Trung Quốc hung hăng, Hoa Kỳ hưởng lợi |
Tác Giả: Trọng Nghĩa / RFI |
Thứ Ba, 28 Tháng 9 Năm 2010 08:12 |
Mỹ giảm bớt chủ nghĩa đơn phương và tăng cường chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ hai ngày 24/09/2010 là một cột mốc mới trong tiến trình được chính quyền Obama khởi động nhằm khôi phục ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại châu Á từng bị Trung Quốc bào mòn trong thập niên vừa qua. Bí quyết thành công của Mỹ là một đường lối ôn hòa, tôn trọng lợi ích của các nước nhỏ trong vùng, đối nghịch với thái độ hung hăng của Trung Quốc ngày càng khiến các láng giềng quan ngại. Đây là nội dung bài phân tích « Winning influence by not being aggressive » (Giành được ảnh hưởng nhờ không hiếu chiến) của tác giả M.S. trên trang blog của tuần báo Anh The Economist ngày 23/09. Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ hai ngày 24/09/2010 tại New York / REUTERS/Jason Reed Nhà báo Edward Wong vừa có một bài viết hay trên nhật báo Mỹ New York Times ngày 23/09 về cách bà Hillary Clinton đã lợi dụng chính sách ngoại giao sai lầm chuyên bắt nạt của Trung Quốc, để xây dựng ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Đông Á. Chủ trương quan tâm nhiều hơn đến khu vực, và đặc biệt là đến Đông Nam Á, là một trọng tâm xuyên suốt của chính quyền Hoa Kỳ kể từ khi ông Obama nhậm chức. Bà Clinton đã nhiều lần viếng thăm Đông Nam Á, nơi trước đây bị chính quyền Bush lơ là vì bị các sự kiện ở Trung Đông làm phân tâm. Barack Obama dự kiến gặp các lãnh đạo Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 24/09 tại New York. Thế nhưng hầu hết các động lực thúc đẩy (các nước châu Á xích lại gần Hoa Kỳ) lại xuất phát từ các động thái phi lý và hiếu chiến của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Trung Quốc tiếp tục khẳng định đòi hỏi chủ quyền đơn phương trong vùng biển quốc tế xung quanh, điều mà theo các quan chức Mỹ không có cơ sở luật pháp quốc tế. Với giọng điệu ngày càng mạnh mẽ, Bắc Kinh đòi Tokyo trả tự do cho thuyền trưởng một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc bị Nhật Bản cho là đã đâm vào tàu tuần tra của Nhật gần quần đảo Senkaku đang tranh chấp giữa hai bên. (Dường như Trung Quốc hiện đã tạm dừng xuất khẩu kim loại hiếm qua Nhật Bản, phá vỡ hợp đồng và có thể là đã vi phạm luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO). Trung Quốc cũng phản đối các cuộc tập trận hải quân chung Mỹ-Hàn ở Hoàng Hải, chọc giận Hàn Quốc vốn muốn gửi một tín hiệu phản ứng lại hành động của Bắc Triều Tiên bắn chìm của tàu khu trục Cheonan. Và Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, bác bỏ đòi hỏi của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia ; họ còn bắt giữ hàng trăm tàu thuyền đánh cá của Việt Nam, và đe dọa trả đũa công ty dầu hỏa Anh Mỹ nào ký kết hợp đồng thăm dò với Việt Nam. Điều đó đã mở đường cho bà Clinton tuyên bố vào tháng Bảy rằng Hoa Kỳ hậu thuẫn cho ý tưởng mở các cuộc đàm phán đa phương về biển. Các nước ASEAN rất phấn khởi, còn Trung Quốc thì tức giận, vì họ muốn thương lượng song phương với các láng giềng, có lợi hơn cho họ. Bài học cơ bản ở đây là nước lớn giành được ảnh hưởng và quyền lực khi tuân thủ các hệ thống quốc tế dựa trên căn bản luật pháp, công bằng đối với các nước nhỏ. Các nước lớn mất đi ảnh hưởng và quyền lực nếu hành động một cách hung hăng và vô lối để mở rộng quyền lợi của mình, gây mất mát cho các nước nhỏ hơn. Tuy nhiên, các nước lớn thường bị các làn sóng to lớn của chủ nghĩa dân tộc nội bộ chi phối, vì lẽ công dân của họ thường không được tiếp xúc với công dân hoặc các phương tiện truyền thông nước ngoài, lại ít biết ngoại ngữ, và không quen với ý tưởng theo đó đất nước to lớn và mạnh mẽ của họ vẫn có thể bị quan điểm hay lợi ích của bất kỳ một quốc gia nào khác hạn chế. Bên trong hệ thống chính trị của các nước lớn, thường có những hình thức kích động tinh tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc để giành chiến thắng chính trị bằng cách cáo buộc các đối thủ là phản bội đất nước khi không mạnh tay đối với người nước ngoài. Điều đó thúc đẩy các chính trị gia đề ra các lập trường đối ngoại hung hăng mà sau đó sẽ gây tổn hại cho lợi ích thực tế của chính nước họ vì tạo ra sợ hãi và ác cảm ở nước ngoài, dẫn đến các phản ứng đối phó. Phân tích kể trên ít ra là có thể giúp tôi giải thích được động thái tự hủy diệt và không thể lý giải được bằng cách khác của Trung Quốc khi họ tuyên bố rằng Biển Đông thuộc phạm vi "lợi ích cốt lõi" của họ (thuật ngữ này cũng sử dụng cho Tây Tạng và Đài Loan), qua đó họ tự ràng buộc mình vào một vị trí đàm phán mà họ không thể giành chiến thắng và cũng không thể thối lui. Trong thập kỷ qua, Hoa Kỳ cũng đã phạm phải một số sai lầm phi lý tương tự. Thế nhưng gần đây, Mỹ đã giảm bớt chủ nghĩa đơn phương và tăng cường chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ. Và điều đó đã mang lại hiệu quả. |