Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ông thợ giày tuổi 95 và triết lý 'không xỏ lá'


ÐÀ LẠT (NV) - Làm thế nào một người đàn ông ở tuổi xưa nay hiếm có thể bền bỉ với cái nghề đóng giày thủ công mà vẫn giữ được sự minh mẫn? Ông Hồ Út, chủ nhân của tiệm giày mang tên mình tại Ðà Lạt, nay ở tuổi 95, kể với tôi những câu chuyện thú vị về nhân sinh và nghề làm giày thủ công.

Cuộc đời gắn liền với những chiếc giày

Khi tôi ghé lại tiệm giày Hồ Út, trời đã chạng vạng. Nằm lọt thỏm giữa các căn nhà cao, khang trang, tiệm giày này nhỏ xíu, xập xệ và còn thấp hơn mặt đường cả nửa mét.

tiemgiay ho ut 1Công việc hàng ngày này ông Hồ Út đã làm từ năm 17 tuổi đến nay.

Buổi chiều, con gái ông Út bày bàn ghế từ lề đường vào trong nhà để bán bánh căn. Ngồi dưới một cái đèn đã cũ, người đàn ông tóc bạc như cước, cao cỡ chừng 1.5m, chỉ còn lại một khoảng nhỏ xíu để tiếp tục cặm cụi với chiếc giày đang đóng dở dang. Vừa tiếp chuyện tôi, tay ông vẫn không ngừng phết keo lên bề mặt da.

Thật khó tin là người đàn ông này đã 95 tuổi vì đôi mắt hãy còn tinh anh, tai không bị nghễnh ngãng và dáng đi vẫn nhanh nhẹn như mới qua tuổi 70.

Ông Út kể rằng ông sinh năm 1919 ở Ðà Nẵng, Quảng Nam. Thuở ấy, nhà ông có nghề làm vàng nhưng ông lại mê mẩn những chiếc giày nhảy đầm nên quyết theo học nghề làm giày.

Ông kể vanh vách về chuyện học nghề như mới diễn ra hôm qua. “Tôi đi học nghề ba năm, bị ông thầy đánh lên đánh xuống mỗi khi làm sai. Thầy tôi dạy kỹ lắm vì mình làm đôi giày cho người ta mà đi chừng vài tháng bị hả miệng, bong đế thì mang tiếng chết. Tôi còn nhớ mình học ba năm chỉ được thầy cho 3 đồng bạc, nhưng nhờ vậy mà tôi có được cái nghề làm cả đời, khách hàng chưa bao giờ phải phàn nàn về những đôi giày tôi làm,” ông Út cho biết.

Tiệm giày Hồ Út
Ðịa chỉ: 115 Phan Ðình Phùng, thành phố Ðà Lạt.
Một đôi giày da bò đóng theo cỡ chân tại đây giá 600,000 đồng, tức $30. Thời gian giao hàng: một tuần sau khi đo chân. Nếu không muốn chờ đợi, khách có thể mua giày đóng sẵn với cùng mức giá.
Riêng khách ngoại quốc thì giá 2 triệu đồng, tức xấp xỉ $100/đôi vì theo giải thích của ông Út: “Chân họ dài, rộng nên tốn da hơn.”

Theo ông Út, nghề đóng giày thủ công gắn liền với những thăng trầm của thời thế. Ngày trước, khách hàng của ông thường là giới công chức, người Tây nên mẫu giày ông đóng nhiều nhất là giày công sở và giày nhảy đầm. Ông tự hào mình là người đóng giày cho những khách hàng có chân bị dị tật hoặc bàn chân dài, cong quẹo, mất ngón... Do những đôi giày này thường khó làm và thời gian làm lâu hơn nên các tiệm giày khác thường từ chối nhưng ông thì không.

Nguyên tắc của ông Út là chỉ đóng giày da thật vì chỉ có da thật được cắt và may khéo léo mới góp phần tạo nên nét đẹp sang trọng và tinh tế cho chiếc giày. Do mọi công đoạn đều phải làm bằng tay thật tỉ mỉ nên mỗi ngày ông chỉ làm được một đôi giày thành phẩm. Vì thế, khách hàng chỉ được nhận giày một tuần sau kể từ ngày đo chân. Ông cũng không ngại từ chối những người đến đặt hàng và nôn nóng muốn lấy giày ngay ngày hôm sau với câu: “Tôi không làm ẩu được.”

Tôi cầm những chiếc giày trưng bày trong tủ lên và nhận thấy chúng không hề có số và thương hiệu bên trong như các tiệm giày khác.

Ông Út giải thích ngắn gọn: “Tại tôi không muốn để tên mình cho người ta đạp lên vậy thôi. Còn về kích cỡ, tôi chỉ cần nhìn qua bàn chân là biết số giày người ta mang.”

Chứng nhân của Ðà Lạt xưa

Chuyển vào sinh sống ở Ðà Lạt ở tuổi đôi mươi, ông Út lập gia đình với một người phụ nữ bán hàng ăn. Nhờ tiếng lành đồn xa mà tiệm giày Hồ Út ngày càng đông khách, ông làm không ngơi tay quanh năm suốt tháng, từ nhiều thập kỷ qua. Thu nhập từ nghề đóng giày thủ công khiến việc nuôi đàn con tám đứa trở nên nhẹ nhàng.

tiemgiay ho ut 2Con trai ông Út (phải) đang đo giày cho khách hàng.

Khi tôi thắc mắc về chuyện ngày trước kiếm được nhiều tiền sao ông không sửa nhà, mở cửa tiệm khang trang hơn? Ông Út thật thà nói: “Tại tôi hồi trẻ kiếm được nhiều tiền nhưng ham mê đánh bạc rất dữ. Không thì tui mua hết cả dãy nhà trên đường này rồi.”

Ông già tuổi 90 miêu tả về Ðà Lạt vào những năm một nghìn chín trăm hồi đó: “Ngày ấy, Ðà Lạt lạnh và nhiều sương mù hơn bây giờ nhiều, buổi sáng và buổi tối, người ta ngồi gần nhau mà không thấy rõ mặt. Người ít, nhà ít, chỉ toàn rừng thông với đồng rau và những đám quỳ hoang. Ðà Lạt còn vắng vẻ nên bước ra khỏi nhà, người ta hay gặp thú hoang. Trong đó có cả cọp, beo, gấu... lảng vảng ở các khu vực Xuân An, Dốc Nhà Bò, dọc suối Cam Ly...”

Ông kể thêm, “Tôi còn nhớ con gái Ðà Lạt hồi xưa đẹp lắm, môi đỏ má hồng, khiến những người đàn ông từ nơi khác đến phải ngất ngây quên đường về. Tuy đời sống và sự thịnh vượng không so được với Sài Gòn, nhưng người Ðà Lạt thuở trước có cách hành xử nề nếp đáng quý lắm. Sống thời bây giờ, tôi không còn nhận ra những điều đó nữa. Những người ở thời tôi dần mất đi, lớp trẻ bây giờ sống khác quá, mọi thứ cứ vội vã làm sao.”

Sống thọ nhờ... chơi bida điều độ

Nhìn ông Út cần mẫn với cây kim, sợi chỉ, búa, đinh... tôi cứ thắc mắc làm sao ông vẫn giữ được nhịp làm việc đều đặn mỗi ngày bất chấp sự nghiệt ngã của thời gian, trong lúc nhiều người ở tuổi này chỉ có thể nằm yên một chỗ vì bệnh tật.

tiemgiay ho ut 3Tiệm giày Hồ Út mở cửa quanh năm và đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều khách hàng muốn có một đôi giày đẹp, vừa chân.

Ông già nở nụ cười thật hiền: “Tôi sống điều độ lắm, không rượu bia, thuốc lá bao giờ. Ngày nào tôi cũng ăn một dĩa xôi, hai tô phở và dùng hai cữ cà phê tại quán gần nhà. Lúc nghỉ trưa, tôi thường đi đánh bida độ với các thanh niên ở đây. Trời cho sống đến tuổi này, tôi cũng không mong cầu gì hơn mọi thứ cứ yên ả như hiện tại. Anh thấy đấy, tôi sống vui, không bệnh tật gì, làm ăn đàng hoàng, chẳng xỏ lá ba que, bà con chòm xóm ai cũng thương, tiệm giày có khách đều đều. Thử hỏi tôi có gì để phàn nàn?”

Vợ mất đã hơn 10 năm, niềm an ủi còn lại là ông có hai người con trai theo nghề đóng giày thủ công. Ba thế hệ trong gia đình ông sống trong căn nhà nhỏ xíu cũng là tiệm giày và quán bán bánh căn vào mỗi buổi chiều.

Ngoài khoản thu nhập từ tiệm giày, mỗi tháng ông nhận được 240,000 đồng, tức $12 tiền dành cho người cao tuổi. Không sống phụ thuộc vào con cháu như những người già khác, ông Út tự giữ các khoản tiền mình kiếm được.

Cuối buổi trò chuyện, ông già 95 tuổi buột miệng kể, mấy tháng trước, có một chị nhà báo Hà Nội vô phỏng vấn đã đời xong móc túi ra cho ông... 30,000 đồng, tức $1.4 và còn nói là trả công tiếp chuyện. Ông từ chối vì thấy kỳ cục quá.

Do không nán lại Ðà Lạt lâu hơn một tuần để kịp nhận giày đóng, tôi chọn mua một đôi dép da do ông làm với giá 270,000 đồng, tức $13. Chắc vì có chút cảm tình với nhà báo từ Sài Gòn ra nên ông bớt chút đỉnh còn 250,000 đồng, tức $12.

Chào tạm biệt ông Hồ Út, tôi hẹn một ngày không xa sẽ quay lại Ðà Lạt lâu hơn để đóng một đôi giày da thật đẹp. Và tôi tin là ông sẽ sống qua tuổi 100.

Switch mode views: