Buồn vui cùng những “thùng quà Mỹ” xa xưa
- Thứ Năm, 10 tháng Ba năm 2016 09:36
- Tác Giả: N.L
WESTMINSTER, Calif. (NV) - “Thùng quà Mỹ” một thời là niềm vui, là kỷ niệm, là nhung nhớ, là nụ cười và cũng là nước mắt, mồ hôi của người tị nạn bên này lẫn người thân yêu bên kia.
“Thùng quà Mỹ” của những năm 80, 90 lại càng là một “cứu cánh” để người ở lại nuôi thêm những ước mơ tính chuyện “tìm đường đi”, tìm đường sống.
Những mẫu chuyện nhỏ dưới đây chính là ký ức một thời của nhiều người từng viết thư xin đồ Mỹ, từng đi lãnh đồ Mỹ và cũng từng đi gửi đồ Mỹ về quê nhà. Ký ức đó, dù bao thập niên trôi qua, vẫn mãi là những dấu ấn đậm nét yêu thương cho một dân tộc luôn hứng chịu nhiều nghiệt ngã này.
Những thùng quà từ Mỹ chuẩn bị gửi về Việt Nam tại một công ty 'cargo.' (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Kỷ niệm viết thư xin quà Mỹ
Anh La Quốc Tâm, hiện là kỹ sư cao cấp của hãng Amway, nhớ lại:
“Mấy anh tôi đi vượt biên tới Mỹ chừng 1, 2 năm, một hôm có người đưa thư báo tin 'đi Sài Gòn lãnh đồ từ Mỹ.' Chưa bao giờ tôi thấy cả nhà năm đứa nhỏ cùng reo mừng, nhưng người mừng nhất chắc chắn là mẹ tôi vì thùng quà này sẽ giúp gia đình tôi khỏi cảnh cơ cực.
Hôm đó một mình mẹ từ Cần Thơ đi Sài Gòn tuyến xe tài nhất sáng sớm để nhận quà. Cả ngày mấy anh em tôi chờ mẹ về để coi thùng hàng từ Mỹ. Nhưng đứa nào cũng bất ngờ vì... mẹ về tay không! Những ổ bánh mì Sài Gòn to lớn với bồ câu quay mẹ mua ở bến phà Mỹ Thuận cùng trái cây, những cao lương mỹ vị của chúng tôi thời ấy, đã không làm đám con nít tụi tôi không quan tâm, tụi tôi chỉ mong thấy quà từ Mỹ mà thôi. Nhưng mẹ chỉ nói ngắn gọn, “Mẹ bán rồi.”
Sau này, mẹ kể lại cho biết thùng quà đó anh tôi được người ta chỉ dẫn nên gởi cái gì có thể bán được giá ở Việt Nam, nên thùng quà đó toàn vải và thuốc Tây.
Tôi không biết anh tôi mua hàng tốn bao nhiêu tiền và gởi tốn bao nhiêu tiền, chỉ biết rằng thùng quà đó là cứu cánh cho cả gia đình tôi, là cái vốn để mẹ tui đi buôn bán để rồi dành dụm và lo cho những chuyến vượt biên kế tiếp của tụi tôi.
Tôi nhớ khi cuộc sống có vẻ khá hơn, một lần mẹ kêu mỗi đứa viết vài hàng hỏi thăm anh tôi. Cùng một lá thư, đứa lớn viết trước, rồi chuyền xuống cho đứa kế tiếp, mỗi đứa vài dòng. Tôi thấy ai cũng hỏi thăm thì ít mà xin quà thì nhiều. Sợ mất phần, tôi cũng ráng chu mõ nắn nót viết xin quà. Lúc đó đang là con trai mới lớn, tôi thích đeo đồng hồ. Tôi xin anh cho tôi cái đồng hồ để lấy le. Rồi như thấy còn ít quá, tôi xin thêm cái quần jeans. Mà chả lẽ bận quần mà không bận áo, thế là tôi nhét vô thêm vài chữ xin luôn cái áo thun. (Cái thư đó mà giờ anh đem ra đọc cho cả nhà, trước mặt vợ và con tôi thì có nước tôi chung xuống lỗ trốn quá!)
Thư gửi đi có vài ngày, mà mỗi buổi đi học về là tôi cứ ngóng ông đưa thư còn hơn là trông chờ thư tình.
Đến ngày nhận được giấy báo đi lãnh đồ ở Sài Gòn, đêm đó tơi cứ trằn trọc không ngủ được (không phải để lo vận nước) mà chỉ vì không biết anh có thương tôi mà gởi về những thứ tôi xin.
Khi thùng quà được mẹ tôi và người cậu đi Sài Gòn lãnh và được cẩn thận khiêng vô nhà, cả nhà xúm xít vây quanh chờ đón. Vừa mở thùng ra, chu choa quà Mỹ nó thơm gì đâu. Không có đồng hồ, không có áo thun, nhưng tôi được cái quần jeans, mừng vô hạn! Lần đầu được mặc cái quần jeans của Mỹ, tôi thấy nó oai gì đâu!”
Kỷ niệm đi nhận đồ Mỹ
Cô Trần Nguyễn Kim Chi, một kỹ sư hiện sống ở Sài Gòn, cho biết:
“Thùng quà Mỹ đầu tiên mà mà và tôi đi nhận có trọng lượng khoảng 1.2 kg (tức khoảng 3 pounds). Đêm đó tôi trằn trọc suốt, không ngủ được vì nôn nao ngày mai đi lãnh hàng từ Mỹ. 5 giờ sáng, hai má con đã đi xếp hàng ở Bưu điện Chợ Lớn. Thùng hàng lãnh ra gồm một lon sữa ca cao, và 2, 3 cái áo vải xoa. Tôi nhớ lúc đó nhân viên Bưu điện hay Hải quan kiểm tra đồ rất kỹ. Họ cứ cầm cái lon ca cao lắc lên lắc xuống, nhưng không phát hiện gì.
Thế nhưng về đến nhà, tôi cầm cái lon ca cao và nhận ra nó bất thường. Thì ra là có một cái la bàn được giấu trong đó. Những người bạn đi vượt biên trước đã tìm cách gửi nó cho cậu tôi.
Cậu tôi đi vượt biên đến lần thứ bảy mới đến Thái Lan, sau khi trải qua hai lần bị cướp biển tàn bạo. Những ngày đầu qua Mỹ với hai bàn tay trắng, cậu vừa đi học vừa đi phụ rửa chén, lại dành dụm gửi tiền mua quà gửi về Việt Nam lo cho những người thân còn lại...”
Hình minh họa: Họa sĩ Nguyễn Thanh Vân/Người Việt
Bà Châu Hà ở Oregon cũng bâng khuâng nhớ lại kỷ niệm ngày đầu đi lãnh quà Mỹ:
“Trong xóm có ông đưa thư, mỗi khi nhà nào có giấy báo nhận quà Mỹ là ông to miệng la lớn như mừng dùm, nên ai cũng biết nhà trong góc cách nhà tôi hai căn có quà nhiều nhất. Mỗi lần họ khệ nệ ôm thùng quà về là cả xóm xôn xao, ồn ào vui cùng. Tôi nhớ nhất là những viên kẹo chocalate M&M nhiều màu được nhà đó chia cho.
Mỗi lần như vậy, ba mẹ tôi lại thở dài như có chút tủi thân vì nhà mình có con gái lớn theo chồng đi từ 1975, mà sao im re không có thùng quà nào hết.
Nhưng một năm sau, nhà tôi cũng có giấy nhận quà Mỹ từ chị tôi gửi về. Tôi được đi cùng ba ra bưu điện lãnh quà.
Đứng ngoài cửa lưới nộp giấy tờ, ba tôi thở dốc hồi hộp nhìn các nhân viên bưu điện bê thùng quà có tên của ba, rồi đổ tung thùng ra cái bàn để khám. Tôi nhìn vào chỉ mong làm sao khám lẹ lẹ để được ôm quà Mỹ về.
Không biết có phải lúc đó thuốc lá bị cấm hay không mà họ tịch thu cây thuốc lá ba số 555 màu đỏ. Nhớ mãi khuôn mặt buồn của ba lúc đó...”
Chị Trần Thị Hoàng, một cư dân Quận Cam, hồi tưởng:
“Quà Mỹ tôi nhận đầu tiên từ chị tôi là không phải 'thùng' mà là 'gói'. Gói nhỏ gồm một gói bột ngọt và một cây thuốc lá. Bột ngọt để lại dùng, còn thuốc lá thì bán. Trong nhà còn lại mấy đứa thì được mấy gói như thế. Vì chị tôi nói lần đầu gởi về Việt Nam, không biết có tới được tay người nhận hay không, nên chị không dám gởi thùng mà chia thành từng gói nhỏ.
Thời đó bột ngọt là mặt hàng hiếm nên nhận được mừng lắm.
Nhớ 'thùng' quà đầu tiên, tôi và người chị phải thức lúc 3 giờ sáng đón xe ra Lăng Cha Cả để xếp hàng vào phi trường Tân Sơn Nhất lãnh. Cứ tưởng mình đi sớm, không ngờ đến nơi thấy cả rừng người đến sớm hơn. Thôi thì rồng rắn để được thấy 'quà Mỹ.'
Vào được phi trường 'ôm' được cái thùng, rồi lại phải ngồi chờ tới phiên mình 'được' khui thùng để hải quan kiểm tra. Khi nghe các anh kiểm tra nói rất nhẹ nhàng rằng 'Ồ! Chai thuốc (trụ sinh) nầy tốt lắm', thì chị tôi bảo 'Nếu anh muốn thì lấy đi.' Các anh không ngần ngại 'Cám ơn'. Vậy là 'thùng' quà tôi được vội vàng chất lại, và thủ tục được làm với ba từ 'Nhanh-Gọn-Lẹ.'
Chị em tôi rời khỏi nơi nhận hàng, lên xe của phi trường đưa ra nơi buổi sáng xếp hàng thì mặt trời đã tắt nắng. Vất vả cả ngày, niềm vui buổi tối của chúng tôi được là 'ngắm' hàng Mỹ, dù biết rằng sáng mai mọi thứ sẽ lần lượt đem đi bán để thay thế cho nhu cầu cuộc sống gia đình.”
Cô Vân Nguyễn, một lập trình viên máy tính ở Arizona, kể:
“Thùng quà đầu tiên gia đình tôi nhận được từ người thân ở nước ngoài gởi về không phải là quà Mỹ, mà là quà Pháp. Trong thùng quà toàn là thuốc, hộp lớn hộp nhỏ hộp to hộp bé. Khi thùng thuốc về tới nhà thì cũng có rất nhiều người về theo để mua thuốc, họ ngồi dưới đất, nói nhiều cười ít, thì thầm thầm thì.
Trong thùng quà dường như còn có hai cuộn phim màu, cả nhà bàn tán sẽ chụp hình chung bao nhiêu tấm, chụp riêng mỗi người bao nhiêu tấm. Cái gì cũng ít ỏi hiếm hoi cho nên thấy quý vô cùng.
Thùng quà thứ hai là do anh tôi mang từ Mỹ về thăm nhà hồi năm 91. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn kẹo M&M, viên tròn tròn, đủ màu đủ sắc, có đậu phộng bên trong. Nhà đông anh em nên mỗi người chỉ được chia cho một nắm. Nhớ cái cảm giác giấu vài viên, gói cẩn thận, đem chia cho bạn. Nhớ cũng từ thùng quà này, anh tôi cho tôi cái áo thun có hai hàng chữ ‘Don’t worrry, Be happy!’. Đó là lần đầu tiên được mặc áo thun Mỹ, áo rộng thùng thình, mặc áo đóng thùng, đi theo anh ra ngoài Sài gòn chụp hình, đẹp lé mắt!”
Kỷ niệm đi gửi quà Mỹ
Một độc giả có nick name Trùm Sò, hiện sống ở San Jose, cũng mênh mang nhớ lại thưở chắt chiu dành dụm gửi quà về cho gia đình còn ở quê nhà:
“Nhớ mỗi lần cuối tuần tới tiệm AA Mini Fabrics bên hông Phước Lộc Thọ để đóng thùng quà gởi về Việt Nam là mỗi lần cháy túi.
Hồi còn đi học, làm 'work study,' lúc nào có vài đồng rủng rẻng rủng rỉnh là chạy tới tiệm nầy gởi quà. Bà chủ 'tư vấn' món nào bán được giá ở Việt Nam, món nào cần cho gia đình xài, mình chỉ việc 'ừ' là họ bỏ vô thùng. Lần nào cũng vậy, thấy thùng người ta bự tổ chảng đầy ắp mà thùng mình thì nhỏ xíu lại còn lưng lưng, bà chủ biểu bỏ hàng thêm cho đầy, mình cũng ái ngại thùng nhỏ nên gật đầu và lần nào cũng 'vung tay quá trán,' thủng túi, phải chạy ra ngân hàng gần đó lấy thêm tiền để trả.
Gởi xong thì thấy túi nhẹ, đầu nhẹ, mà người cũng nhẹ. Túi nhẹ là vì 'mậu lúi'. Đầu nhẹ vì làm xong bổn phận làm con. Người nhẹ vì dạ dày trống rỗng. Còn ít tiền lẻ, đi ăn tô phở cầm hơi, rồi ghé qua tiệm sách bên kia đường đọc lóm vài trang, nghe ké vài bản nhạc mà không còn tiền để mua mặc dầu trước đó định mua vài cuốn sách, vài CD nhạc thưởng thức.”
Cô Jennifer Nguyễn ở Garden Gorve chia sẻ:
“Khi tôi định cư ở Mỹ, mỗi lần chị Hai tôi đi gửi quà về Việt Nam là luôn kêu tôi đi theo phụ giúp. Nơi gửi giúp ý kiến gửi gì về bán được, cái nào thông dụng ở Việt Nam. Thường quà gửi về cho gia đình là thuốc tây, quần áo, vải vóc…
Chị tôi là người đã hy sinh quá nhiều cho gia đình, “lén” chồng con để gửi quà về giúp đỡ ba tôi nuôi các em. Thời đó tình trạng 'giúp gia đình em thì cũng phải giúp gia đình anh' luôn là vấn đề đau đầu của nhiều gia đình di tản năm 75. Ai cũng muốn gửi cho gia đình mình, nhưng tài chánh lại có hạn nên muốn gửi cho gia đình đôi khi phải giấu chồng giấu vợ.
Do được người khác bày mà dần dần chị em tôi biết cách giấu tiền trong thùng quà gửi về bằng cách vo tròn tờ $100 cho thật nhỏ, xong lấy băng keo dán kín và mở ống thuốc Bengay đút vào đó. Tiền bỏ thêm này là để ba tôi có tiền để đóng thuế nhận thùng quà kế tiếp. Sau khi đi gửi hàng về thì lập tức phải gửi thư để báo cho gia đình ở Việt Nam tìm những món đồ 'đặc biệt' đó, dĩ nhiên là phải nói bóng nói gió để chỉ có mình và gia đình biết thôi.”
Chị Bình Trịnh, hiện đang sống tại New York, bồi hồi:
“Ngày thứ ba khi vừa đặt chân tới Mỹ, tôi được bạn của người bà con dắt đi interview và bắt đầu làm công trên đất Mỹ này cho đến ngày hôm nay. Nhớ lúc đó ở nhà 'share' với bạn, nấu cơm để dành ăn suốt ngày, ăn sáng cũng ăn cơm luôn, nên chỉ vài tháng sau là gởi một thùng đồ to đùng về nhà. Bên tôi không có ai chỉ bảo nên mỗi cuối tuần đều đi mua nào là thuốc, đồ dùng trong nhà, búp bê cho nhỏ cháu, quần áo giày dép cho mấy đứa em, ai cũng có nhiều món hết.
Nhớ lúc sắp xếp đồ vô thùng chuẩn bị mang đi gửi thì nước mắt đoanh tròng, tôi biết mình gởi hết cả niềm thương yêu vào đó…” (N.L)
Related news items:
Tin mới
- Về Nhân Vật Lý Chánh Trung - 18/03/2016 09:04
- Khao khát của những bạn trẻ Tày, Nùng ở Cao Bằng - 14/03/2016 19:42
- Ngư dân Việt Nam mất ngư trường - 14/03/2016 19:36
- Lễ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma năm nay có gì lạ? - 14/03/2016 19:30
- ‘Người Xưa’ của Trần Đình Khải - 14/03/2016 19:14
- Chợ Kim Biên, chợ bán 'tử thần' - 14/03/2016 19:01
- Mong một lần sang Hạ Lào, nơi chồng hy sinh - 12/03/2016 11:10
- Sầm Sơn sau biểu tình - 10/03/2016 20:27
- Phụ nữ Sài Gòn nói về tân bí thư Đinh La Thăng - 10/03/2016 20:20
- Huế và bánh mì miễn phí - 10/03/2016 20:14
Các tin khác
- Người dân Sầm Sơn Thanh Hóa tiếp tục biểu tình - 06/03/2016 01:26
- Những cánh đồng hấp hối vì hạn, mặn - 04/03/2016 16:46
- Những người phu già trên cửa khẩu Tân Thanh - 04/03/2016 16:40
- Thế hệ trẻ Nhật Bản xa lánh hôn nhân & tính dục - 03/03/2016 21:57
- Sài Gòn, ‘Có khóa vẫn mất’ - 29/02/2016 23:29
- Những mẻ lưới đầu năm - 27/02/2016 23:16
- Gửi hàng từ Mỹ về VN: 'Dòng chảy' chưa ngừng nghỉ (Kỳ 2) - 27/02/2016 23:09
- Gửi hàng từ Mỹ về Việt Nam: 'Dòng chảy' chưa ngừng nghỉ (Kỳ 1) - 24/02/2016 21:23
- Tết của người Việt già trên đất Mỹ - 24/02/2016 20:50
- Hà Nội, mùa Xuân và rác… - 24/02/2016 00:57