Nét Việt Ở Havana
- Thứ Ba, 27 tháng Tám năm 2013 14:03
- Tác Giả: Bùi Văn Phú
Vừa rời máy bay, gió nóng và ẩm quẹt vào da làm tôi nhớ đến Việt Nam ngay. Trên đường vào Thủ đô Havana, nhìn nhà cửa cũ, tường vôi bạc mầu và phượng đang nở rực là điều gợi nhớ cho tôi nhất về quê nhà.
Đầu tháng Sáu, phượng đang nở hoa. Gần Quảng trường Cách mạng có góc công viên phượng rơi đỏ cả thảm cỏ xanh.
Không biết cánh hoa đỏ có là bạn thân thương của học trò Cuba, như học sinh Việt đã yêu phượng qua văn xuôi của Xuân Diệu, đã nhớ mùa hè qua ca từ của Thanh Sơn: “Mầu hoa phượng thắm như máu con tim/Mỗi lần hè sang kỷ niệm người xưa biết đâu mà tìm” hay của Anh Bằng: “Bây giờ còn nhớ hay không?/Anh đem cánh phượng tô hồng má em...”
Hỏi anh Alejandro, hướng dẫn viên Cuba của đoàn, về tên gọi tiếng Tây Ban Nha, anh nói tên hoa là “flamboyant”, cũng như trong tiếng Anh và tiếng Pháp. Tôi thắc mắc về nguồn gốc tên “Phượng” trong tiếng Việt.
Loại hoa đỏ này nguyên thủy xuất phát từ đâu và sao lại được trồng nhiều ở Hải Phòng, Huế cũng như ở Bangkok, Hong Kong, Lomé, Cancún, Los Cabos mà tôi đã thấy.
Có thể vì sắc hoa đỏ nổi bật vào hè là mùa du lịch nên dễ nhận ra hơn những loại thảo mộc quen thuộc khác ở Cuba, như cây bàng xum xuê lá cũng được trồng nhiều ở đây. Hay như ở một làng quê cách Havana hơn trăm cây số, ngoài phượng còn có luỹ tre xanh và ao hoa súng.
Ngoài hoa lá thân quen, trong bữa ăn trưa đầu tiên ở Havana, gọi ly rượu rum mojito truyền thống Cuba thấy trong đó có vài lá húng nhũi mà người Việt hay ăn với gỏi cuốn, với bún bò Huế.
Những ngày ở Cuba đi đâu cũng thấy phượng nở đỏ và mojito thoảng mùi rượu và húng nhũi là nét Việt thân thương ở xứ sở của Fidel Castro. Còn thức ăn Việt thì sao. Có không. Tôi cũng cố đi tìm.
Với lịch sử quan hệ lâu đời với Việt Nam, tôi tin thế nào cũng có ẩm thực Việt ở đây. Tôi đã nghe biết về một số người Việt sống ở Cuba. Ca sĩ Ái Vân đã từng sang Cuba hát. Nhiều nhà ngoại giao Việt phục vụ tại Hoa Kỳ là cựu du sinh ở Cuba. Chuyện một thời xôn xao là cô Kim Phúc, nạn nhân bị bom lửa trong thời chiến tranh, cùng chồng qua Cuba và trên đường du hành khi máy bay ghé Canada thì cả hai đã xin tị nạn chính trị.
Đã sống qua nhiều nơi, kể cả xứ Togo xa xôi tận châu Phi mà tôi cũng tìm được phở, nem rán; với quan hệ khăng khít Cuba-Việt Nam thay nhau thức ngủ để cùng canh giữ hòa bình thế giới như lãnh đạo Việt Nam đã phát biểu dịp thăm Cuba cách đây vài năm, tôi tin văn hoá Việt ít nhiều có dấu ấn ở Havana.
Gần cuối chuyến du học chúng tôi mới có một buổi chiều được tự do. Anh bạn ở chung phòng và tôi, cùng mấy bạn nữa đi thăm Bảo tàng Cách mạng, trong đó trưng bày nhiều hình ảnh, tài liệu chống Mỹ kịch liệt, như một thời ở Bảo tàng Tội ác Mỹ-Ngụy ở Sài Gòn, này là Bảo tàng Tàn tích Chiến tranh.
Rời bảo tàng khi đã hơn 5 giờ chiều. Mọi người rủ nhau đi ăn ngoài. Tôi nói với cô giáo phụ trách lớp là tối nay tôi muốn đi tìm một nhà hàng Việt.
Khi mới tới Havana, hỏi quầy lễ tân ở khách sạn về quán Việt và được biết có quán Hanoi, nhưng không rõ địa chỉ. Tôi tìm một cuốn niên giám điện thoại của Havana để xem có người Việt hay nhà hàng Việt nhưng không kiếm đâu ra sách này.
Nhờ cô giáo nói với người đạp xích lô là tôi muốn đến quán tên Hanoi. Cô nói tiếng Tây Ban Nha với người phu xe, rồi bảo tôi mau lên vì trời bắt đầu mưa. Cô nói anh ta sẽ đưa tôi đến đó.
Vừa lên xe là trời đổ mưa lớn. Chừng hai mươi phút sau, anh đưa tôi đến trước khu phố có cổng với bảng chữ tàu và những lồng đèn. Anh ra dấu chỉ tay vào đó.
Hình ảnh Cuba. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Tôi xuống xe, trả anh 3 CUC (khoảng 3 USD). Lúc này trời mưa như trút nước nên tôi nép vào hiên đứng chờ. Ngớt mưa tôi băng qua đường vào phố Tàu Havana.
Đi lên đi xuống con phố nhỏ, con hẻm thì đúng hơn, chỉ thấy dăm nhà hàng Tầu. Không thấy quán Hanoi. Tôi quyết định vào một quán, gọi bia và món gà xào với dứa để nhâm nhi cho đỡ đói và chờ ngớt mưa.
Điều lạ ở đây là không thấy người Hoa hay người châu Á nào. Hỏi cô phục vụ có biết quán Hanoi. Tiếng Tây Ban Nha của tôi lõm bõm nhưng cũng hiểu cô nói nhà hàng ở khu Nuevo Vedado, gần khách sạn tôi ở.
Một lúc sau, một cụ bà từ trong bếp bước ra. Bà nói gì đó tôi không hiểu. Cô gái lấy tờ giấy, tôi viết xuống: “Restaurante Hanoi, cocina vietnamesa”. Cụ bà nói, cô gái ghi: “Parque Cristo” và mấy chữ nữa. Tôi hỏi từ đây đến đó đi taxi tốn bao nhiêu tiền và bao nhiêu phút. Cô nói taxi 5 CUC và tốn chừng 10 phút. Đi xích lô đạp, 3 CUC và chừng 20 phút.
Hôm nay là lần đầu tiên tôi đi phố một mình nên cũng hơi lo, dù rằng người hướng dẫn đoàn đã nói với chúng tôi là an ninh ở Havana rất tốt.
Tôi chọn xích lô vì nếu có gì còn dễ nhảy xuống được. Xe chạy qua nhiều con đường. Cũng may trời mưa mát nên tôi không cảm thấy ái ngại cho công sức của người đạp xe khi phải leo dốc hay lách ổ gà.
Đi khá lâu mà chưa thấy nhà hàng đâu. Thỉnh thoảng tôi lại hỏi sắp đến chưa và tài xế cứ nói sắp, sắp hay gì đó tôi không hiểu.
Đi tìm một nơi không hề biết trước làm tôi nhớ đến cặp vợ chồng bạn Mỹ vào hè năm 1987 đã đón xích lô từ khách sạn Continental ở trung tâm Sài Gòn để đi tìm nhà bố mẹ của tôi ở khu Ngã ba Ông Tạ với nhiều lo lắng không biết có đến đúng nơi.
Hôm nay tôi cũng có tâm trạng như cặp vợ chồng bạn, ngồi xe xích lô mà lòng lo lo vì chuyến trước xe đã đưa không đến nơi.
Cuối cùng xe dừng trước nhà hàng có tên Hanoi. Tôi mừng trong lòng. Giá mặc cả trước là 3 CUC, tôi trả anh 5 vì thấy đạp lòng vòng hơi lâu.
Bên trong không một bóng khách. Có thể là còn quá sớm cho giờ cơm tối. Hay tại mưa nên vắng.
Người phục vụ đưa tờ thực đơn, tôi đọc qua không thấy món ăn Việt. Hỏi bằng tiếng Anh ở đây có bán phở không. Anh không hiểu. Tôi hỏi luôn tiếng Việt: “Tiệm có bán phở không anh?” Anh cũng không hiểu và gọi một người từ sau nhà ra. Ông nói tiếng Anh khá lưu loát và hình như là chủ nhà hàng. Tôi nói mình muốn món ăn Việt. Ông trả lời nhà hàng tuy mang tên Hanoi, nhưng không bán thức ăn Việt. Tôi thất vọng.
Rồi ông hỏi tôi có biết về cuộc chiến tại Việt Nam, tôi nói biết. Ông giải thích là khi Việt Nam đánh bại Hoa Kỳ, ông đã thêm “Hanoi” vào tên nhà hàng, nguyên thuỷ là La casa de la Parra, để mừng chiến thắng của Việt Nam.
Tôi gọi cơm với tôm hùm và cá nướng, thêm chai bia Bucanero. Tìm hiểu xem có quán ăn Việt nào ở đây, ông nói không, nhưng cho biết ở Havana có Parque Ho Chi Minh. Hỏi ở đâu, ông không nhớ rõ.
Hình ảnh Cuba. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Có lẽ đây là khu cư dân vì ngồi trong quán ngó ra thấy người đi bộ qua lại. Trước cửa nhà hàng có hai sạp bày bán khoai bắp, cây trái.
Bữa ăn tốn 25 CUC, gồm cả tiền boa, bằng hơn nửa tháng lương của một công nhân viên trong một đất nước vẫn còn chế độ tem phiếu. Như thế tôi không biết nhà hàng Hanoi phục vụ khách thuộc giai cấp nào. Một giờ đồng hồ trong tiệm, chỉ mình tôi là khách.
Rời Hanoi, ra đường nhìn quanh thấy cách đó vài khu phố là toà nhà hành chánh của Thủ đô Havana với kiến trúc như Điện Capitol của Quốc hội Mỹ mà cách đây vài hôm đoàn đã tham quan. Tôi cảm thấy yên lòng, đi bộ về hướng đó, rong chơi Havana về đêm.
Trở lại khách sạn, hỏi hướng dẫn viên về Parque Hồ Chí Minh, anh nói đó là “Parque Acapulco” và giải thích thêm là tượng ông Hồ đã được đặt khoảng 10 năm trước, trong một trao đổi với Việt Nam, theo đó tượng José Martí, anh hùng chống Tây Ban Nha của Cuba được đặt tại Hà Nội.
Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm. Vì chỉ còn hôm nay là trọn ngày ở Havana với những sinh hoạt bắt đầu lúc 9 giờ, sau bữa ăn sáng. Mai chúng tôi ra sân bay về lại Hoa Kỳ. Đây là cơ hội còn lại cho tôi tìm đến Công viên Hồ Chí Minh.
Bảy giờ sáng. Mình tôi rời khách sạn. Hỏi đi Parque Acapulco giá bao nhiêu. Tài xế taxi nói 7 CUC, tôi trả giá 5 CUC và nói nếu tài xế đợi ở đó chừng mười lăm phút rồi đưa tôi về lại khách sạn, tôi sẽ trả 10 CUC. Anh đồng ý.
Lên xe, thấy đèn đỏ trong xe báo lung tung làm tôi hơi lo. Sợ xe hư, không về lại khách sạn cho kịp giờ học mà không ai biết tôi đi đâu sẽ phiền nhiều người. Không còn chọn lựa nào hơn vì đã lên xe nên tôi chỉ cầu mong mọi chuyện sẽ như ý.
Xe chạy từ biển về hướng Quảng trường Cách mạng, rẽ phải sang khu vực với nghĩa địa có nhiều ngôi mộ lớn bằng đá trắng, một nghĩa địa có cổng tiếng Hoa.
Hai mươi phút sau đến nơi. Công viên hiện ra trước mặt. Không lớn lắm, chừng một nghìn mét vuông. Nhiều cây xanh. Bên kia đường là rạp hát Acapulco. Tượng bán thân ông Hồ Chí Minh đặt trên bục ở giữa, bên dưới có ghi ngày sinh và mất. Sau lưng tượng là một dãy trúc xanh.
Related news items:
Tin mới
- Người Việt ở nước ngoài rút ra khỏi thị trường địa ốc Việt Nam - 11/09/2013 21:48
- Apple ra mắt iPhone 5S và 5C - 11/09/2013 21:40
- Một ngày trên hàng không mẫu hạm CVN77 - 08/09/2013 21:04
- Xe hơi: Người bán, kẻ mua - 05/09/2013 09:45
- Khi rừng tre trổ bông - 04/09/2013 11:23
- Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 : Tôi chỉ mong dòng nhạc tử tế được hát một cách tử tế - 03/09/2013 21:19
- Hiểm họa trong du lịch sông nước miền Tây - 03/09/2013 20:59
- Thanh niên gốc Huế mở chương trình dạy tiếng Anh miễn phí qua mạng - 01/09/2013 04:35
- Nghề bán xe hơi - 28/08/2013 14:08
- Tác động xấu của biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á - 26/08/2013 14:20
Các tin khác
- Phong trào "xâm" - 16/08/2013 02:12
- Nhậu côn trùng ở Sài Gòn - 15/08/2013 22:32
- Tìm mua sữa? - 12/08/2013 03:36
- Điện mặt trời - 11/08/2013 22:27
- Chuyện thịt bò : Cách mạng hay ảo tưởng - 10/08/2013 22:59
- Cuộc cạnh tranh giữa Facebook và búa liềm - 09/08/2013 01:21
- Văn hóa nhậu đạt ngưỡng đỉnh cao - 07/08/2013 04:08
- Nhiệt độ nóng hơn gây thêm nhiều bệnh tật - 07/08/2013 03:44
- Những bài diễn văn rùng rợn chưa từng được đọc - 03/08/2013 22:39
- Lần đầu tiên tạo được tế bào gốc từ da người - 29/07/2013 22:07