Trung Quốc càng làm già, Hoa Kỳ càng sáng giá |
Tác Giả: Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt |
Thứ Tư, 29 Tháng 9 Năm 2010 07:58 |
Các nước ASEAN trông vào Mỹ để cân bằng Một tàu đánh cá Trung Quốc lủi vào tàu tuần duyên Nhật trong vùng biển đảo tranh chấp. Nhật bắt thuyền trưởng, thủy thủ đoàn. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ, năm lần gọi đại sứ Nhật lên làm việc, mặc dù Nhật chỉ còn giữ có người thuyền trưởng, còn tàu và nhân sự đã trả ngay rồi. Sau hơn hai tuần áp lực của Trung Quốc, Nhật thả người thuyền trưởng. Bắc Kinh làm tới, đòi Nhật phải xin lỗi. Báo chí Trung Quốc hể hả, báo chí Nhật giận dữ, cho rằng chính phủ đã đầu hàng kẻ xâm lấn vùng biển của mình. Như thể Nhật đã thua, và Trung Quốc đã thắng. Nhưng đằng sau hậu trường vụ này, phe thắng lớn có thể là Hoa Kỳ, theo một số nhà phân tích. Với những nhà phân tích này, tình hình nay đã khác xưa, khi trong vùng chỉ có một nước lớn là Trung Quốc, còn các nước nhỏ phải liệu làm sao thì làm. Ngày hôm nay, Hoa Kỳ đã công khai đặt chân vào vùng Ðông và Ðông Nam Á và khẳng định quyền lợi quốc gia ở đây. Trung Quốc càng dữ tợn bao nhiêu, Hoa Kỳ càng sáng giá bấy nhiêu. Thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc từng lủi vào tàu tuần duyên Nhật được chào đón nồng nhiệt khi về tới làng ở Phúc Kiến. Nhưng thắng lợi nhất thời này của Trung Quốc đang gây lo ngại trong các nước láng giềng, nâng cao giá trị của Hoa Kỳ trong khu vực. (Hình: AP Photo/Xinhua, Zhang Guojun) Phía sau vụ tàu cá Vụ tàu cá chỉ là một thí dụ mới nhất về thái độ hung hãn của Trung Quốc, khẳng định sức mạnh, tầm vóc và uy thế của mình. Tuy nhiên, để đạt được vinh quang trong việc giải cứu người thuyền trưởng, Trung Quốc dường như đã phải nhờ tới Hoa Kỳ. Ðó là nghi vấn của báo chí Nhật, được thuật lại trên tờ South China Morning Post xuất bản ở Hong Kong. Có những dấu hiệu Hoa Kỳ đã đứng giữa dàn xếp vụ tàu cá ở vùng đảo Senkaku/Diaoyu tranh chấp. Một ngày trước khi thả thuyền trưởng, Ngoại Trưởng Hillary Clinton gặp Bộ Trưởng Ngoại Giao Nhật Seiji Maehara ở New York, hôm 23 tháng 9. Trong cuộc gặp gỡ này, Clinton thúc đẩy phía Nhật “dùng đối thoại để giải quyết vụ tranh chấp cho nhanh,” CNN tường thuật. Hôm sau, khi Nhật thả người, Hoa Kỳ ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh, nói rằng hành động này “sẽ giảm thiểu đáng kể sự căng thẳng” trong khu vực, theo lời Phát Ngôn Viên Philip Crowley của Bộ Ngoại Giao. Phản ứng nhanh chóng này càng làm báo chí Nhật nghi ngờ là Hoa Kỳ xúi giục chính quyền nước họ. Ông Crowley xác nhận phần nào tin đồn là Trung Quốc nhờ Mỹ dàn xếp. Ông nói với báo chí là các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ và Trung Quốc “có bàn thảo về việc này,” ở cấp thấp, tại New York. Nếu Trung Quốc có thắng một bước trong cuộc tranh chấp với Nhật, thì Hoa Kỳ đồng thời thắng một bước lớn hơn, là khẳng định vai trò không thể vắng mặt trong Thái Bình Dương. Tổng Thống Barack Obama với Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào tại Bắc Kinh năm 2009. Hoa Kỳ đang khẳng định chỗ đứng không thể thiếu của mình tại Châu Á và Thái Bình Dương, bất chấp Trung Quốc cưỡng lại. (Hình: Mandel Ngan/AFP/Getty Images) Biển Ðông Và nếu Hoa Kỳ không thể vắng mặt trong Thái Bình Dương, tất nhiên Hoa Kỳ không thể vắng mặt tại vùng biển Ðông. Vào tháng 7, Ngoại Trưởng Hillary Clinton tạo một con sóng bất ngờ khi bà tuyên bố tại Diễn Ðàn Khu Vực ASEAN ở Hà Nội: “Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia trong quyền tự do hàng hải, quyền tự do ra vào vùng biển chung của Á Châu và sự tôn trọng luật quốc tế ở biên Nam Trung Hoa (biển Ðông).” Ý nghĩa của lời tuyên bố này quá rõ ràng, khiến báo chí khắp thế giới đều tường thuật. Tờ Financial Times, xuất bản ở một nơi tưởng như không liên quan, là London, cũng dành cả một phần tư trang nhất cho đề tài này, đó là sự thay đổi có tính cách chiến lược của chính phủ Tổng Thống Obama. Bắc Kinh cũng nhìn thấy điều này, và họ phản ứng ồ ạt, dữ dội. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc gọi phát biểu của bà Clinton là “gần như một sự tấn công vào Trung Quốc.” Tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản, tố cáo Mỹ không chịu “sống chung với một nước Trung Quốc phát triển” và dọa là nước này sẽ “không chùn bước” nếu Hoa Kỳ tiếp tục lấn tới. Sự giận dữ của Trung Quốc, tuy nhiên, đã gây phản ứng ngược và khiến các nước láng giềng e ngại: Hóa ra người hàng xóm khổng lồ của mình dữ tợn vậy sao? Ông Ernie Bower, giám đốc chương trình về Ðông Nam Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS - Center for Strategic and International Studies) ở Washington, nói với tạp chí Foreign Policy: “Phía Trung Quốc đã tụt lùi hàng mấy năm khi phản ứng quá đáng” sau diễn đàn ASEAN. “Họ chứng minh nỗi sợ của các nước ASEAN là đúng, rằng những người này (Bắc Kinh) ngoài mặt tử tế nhưng đằng sau là những mục tiêu khác.” Một chuyên gia khác cũng nghĩ vậy. Ông Dan Blumenthal, một cựu viên chức Ngũ Giác Ðài và hiện làm tại viện American Enterprise Institute nói Trung Quốc “đang làm cho hết các nước trong khu vực hoảng sợ và muốn Hoa Kỳ nhúng tay vào nhiều hơn.” Vận động ASEAN Phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh, mặc dù nhắm vào Hoa Kỳ, nhưng có thể khiến các nước ASEAN cho rằng Trung Quốc đang nhắm vào mình. Lý do là vì trong những tuần trước Diễn Ðàn Khu Vực ASEAN, Trung Quốc đã hết sức vận động các nước này đừng đem chuyện biển Ðông ra nói với Mỹ, tạp chí Foreign Policy tiết lộ. Báo này cho biết, trước khi Ngoại Trưởng Clinton tuyên bố về quyền lợi Mỹ, Phó Bộ Trưởng Ngoại Giao Bill Burns đến bốn nước ASEAN báo trước cho họ biết bà Clinton sẽ làm vậy. Phụ tá bộ trưởng Kurt Campbell và Giám Ðốc Ủy Ban An Ninh Quốc Gia Jeffrey Bader gọi điện thoại nói với những nước ASEAN còn lại. Báo này viết: “Trong khi đội ngũ của ông Obama tiến hành chiến dịch ngoại giao thầm lặng, Trung Quốc cũng vận động các quốc gia ASEAN. Thật ra, Trung Quốc đã lấy được thỏa thuận của các nước ASEAN là đề tài biển Nam Trung Hoa sẽ không có trong lịch trình thảo luận.” Tuy nhiên, khi bà Clinton bất thình lình lên tiếng, thì các nước ASEAN đồng loạt ủng hộ. “Khi Trung Quốc biết được là lời tuyên bố của Mỹ có kết hợp trước với ASEAN, điều đó làm họ bị bất ngờ,” ông Bower nói. Tất nhiên, không phải quốc gia ASEAN nào cũng vui mừng. Các nước không có quyền lợi trong biển Ðông thì e ngại, theo AFP trích lời Giáo Sư Li Mingjiang, đại học S. Rajaratnam School of International Studies ở Singapore. Những nước như Thái Lan, Cambodia, Singapore “thật ra không muốn thấy sự đối đầu nào giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì khi đó, họ sẽ phải chọn một phe và điều đó họ không muốn phải làm.” Vì vậy, Hoa Kỳ phải hành động có mức độ. “Cách tiếp cận của chính quyền Obama tại biển Nam Trung Hoa là một lời đáp trả rất quan trọng và khéo léo đối với sự quả quyết của Trung Quốc,” ông Abe Denmark, học giả cao cấp tại trung tâm Center for a New American Security ở Washington D.C., nói với Foreign Policy. “Sức mạnh này là một yếu tố tất yếu trong chiến lược của chúng ta về Trung Quốc, và gởi tín hiệu tới Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ quyền lợi của mình.” Ngoại giao đa phương Một phần trong “cách tiếp cận” của Mỹ ở Ðông Nam Á là liên kết đa phương với nhiều nước. Ðiều này trái ngược với cách tiếp cận của Trung Quốc là thích nói chuyện song phương với từng nước một. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều hiểu lý do tại sao Trung Quốc thích vậy: Một đối một, Trung Quốc lớn hơn hết tất cả mọi quốc gia trong vùng. Và ngược lại, rất nhiều nước trong vùng muốn liên kết lại khi nói chuyện với người láng giềng khổng lồ. Xuất hiện tại một buổi hội thảo ở CSIS tuần trước, Bộ Trưởng Ngoại Giao Indonesia Marty Natalegawa một mặt trấn an Trung Quốc và nói, “Indonesia tin rằng vùng Á Châu-Thái Bình Dương không cần phải rơi vào tình trạng chiến tranh lạnh, nhìn nhau một cách nghi ngờ và thù địch,” báo Jakarta Post tường thuật. Tuy nhiên, Bộ Trưởng Natalegawa đề cao ngoại giao đa phương, và nói là trong việc tránh tình trạng chiến tranh lạnh, “vai trò của ASEAN rất quý giá.” “Với Indonesia, điều này phù hợp với nguyện vọng chúng ta là thấy sự cân bằng cơ động trong vùng,” ông nói. Và ông nói rõ hơn, Indonesia muốn thấy “sự vắng mặt của một quyền lực lấn át.” Paul Wolfowitz, cựu đại sứ tại Indonesia và cựu thứ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ thời Tổng Thống Bush, tán thành nỗ lực của chính quyền Obama. “Họ đang muốn tăng cường quan hệ với các nước Ðông Nam Á kể cả Indonesia và đó là một việc rất đáng làm.” Trung Quốc cũng sẽ phải nhìn lại cách tiếp cận của họ. Thứ Trưởng Ngoại Giao Jim Steinberg, nói chuyện tại thư viện Nixon mới đây, phát biểu: “Rồi ra, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải nhìn lại rồi tự bảo: ‘Có phải chúng ta sẽ có lợi hơn nếu chịu uyển chuyển hơn và chịu tham gia nhiều hơn trong các quan hệ đa phương, hay là chúng ta cứ giữ khư khư quan điểm chúng ta rồi bị các nước khác trong vùng đặt câu hỏi là tại sao Trung Quốc không chịu tham gia đa phương?’” |