiệp của Nga, chiến trường Syria đã là nơi diễn ra năm cuộc chiến tranh đan lồng vào nhau (lực lượng nổi dậy chống độc tài, cuộc chiến do Hồi giáo Sunni cực đoan dấy lên, xung đột giữa các lực lượng Sunni và Shia mang tính khu vực, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, xung đột liên quan đến người Kurdistan…), như một tổng thuật của nhà báo Adrien Jaulmes (Le Figaro, 01/10/2015).
Can thiệp quân sự trực tiếp của Nga, cùng với nhóm đồng minh theo hệ phái Shia, đứng đầu là Iran, trong thế đối đầu sẵn có với Phương Tây, có khả năng dẫn đến các đảo lộn khó lường.
Một liên minh quân sự với Nga có thể dẫn đến cuộc xung đột với hệ phái Sunni, với hệ quả là « một cuộc chiến tranh 30 năm » dai dẳng, theo cảnh báo của nhà chính trị học Bruno Tertrais (Fondation pour la Recherche Stratégique) (Bài « Sự quyến rũ nguy hiểm của một liên minh quân sự với Matxcơva », Le Monde, ngày 05/10/2015).
Ngược lại, theo nhận định của một nhân viên tình báo Mỹ (Bài « Cuộc chơi của Putin tại Syria khiến Hoa Kỳ ngờ vực », Le Figaro International, ngày 06/10/2015), Nga sẽ không đủ sức để đương đầu với một chiến dịch kéo dài, quy mô lớn với thế giới Hồi giáo Sunni, trong bối cảnh Hoa Kỳ tiếp tục hậu thuẫn cho các lực lượng người Kurdistan và Ả Rập chống tổ chức IS.
Khả năng sa lầy của Nga tại Syria giống như tại Afghanistan trước đây, được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Liên Xô, được nhiều người nêu lên như một cảnh báo.
Tuyên bố mới đây của người phát ngôn Giáo hội Chính thống Nga, có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Putin, coi can thiệp của Nga tại Syria như một cuộc « Thánh chiến », gây lo ngại về khả năng không khí bạo lực mang màu sắc tôn giáo sẽ tiếp tục bị thổi bùng lên.
Trong khi đó, cũng có quan điểm cho rằng, cho dù còn nhiều bất đồng, chính quyền Obama đang tiếp tục tìm cách đưa Nga và Iran can dự vào chiến lược Trung Đông mới của Hoa Kỳ, và Syria chắc chắn sẽ không phải là nơi đọ sức gián tiếp giữa Hoa Kỳ và Nga.
Sau thất bại trong việc tạo nên một nền dân chủ theo hệ phái Shia hoàn toàn mới tại Irak sau cuộc can thiệp lật đổ Sadham Hussein của chính quyền Bush, giờ đây Hoa Kỳ muốn duy trì một Nhà nước thế tục tại Syria, một phần trên cơ sở chế độ Baas cũ, và các bên hiện đang tìm kiếm thỏa hiệp.
Ông Léon Aron, một chuyên gia về Nga, tại viện tư vấn Hoa Kỳ American Enterprise Institute, cảnh giác (vẫn theo bài « Cuộc chơi của Putin tại Syria khiến Hoa Kỳ ngờ vực », Le Figaro International) : chiến thuật của ông Putin trên thực địa rất có khả năng khiến cho thỏa hiệp sắp tới sẽ được thực hiện « theo các điều kiện của Nga ».
Related news items:
Tin mới
- Paris khôi phục hầu như toàn bộ sinh hoạt - 18/11/2015 21:15
- Khủng bố : Tình báo Pháp bị chỉ trích không tròn bổn phận - 17/11/2015 22:12
- Vì sao Pháp là mục tiêu tấn công khủng bố ? - 16/11/2015 20:05
- Thảm sát ở Paris: Kịch bản-ác mộng của cơ quan chống khủng bố - 15/11/2015 01:48
- Obama nêu bật vấn đề Biển Đông trong chuyến đi Châu Á - 13/11/2015 20:06
- Chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam để kéo Hà Nội trở về với Bắc Kinh ? - 09/11/2015 00:12
- Song song với quân sự, Nga mở mặt trận ngoại giao trên hồ sơ Syria - 23/10/2015 01:53
- Dù được Nga yểm trợ, quân đội Damas khó đảo ngược cán cân - 21/10/2015 04:44
- Pháp củng cố lợi ích chiến lược với các đồng minh Trung Đông - 14/10/2015 04:02
- Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào khủng hoảng - 12/10/2015 23:38
Các tin khác
- Thủ tướng Đức giữ vững lập trường trên hồ sơ nhập cư - 05/10/2015 22:29
- Chương trình của Mỹ huấn luyện phiến quân Syria : Bại nhiều hơn thắng - 04/10/2015 00:00
- Vatican vẫn là một « cường quốc ngoại giao » ? - 01/10/2015 22:56
- Mỹ siết chặt hàng ngũ với khối dân chủ Châu Á - 30/09/2015 21:07
- Chủ tịch Trung Quốc tìm hậu thuẫn kinh tế trước khi gặp Obama - 22/09/2015 20:19
- “ Tứ trụ triều đình” sau Đại hội XII sẽ gồm những ai? - 22/09/2015 15:24
- Cơ Hội Cuối Cho Ông Dũng - 19/09/2015 21:30
- Chính trị Trung Quốc qua vụ Chu Vĩnh Khang - 18/09/2015 16:07
- Chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung? - 15/09/2015 15:59
- Khủng bố tại Bangkok : Thái Lan và Trung Quốc ngần ngại tố Duy Ngô Nhĩ - 14/09/2015 17:21