Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Gửi hàng từ Mỹ về VN: 'Dòng chảy' chưa ngừng nghỉ (Kỳ 2)


Kỳ 2: Món gì không cấm, đều có thể gửi


WESTMINSTER, Calif. (NV) – Khi nhu cầu gửi hàng về Việt Nam mỗi lúc mỗi trở nên cần thiết và thúc bách thì sự ra đời ngày càng nhiều của những dịch vụ “cargo” chuyển giao hàng từ Mỹ về Việt Nam là điều tất yếu.

Chỉ quanh quẩn ngay khu trung tâm Little Saigon, đã có không biết bao nhiêu là công ty chuyên về dịch vụ này. Nào là VietLink Global, VietShip Cargo, Á Đông Cargo, Air Cargo, Viễn Đông Shipping, Top Cargo, Anh Minh, Hồng Lan, An Phú, Lộc Trần, Sunshine Shipping,…

Tuy nhiên, cùng là dịch vụ nhận chuyển hàng giao hàng về Việt Nam, nhưng mỗi công ty lại có những đặc điểm, cung cách phục vụ và những qui định riêng của mình. Và tất cả những điều đó cũng góp phần làm nên sự phong phú và đa dạng trong lãnh vực kinh doanh này.


Phân loại hàng hóa để tính cước: hàng quà tặng, hàng buôn bán


Hiểu một cách giản dị nhất, ai muốn gửi hàng về Việt Nam thì chỉ cần mang những gì muốn gửi đến bất kỳ cơ sở nào mình biết, giao cho họ, trả cước phí theo thỏa thuận. Vậy là xong. Sau 5 đến 10 ngày, hàng sẽ đến tận tay người nhận.

Nghĩ là đơn giản vậy, nhưng thực tế, thế giới gửi hàng cũng “thiên hình vạn trạng”, lắm chiêu nhiều trò.

Những ai chưa từng gửi hàng về Việt Nam, khi nghe quảng cáo “Gửi hàng về Sài Gòn chỉ $1.99/lbs, về tỉnh $2.49/lbs” thì cứ nghĩ mình gửi bao nhiêu hàng cứ lấy số tiền đó nhân với trọng lượng thì ra số tiền cước phí. Nhưng thực tế số tiền cước phí mà khách phải trả được tính toán, phân chia khá tỉ mỉ, từ loại hàng hóa đến trọng lượng và thể tích món hàng nữa.

guiqua vn 21
"Ở đây bán cái gì, người ta gửi về Việt Nam cái đó." (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Anh Tài Nguyễn, chủ nhân VietShip Cargo trong khu Seven 11 nơi góc đường Magnolia và Bolsa, cho biết, “ Nói một cách nôm na thì hàng hóa gửi về được chia làm hai dạng: dạng quà biếu và dạng hàng buôn bán. Mỗi dạng có giá khác nhau. Hàng buôn bán thì dĩ nhiên phải đóng thuế, hàng quà biếu thường không đóng thuế. Tuy nhiên nếu hàng quà biếu nằm trong khung thuế do phía Việt Nam qui định thì khách vẫn phải đóng thuế.”

Như thế nào được xem là hàng quà biếu để không phải đóng thuế?

Anh Long Ngô, Giám đốc điều hành công ty Á Đông Cargo giải thích, “Cứ nghĩ đơn giản là một thùng hàng biếu tặng thì mỗi loại hàng có một đơn vị, như một cặp mắt kiếng, một chai dầu gội đầu, một hộp thuốc bổ, một đôi giày. Riêng với bánh kẹo, quần áo thì thường giá trị không cao nên không sao. Và tất cả giá trị thùng hàng nằm trong khoảng dưới $100.”

“Thế nhưng với những quần áo hàng hiệu, túi xách đắt tiền thì phải khai báo và đóng thuế,” anh Long nói thêm.

Mặc dù “thùng hàng quà biếu có giá trị dưới $100” nhưng thực tế hầu hết các công ty đều du di cho khách gửi hàng. Như với VietLink Global thì trong một thùng hàng, khách có thể gửi kèm theo hai đôi giày, một pound mỹ phẩm, một pound thuốc tây mà không bị tính thêm thuế. Ngay cả với Á Đông Cargo, để tránh bị đóng thuế khi trong cùng một thùng hàng có những món nhiều hơn số lượng qui định thì nơi này giúp khách chia ra thành nhiều thùng nhỏ trong điều kiện chấp nhận được.

Làm sao biết được đó là hàng buôn bán để tính thuế riêng?

Chị Thanh Nguyễn, đồng chủ nhân của VietShip Cargo cho rằng “Con mắt nghề nghiệp cho biết điều đó.”

Chị Thanh nói, “Nhìn một thùng quần áo quà tặng sẽ khác một thùng gửi về để buôn bán. Quần áo buôn bán thường được được giữ nguyên nhãn mác, bao bì, họ không chịu tháo ra. Còn quà biếu thì khách không ngại gỡ bỏ.”

Cũng theo chị Thanh, giá cước chênh lệch cho quần áo gửi về buôn bán so với quà biếu khoảng từ 50 cents đến $1. “Riêng mỹ phẩm, nước hoa, vitamin có thuế riêng đóng theo pounds, chứ không theo kiện hàng. Đồ điện tử cũng có thuế riêng, như một cái phone có thể bị tính thêm thuế từ $80 đến $100 tùy theo model.”

guiqua vn 22
Hàng Mỹ gửi về Việt Nam đang được nhân viên VietShip chuẩn bị đưa ra sân bay (Hình: Thanh Nguyễn cung cấp)


Hàng quà tặng: Ở đây bán cái gì, người ta có thể gửi cái đó


Trong khi anh Long cho rằng, “Khách gửi nhiều loại lắm nhưng nhiều nhất là các loại thuốc bổ bán ở Costco hay các loại thuốc uống bán ‘overcounter’ không cần toa bác sĩ như Aspirin, Tylenol, Advil, và một số thực phẩm thông dụng” thì anh Tài nói chắc nịch, “Ở đây bán cái gì thì người ta có thể gửi cái đó.”

Anh Tài diễn giải thêm, “Tùy theo nhu cầu của người gửi hay nhu cầu của người tại Việt Nam muốn gì thôi. Tôi từng nhận những hàng cao cấp trị giá cả chục ngàn đô cũng có, như giỏ xách, hàng thời trang cao cấp, rồi thậm chí đến giấy tissue, muỗng nhựa, đũa nhựa, tăm tre cũng gửi, đồ ăn thức uống cũng có luôn.”

“Ngay cả lạp xưởng họ cũng mua gửi về, vì nói người nhà thích thực phẩm an toàn. Có người gửi cả bình nhớt thay cho xe nữa, tốn rất nhiều tiền cước nhưng họ không ngại chỉ vì người nhà họ muốn xài. Tất cả đều do ý thích thôi,” anh Long tiếp.

Cũng theo anh Long, “Có những bác mang đồ chơi, bánh kẹo, chocalate đến nhờ gửi về, mà những thứ này rất nặng ký, mua tốn một nhưng cộng thêm tiền cước phí vô thành hai, thành ba, nhưng với những vị khách này thì vấn đề tiền bạc không được đặt lên trên, họ chỉ biết là khi người thân của họ nhận được những món quà đó thì họ vui, nhất là đồ từ Mỹ nữa, thành ra thùng hàng mang giá trị tinh thần nhiều hơn.”

Cũng trong ý đó, anh Tài cho biết, “Có những món hàng mua chỉ chừng$100, nhưng tiền cước tới $200. Nhưng mà có những cái thuộc về giá trị tinh thần mà mình không thể cân đong đo đếm được. Hoặc là những thứ mà ở Việt Nam không thể có được hoặc là giá trị khác biệt rất nhiều so với khi mình mua ở Mỹ, ví dụ như chai xà bông mua ở đây $10, về Việt Nam cũng giá tương đương đó, nhưng chất lượng hoàn toàn khác, nên thường họ chuộng hàng nước ngoài là như vậy. Chứ đem lên bàn cân đo đếm về giá trị thì rất khập khiễng, khó nói. Nói chung là hàng từ Mỹ gửi về thuộc về vấn đề tinh thần và chất lượng.”

Nhìn vào một số thùng hàng do khách mang tới chuẩn bị đóng thùng gửi về Việt Nam, phóng viên Người Việt nhìn thấy rõ ràng không chỉ có những loại thuốc bổ dành cho răng cho tóc cho xương khớp, mà còn có cả chà là khô, những gói rong biển (seaweed), hot coca mix, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, đồ cạo râu, chai lăn nách, bộ chân đèn cho bàn thờ, tăm chỉ, đồ chơi trẻ con, thú nhồi bông… Bên cạnh đó lại có những thùng hàng toàn giày dép thời trang, giỏ xách hiệu Coach còn nguyên bao bì,…

Giám đốc điều hành Á Đông Cargo nói thêm, “Laptop, đồ điện tử, phone cũng hay được gửi về. Thỉnh thoảng có những người thích gửi những đồ đặc biệt như dàn loa âm thanh, hay đồ phụ tùng xe hơi.”

“Đó thuộc loại nhóm đồ có giá trị. Nên ngoài việc đóng thuế riêng thì những món đồ đó mình phải yêu cầu khách mua bảo hiểm vì với những món đồ có giá trị thì công ty mình chỉ là dịch vụ thôi chứ mình đâu thể bảo đảm được chuyện bên trong đổ vỡ. Nên phải đề nghị có bảo hiểm khi xảy ra bể vỡ, hư hại thì mình dùng bảo hiểm đó để bồi thường cho khách,” anh Long giải thích.

guiqua vn 23
Cảnh gửi hàng, đóng hàng tại công ty VietShip Cargo (Hình: Thanh Nguyễn cung cấp)

Công ty VietShip của anh Tài cũng từng nhận gửi những máy móc liên quan đến y tế, hay những chiếc túi xách Louis Vuitton, những chiếc túi, những đôi giày hàng hiệu trị giá cả chục ngàn đô. Tất nhiên, những mặt hàng này ngoài việc phải trả một khoản thuế theo qui định thì bắt buộc khách phải mua thêm bảo hiểm cho món hàng.

Riêng về mặt hàng được gửi về để buôn bán, theo chị Thanh phần nhiều là quần áo, mỹ phẩm và nước hoa, bởi “Những thứ này sau khi trừ tiền thuế, tiền cước phí thì về đến Việt Nam bán vẫn lời rất nhiều.”



Sữa Ensure, dầu xanh Con Ó, trọng lượng tối thiểu và kích cỡ thùng hàng


Như đã nói, “hàng từ Mỹ gửi về là ai cũng thích. Đặc biệt hơn nữa là sữa cho người già và trẻ em, mà phải là sữa Ensure của Mỹ.”

Thế nên không có gì khó hiểu khi hầu như tất cả các công ty “cargo” đều có bày bán sữa Ensure để khách mua tại chỗ và có cả dịch vụ giao sữa Ensure tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng.

Chị Thanh của công ty VietShip cho biết, “Với sữa có hai cách chọn, một là gửi nhanh, trong vòng 24 tiếng giao, giá là $85/thùng, 6 hộp. Cách thứ hai giao chậm 7 ngày có, tức là mua sữa của tiệm rồi giao đi, cũng $85.”

Trả lời cho thắc mắc “Có gì khác nhau giữa gửi nhanh và chậm, khi mà giá tiền cũng như nhau?”, chị Thanh nói, “Gửi nhanh tức sữa mình luôn có sẵn bên kia, bảo đảm 100% là hàng của Mỹ, khách chỉ đến đây trả tiền là mình nhắn bên kia mang sữa đi giao ngay, vì đôi khi người bệnh nặng cần gấp đâu thể chờ cả tuần lễ. Tuy nhiên, nhiều người muốn yên tâm hơn, chắc chắn phải là sữa Mỹ thì họ tự đi mua hay đến chỗ mình mua, ký tên lên hộp sữa, rồi mới từ đây gửi về, thì phải mất cả tuần.”

guiqua vn 24
Sữa Enfamil, Similac ở Á Đông Cargo để sẵn sàng gửi về Việt Nam cho khách hàng (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tương tự, dầu xanh Con Ó cũng là một trong số những mặt hàng được người Việt Nam ưa chuộng và cũng được gửi đi trong cùng cách thức như sữa. Tại VietShip Cargo, một lố dầu xanh giao nhanh hay khách mua tại chỗ gửi đi đều cùng giá $55.

Tất cả các công ty làm dịch vụ gửi hàng đều không qui định số lượng tối đa mà khách muốn gửi, nhưng số lượng tối thiểu thì mỗi nơi mỗi khác.

Anh Long Ngô cho biết, với Á Đông Cargo thì “thùng hàng tối thiểu phải 11 pounds”, tức nếu trọng lượng khách gửi chưa đến 11 pounds thì vẫn phải trả tiền cước cho 11 pounds.

Với VietShip Cargo thì lại có qui định khác. “Thùng hàng dưới 5 pounds thì trả cước chung là $15. Thùng dưới 10 pounds thì trả $25. Và từ 11 pounds trở lên thì được hưởng giá tốt nhất,” chị Thanh cho biết.

Cô giải thích thêm, “Dĩ nhiên, với những mặt hàng phải trả thuế, như điện thoại, hàng thời trang cao cấp, mỹ phẩm, nước hoa... thì khách phải trả thuế điện thoại riêng, rồi sau đó mới trả tiếp tiền cước phí.”

Và cũng chính vì điều này mà có một số khách “né” đóng thuế bằng cách “giấu”, không liệt kê những món phải trả tiền thêm.

Chị Thanh kể, “Có khách mang đến thùng hàng 30-40 pounds nói là quần áo cũ. Nhưng với con mắt nghề nghiệp, nhiều khi mình có thể thò tay lấy ngay ra được một cái điện thoại khách nhét chung trong đó.”

“Với những trường hợp này, mình chỉ nhắc khách muốn gửi thì phải khai ra và đóng thuế, nếu không về đến bên kia họ thấy thì tịch thu nguyên thùng luôn vì cho rằng mình khai gian,” chị Thanh nói.

Anh Tài cho biết thêm một vấn đề cũng liên quan đến chuyện cước phí, “Khách gửi hàng cũng cần hiểu thêm khái niệm về một bên là cân nặng thật, một bên là cân nặng theo thể tích. Cùng trọng lượng, một thùng bông gòn có thể tích khác một thùng sắt.”

Theo anh Tài, đây cũng là điều qui định của các công ty vận chuyển. Thế nên, đôi khi trọng lượng khách mang tới chỉ nặng 15 pounds, nhưng khách được yêu cầu phải trả tiền cước cho 20 pounds, “đơn giản chỉ vì hàng khách gửi nhẹ nhưng lại cồng kềnh, chiếm nhiều thể tích, phải để trong thùng lớn, chẳng hạn.”

guiqua vn 25
Nhân viên của Á Đông Cargo giúp khách hàng sắp xếp hàng hóa vào thùng, gỡ bỏ bớt bao bì nhằm bớt tiền cước phí cồng kềnh (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Buồn vui của người làm dịch vụ gửi hàng


Nghe hỏi, “Có người cho rằng người nhà bên Việt Nam đã không nhận được đúng loại hàng hóa họ đã gửi, hoặc có khi bị thiếu, bị mất vài món đồ trong đó. Điều này thực hư thế nào?”Anh Tài trả lời ngay, “Làm nghề này chúng tôi vừa bảo vệ hàng hóa của khách vừa bảo vệ cơ sở làm ăn của mình nữa.”

“Có nhiều trường hợp khách la lên bị mất đồ, hay thùng hàng bị rọc, nhưng đó là hàng ký gửi đi máy bay cùng khách. Còn dịch vụ chúng tôi là 'cargo', chuyến bay 'cargo' không phải là chuyến bay dân sự nên hàng hóa được bảo đảm cao hơn so với hàng hóa của dân sự,” Anh Tài giải thích.

Theo anh Tài, “hàng hóa 'cargo' được đóng lên những 'palette', được quấn lại bằng loại băng keo đặc biệt rất chắc, tuyệt đối khi về đến kho hàng tại Việt Nam không có dấu hiệu bị rọc, rạch. Người chúng tôi bên đó đi nhận hàng phải kiểm soát thùng hàng dựa trên những niêm phong. Thùng hàng bên này cân 10 ký thì tay khách hàng cũng là chính thùng hàng 10 ký ấy.”

“Không biết những nơi khác như thế nào nhưng ở đây thì cam đoan rằng trừ những trường hợp khách quan lỗi do con người như bị dán lộn 'label', còn lại chưa bao giờ chúng tôi làm mất hàng của khách hết,” anh Tài khẳng định.

Nói về buồn vui của người làm dịch vụ chuyển gửi hàng, anh Long cho biết điều “ngán ngại” nhất chính là “luật ở Việt Nam bất chợt lắm.”

Anh nói, “Họ không có văn bản luật lệ gì rõ ràng hết. Ví dụ như iPhone, khi thì họ nói phone này áp dụng theo luật này đánh thuế cho vô, nhưng lại có đợt iPhone mới thì họ lại không cho vô. Vì những chuyện xảy ra như vậy nên chúng tôi không muốn nhận gửi phone nữa, rất là phiền.”

Với anh Tài thì “Mỗi ngày mình đóng hàng cho nhiều người nên mình biết có rất nhiều hoàn cảnh. Ngoài ra, nghề này còn có những cơ hội làm ăn trong đó vì nghề phục vụ mà, mình tiếp xúc với nhiều người, nhiều thành phần, nên từ đó phát sinh nhiều cơ hội làm ăn mà nhắm mắt mình không ngờ tới.”

Một điều khá xúc động mà cả anh Long và anh Tài đều nhắc đến, đó là “Làm nghề này, mình phải hiểu khi khách hàng gửi quà về cho người thân là họ gửi cả một nỗi niềm trong đó. Hiểu vậy, để ráng phục vụ tốt hơn.”

Switch mode views: