Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nạn khai thác cát và dòng chảy thay đổi


khaithac cat 1Máy hút cát trên sông Trà-Khúc, Quảng Ngãi. TTVN/RFA

Hiện tượng các con sông đổi dòng, sau một đêm có thể nhấn chìm cả một đoạn đê hoặc một dãy nhà xuống sông không còn là chuyện lạ ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Bởi lẽ, một phần do thuỷ điện, phần khác do khai thác cát không có qui trình, khai thác một cách tàn bạo đã khiến các con sông bị tổn thương và trở nên dữ dằng hơn, dòng chảy luôn bị thay đổi và mối nguy hiểm luôn rình rập đời sống trên bờ. Hiện nay, nạn khai thác cát phục vụ cho xây dựng đang là vấn nạn ở miền Trung.

Khai thác cát phục vụ ai?

Ông Trung, cán bộ quản lý tài nguyên môi trường ở Quảng Ngãi chia sẻ: “Cứ như hút miết rứa cũng hết, máy mạnh, hệ thống mạnh, nó hút lén, cái đó do môi trường quản lý. Như Cen-co 5, làm đường cao tốc thì có quyền hút vì đây là công trình mang tính phúc lợi xã hội. Nhưng hiện tại họ hút lén là chủ yếu. Hoặc là mua phiếu của bên tài nguyên môi trường, nói chung là nhiều kiểu lắm…”.

Theo ông Trung, sở dĩ có chuyện khai thác cát ngày càng tàn bạo và không dừng ở mức khai thác trộm mà ở một số nơi, các đối tượng khai thác cát dùng cả vũ lực để đe doạ cán bộ chức năng là do nhu cầu sử dụng cát quá lớn và khai thác cát là một phi vụ siêu lợi nhuận. Người ta chỉ tốn tiền nhiên liệu vài trăm ngàn đồng nhưng lại thu về hàng chục triệu đồng sau mỗi chuyến khai thác.

Vốn đầu tư cho một chiếc tàu chở cát và máy hút cát có giá cao lắm cũng chỉ ngót nghét nửa tỉ đồng nhưng nếu suông sẻ, khai thác hết công suất của dụng cụ, máy móc sẽ thu về hàng chục tỉ đồng. Chính vì thế, những kẻ đã lao vào đầu tư cho nghề khai thác cát sẽ tìm mọi giá để làm giàu. Và đáng ngại nhất chính là nhu cầu sử dụng cát trong xây dựng tái định cư, trong qui hoạch đền bù, nói chung là công trình nhà nước luôn là sân sau tốt nhất cho dân khai thác cát.

Thường thì các chủ ghe cát sẽ làm việc ăn chia với các chủ thầu công trình và bên đại diện hợp đồng thi công, cứ mỗi khối cát đổ vào công trình, các chủ thầu và đại diện thuê thi công sẽ được hưởng từ 10% đến 20% trên giá thành của khối. Đó là chưa muốn nói đến chuyện nâng giá khống để các bên hưởng khoản tiền này, bên cung cấp cát chỉ cần lấy đúng giá của khối cát trên thị trường là đã có lãi cao ngất.

Chính vì kiểu làm ăn này mà bên khai thác cát có đất sống và khai thác bao nhiêu cũng không đủ. Hơn nữa, các công trình giải toả đền bù và thi công ở Việt Nam luôn chọn những đám ruộng nông dân đang canh tác để thực hiện. Bởi vì số tiền đền bù cho đất ruộng chỉ chiếm 10% so với số tiền đền bù đất thổ cư, đất vườn. Có khi tiền đền bù một mét vuông đất ruộng vừa đủ để mua một ổ bánh mì. Và cũng chính vì thế, khối lượng cát và đất núi đổ vào các công trình nhiều vô kể.

khaithac cat 2Tàu khai thác cát cập bến

Mà một khi các công trình này còn xây dựng, mặc dù chỉ để chiếm diện tích rồi đắp mền nhưng nhu cầu về cát đổ nền cũng như đất núi lấp mặt trên vô cùng lớn. Đương nhiên nguồn cung cấp sẽ là các chủ vựa, chủ tàu cát. Mặc dù nhà cầm quyền cấm khai thác nhưng trong một số trường hợp họ bỏ lơ để dân khai thác cung cấp đủ khối lượng cho công trình. Những trường hợp thả lơ như thế, cơ quan chức năng sẽ được hưởng tỉ lệ phần trăm khá cao. Nói chung, đa phần cát khai thác trái phép trên các con sông lại được phục vụ một cách hợp pháp các công trình nhà nước.

Những dòng sông tật nguyền

Một cư dân ven sông Trà Khúc, Quảng Ngãi, tên Luận, chia sẻ: “Ban ngày nó hút lưng nước thì nó đem vô. Nó hút cát sạn, mà sạn là chủ yếu, cát thì bao la. Nó hút làm ảnh hưởng trên bờ, nhiều chỗ bị xoáy loét vào sâu trong chỗ dân ở, các cái lổ hút cát rồi thì sâu hoắm. Ban ngày nó vẫn để máy trên sông đó, đến khuya thì hút, nó làm lén, nhưng mà chạy rần rật à. Nói chung là phức tạp lắm…!”.

Ông Luận cho biết thêm là trong vài năm trở lại đây, con sông Trà Khúc vốn hiền hoà bỗng trở nên dữ tợn mỗi khi nước lũ kéo về, dòng chảy của nó thất thường, không biết đâu mà lần. Mới hôm nay dòng nước liếm phía bên bờ này ném phù sa về bờ bên kia thì ngày mai lại làm ngược lại. Điều này cho thấy đáy sông đã tổn thương nghiêm trọng. Lớp trầm tích triệu năm dưới đáy sông đã bị tùng xẻo và nguy cơ dòng sông nổi giận sẽ khó mà lường được.

Và cũng theo ông, tất cả mọi dòng sông lớn chỉ còn sức mạnh đúng nghĩa của nó khi lớp trầm tích triệu năm nơi đáy sông còn tồn tại, lớp trầm tích này đóng vai trò giống như nguyên khí của dòng sông, nó đảm bảo dòng chảy của sông được định hình, không lệch lạc. Một khi lớp trầm tích này bị cày xới, độ cứng cần thiết cũng như độ cân bằng thuỷ trọng của nó không còn. Lúc này, dòng nước sẽ quay lại phá sâu vào lòng cát, tạo ra những trận cuồng xoáy dữ dội nơi đáy sông. Và càng ngày, vết thương của đáy sông càng thêm lở loét.

Hiện tại, những vòi hút cát cắm khắp dòng sông cũng chẳng khác gì mấy so với các ống kim tiêm chích xì ke. Nếu như các ống kim tiêm chích ma tuý khiến cho cơ thể ngày càng suy nhược, bệ rạc thì những vòi hút cát đâm vào đáy sông khiến cho con sông ngày càng trở nên ốm yếu, hom hem và dòng chảy ngày càng lệch lạc, đe doạ đời sống của người dân hai bên bờ. Dòng sông vốn dĩ hiền hoà, nhiều lần đi vào thơ ca bỗng trở nên hung tợn và nguy hiểm.

khaithac cat 3Các loại tàu dùng để chở cát

Và một khi dòng chảy của sông thay đổi, mọi chuyện trên bờ cũng thay đổi theo. Bởi nền văn minh lúa nước mấy ngàn năm của người Việt vốn dĩ phụ thuộc vào đời sống của những con sông lớn. Cho đến hiện tại, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào các con sông. Những dòng sông dần chết đi với mùa mưa thì nước lũ dâng lên dữ tợn, cuồng nộ, mùa nắng thì trơ đáy cát đã khiến cho người nông dân không ít bận điêu đứng.

Và việc hút cát ở các dòng sông để lấp đầy các cánh đồng, sau đó bỏ các công trình đắp mền hàng chục năm, nông dân không có ruộng để làm, sống teo tóp trong vài thửa ruộng chưa qui hoạch hoặc đi làm thuê tứ xứ, các con sông thì đổi dòng, chẳng còn “mưa thuận gió hoà” đối với người nông dân nữa… Trong khi đó, tình trạng nước biển liên tục dâng cao, mỗi năm, diện tích bị ngập mặn của đồng bằng càng thêm nới rộng.Tất cả giống như một dấu hiệu về sự nổi giận đang chuyển sang cấp độ trừng phạt của thiên nhiên đối với con người.

Trách nhiệm này thuộc về ai? Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ mà những người dân như ông Luận muốn biết tỏ tường nhưng chưa có cơ quan chức năng nào dám trả lời thẳng vào câu hỏi này!

Switch mode views: