“Theo tôi, nội dung cuốn phim nói lên được sự tàn ác của cộng sản đối với quân nhân QLVNCH. Biện minh cho việc chúng ta bị bỏ rơi là do bọn phản chiến tại Mỹ, như John Kerry và Jane Fonda. Phim cũng nói lên được tình chiến hữu của quân nhân Việt, Mỹ.
WESTMINSTER, California (NV) – Lễ ra mắt phim Ride the Thunder trước rạp Regency, ở Westminster, vào sáng Thứ Bảy, tiếp tục thu hút hàng trăm đồng hương hưởng ứng tới xem phim này hôm Chủ Nhật và ngày Thứ Hai, 30 Tháng Ba.
Phim Ride the Thunder tại rạp Legacy, Westminster. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
“Chúng tôi đã bán trên 200 vé từ sáng đến giờ này. Người xem hưởng ứng từng đợt. Chúng tôi vượt quá đòi hỏi 3,500 vé từ hôm đầu,” cô Rebecca Popperwell, quản lý rạp hát Regency, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.
“Mỗi ngày chúng tôi chiếu 10 suất. Hôm nay giờ chiếu bắt đầu từ 11:30 sáng ,12:20, 1:40, 2:40, 4:00, 5:00, 6:20, 7:20, 8:40 và 9:40 tối,” cô nói.
Với các suất chiếu, chỉ các nhau khoảng một tiếng nên có người đến lợi dụng thời gian trước giờ chọn xem để rủ nhau nói chuyện ngày 30 Tháng Tư.
Phía khách xem đa số là người lớn tuổi, các cựu quân nhân hẹn nhau đi xem phim suất hát ban ngày, vừa nhiều giờ, vừa tiết kiệm vì giá ngày thường trước 5 giờ 15 chiều, giá vé người lớn là $7.00. Sau giờ này người lớn $9.00 và trẻ em 12 tuổi trở xuống là $7.00.
Trong số nhiều câu chuyện kể trước và sau khi xem phim, ông Nguyễn Đức Châu, 75 tuổi, cư dân Westminster, tâm sự: “Tôi hôm nay dẫn con trai, con dâu và hai đứa cháu nội đi xem. Các cháu dẫn thêm bốn đứa bạn học nữa vì hôm nay trường học được nghỉ. Kìa, xe đầy người là tụi nó đó.”
Sau khi xem phim, ông Châu cho biết: “Theo tôi, nội dung cuốn phim nói lên được sự tàn ác của cộng sản đối với quân nhân QLVNCH. Biện minh cho việc chúng ta bị bỏ rơi là do bọn phản chiến tại Mỹ, như John Kerry và Jane Fonda. Phim cũng nói lên được tình chiến hữu của quân nhân Việt, Mỹ. Chỉ tiếc là phim nói tiếng Anh làm mình không hiểu hết.”
Từ trái, ông bà Nguyễn Văn Xê, theo lời kể, tặng 500 vé. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Trước đó, ông tâm sự trong khi chờ các con, cháu đến: “Tôi nói tôi bao mà hôm nay chúng nó nói là đã mua vé online rồi.”
“Tôi là H.O 3, qua Mỹ Tháng Tám, 1990. Trước tôi là đại úy ở Liên đoàn 1 Biệt Động Quân. Tôi dẫn con cháu đi để cho chúng nó có khái niệm về cuộc chiến mà Cha Ông chúng nó trải qua. Đây là con trai tôi, Nguyễn Đức Hoài Hương, ra đời ngày 15 Tháng Tư, 1975 tại bệnh viện Vì Dân ở Sài Gòn,” ông giới thiệu thêm về mình.
“Dạ con sanh ngày hết hạn khai thuế nên gia đình , vợ con rất dễ nhớ,” người con trai đứng bên, nói.
Cô vợ diễu chồng sao mang tên giống như con gái.
“Ba đặt tên cho nó là Hoài Hương để nhớ quê hương. Qua đây tiếng Anh không có dấu, biết đâu lại có người ghen với nó vì nghĩ là Hưởng Hoài,” ông nhìn cô con dâu cười.
Trong khi đó, suất hát lúc 12 giờ 20 đã hết. Một số lục tục ra về. Cảm tưởng có người bênh, có người chưa được hài lòng.
“Tôi thấy cuốn phim chưa có đủ chiều sâu. Tôi đi tù 8 năm. Cảnh tù cải tạo phải khổ hơn nhiều. Phim có vẻ nói tốt cho Việt cộng khi chiếu cảnh người tù phải hô 'Hoan Hô Hồ Chí Minh.' Không hề có chuyện ấy!” ông Đức T. nói với vẻ bực tức.
Một người khác, ông Thức Hà, một cựu sĩ quan cảnh sát, đứng bên cạnh, xen vào: “Cảnh phim nói năm 1980 trại tù do quân đội quản lý là sai. Từ 75-79 thì chỉ có bộ đội cộng sản quản lý, nhưng qua 80 thì phải là công an quản lý mới đúng.”
Vợ ông Thức, bà Nhung Nguyễn khi ấy cho biết: “Vụ thăm nuôi thì câu chuyện đúng, vì trong suốt bảy năm khi ổng đi tù ngoài Bắc, tôi chỉ đi thăm nuôi được ba lần. Sau ông ấy về trại Z30D trong miền Nam thì tôi đi thăm nuôi hai tháng một lần. Chỉ có cái bàn thăm nuôi trong phim thì nhỏ hơn. Phải làm cái bàn to mới đúng.”
“Nhưng những hình ảnh khúc cuối thì rất cảm động. Như thế cũng được rồi. Tài tử Joseph Hiếu diễn xuất hay lắm,” bà Nhung nói.
Người xếp hàng vào xem phim. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Cô Nguyễn Thị Hạ My, 25 tuổi, mới đoàn tụ với gia đình được hai năm, đứng im, nghe.
“Con thấy phim rất cảm động. Con xem xong rồi, nhưng muốn ở lại nghe mấy chú bác để hiểu thêm, vì hồi đó con chưa sinh ra, đâu biết gì,” cô Hạ My nói.
Bà Loan Nguyễn, nhà ở Anaheim, đi xe bus, đến xem.
“Tôi xem TV và radio quảng cáo quá, sợ không đủ người đi xem, họ không cho chiếu trên toàn quốc, nên phải đi. Đến đây thấy có những người khác, tôi cũng mừng vì báo cho biết mình đủ tiêu chuẩn rồi. Thế cũng đỡ lo. Tôi đi vài nơi mới tìm mua được vé. Đâu biết là tới đây mua cũng được!” bà Loan kể.
Ông Thoan Đoàn, 62 tuổi, cư dân Anaheim, góp ý: “Ông hồi nãy nổi nóng, nhưng theo tôi thì mỗi trại tù một khác, cũng có lúc công an quản lý trại tù. Điều quan trọng là tôi thấy cuốn phim đã lấy lại danh dự cho quân lực VNCH và các chiến sĩ Hoa Kỳ. Vây cũng đáng công rồi.”
Ông Tống Lê, đồng tình phát biểu: “Chỉ cần cho thế giới biết sự tàn ác của cộng sản Việt Nam là tôi thấy cuốn phim thành công rồi.”
Anh Thiện Thành Nguyễn tới tận tòa soạn Người Việt, cung cấp hình của một cựu quân nhân cùng vợ, và kể: “Bác Nguyễn Văn Xê, 82 tuổi, khóa 19 sĩ quan Đà Lạt, mua 500 vé trị giá $3,500 hôm tuần trước, trong buổi họp tại Thư Viện Việt Nam. Hai bác chỉ muốn âm thầm, 'làm việc nước không cần đưa tên tuổi'.”
Thứ hai từ phải, ông Nguyễn Đức Châu và con, cháu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải thấy thế, kể chuyện ông đi xem phim trong hai ngày cuối tuần.
“Vé của tôi đi xem hôm Chủ Nhật là vé của hai cụ ấy cho đấy. Hai suất hát tôi đi, suất nào cũng kín người. Đa số là người lớn tuổi, nhưng tuổi trẻ cũng nhiều. Nhiều người ước phải chi phim có phụ đề tiếng Việt,” ông nói.
Ông kể những chi tiết khiến ông xúc động nhất.
“Với tôi, cảnh quản giáo buộc các tù nhân VNCH hô 'HCM muôn năm, những người không hô là bị lôi đi. Kế đến là cảnh thăm nuôi nhắc tôi nhớ đến cảnh các gia đình có chồng đi tù cải tạo, đem hết đồ đạc bày bán trên lề đường Lăng Cha Cả, để lấy tiền thăm nuôi chồng. Sau hết, là người từng ở tù 11 năm, tôi hiểu thân phận người tù, tuy cuốn phim chưa lột tả được hết sự đau đớn về thể xác, lẫn tinh thần của họ,” ông nói.
“Sau khi phim chấm dứt, một bà cụ ngồi bên cạnh tôi đã khóc hết nước mắt. Đèn bật sáng, mắt người nào cũng đỏ hoe, ai cũng vỗ tay,” ông nói thêm.
Phim “Ride the Thunder” kể lại câu chuyện xung quanh cựu Trung Tá Lê Bá Bình, sĩ quan thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mang cấp bậc thiếu tá tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 3 Sói Biển trong phim, và cố vấn Mỹ Thủy Quân Lục Chiến tham dự chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1970 là Đại Tá John W. Ripley, vai đại úy trong phim.
Phim Ride the Thunder sẽ chiếu hết tuần này tại rạp Regency, 6721 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683.
Muốn biết thêm chi tiết về phim, xin vào trang web http://www.ridethethundermovie.com/
Muốn mua sách, xin vào trang web http://www.amazon.com/Ride-Thunder-Vietnam-Story-Triumph/dp/193507105X