Hãng thông tấn Reuters nhận xét Việt Nam đang tăng cường thí nghiệm cải cách chính trị, có thể mở đường cho một sự minh bạch hơn về trách nhiệm trong giới lãnh đạo ở Hà Nội. Reuters cho rằng đang có tín hiệu cải cách trong nội bộ Đảng Cộng sản VN Tuy nhiên giới chuyên gia nói rằng các thay đổi được bàn đến trước Đại hội XI không có nghĩa Đảng Cộng sản chịu từ bỏ độc quyền trong quyền lực chính trị đã ghi trong Điều 4 Hiến pháp Việt Nam. Họ cũng cảnh báo các thay đổi có thể chỉ là về hình thức. Reuters đề cập tới dự án thí điểm bầu bí thư tỉnh ủy một cách trực tiếp, được ca ngợi như biểu hiện cho quá trình dân chủ hóa và mang hy vọng rằng một sự chuyển đổi thế hệ lãnh đạo có thể diễn ra nhanh chóng hơn. Mô hình Đà Nẵng Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba ở Việt Nam vừa tổ chức Đại hội Đảng bộ, tại đó bí thư thành ủy đã được bầu trực tiếp. Theo Reuters, đây là bước đi quan trọng của cải cách chính trị, đang được thử nghiệm tại mức độ địa phương. Hãng này dẫn lời chuyên gia về Việt Nam, Giáo sư Carlyle Thayer từ Đại học New South Wales, Australia, nhận xét rằng Đà Nẵng, với dân số 1 triệu người, là đô thị loại lớn và quan trọng của Việt Nam nên kết quả thử nghiệm bầu bí thư trực tiếp nói trên là tích cực. Ông Thayer được dẫn lời nói: "Việt Nam đang dần dần đưa vào các thử nghiệm mang tính dân chủ nội bộ trong Đảng và bầu chọn ban lãnh đạo một cách trực tiếp." "Điều này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền chính trị trong tương lai." Việc tổ chức bầu cử trực tiếp đang được tiến hành tại 10 tỉnh thành, cùng hàng trăm cơ sở Đảng ở cấp thấp hơn. Reuters nhận định tín hiệu cải cách gia tăng khi Bộ Chính trị yêu cầu chuẩn bị cho việc bầu Tổng Bí thư trực tiếp tại Đại hội Đảng sắp tới. Ông Thayer được trích lời nói làn sóng cải tổ có thể sẽ dẫn tới "bầu trực tiếp Chủ tịch nước tại Quốc hội và mở cửa cho các ứng cử viên trẻ tuổi hơn", thay vì lứa tuổi 60-70 của các ủy viên Bộ Chính trị hiện thời. Hãng thông tấn có trụ sở ở London, Anh còn tỏ ra lạc quan khi viết rằng kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy so với Trung Quốc thì "trò đã hơn thầy" (dĩ nhiên ai cũng hiểu ai là thầy và ai là trò trong tương quan này). Thế nhưng hãng này nói Trung Quốc sẽ không theo con đường cởi mở hơn của Việt Nam khi chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 18 vào năm 2012. Ông Willy Lam từ đại học Trung Hoa ở Hong Kong được trích lời nói: "5 năm trước không khí (ở Trung Quốc) tự do hơn". "Ông Hồ Cẩm Đào có xu hướng bảo thủ hơn, vì vậy thời kỳ dân chủ nội bộ có thể bị ngưng trệ." Trong những ngày tới, trang web của BBC Tiếng Việt sẽ tiếp tục cập nhật các bài về Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. |