Chương trình của Mỹ huấn luyện phiến quân Syria : Bại nhiều hơn thắng
- Chúa Nhật, 04 tháng Mười năm 2015 00:00
- Tác Giả: Thanh Phương
Quân nổi dậy chuẩn bị tấn công phá vòng vây của quân chính phủ ở Deraa, Syria, 30/09/2015.
REUTERS/Alaa Al-Faqir
Những phiến quân Syria được Hoa Kỳ tuyển mộ chính là nhằm chứng minh rằng Washington có thể huấn luyện các chiến binh thuộc phe ôn hòa để chiến đấu chống phe thánh chiến Hồi giáo tại quốc gia này.
Nhưng ngay sau khi trở về Syria để chiến đấu, các chiến binh do Mỹ huấn luyện đã phải giao nộp hơn một phần tư vũ khí đạn dược của họ cho Mặt trận al-Nosra, một tổ chức có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al Qaida.
Đây cũng giống như là nộp thuế mãi lộ để lực lượng phiến quân ôn hòa có thể xâm nhập lãnh thổ Syria.
Vụ này, do chính Lầu Năm Góc thú nhận gần đây, phản ánh tính chất phức tạp của cuộc chiến tại Syria hiện nay, nhưng nó cũng cho thấy kế hoạch của Mỹ huấn luyện phiến quân Syria ở nước ngoài không phải là việc dễ dàng.
Vào tháng Giêng năm nay, chính quyền Obama đã tiết lộ một chương trình huấn luyện phiến quân Syria với ngân sách 500 triệu đôla.
Những phiến quân ôn hòa được huấn luyện và trang bị vũ khí chủ yếu là ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Họ được tuyển chọn rất kỹ và tất cả đều phải cam kết sẽ chiến đấu chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS.
Nhưng ngay từ đầu, chương trình huấn luyện này đã gặp trắc trở. Nhóm phiến quân đầu tiên được huấn luyện khi về đến Syria đã bị lực lượng Mặt trận Al-Nosra tấn công.
Một người trong nhóm này bị hạ sát, một người bị bắt và Lầu Năm Góc chẳng biết số phận của 18 người khác ra sao.
Như nhận xét của giáo sư Stephen Biddle, Đại học George Washington, được hãng tin AFP trích dẫn, kết quả việc huấn luyện phiến quân Syria ở nước ngoài là : rất nhiều thất bại, rất ít thành công.
Là tác giả một bản dự thảo báo cáo về vấn đề này, giáo sư Biddle cho rằng chương trình huấn luyện-trang bị cho phiến quân Syria rất ít có cơ may đạt kết quả mong muốn.
Trong tuần này, Lầu Năm Góc thừa nhận rằng chương trình huấn luyện phiến quân Syria tạm ngưng một phần, do không có « tân binh » nào đến được Thổ Nhĩ Kỳ và Jordani.
Ngay chính Tổng thống Obama cũng thú nhận chương trình huấn luyện đã không đạt kết quả mong muốn.
Ông Obama cho biết là các phiến quân do Mỹ huấn luyện không thể tập trung chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, khi mà ngày nào họ cũng là mục tiêu tấn công của chế độ Damas.
Họa vô đơn chí. Hôm thứ năm vừa qua, thượng nghị sĩ John McCain cho biết là các đợt oanh kích đầu tiên của Nga ở Syria chính là nhắm vào các phiến quân do cơ quan tình báo CIA huấn luyện.
Cho tới nay, khác với Lầu Năm Góc, cơ quan CIA không hề tiết lộ điều gì về những hoạt động của họ ở Syria, nên chẳng ai biết kết quả những hoạt động này ra sao.
Tuy vậy, các sĩ quan huấn luyện của Mỹ trông chờ vào thành công của lực lượng người Kurdistan ở miền Đông Syria.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis vẫn tin rằng Hoa Kỳ cần có một lực lượng người Syria trên bộ để họ có thể phối hợp tác chiến.
Dầu sao, do tính chất cực kỳ phức tạp của cuộc xung đột Syria, chuyên gia Anthony Cordesman, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS, cho rằng chương trình huấn luyện phiến quân Syria là một trong những phương án hiếm hoi có thể chấp nhận được.
Ông Derak Chollet, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho rằng Hoa Kỳ cần tiếp tục chương trình huấn luyện .
Theo cựu quan chức này, khi Tổng thống Assad rời khỏi Syria, Mỹ sẽ cần đến những lực lượng ôn hòa để giúp bảo đảm an ninh cho quốc gia này.
Nhưng như thế thì Hoa Kỳ phải biết rút ra những bài học ở Afghanistan và Irak. Mặc dù Washington đã bỏ ra hàng tỉ đôla để huấn luyện binh lính Afghanistan, quân đội nước này vẫn không đủ sức để đương đầu với lực lượng tailiban.
Tại Irak, việc trợ giúp xây dựng lại quân đội quốc gia đã thành công một phần, nhưng quân đội này cũng đã không chống trả được các đợt tấn công của lực lượng Nhà nước Hồi giáo, để lọt nhiều phần lãnh thổ vào tay quân thánh chiến.
Tin mới
- Vì sao Pháp là mục tiêu tấn công khủng bố ? - 16/11/2015 20:05
- Thảm sát ở Paris: Kịch bản-ác mộng của cơ quan chống khủng bố - 15/11/2015 01:48
- Obama nêu bật vấn đề Biển Đông trong chuyến đi Châu Á - 13/11/2015 20:06
- Chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam để kéo Hà Nội trở về với Bắc Kinh ? - 09/11/2015 00:12
- Song song với quân sự, Nga mở mặt trận ngoại giao trên hồ sơ Syria - 23/10/2015 01:53
- Dù được Nga yểm trợ, quân đội Damas khó đảo ngược cán cân - 21/10/2015 04:44
- Pháp củng cố lợi ích chiến lược với các đồng minh Trung Đông - 14/10/2015 04:02
- Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào khủng hoảng - 12/10/2015 23:38
- Nga can thiệp tại Syria : Cơ hội hòa bình hay thêm dầu vào lửa ? - 08/10/2015 19:01
- Thủ tướng Đức giữ vững lập trường trên hồ sơ nhập cư - 05/10/2015 22:29
Các tin khác
- Vatican vẫn là một « cường quốc ngoại giao » ? - 01/10/2015 22:56
- Mỹ siết chặt hàng ngũ với khối dân chủ Châu Á - 30/09/2015 21:07
- Chủ tịch Trung Quốc tìm hậu thuẫn kinh tế trước khi gặp Obama - 22/09/2015 20:19
- “ Tứ trụ triều đình” sau Đại hội XII sẽ gồm những ai? - 22/09/2015 15:24
- Cơ Hội Cuối Cho Ông Dũng - 19/09/2015 21:30
- Chính trị Trung Quốc qua vụ Chu Vĩnh Khang - 18/09/2015 16:07
- Chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung? - 15/09/2015 15:59
- Khủng bố tại Bangkok : Thái Lan và Trung Quốc ngần ngại tố Duy Ngô Nhĩ - 14/09/2015 17:21
- Nguyễn Tấn Dũng Sẽ Thay Trương Tấn Sang Làm Chủ Tịch Nước? - 11/09/2015 21:57
- Pháp: Vì sao di dân không được thương cảm như thuyền nhân Việt 1979 ? - 11/09/2015 20:20