Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sau miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên khốn khổ vì 'đại hạn'


VIỆT NAM (NV) - Tình trạng khô hạn ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên của Việt Nam nghiêm trọng không kém miền Nam.

Trung tâm Dự Báo Khí Tượng-Thủy Văn Việt Nam vừa cho biết, tình trạng khô hạn tại miền Trung đang càng ngày càng trầm trọng và mức độ trầm trọng có thể vượt xa mùa khô 1997-1998, 2004-2005, vốn từng được xem là chưa hề có.

song krongnang khocan
Hạn hạn khiến sông Krông Năng ở Ðắk Lắk biến dạng. (Hình: Thanh Niên)

Cơ quan này bảo rằng, mùa khô 2015-2016 ở miền Trung sẽ hết sức khốc liệt và dài. Khô hạn vốn đã xuất hiện từ cuối năm 2015 và ít nhất cũng sẽ tiếp tục cho đến tháng 6. Thậm chí nhiều nơi tại miền Trung và Tây Nguyên hoàn toàn không có mưa cho đến tháng 8, tháng 9.

Theo Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam thì mực nước của tất cả các hồ chứa nước ở miền Trung và Tây Nguyên đều đã tụt sâu xuống bên dưới mức trung bình. Ðó là lý do khiến 9/21 hồ chứa nước thuộc lưu vực sông Cái ở Phan Rang, Ninh Thuận không thể cấp nước cho trồng cấy, 6 hồ khác chỉ đáp ứng một phần nhu cầu nên đến vụ Hè-Thu sẽ phải bỏ hoang khoảng 10,000 hecta đất trồng lúa.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Khánh Hòa, do lượng nước của các hồ chứa nước ở tỉnh này chỉ còn từ 30% đến 40% dung tích thiết kế nên đến vụ Hè-Thu cũng sẽ phải bỏ hoang khoảng 10,000 hecta đất trồng lúa. Chưa kể còn có 35,000 người thiếu nước sinh hoạt.

Ở Bình Thuận, đã có khoảng 15,500 ha đất trồng lúa vụ Ðông Xuân (tương đương 40% diện tích đất trồng lúa cả tỉnh), khoảng 460 hecta đất trồng các loại cây khác bị hư hại do thiếu nước. Nước cũng sẽ là nguyên nhân chính khiến 20,000 hecta đất trồng lúa trong vụ Hè-Thu phải bỏ hoang.

Tại Tây Nguyên, hiện nay đang có 2,900 hecta đất phải bỏ hoang vì các hồ chứa nước chỉ có khả năng cung cấp nước cho 30% diện tích canh tác. Tháng sau, diện tích đất tại Tây Nguyên phải bỏ hoang do thiếu nước sẽ tăng lên thành 180,000 hecta. Chỉ tính riêng tỉnh Ðắk Lắk, mùa khô năm nay sẽ có khoảng 25,000 gia đình thiếu nước dùng.

Giống như miền Nam, các viên chức cao cấp của chính quyền Việt Nam đã đến miền Trung để thảo luận, tìm giải pháp đối phó với khô hạn.

Giới lãnh đạo tám tỉnh phía Nam miền Trung và khu vực Tây Nguyên như: Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Ðắk Lắk, Ðắk Nông... đều đề nghị phải hỗ trợ vốn xây dựng thêm và mở rộng các công trình thủy lợi song đây vốn là chuyện bất khả thi vì chính quyền Việt Nam không có tiền.

Trước đó, giới lãnh đạo các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long từng hối thúc chính quyền trung ương cấp tiền để xây dựng các con đê ngăn nước mặn song ông Cao Ðức Phát, bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn bảo rằng, công quỹ đã cạn. Muốn thực hiện các công trình chống hạn và ngăn mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì phải có khoảng bốn tỉ Mỹ kim.

Trong bối cảnh ngặt nghèo và cần hành động cấp bách để ngăn nước mặn tràn vào ruộng đồng do nước ngọt tụt giảm, ông Phát chỉ hứa sẽ... bàn bạc với Bộ Tài Chính rồi... đề nghị thủ tướng Việt Nam chỉ đạo... Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư làm việc với... Ngân Hàng Thế Giới xin vay tiền.

Ở miền Trung, giới lãnh đạo các tỉnh đã lên án gay gắt hoạt động của các nhà máy thủy điện, vốn là nguyên nhân gây nhiều xáo trộn trong thời gian vừa qua (cả lũ lụt lẫn hạn hán đều nghiêm trọng hơn bình thường do những nhà máy này xả lũ hoặc tích nước để chạy máy phát điện). Họ yêu cầu chính quyền trung ương phải buộc các nhà máy tủy điện của Tập đoàn Ðiện Lực Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với bộ phận điều độ nguồn nước của quốc gia và các địa phương.

Hội nghị bất thường về hạn hán ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên kết thúc với lời khuyên của một viên phó thủ tướng là dận chúng nên chuẩn bị tinh thần để “sống chung với hạn hán”!

Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của Việt Nam thì khuyên dân chúng giảm tối đa chuyện trồng lúa để chuyển tối đa sang trồng những loại cây sử dụng ít nước nhưng không cho biết đó là những loại cây gì và hoa lợi ra sao. (G.Ð)

Switch mode views: