Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tác động xấu của biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á


climatechange 1Biểu tình hôm 12/8/2013 tại Washington nhằm áp lực chính phủ Hoa Kỳ bảo vệ môi trường trước tác động xấu của biến đổi khí hậu, ảnh minh họa. AFP photo

Một báo cáo vừa được công bố gần đây của Ngân Hàng Thế giới đưa ra cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những tác động bất lợi cho khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Châu Phi.

Những tác động đó tại khu vực Đông Nam Á là gì? Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á nhìn thấy những thay đổi bất lợi như thế và có những biện pháp ứng phó ra sao?

Cảnh báo của World Bank

Báo cáo công bố hồi tháng sáu vừa qua của Ngân hàng Thế giới nêu rõ tại khu vực Đông nam Á, những thành phố ven biển sẽ chịu áp lực dữ dội do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên.
Với khả năng mực nước biển dâng lên 30 centimet vào năm 2040 thì sẽ gây nên tình trạng ngập lụt trên diện rộng ở những thành phố lớn; nước mặn xâm nhập những vùng đất thấp chuyên canh tác.

Cảnh báo nói rõ vùng sản xuất lúa Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam là nơi chịu tác động đặc biệt. Với mức tăng 30 centimet của mực nước biển thì Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam mất 11% sản lượng nông nghiệp.

Tình trạng biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến độ mạnh của bão tăng thêm.

Độ acid trong nước biển gia tăng lên sẽ dẫn đến tàn phá các rạn san hô. Đó là nơi mà cá sinh sống, cũng như là một tác nhân giúp giảm tác động của bão tố. Ngoài chuyện nước biển dâng cao lên, nhiệt độ ấm hơn của nước biển cũng khiến cho phân nửa lượng cá đánh bắt từ vùng biển quanh Philippines giảm đi.

Ông Jim Yong Kim, chủ tịch Nhóm World Bank ( World Bank Group) phát biểu về tình hình vừa nêu, đại ý:

    Tại Đông Nam Á, tình hình cũng rất đáng quan ngại. Cuộc sống ở khu vực nông thôn bị đe dọa khi mực nước biển dâng lên, chu kỳ bão nhiệt đới mạnh thêm, hệ sinh thái biển bị mất đi.
    - Ông Jim Yong Kim

"Theo ông, khi mà nhiều người nghe nói rằng nhiệt độ của Trái đất sẽ tăng thêm lên 2 độ C, họ có thể chỉ đơn thuần cho rằng có 2 độ C thôi thì có thể gây ra những thay đổi gì? Tuy vậy, các nhà khoa học nói với chúng ta rằng nếu Trái đất ấm thêm lên 2  độ C nó sẽ thay đổi một cách cơ bản. Cách thức mà nước trên Trái đất lâu nay vận hành sẽ thay đổi dẫn đến nạn hạn hán gây hại; sẽ gây lụt lội khiến cho các thành phố gặp nguy hại; và sẽ đưa đến những vấn đề khiến cho giới nghèo không thể đủ nguồn mưu sinh.

Điều khiến ông lo lắng nhất là tình trạng Trái đất ấm lên thêm 2 độ C sẽ diễn ra vào thời điểm năm 2030-2040 mà thôi. Điều đó khiến cho không thể giúp cho nhiều người thoát khỏi đói nghèo; như mục tiêu vào năm 2030 đề ra. Thành quả của nhiều thập niên phát triển sẽ bị xóa sạch nếu như chúng ta để cho Trái đất ấm thêm lên 2 độ C. Nếu chúng ta không làm gì để giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ gặp vô cùng khó khăn trong công tác chấm dứt đói nghèo trên thế giới.

Cũng theo ông thì tại Đông Nam Á, tình hình cũng rất đáng quan ngại. Cuộc sống ở khu vực nông thôn bị đe dọa khi mực nước biển dâng lên, chu kỳ bão nhiệt đới mạnh thêm, hệ sinh thái biển bị mất đi. Và theo đánh giá, những thành phố như Bangkok, thành phố Hồ Chí Minh, Jakarta, Manila đặc biệt sẽ bị đe dọa bởi mực nước biển dâng lên."

Đánh giá của Việt Nam

climatechange 2Một áp phích cảnh báo về biến đổi khí hậu tại Việt Nam. AFP photo

Trước cảnh báo mà Ngân hàng Thế giới đưa ra như thế, Việt Nam nhận thấy tình hình trong nước ra sao?

Chúng tôi nêu vấn đề này ra với chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Việt Nam, ông Trần Việt Liễn, và trước hết ông đưa ra nhận xét về báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới.

"Về báo cáo của WB, theo tôi cũng không có gì mới đặc biệt vì do những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng những tác động của biến đổi khí hậu làm cho vùng Châu Á, nhất là Châu Á- Thái Bình Dương có những ổ thiên tai, đặc biệt là bão sẽ tăng cường hoạt động. Đối với Việt Nam, chuyện đó có lẽ cả người dân cũng đã nhận thức được điều đó. Như thế báo cáo của WB cũng để nhắc nhở cho chúng ta không quá chủ quan. Chúng ta lâu nay có tuyên truyền nhiều, nhưng tuyên truyền nhiều mà không có nhận thức thì không có kết quả trong việc quần chúng hóa các giải pháp để phòng tránh. Theo tôi những điểm nhấn mạnh của WB cũng chỉ để nhắc nhở thôi chứ còn nhận định chung tôi cho rằng cũng nằm trong kết quả nghiên cứu của IPCC ( Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu) trong những công bố gần đây."

Cơ quan chức năng Việt Nam gồm hai bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn và Tài Nguyên- Môi trường trong thời gian qua cũng có xây dựng nên những kịch bản về khả năng biến đổi khí hậu gây nên cho các vùng miền tại Việt Nam. Chuyên gia Trần Việt Liễn cho biết thông tin liên quan về những kịch bản đó như sau:

Kịch bản nói nôm na là những dự báo thông tin để làm các qui hoạch, chính sách hoặc các giải pháp phòng ngừa. Có thể nói những kịch bản trong những thông báo của IPCC lần thứ ba đến lần thứ tư vừa rồi cũng đã đi vào trong những nghiên cứu, giải pháp của nhiều vùng ở Việt nam. Người ta dựa vào đó để đưa ra những giải pháp cần phải làm, đến mức độ nào, vào khoảng thời gian nào; ví dụ từ nay đến năm 2030, từ nay đến năm 2050 và đến cuối thế kỷ. Trong báo cáo lần thứ năm của IPCC vào cuối năm nay sẽ có đổi khác. Chúng tôi trong nước cũng đã bắt đầu nghiên cứu, so sánh xem kịch bản mới có những gì tương ứng với kịch bản cũ và để từ đó có thể đưa ra những khuyến cáo về những giải pháp đã làm trước đây sẽ có tương ứng thế nào với các kịch bản mới mà IPCC sẽ công bố.

    Nếu không có những giải pháp thích ứng tích cực thì không chỉ có bán đảo Cà Mau mà nhiều vùng khác của Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị nhấn chìm dưới mặt biển. (    - Chuyên gia Trần Việt Liễn)

Ngoài ra là những công tác cụ thể cho các khu vực dễ bị tác động nhất, đặc biệt là vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Cũng theo lời của chuyên gia Trần Việt Liễn:

"Khi có kịch bản về biến đổi khí hậu, người ta có thông số cụ thể để ‘giải quyết’ những giải pháp. Ví dụ ở Đồng bằng Sông Cửu Long có thể người ta có hình dung cụ thể hơn: nước biển dâng sẽ ảnh hưởng như thế nào, đến năm nào mức độ mức nước ảnh hưởng đến bao nhiêu; từ đó các giải pháp như xây dựng đê để phòng vệ, các biện pháp phòng lũ từ trên xuống kết hợp với nước biển dâng và triều cường giải quyết ra làm sao. Cái đó ( kịch bản) cũng giúp giải quyết ngập lụt cho các khu đô thị lớn. Tuy nhiên đó chỉ là những thông tin để người ta có thể hình dung thêm trong tương lai nhiều hơn ở hiện tại.

Một thông tin từ biến đổi khí hậu là thiên tai sẽ mạnh hơn khiến người ta cũng quan tâm hơn. Trong thiên tai có mấy vấn đề: thứ nhất là ảnh hưởng của bão. Những nghiên cứu gần đây của Việt Nam cho thấy xu thế ảnh hưởng của bão có những thay đổi. Nam bộ không còn là khu vực an toàn đối với bão như trước đây người ta quan niệm. Có lẽ trong những năm tới, ảnh hưởng của bão đối với nửa phần phía nam của Việt Nam sẽ có những biến đổi đáng kể. Thứ hai, khả năng những đợt mưa lớn gây ra lũ lụt, trong đó gây ra lũ quét hiện nay cũng đã thường xuyên và còn ảnh hưởng mạnh hơn. Vấn đề lũ lụt đối với các đô thị, vấn đề lũ quét và lở đất đối với các khu vực miền núi cũng là những điều được cảnh báo qua kịch bản biến đổi khí hậu.

Từ cảnh báo và những giải pháp để xử lý được chú ý hơn.

Tất nhiên, mức độ vẫn còn nhiều tồn tại; nhưng theo tôi nhận thức của các nhà quản lý, những chính sách, giải pháp đối với vấn đề biến đổi khí hậu thì Việt Nam là nước có nhiều đóng góp, có nhiều chính sách, những chương trình được phát triển, hỗ trợ cho người dân, cho các giải pháp ứng phó".

Hồi tháng 7 vừa qua, Viện Địa Kỹ thuật Hoàng gia Na Uy đưa ra cảnh báo trong vòng vài thập niên nữa Cà Mau của Việt Nam sẽ biến mất nếu như không có những biện pháp ngay từ bây giờ. Chuyên gia Trần Việt Liễn có ý kiến về vấn đề này:

"Không phải chỉ có cảnh báo của Na Uy mà nhiều nghiên cứu của Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo là nếu không có những giải pháp thích ứng tích cực thì không chỉ có bán đảo Cà Mau mà nhiều vùng khác của Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị nhấn chìm dưới mặt biển. Ở Cà Mau có tổng kết tại đó hiện tượng khai thác nước ngầm quá mức làm cho mặt đất của cà Mau sụt lún xuống. Như thế nước biển dâng cộng với sụt lún làm cho Cà Mau nguy hiểm.

Có những cảnh báo còn nguy hiểm hơn, nhưng vấn đề đặt ra là những giải pháp phải như thế nào. Ở Việt Nam, người ta chủ trương giải pháp bảo vệ là chính. Hệ thống đê biển là biện pháp quan trọng nhất để có thể giữ lại diện tích. Hiện nay các đê biển đang được tích cực nâng cấp. Người ta đang kết hợp với các chuyên gia Hà Lan, nơi có kinh nghiệm về vấn đề này để tổ chức phòng vệ trong điều kiện nước biển ở ngoài cao hơn mặt đất phía trong.Trong những năm gần đây, người ta giải bài toán ‘sống chung với lũ’ bằng cách tôn cao nhiều khu vực cho dân ở; đó cũng là giải pháp có tính toán đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng."

Switch mode views: