Nghề đan lưới mùa nước nổi
- Thứ Hai, 15 tháng Mười Hai năm 2014 11:28
- Tác Giả: RFA
Kéo lưới để phục hồi. RFA photo
Mùa nước lên đối với người làm nghề đan lưới ở đồng bằng sông Cửu Long là một mùa ăn nên làm ra, thay vì phải đi làm thuê khắp các miệt vườn hoặc bôn tẩu lên thành phố, những người đan lưới lại bắt đầu một chu kì kiếm tiền không rời nhà. Với người miền Tây nói chung và người Cà Mau nói riêng, nghề đan lưới bao giờ cũng là nghề được xếp vào nhóm ổn định nhất mặc dù không có ai làm giàu nhờ vào nghề này được. Bởi lẽ, sự trồi sụt của con nước đã góp phần làm cho người đồng bằng châu thổ có một đời sống lênh đênh, bất ổn nhiều hơn là an cư ổn định. Nhưng dù sao, nghề đan lưới cũng là nghề tốt đối với những cuộc đời muốn hướng đến điều gì đó tốt đẹp, không quá sóng gió.
Nghề của ổn định trong khó khăn
Chị Bé Nên, làm nghề đan lưới từ năm 13 tuổi, đến nay đã ngót nghét hai mươi năm làm nghề này, chia sẻ: “Cũng đi biển, ghe lưới nhỏ thì họ đi gần bờ. Khi họ đi biển về thì họ mướn mình đi vá mướn. Ngày cũng chỉ được một trăm đến một trăm rưỡi ngàn. Chủ yếu là họ thuê phụ nữ, trong thời gian ngắn thôi.”
Theo chị Bé Nên, trong các nghề ở miệt sông nước Cửu Long, có lẽ nghề đan lưới là nghề ổn định và ít vất vả hơn cả, tuy nghề theo mùa nhưng lại giúp cho người làm nghề thấy an tâm hơn mọi nghề khác. Ở đây, hoặc là chọn nghề đan lưới với thu nhập mỗi ngày không quá 120 ngàn đồng trong những ngày cuối mùa và 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng vào giữa mùa, hoặc là bôn tẩu xứ người, thậm chí lên thành phố làm việc ở các hiệu massage, quán cà phê, quán nhậu, tiếp thị bia… Vì không còn lựa chọn nào khác.Nghề vá lưới. RFA photo
Với những cô gái miền Tây nói riêng và phụ nữ miền Tây nói chung, họ có rất ít cơ hội lựa chọn để vào đời. Vì ngay từ giai đoạn đi học, cơ hội để học lên phổ thông trung học cũng đã quá xa vời vì những vùng hẻo lánh phải đi học rất xa, có khi việc đến trường bắt đầu từ 4h sáng với xuồng ba lá, vỏ lãi, tàu cao tốc tuỳ vào điều kiện của mỗi gia đình. Nhưng đó chỉ mới là chuyện học tiểu học, trung cấp cơ sở, nếu muốn học trung cấp phổ thông, tức là cấp ba thì phải tìm nhà trọ trên thị trấn mới có thể học ổn định. Chính vì thế, nhà nào ở xa trung tâm mà lại không có điều kiện kinh tế ổn định thì cao lắm cũng chỉ có thể cho con học hết lớp 9 là cùng.
Sau quá trình ăn học, đa phần các cô gái hoặc là chấp nhận làm nghề đan lưới, thợ làm vườn, phụ hồ, làm cá khô hoặc bôn tẩu xứ người để “tìm đường cứu nước”. Và, đa phần các cô gái miền Tây đã “tìm đường cứu nước” bằng cách tìm đến các đường dây môi giới hôn nhân với người nước ngoài, lên thành phố làm tiếp thị bia, bán quán cà phê, làm dịch vụ massage và không ngoại trừ nhiều cô đã chọn nghề bán thân nuôi miệng. Có thể nói những cô gái miệt Tây Nam Bộ chọn nghề bán thân nuôi miệng chiếm tỉ lệ rất cao trên toàn quốc từ trước đến nay.
Mặc dù gần đây, những cô gái bán thân nuôi miệng ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Quảng Nam, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị chiếm số lượng rất cao nhưng vẫn không thể qua mặt được các cô gái miệt vườn Tây Nam Bộ. Hầu như họ có mặt trên toàn quốc, ngay cả phía Bắc, họ cũng qua mặt cả những cô gái Bắc Hà, Sapa, Hà Nội về số lượng.
Cũng theo chị Bé Nên, tuy rằng các côi gái chọn cách “tìm đường cứu nước” sẽ sớm có tiền, sớm ăn chơi, phung phí và xài tiền như nước nhưng cũng rất sớm lụi tàn và khi đã hết tuổi xuân, đa phần các cô rơi vào bệnh tật, mệt mỏi, cô đơn không nơi nương tựa. Quê nhà trở thành xa lạ và các cô lại trở thành gánh nặng gia đình. Nghề đan lưới, bám trụ ở quê tuy gian khổ nhưng lại cho chị Bé Nên một mái ấm hạnh phúc với chồng con vui vẻ, sum vầy sớm tối có nhau. Với chị như vậy là quá đủ.
Thu nhập thấp nhưng bình anMột xưởng lưới ở Cà Mau. RFA photo
Về Đất Mũi, Năm Căn, Đầm Dơi, Cà Mau, đi bất kì nơi nào, người ta cũng có thể tìm ra những làng đan lưới với hình ảnh các cô gái, những phụ nữ luống tuổi ngồi miệt mài đan những tay lưới dài. Mỗi tay lưới có thể dài từ vài chục mét đến vài trăm mét, thậm chí có nhiều tay lưới dài hàng ngàn mét.
Chị Liên, thợ đan lưới ở Đất Mũi, Cà Mau, chia sẻ: “Làm thuê thì họ thuê mình theo tháng nhưng cũng không đều, khi nhiều khi ít. Họ tính cũng giống như công nhân, tính theo tháng. Còn đi biển thì ngày nào người ta trả ngày đó. Họ thuê vá lưới, bán cá… nói chung là thu nhập cũng không ổn định.”
Theo chị Liên, nghề đan lưới ở Đất Mũi không phải là một nghề hái ra tiền, chỉ là nghề theo thời vụ, bắt đầu mùa nước nổi, lượng lưới được tiêu thụ mạnh hơn nhằm thay thế lượng lưới cũ đã làm việc hết công năng. Và vào mùa này, thợ làm lưới có thể kiếm được mỗi ngày từ 150 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng, cơm nước do chủ cơ sở sản xuất bao.
Nhưng quãng thời gian tiêu thụ lưới chỉ kéo qua chưa đầy ba tháng, sau đó nghề làm lưới ế ẩm hơn, tiền công của người thợ cũng giảm xuống từ 120 ngàn đồng đến 170 ngàn đồng. Lúc này, đa phần công việc là vá lưới, đan lưới nhỏ gần bờ, lưới trên sông chứ không phải loại lưới xa bờ nữa. Với chị Liên, đây là quãng thời gian chị ngồi nhà nhận lưới về vá. Trung bình mỗi ngày kiếm được 150 ngàn đồng. Có nhiều ngày làm cật lực, chị kiếm được trên 300 ngàn đồng.
Vấn đề kiếm nhiều tiền hơn bình thường vốn không quan trọng đối với chị Liên mà cốt lõi vẫn là đươc gần gũi các con nhỏ, trông nom và chăm sóc các con. Chính vì điều này, chị Liên cảm thấy mãn nguyện với bất kì mức thu nhập nào, miễn sao đủ để mua gạo là tốt rồi.
Cũng theo chị Liên, có rất nhiều người phụ nữ ở Tây Nam Bộ chỉ mong mỏi có được đời sống gia đình êm ấm, không cần phải học đòi hay theo đuổi bất kì một giấc mơ xa vời nào, miễn được sống bên cạnh chồng con, vui vẻ, êm ấm và chỉ cần có đủ thu nhập cho những bữa ăn tuy đạm bạc mà ấm áp tình cảm gia đình và con cái có tiền để đi học.
Dường như đó cũng là giấc mơ chung của rất nhiều cô gái miệt Tây Nam Bộ, nhưng rất tiếc, đời sống, xã hội đã xô dạt họ về phía vô định, không lối thoát!
Related news items:
Tin mới
- Việt Nam đang 'chảy máu' nhà cổ - 20/12/2014 14:05
- Thượng Viện Canada mở lại hồ sơ Hiệp Định Paris 1973 - 19/12/2014 18:13
- Chợ nhỏ Sài Gòn, chợ của người nghèo - 18/12/2014 01:08
- Rượu giả từ Trung Quốc tràn lan dịp Tết - 17/12/2014 00:54
- Các quán nhậu đang thi nhau tàn sát thiên nhiên - 17/12/2014 00:43
- Campuchia từ chối trục xuất người Thượng theo yêu cầu của VN? Quốc Việt, thông tín viên RFA - 17/12/2014 00:35
- 'Những Đứa Trẻ Thông Minh Nhất Thế Giới,' và vì sao? - 14/12/2014 22:31
- Xóm dân chài bên cầu Ðồng Nai - 13/12/2014 14:24
- Tòa phúc thẩm y án bà Bùi Thị Minh Hằng - 12/12/2014 20:07
- Sài Gòn, ai còn ham đá cá lia thia - 10/12/2014 20:31
Các tin khác
- Ông thợ giày tuổi 95 và triết lý 'không xỏ lá' - 09/12/2014 19:31
- Văn hoá Trung Hoa trên đất Huế - 08/12/2014 12:34
- Gian lận, chuyện thường ngày tại các cây xăng ở Việt Nam - 08/12/2014 12:04
- Văn Học Miền Nam 54-75 'chỉ 20 năm, nhưng vô cùng quan trọng' - 08/12/2014 11:59
- Chiếc Cầu Qua Sông Hố Lương - 05/12/2014 15:31
- Người Việt đỏ đen ở Campuchia - 05/12/2014 15:18
- Ngư dân Quảng Ngãi lại bị tàu Trung Quốc tấn công - 01/12/2014 22:17
- Người Thượng Tây Nguyên trốn tại Campuchia - 01/12/2014 22:07
- Thêm 39 người Việt tị nạn ở Thái Lan được nhận sang Canada - 01/12/2014 21:57
- Nạn khai thác cát và dòng chảy thay đổi - 01/12/2014 21:51