Home Tin Tức Thời Sự GS Hong Kong tìm hiểu mỹ thuật của người Việt trong trại tỵ nạn

GS Hong Kong tìm hiểu mỹ thuật của người Việt trong trại tỵ nạn PDF Print E-mail
Tác Giả: Tiffany Lê/Chuyển ngữ: Triệu Phong/Người Việt   
Thứ Tư, 29 Tháng 9 Năm 2010 07:33

Một cách tình cờ, một giáo sư Hong Kong tìm thấy hơn 800 tranh do người Việt Nam vẽ trong trại tỵ nạn được lưu trữ trong tài liệu của một tổ chức vô vụ lợi.

Kể từ đó, giáo sư Tiến Sĩ Sophia Law, bắt đầu một công trình nghiên cứu kéo dài hơn 2 năm, về mỹ thuật của người tỵ nạn Việt Nam trong trại tỵ nạn thời thập niên 1970-1980.

Sắp tới đây, Tiến Sĩ Law, dạy lịch sử mỹ thuật tại đại học Lingnan University ở Hong Kong, sẽ thuyết trình tại đại học UC Irvine và tại báo Người Việt vào tháng 10, về các tác phẩm hội họa tìm thấy trong trại tỵ nạn ở Hong Kong.

Trong dịp này, bà muốn được gặp những người từng ở trong trại tỵ nạn để tìm hiểu thêm về đời sống trong trại thời đó. Buổi hội thảo tại nhật báo Người Việt sẽ diễn ra lúc 7 giờ tối ngày 14 tháng 10.

Từ Hong Kong, Tiến Sĩ Sophia Law dành cho báo Người Việt cuộc phỏng vấn dưới đây.

- Tiffany Lê (NV): Ðề án của bà khởi sự như thế nào?

- T.S. Sophia Law: Hồi năm 2007 tôi đang làm nghiên cứu về sự bác ái trong nghệ thuật và phỏng vấn giám đốc của “Art in Hospital,” một tổ chức vô vụ lợi ở Hồng Kông, đang làm các đề án về nghệ thuật ở bệnh viện. Người giám đốc cho biết phòng vẽ của bà đang lưu giữ 800 bức vẽ do dân tị nạn Việt Nam ở Hồng Kông thực hiện. Tôi đề nghị làm một cuộc triển lãm, đồng thời khảo sát nghiên cứu toàn thể lịch sử về người Việt.


Trong số tranh vẽ của người Việt Nam tỵ nạn do tổ chức Garden Stream bảo tồn được là bức này, vẽ trại tỵ nạn Whitehead, thường dịch là Bạch Ðầu, ở Hong Kong. Hàng rào kẽm gai là yếu tố thường thấy trong những tranh vẽ thời này. (Hình: Garden Stream cung cấp)

- NV: Ai là người vẽ và làm thế nào họ có chất liệu để vẽ?

- T.S. Law: Phần nhiều tranh của các em nhỏ. Trong số 800 bức họa, 230 bức do người lớn vẽ. Hồi đó có một dự án kéo dài 3 năm do Garden Stream, một tổ chức bất vụ lợi của nhiều nghệ sĩ trẻ địa phương. Họ thấy tội nghiệp trẻ con trong trại không có gì giải trí, vì thế họ mang cho các em màu và bút chì.

- NV: Chủ đề chung chung của các hình ảnh là gì?

- T.S. Law: Một chủ đề rất phổ thông đó là lòng thôi thúc được tự do. Khi vẽ xong, họ tiếp tục sống trong trại nhưng không biết sẽ sống đến bao lâu.

- NV: Xin bà cho biết thêm về công trình khảo cứu về những hình ảnh này.

- T.S. Law: Các tác phẩm nghệ thuật được thực hiện trong thời gian từ 1988 đến 1991. Tôi nhận được một khoản tài trợ 2 năm từ trường đại học cho nghiên cứu này, và trong đề án tôi tập trung vào hai lãnh vực, đó là nghệ thuật và lịch sử. Tôi có trong tay 800 bức vẽ và khảo cứu xem người ta dùng nghệ thuật thay ngôn ngữ như thế nào đối với người đang sống trong nghịch cảnh. Ðồng thời tôi cũng dựng tạo lịch sử của thuyền nhân ở Hồng Kông.


Tiến Sĩ Sophia Law dạy lịch sử mỹ thuật tại đại học Lingnan University ở Hong Kong, đang nghiên cứu đề tài mỹ thuật của người Việt trong trại tỵ nạn.

- NV: Bà tiến hành cuộc khảo cứu như thế nào?

- T.S. Law: Tôi đọc ba tờ báo địa phương trong thời gian từ 1975 đến 2002, xem lại chính sách của chính phủ cùng các báo cáo thường niên liên quan đến chính sách về dân tị nạn Việt Nam.

- NV: Qua khảo cứu bà khám phá thấy gì?

- T.S. Law: Năm 1975, Hồng Kông dang tay đón nhận thuyền nhân. Lý do vì hầu hết dân ở đây, đặc biệt là thế hệ lớn hơn đều từng là dân tị nạn từ lục địa đến. Nhưng qua thời gian, đời sống kinh tế thay đổi và thêm vào là căng thẳng xã hội. Ta thấy chính sách thay đổi từ mở rộng cửa đến đóng cửa, và sau đó là trại cấm.

- NV: Vậy là có sự thay đổi thái độ đối với dân tị nạn Việt Nam? Việc ấy xảy ra lúc nào và tại sao?

- L.S. Law: Lòng cảm thông kéo dài đến thập niên 1980. Giữa thời gian từ 79 đến 89, nhiều nước khác thay đổi chính sách, từ chối không nhận thêm thuyền nhân nữa. Hồng Kông bấy giờ là nơi lánh nạn đầu tiên, vì thế lượng người đổ vào quá lớn khiến gây nên nhiều vấn đề. Vào thập niên 70, Hồng Kông chưa giàu có gì và không có khách du lịch. Dân Hồng Kông không biết gì mấy về Việt Nam, hầu hết chỉ nghe nói đến qua truyền thông báo chí.

- NV: Truyền thông Hồng Kông miêu tả người tị nạn Việt Nam ra sao?

- L.S. Law: Chuyện bên trong trại, hầu hết tin tức tường thuật về những cuộc nổi loạn và bạo động hơn là đề cập đến những khía cạnh sâu xa dẫn đến sự kiện ấy. Lời lẽ họ sử dụng không được trung dung khi đề cập đến nổi loạn và bạo động. Họ dùng những từ như “tàn bạo” và “giết chóc.” Báo chí không được phép vào bên trong trại, bởi vậy đa số hình ảnh đều từ ngoài chụp vào, chỉ thấy toàn khói với lửa. Một bầu không khí hết sức căng thẳng.

- NV: Bà hy vọng đạt được gì trong công trình này?

- T.S. Law: Tôi đang cố dựng lại lịch sử với sự kiện lẫn dữ kiện. Hy vọng người ta có được thì giờ và kiên nhẫn để nhìn lại xem điều gì đã thực sự xảy ra. Bằng cách ôn lại lịch sử, chúng tôi mới có được cái hiểu biết toàn diện, có ý nghĩa và học được từ đó.

Một căn ba rắc tỵ nạn ở trại Bạch Ðầu. (Hình: Garden Stream cung cấp)

- NV: Trước đây bà có làm nghiên cứu nào về người Việt Nam không?

- T.S. Law: Không, cái này là cái đầu tiên. Bản thân tôi trước đây không có bạn người Việt.

- NV: Bà có bao giờ làm việc với người Việt Nam chưa?

- T.S. Law: Khi tôi triển lãm những bức vẽ, tôi kêu gọi sự giúp đỡ của các sinh viên, bấy giờ mới hay trong số họ có hai người Việt Nam. Một người cho biết ông bố chưa hề kể chuyện hồi ông ở trong trại. Tuy nhiên đến khi cô sinh viên này góp phần vào cuộc triển lãm thì hai cha con mới bắt đầu nói chuyện với nhau về câu chuyện ấy. Người bố gác ra ngoài vết thương tinh thần của mình để rồi bắt đầu chia sẻ câu chuyện với cô con gái. Rất là cảm động.

- NV: Bao giờ thì bà qua California?

- T.S. Law: Ngày 9 tháng 10 ở UC Irvine, và 14 tháng 10 ở Little Saigon.

- NV: Bà hy vọng làm được gì trong chuyến ghé đến Little Saigon?

- T.S. Law: Tôi muốn hợp tác với bất cứ ai quan tâm đến dự án, để xem họ có thể giúp được gì thêm về thông tin, lịch sử hay ký ức.