main billboard

Miền đất San Jose bỗng nhiên đã trở thành địa danh lịch sử của người Việt Nam tị nạn từ năm 1975

 

Miền đất San Jose bỗng nhiên đã trở thành địa danh lịch sử của người Việt Nam tị nạn từ năm 1975,

không những chỉ vì đây được mệnh danh là Thủ phủ Tình Thương với những chương trình cứu trợ thành công vượt bực cho đồng bào thuyền nhân, cũng không những vì đây là thung lũng điện tử, công ăn việc làm dư dật, đời sống văn hóa cao trổi, có mức hội tụ người Việt đông đảo, mà hơn nữa, San Jose còn vang danh trên khắp thế giới nhờ cuộc tranh đấu dũng mãnh và trường kỳ của người Công Giáo Việt Nam tỵ nạn đòi hỏi Giáo quyền địa phương thiết lập một Giáo Xứ Thể Nhân cho người Công Giáo Việt Nam tại đây.

    Tại sao họ lại đoàn kết tranh đấu bền bỉ trong suốt gần 20 năm trường (1983-2002)?

    Câu trả lời thật phức tạp và nhiêu khê. Đó là lý do cuốn sách này ra đời.

    Trước khi tìm hiểu mọi khía cạnh của cuộc tranh đấu, độc giả cần có một cái nhìn khái quát về Giáo Phận San Jose, nơi hình thành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam. Với bối cảnh này, độc giả sẽ am tường sinh hoạt của người Công Giáo Việt Nam và dễ nhận định tại sao họ phải đứng lên tranh đấu, một công việc mà có người đã cho là không nên làm trong tư thế của kẻ ăn nhờ ở đậu.

    Giáo Phận San Jose được tách rời khỏi Tổng Giáo Phận San Francisco để thành một địa phận mới vào ngày 27-1-1981. Vào thời điểm đó, Giáo Phận San Jose có khoảng 8.000 giáo dân Việt Nam trong tổng số trên 300.000 người Công giáo trên đất Hoa Kỳ.

    Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam San Jose được LM. Nguyễn Văn Tịnh thành lập ngày 17 tháng 11 năm 1975, lúc mà những người tỵ nạn còn bơ vơ ngỡ ngàng về nơi họ sống, về tương lai của chính họ. Thế nhưng ưu tư về đức tin vẫn luôn luôn chiếm hàng đầu. Người ta nghĩ đến việc xây dựng nhà Chúa để nuôi dưỡng đức tin. Một đại hội đông đảo giáo dân đã tập họp ngày 24-6-1979 tại nhà thờ St. Maria Goretti và đi đến một quyết định chung là thiết lập "Văn Phòng Xây Dựng Nhà Chúa" để phối trí các hoạt động gây quỹ và chương trình xây cất một nhà thờ Việt Nam tại San Jose. Chủ tịch đầu tiên là ông Trần Công Thiện (1979-1980), rồi ông Lương Ngọc Thiệu (1981-1982), qua ông Nguyễn Văn Hiệt (1982-1983).

    Ngày 17 tháng 7 năm 1979, Tòa Tổng Giám Mục San Francisco chấp thuận cho Cộng Đồng vay $133.000 Mỹ Kim để tạo mãi một cơ sở tại khu Đông San Jose, nhưng vì bãi đậu xe chật chội, không đủ phương tiện cung cấp nên chương trình mua bán phải bỏ dở. Thời gian gây quỹ thật là náo nhiệt. Giáo dân không quản gian lao, đã thi nhau đi lượm báo cũ, lon nhôm và đi hái ớt ở cánh đồng nóng cháy tại Morgan Hill, hầu nâng số tiền gây quỹ cho đủ mức nhu cầu.

    Rồi Địa Phận San Jose hình thành, đoàn chiên Việt có chủ chăn mới: Đức Giám Mục PIERRE DuMAINE. Ngày 10-5-1982, Đức Giám Mục đã tiếp xúc phái đoàn do ông Trần Trung Lương hướng dẫn. Hiện diện trong phiên họp còn có Cha Joseph Milani, Chưởng ấn, Cha Michael Mitchell, Tổng Quản Lý, Cha Nguyễn Văn Tịnh, Tuyên Uý Cộng Đồng. Sau những thăm hỏi và thảo luận, Đức Cha công bố quyết định cho Cộng Đồng vay tiền để tạo mãi ngôi nhà thờ của giáo phái Tin Lành Faith Lutheran, tại số 685 Singleton Road, San Jose, làm Trung Tâm Công Giáo Việt Nam. Ngày 12-8-1982, Cộng Đồng nhận cơ sở nói trên với tất cả niềm cảm xúc và hồ hởi. Nhưng ngày muôn đời đáng ghi nhớ là ngày 27-2-1983 khi Đức Cha đến làm phép cơ sở và đặt Cha Nguyễn Văn Tịnh làm Giám Đốc Trung Tâm với Cha Đôminicô Đỗ Văn Đĩnh và Đôminicô Vũ Thanh Tường làm phụ tá.

    Nhưng ngay sau ngày Trung Tâm Singleton hình thành thì bắt đầu manh nha hai chiều hướng mục vụ khác nhau: Chiều hướng của Cha Tịnh và Cộng Đồng là Trung Tâm này phải là Nhà Thờ Giáo Xứ Việt Nam, còn ĐGM DuMaine lại chỉ muốn là Trung Tâm Xã Hội thôi, các mục vụ bí tích thì phải cử hành ở nhà thờ địa phương.

    "Cơm không lành canh không ngọt" bắt đầu từ đó. Đức Giám Mục quyết định dùng cơ sở Singleton cho các Linh Mục VN cư ngụ, còn giáo dân lại coi Trung Tâm như Nhà Thờ Họ Đạo, lấy lẽ rằng Đức Tổng Giám Mục tiền nhiệm John Quinn đã cho lập "Họ Đạo" (Mission). (Văn kiện 1)

    Sự xung đột ngày một gia tăng, nhất là khi Đức Giám Mục không cho phép cử hành bí tích ở Trung Tâm thì giáo dân chuyền đi một dư luận rằng các linh mục Việt Nam gạt giáo hữu để mua chỗ ở cho thoải mái, còn bắt ép giáo dân phải đi dự lễ nhờ.

    Nỗi khổ này Cha Nguyễn Văn Tịnh phải đệ trình, nài nỉ, "làm reo" mới được ĐGM DuMaine lắng nghe và ban cấp cho Trung Tâm quy chế "Họ Đạo". Dầu vậy, giữa Đức Giám Mục và Cha Tịnh đã nảy sinh một mặc cảm. Dưới mắt Giám Mục Hoa Kỳ, một Linh Mục không thể làm "reo" như vậy, dù có đủ lý do biện minh, kể cả lý do lành thánh, đạo đức... ĐGM. DuMaine dùng các linh mục Việt Nam khác làm bình phong cho lập trường đồng hóa của mình, đang khi Cha Tịnh lấy lực lượng giáo dân hỗ trợ cho thỉnh nguyện, nhất là sau ngày 25-1-1983, Bộ tân Giáo Luật ra đời, Tòa Thánh hủy bỏ định chế "Họ Đạo" và khích lệ các Giám Mục địa phương phải lo cho các sắc dân có "Giáo Xứ Thể Nhân" (Personal Parish) riêng. "Bĩ tắc biến"... cho nên những đụng chạm đương nhiên phải xảy đến.

    Trong lúc này, một linh mục Việt Nam đi lẻ với ĐGM. DuMaine, tung ra nhiều thư nặc danh đánh đòn cân não nhắm vào LM. Nguyễn Văn Tịnh. Cuối cùng, vị chân tu không quen mánh lới và đòn phép "thế gian" đã quỵ xuống và phải miễn cưỡng xin nghỉ dưỡng bệnh. LM. Vũ Thanh Tường giữ quyền giám đốc.

    Trớ trêu hay định mệnh?! Trong thời gian Linh Mục Tịnh nghỉ bệnh thì Cha Chưởng Ấn mời Cha Tịnh đi họp tại Tòa Giám Mục. Cha Tịnh thản nhiên đến dự thì gặp ngay khuôn mặt lạnh như tiền của ĐGM. DuMaine án ngữ:

    - Tại sao Cha đến đây?

    Cha Tịnh ngạc nhiên trả lời:

    - Thưa, Cha Chưởng Ấn gửi thư mời.

    Đức Cha đưa mắt hỏi Cha Chưởng Ấn:

    - Cha có gửi thư mời Cha Tịnh?

    Cha Chưởng Ấn đáp:

    - Dạ, con có gửi thư cho tất cả Cha Việt Nam.

    Ngừng một chút, Đức Cha giọng đanh thép:

    - Tôi không muốn thấy mặt Cha ở đây!

    Cha Tịnh đã lủi thủi ra về đem tâm tư chia xẻ với những người thân tín. Và những đau khổ biến thành "uất hận". Hôm ấy là ngày 15-4-1984.

    Một tháng sau, ngày 18-5-1984, Đức Cha họp các linh mục Việt Nam để chính thức công bố chính sách mục vụ cho người Việt Nam. Theo chính sách này, người ta có thể gọi đó là "văn thư mục vụ đồng hóa". Thấy tình trạng cấp bách phải đối kháng, Ban Chấp Hành họp ngày 20-5-1984, xin Đức Cha thiết lập Giáo Xứ Thể Nhân. Để giúp cho mục tiêu được kết quả, Cộng Đồng lập một Uỷ Ban Đặc Nhiệm nhằm đẩy công tác này tới mục tiêu sáng chói. Đó là ngày 31-5-84.

    Và cũng chính ngày hôm ấy, Tòa Giám Mục công bố văn thư chính thức nói về chính sách mục vụ dành cho người Việt Nam. Từ đó, "chính sách mục vụ đồng hóa" không còn phải là tin đồn nữa, mà rõ rệt được phơi bày trên giấy trắng mực đen (Văn kiện 2). Ai cũng sửng sốt. Đó là nguồn cội của sự đấu tranh tiếp diễn.

    Trên bình diện Thánh Kinh, Giáo Sử và Thần Học Công Giáo, chúng tôi muốn nhân cuộc tranh đấu này suy tư về những diễn biến San Jose như một chứng minh hùng hồn hiện đại của một quá trình đi lên của Giáo Hội, không ngừng tranh đấu để tồn tại và phát triển.

    Trang đầu của Hiến Chương Tranh Đấu đã được các giáo dân Việt Nam tị nạn tại San Jose, những người con thân yêu của Giáo Hội hoàn vũ nói chung và Giáo Hội VN. nói riêng, mở tung ra vào đúng ngày 20-7-1986 và tác giả cuốn sách này có diễm phúc được các giáo dân mời nhập cuộc và đóng góp một phần nhỏ vào việc hình thành bản Hiến Chương Tranh Đấu này.

San Jose, ngày 1 tháng 1 năm 2010
Tiến Sĩ TRẦN AN BÀI

vucan quin

 mucvu3105 1