Tìm mua sữa?
- Chúa Nhật, 18 tháng Tám năm 2013 12:12
- Tác Giả: Lê Phan
Ở phi trường Hồng Kông, một nhóm 40 du khách Hoa Lục đang kiểm soát những món hàng “chiến lợi phẩm” của chuyến đi du lịch Âu Châu: đủ thứ từ các khăn bằng lụa của Dior, đồng hồ Thụy Sĩ, và bóp cầm tay của Louis Vuitton. Và dĩ nhiên baby formula, sữa bột cho trẻ em, rất nhiều sữa bột cho trẻ em.
Ở Ðức, vội vàng chạy qua hàng hàng lớp lớp kệ của một siêu thị, những người khách Trung Quốc vội vàng nhét nửa tá lon baby formula lớn vào bị. Một bà 60 tuổi họ Giang phân bua, “Có một bà bảo cho tôi biết vừa nhẹ vừa rẻ mà đem về có lời lắm nên tôi đã mua hai hộp.”
Mà quả thật người Hoa đang mua sữa bột ở khắp các nơi mà họ có thể tới được, điều quan trọng là phải bên ngoài Trung Quốc. Và việc này đã dẫn đến thiếu sữa ở khoảng năm bảy quốc gia trên thế giới từ Hòa Lan ở lục địa Âu Châu đến Tân Tây Lan ở Nam Thái Bình Dương.
Ở một khía cạnh nào đó đây là một bài học đáng ngại cho tương lai. Sự thiếu hàng đã là một nhắc nhở là khả năng và chiều hướng tiêu thụ của người Trung Quốc, và sự quan tâm ngày càng gia tăng của họ đến an toàn thực phẩm và môi trường sẽ có hậu quả sâu rộng đối với những nhu yếu phẩm hàng ngày trên toàn thế giới.
Các công ty bán lẻ lớn như Boots hay Sainsbury's ở Anh nay giới hạn mỗi cá nhân chỉ mua được hai hộp infant formula mỗi lần, và ở ngay chính Hồng Kông, các nhân viên quan thuế cũng áp đặt chính sách hai lon, hay là bốn cân Anh, số lượng sữa bột trẻ em mà du khách có thể đem ra khỏi lãnh địa. Vi phạm có thể bị phạt vạ đến 6,500 đô la và hai năm tù.
Các viên chức ở Hồng Kông nay coi những kẻ buôn lậu baby formula như là những băng đảng tội ác buôn lậu những thứ bột nguy hiểm hơn nhiều như ma túy chẳng hạn. Chả thế mà hôm tháng 4, cảnh sát quan thuế tổ chức một cuộc họp báo để loan báo chiến dịch hai ngày “chống buôn lậu sữa” đã đạt kết quả phá vỡ được ba băng đảng, bắt được 10 người và tịch thu một số lượng sữa lên đến 220lb trị giá 3,500 đô la.
Ở Hoa lục, sự sợ hãi đã khiến phụ huynh tìm đủ mọi cách để mua sữa “ngoại” cho con, vốn phát xuất từ vụ các công ty sữa chính đã cho chất melamine vào sữa để tăng độ chất đạm khi thử nghiệm, đã khiến một số viên chức “nhột.” Họ đang đòi đề cao phong trào “Mua hàng Trung Quốc” sử dụng lòng ái quốc và tự ái dân tộc.
Thành ra những du khách trở về đến Trung Quốc với một số lượng lớn sữa trẻ em phải tìm cách né tránh các viên chức quan thuế nay cũng áp dụng nghiêm ngặt lệnh giới hạn số sữa nhập cảng.
Allen Wang, tổng quản trị và đồng sáng lập ra địa chỉ Babytree.com, diễn đàn lớn nhất trên Internet dành cho phụ huynh ở Trung Quốc, giải thích, “Sữa bột là vấn đề quan tâm số 1 của các bà có bầu và các gia đình có con nhỏ. Nhiều người hỏi bạn bè ‘Bạn cố vấn tôi làm gì? Làm sao tích trữ các loại sữa ngoại quốc? Liệu có giúp tôi được nếu bạn đi du lịch ngoại quốc không?’”
Mọi sự khởi đầu chính là từ vụ xảy ra năm 2008, khi sáu em bé chết và hơn 300,000 em bị bệnh vì uống các loại sữa bột đã bị cho thêm melamine, một hóa chất có độc tính. Họ làm vậy là để né tránh thử nghiệm độ chất đạm trong sữa bột.
Phản ứng lại, người Hoa quay sang mua sữa nhập cảng. Nhưng trong những năm từ khi đó, đã có thỉnh thoảng những tin trên báo chí về một số các công ty phân phối hay bán lẻ ở Trung Quốc gian lận trộn sữa bột nhập cảng với các loại sữa bột Trung Quốc rồi cho lại vào các hộp mang nhãn hiệu nhập cảng. Việc này khiến người tiêu thụ Trung Quốc sợ ngay cả sữa nhập cảng trong nước và muốn mua thẳng từ ngoại quốc.
Một cuộc khảo sát ở Pew Research năm ngoái cho thấy là 41% người Hoa nói là an toàn thực phẩm là một vấn đề nghiêm trọng, so với hồi năm 2008 chỉ có 12% dân chúng Hoa lục lo sợ về an toàn thực phẩm.
Bà Tina, 28 tuổi, dân Quảng Châu và mẹ của một bé gái, than thở, “Làm sao chúng tôi có thể tin vào thực phẩm làm tại Hoa lục sau khi đọc những chuyện kinh khủng như vậy về an toàn thực phẩm? Chúng tôi là phụ huynh của con cái mình, và không ai có thể buộc chúng tôi có tội khi chúng tôi chỉ muốn cái gì tốt nhất cho con cái mình. Không phải là chúng tôi không yêu nước - chúng tôi chỉ không dám mạo hiểm.”
Tina, chỉ nói chuyện với tờ New York Times, với điều kiện là dùng tên tiếng Anh, nói bà nhận được 80% số sữa cho con qua bưu điện do gia đình gửi từ New Zealand về. Và gia đình mỗi tháng một lần đi Hồng Kông để mua tã và các đồ dùng khác cho em bé. Bà bảo, “Ða số bạn tôi nhờ những người đi ngoại quốc mang sữa về.”
Mặc dầu gần đây đã có phong trào cho con bú, nhưng nhiều bà mẹ vẫn còn tin là cho con uống sữa bột tốt hơn, phần vì các chiến dịch quảng cáo của các công ty sữa. Babytree.com nói là một cuộc khảo sát cho thấy khoảng hai phần ba gia đình ở Hoa lục dùng baby formula, và các nhãn hiệu ngoại quốc chiếm đến 60% thị phần. Tờ Beijing News loan tin hôm tháng 5 là số lượng sữa nhập cảng tăng vọt lên 310,000 tấn năm 2009, hơn gấp đôi con số năm 2008 khi vụ scandal về melamine bùng lên. Năm 2011 con số đã đã lên đến 528,000 tấn.
Giá cả cũng tăng theo nhu cầu. Cả Babytree.com lẫn ấn bản online của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc nói là giá sữa đặc ngoại quốc bán ở Trung Quốc đã tăng 30% từ năm 2008. Một lon 28-ounce nay giá trên 60 đô la.
Nhưng vì an toàn và cũng vì giá rẻ hơn, người Hoa ngày càng trông cậy vào việc mua trực tiếp từ ngoại quốc. Một nguồn cung cấp quan trọng là Internet. Những tay kinh doanh của các cửa hàng online đã kêu gọi mọi người ai biết người ở ngoại quốc để gửi sữa về Trung Quốc. Một công ty ở Anh chuyên bán các loại thực phẩm Ăng-lê cho người Anh ở ngoại quốc đột nhiên nhận được hàng trăm rồi hàng ngàn yêu cầu bán sữa từ Trung Quốc. Hỏi ra họ mới biết là một vài người Anh sống ở Hoa lục mách bạn bè người Hoa địa chỉ của họ. Công ty nay đã từ chối bán sữa cho khách hàng vì không tìm được đủ sữa để cung cấp.
Và đó cũng là trường hợp của bà Triệu. Hôm tháng 5, bà nhờ một người bạn đi công tác ở Anh mua cho mấy hộp sữa của một nhãn đặc biệt chỉ có ở Anh là Cow&Gate cho cô bé con của mình. Bà Triệu, chủ bút của Tencent, một địa chỉ Internet quan trọng ở Trung Quốc, bảo từ đó bà đã nhờ mua thêm nhiều sữa Cow&Gate. Lên Internet, bà liên lạc với những sinh viên đang đi học ở Anh, những bà nội trợ người Hoa đang sống ở Anh, và sẵn sàng chi cho họ tiền để họ mua sữa gửi về cho bà. Nhưng gần đây vì các cửa hàng ở Anh giới hạn nên thay vì sáu hộp bây giờ bà chỉ mua được ít hơn và phải trả giá cao hơn.
Mà tất cả chỉ vì sự mất niềm tin của giới tiêu thụ vào sản phẩm nội địa.
Tin mới
- Xe hơi: Người bán, kẻ mua - 05/09/2013 09:45
- Khi rừng tre trổ bông - 04/09/2013 11:23
- Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 : Tôi chỉ mong dòng nhạc tử tế được hát một cách tử tế - 03/09/2013 21:19
- Hiểm họa trong du lịch sông nước miền Tây - 03/09/2013 20:59
- Thanh niên gốc Huế mở chương trình dạy tiếng Anh miễn phí qua mạng - 01/09/2013 04:35
- Nghề bán xe hơi - 28/08/2013 14:08
- Tác động xấu của biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á - 26/08/2013 14:20
- Nét Việt Ở Havana - 24/08/2013 14:22
- Phong trào "xâm" - 16/08/2013 02:12
- Nhậu côn trùng ở Sài Gòn - 15/08/2013 22:32
Các tin khác
- Điện mặt trời - 11/08/2013 22:27
- Chuyện thịt bò : Cách mạng hay ảo tưởng - 10/08/2013 22:59
- Cuộc cạnh tranh giữa Facebook và búa liềm - 09/08/2013 01:21
- Văn hóa nhậu đạt ngưỡng đỉnh cao - 07/08/2013 04:08
- Nhiệt độ nóng hơn gây thêm nhiều bệnh tật - 07/08/2013 03:44
- Những bài diễn văn rùng rợn chưa từng được đọc - 03/08/2013 22:39
- Lần đầu tiên tạo được tế bào gốc từ da người - 29/07/2013 22:07
- Little Saigon: Bán phone, khai mất, bỏ hợp đồng, người mua lãnh đủ - 26/07/2013 03:30
- Câu chuyện thành công của McDonald's - 24/07/2013 13:46
- Tuyên bố của các tổ chức quần chúng Việt Nam - 23/07/2013 13:26