Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam để kéo Hà Nội trở về với Bắc Kinh ?

HD981



Vụ hạ đặt giàn khoan HD-981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tại Biển Đông đã làm sứt mẻ quan hệ Việt-Trung. HD-981 được tàu tuần duyên Trung Quốc bảo vệ. Ảnh chụp ngày 14/05/2014.
REUTERS/Nguyen Ha Minh

Khi đến Hà Nội hôm 05/11/2015 nhân một chuyến thăm đầu tiên trong cương vị nhân vật số một tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn sẽ được đón tiếp một cách long trọng, với một buổi đại yến và nhất là một cơ hội hiếm thấy là phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.

Theo nhiều nhà phân tích được hãng tin Anh Reuters trích dẫn vào hôm nay, mục tiêu chính của lãnh đạo Trung Quốc là tìm cách hàn gắn trở lại quan hệ đã bị sứt mẻ nghiêm trọng sau vụ giàn khoan HD-981 vào năm ngoái 2014, nhưng đây sẽ là một vấn đề rất khó khăn.

Theo hãng Reuters, vấn đề địa lý chiến lược đang đặt ra gay gắt cho Trung Quốc với việc quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ đang được sưởi ấm nhanh chóng, đặc biệt từ sau hành động khiêu khích vào tháng 5 2014 của Bắc Kinh khi cho kéo giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Từ sau khi Trung Quốc cho rút giàn khoan về vào giữa tháng 7 năm 2014, tiến trình hàn gắn quan hệ đã được khởi động, với nhiều chuyên thăm cấp cao giữa hai bên.
 Thế nhưng thái độ nghi kỵ của Việt Nam đối với Trung Quốc vẫn tồn tại dai dẳng.

Trong tình hình đó, theo hãng Reuters, chuyến công du Việt Nam của ông Tập Cận Bình đã được Bắc Kinh quyết định đúng lúc, hai tháng trước lúc mở ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo cơ hội cho lãnh đạo Trung Quốc xoa dịu vết thương gây ra vào năm ngoái, và nhắc nhở giới lãnh đạo Việt Nam rằng Bắc Kinh có rất nhiều thứ để giúp Việt Nam có lợi.

Chuyên gia vê Đông Nam Á Murray Hiebert, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington ghi nhận : « Ông Tập Cận Bình đến Việt Nam ngay vào lúc đang diễn ra cuộc tranh luận chọn lãnh đạo… Ông ấy rất có thể là sẽ tìm cách đẩy xa những người (trong giới lãnh đạo Việt Nam) đang phản đối mạnh mẽ việc tiếp tục quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh và cởi mở nhất trong việc theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Washington. »

Đối với Reuters, tình hình Việt Nam đã có nhiều thay đổi đáng kể kể từ khi bùng lên vụ HD-981 cách nay 18 tháng.
 Quan hệ của Việt Nam với quốc tế đang đa dạng hóa một cách nhanh chóng, nhờ vào một loạt các thỏa thuận thương mại mới, kể cả với Liên Hiệp Châu Âu với với khối Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Việt Nam là thành viên.

Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam thông qua các công ty như Samsung, trong lúc Nhật Bản và Hoa Kỳ đã cung cấp tàu tuần tra biển cho Việt Nam và giúp Việt Nam đào tạo thủy thủ.
Nga thì đã chuyển giao nhiều chiếc tàu ngầm và đã cho phép Việt Nam sử dụng thiết kế của mình để xây dựng chiến hạm mang tên lửa lớp Tarantul.

Nhũng giúp đỡ đó, theo giới phân tích, đã tăng sức cho Việt Nam trong việc thúc đẩy nền kinh tế của mình và phát triển khả năng răn đe quân sự vào lúc Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong chiến lược bành trướng trên biển.

Một số dấu hiệu nhỏ cho thấy là việc chiêu dụ Việt Nam không còn dễ dàng như xưa.
 Vào hôm qua đã có một cuộc biểu tình nhỏ chống Trung Quốc tại Hà Nội, trong lúc có kiến nghị lưu hành trên mạng phản đối ông Tập Cận Bình.

Trong bối cảnh mà Chính quyền Việt Nam thường dập tắt các biểu hiện chống Trung Quốc ngay từ trong trứng nước, các « sự cố » hiếm hoi như vừa kể đã được một số chuyên gia cho là dấu hiệu cho thấy là trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam, quan hệ hữu hảo với Trung Quốc không còn là một sự nhất trí tuyệt đối.

Tuy vậy, sức hút của Trung Quốc về kinh tế là điều mà giới lãnh đạo Việt Nam không thể bỏ qua, và Bắc Kinh rất biết điều đó.
Theo Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Úc, chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình là một phần trong chủ trương « giành lại » Việt Nam bằng hợp tác kinh tế.

Switch mode views: